Thủy điện và mưa lũ miền Trung

22 Tháng Mười 20207:21 SA(Xem: 7225)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ NĂM 22 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Thủy điện và mưa lũ miền Trung


21/10/2020


image001Mưa lũ gây ngập lụt ở Quảng Bình. Ảnh chụp màn hình từ Vietnamnet.


Hoàng Hoành Sơn


Báo Thanh Niên, ngày 10/10, có bài: “lũ chồng lũ vì thủy điện điều tiết”. Bài viết cho biết, hầu hết các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam) hôm qua 10.10 đều ở mức trên mực nước đón lũ. Cả 3 thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đều phải xả nước điều tiết lũ xuống hạ du, khiến “lũ chồng lũ” (1).


Đấy chỉ mới tính riêng khu vực Quảng Nam. Nếu tính cả Huế, Quảng Trị và Quảng Bình do mưa lũ kèm theo sạt lở đất mấy ngày gần đây sẽ thấy tình trạng thê thảm hơn bội phần. Lũ đặc biệt lớn trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy - Quảng Bình) vượt mức lũ lịch sử năm 1979, làm nhiều người chết.


Mưa lũ và sạt lở đất khiến số người tử vong ở 10 tỉnh miền Trung và Tây nguyên tăng lên 102. Số người mất tích là 26. Tối 19/10, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai thông tin, ba tỉnh thiệt hại về người nhiều nhất là Quảng Trị 48 người, Thừa Thiên Huế 27 người và Quảng Nam 11 người. Đến 16h chiều nay, ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có 166.780 ngôi nhà đang bị ngập, đã sơ tán hơn 28.900 hộ với khoảng 90.900 người. 924 ha lúa, 106.616 ha hoa màu bị ngập lụt, thiệt hại, 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi (2).


Tại sao năm nào cũng tái diễn lũ chồng lũ, cũng thủy điện xả lũ bắt chợt người dân như thế? Câu trả lời có sẵn trong hồ sơ xây dựng thủy điện của Bộ Công Thương. Tính đến 2018, tập đoàn điện lực VN báo cáo: cả nước có 818 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất lắp đặt 23.182 MW. Trong đó, đã đưa vào khai thác sử dụng 385 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 18.564 MW, đang xây dựng 143 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 1.848 MW và đang nghiên cứu đầu tư 290 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 2.770 MW (3).


Trong đó, Quảng Nam có tổng cộng 42 dự án thủy điện gồm 10 dự án lớn, 32 dự án nhỏ và vừa, nhưng tỉnh này vẫn muốn xây thêm nhiều thủy điện nữa (4). Huế, nơi có thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở khiến 17 công nhân và 13 quân nhân bị vùi lấp. Đây là DATĐ thứ 13 được cấp phép ở tỉnh này (5). Tỉnh Quảng Trị hiện có 8 dự án thủy điện đã đi vào vận hành, phát điện. Nhưng thời gian tới Quảng Trị sẽ còn hàng loạt dự án Thủy điện khác đi vào hoạt động khi nhiều dự án nghìn tỷ được cấp phép và đang trong quá trình xây dựng (6). Tỉnh Quảng Bình cũng không hề chịu kém cạnh về số lượng thủy điện. Bên cạnh những thủy điện lớn trên sông Gianh, Long Đại và Kiến Giang, tỉnh này còn muốn làm thêm 20 thủy nhỏ và vừa khác nữa (7).


Trên đây là một vài chỉ số về hiện trạng bùng nổ thủy điện tại miền Trung VN. Dĩ nhiên, trên các bản báo cáo trình chính phủ phê duyệt xây đập thủy điện, EVN luôn đề cao rằng thì là: công trình thủy điện kết hợp khai thác nguồn nước, điều tiết dòng chảy, hạ cao trình mực nước lũ, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch và nhất là sử dụng nguồn nước cho tưới tiêu, điều tiết nước sinh hoạt và cải tạo môi trường sinh thái, khai thác tiềm năng thuỷ điện hiệu quả về kinh tế xã hội, vân vân và vân vân.


Hiển nhiên, lợi ích luôn là mục tiêu được EVN và các nhà đầu tư xây dựng thủy điện nhắm tới. Nhưng ích cho dân chẳng thấy đâu mà trước mắt lợi cho EVN, các nhóm lợi ích và cá nhân cán bộ lại rất nhiều.


Công trình thủy điện thường có tuổi thọ hơn 100 năm. Chi phí cho bảo dưỡng công trình cũng rất ít. Nhờ vào thủy lực nên năng lượng thủy điện tạo ra rẻ hơn gấp nhiều lần, so với nhiệt điện hoặc điện hạt nhân vốn phải mất khá nhiều chi phí mỗi năm và đầu tư công nghệ cao. Trong tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia, thủy điện hiện chiếm 41% (8). Nhưng hiện thực giá điện mà người dân cả nước đang sử dụng của EVN có rẻ đúng như theo lẽ phải rẻ không? Hay EVN xây dựng nhiều thủy điện gần biên giới nước bạn chỉ để xuất khẩu điện? Và giá điện vẫn tiếp tục cao để EVN móc túi người dân đầu cơ cho các công trình thủy điện mới và cứ tiếp tục như thế mà dân không hề biết tiền đó sẽ đi vào tài khoản cá nhân nào?


Các công trình thủy điện cải tạo môi trường sinh thái đâu chưa thấy, chỉ riêng việc hủy hoại rừng đầu nguồn và rừng nguyên sinh là có thật 100 phần trăm. Thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở hàng chục ngàn mét vuông và còn hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng và nguy hiểm khác tại khu vực này. Lý do lớn nhất cho việc nước thấm gây sạt lở núi và lũ quét chính là không còn cây cối ở rừng đầu nguồn để cản nước, giữ đất. Vì thế, khi thời tiết trở nên cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, mưa to, mưa kéo dài sẽ kích hoạt cho thảm họa sạt lở đất diện rộng và lũ quét cực kỳ nguy hiểm.


Việc xây thủy điện phụ giúp vào sản lượng điện chung cả nước, nhờ sức nước để giúp đời sống người dân bớt chật vật, giảm thiểu nhiệt điện gây ô nhiễm là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, cái sự bùng nổ các công trình thủy điện mẹ bồng con, em cõng anh trên các tuyến sông khắp các vùng cao nguyên Trung phần và khắp dãy Trường Sơn đã khiến tài nguyên rừng bị chặt phá không thương tiếc, cây cối và khoáng sản bị khai thác vô tội vạ. Thủy điện chỉ là phương tiện biện minh cho mục đích khai thác tài nguyên đất nước và rừng là đối tượng được nhắm tới. Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, trong phạm vi 26km, sông Rào Trăng đã phải ôm 4 thủy điện. Những công ty do EVN chọn thầu đã hủy hoại 200 ha rừng đặc dụng để xây thủy điện (9) và còn biết bao ha rừng bị tàn phá khác khi mở đường vận chuyển máy móc đến địa điểm xây dựng này.


Vậy hơn 800 thủy điện trên khắp cả nước đã, đang và sẽ phá hoại tài nguyên rừng tại VN đến mức nào? Rừng quả thật là đã hết, theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha. Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430ha rừng (10). Rừng được ví như áo giáp để bảo vệ sự sống của môi trường và cả trái đất. Chính quyền VN nói chung và bộ công thương nói riêng nghĩ gì khi họ trực tiếp hủy hoại chiếc áo giáp quý giá này.


Rừng hết cây chết, nên rừng không thể bảo vệ người dân vùng xuôi. Sạt lở, xói mòn, lũ quét ngày một gia tăng và dòng nước cứ thế tràn về hạ lưu. Quảng Nam, Huế, Quảng Trị và Quảng Bình đã vang tiếng than khóc của hàng trăm ngàn người dân đang đêm phải leo lên nóc nhà, bu bám trên những đỉnh cao còn sót lại kêu cứu. Mưa trắng trời, biển nước mênh mông dâng tới nóc nhà. Trong dòng nước chảy xiết chực cuốn trôi tất cả, người dân đành buông xuôi mọi tài sản, thực phẩm, đồ vật để tự cứu mình và người thân trong gia đình, nhất là người già yếu, người bệnh, người khuyết tật và trẻ em. Đã có những trường hợp thiệt hại nhân mạng thương tâm khôn xiết kể. Một người chồng gào khóc bất lực trước mênh mông nước lũ đã cuốn trôi người vợ và đứa con yêu dấu trong bụng chưa kịp chào đời. Đó là hình ảnh đại diện đầy tang thương cho những mất mát khôn nguôi của người dân nghèo miền Trung.


Điều kỳ lạ là công năng thủy điện trong việc điều tiết nguồn nước, hạ cao trình mực nước lũ chỉ được biết đến qua việc xả lũ và xả lũ. Mùa khô thủy điện giữ lại nước khiến hạ lưu khô kiệt. Mùa mưa thủy điện cứ thản nhiên xả lũ theo kiểu mưa nhỏ xả ít, mưa lớn xả nhiều và mưa to xả thả ga để cứu đập hơn là cứu dân. Mọi hậu quả đều đổ lên người dân; từ việc ngâm nước bạc dễ gây cảm thương hàn và nhiều bệnh ngoài da cho đến bị dòng lũ cuốn trôi hoặc làm hư hỏng các vật dụng gia đình, hoa màu đến mùa thu hoạch tan hoang; con người và cả gia súc gia cầm trôi mất hoặc chết. Điều đáng nói là công năng của thủy điện chỉ giúp gia tăng dòng chảy cho mưa lũ, giúp mức nước đạt đỉnh lịch sử chứ không hề có điều tiết nào như báo cáo trình bày.


Như thế, thủy điện gây họa hơn là sinh lợi. Từ 10 năm qua, miền Trung đều phải gánh chịu lũ lụt lên cao lên nhanh hơn những năm chưa có thủy điện và ngày càng khốc hại hơn. Năm nào cũng nói đến chuyện thủy điện xả lũ và cứ thế mà không hề có giải pháp cụ thể. Đang khi Bộ Công Thương vẫn tiếp tục ký duyệt xây thêm thủy điện.


Dân nghèo luôn là đối tượng hứng chịu tai ương lũ lụt thảm khốc nhất. Rõ ràng chẳng có “biệt phủ” cán bộ nào bị cuốn trôi trong lũ lụt, vì biệt phủ được xây dựng cao và quá chắc chắn. Các biệt phủ này luôn có nội thất bằng gỗ quý, do thợ khéo đến tận phủ xẻ gỗ và làm thành phẩm. Nguồn gỗ này được các công ty con của quân đội, do các tướng tá sở hữu cung cấp và chúng được khai thác trực tiếp từ các thủy điện vốn nằm tại những nơi rừng nguyên sinh đầu nguồn, được hô biến thành các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc, từ bộ bàn ghế, phản, trần nhà, tranh khảm trong biệt phủ của các đảng viên cao cấp ở VN.


Có lợi, đảng viên hưởng; có họa, dân tự chịu. Điển hình là ông Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước VN, chỉ có lời kêu gọi giúp đỡ người nghèo, đồng bào vùng lũ chứ không hề đến thị sát hoặc đưa ra giải pháp cứu trợ khẩn cấp nào hỗ trợ người dân đang cơn nguy khốn (11). Vậy thuế khóa dân đóng không có phần nào dành cho cứu trợ khẩn cấp sao? Hoặc ít là bớt những khoản chi đại hội đảng bộ các cấp để hỗ trợ tức thời cho người dân đang cần thực phẩm và nước sạch ngay lúc này. Tại sao không truy cứu trách nhiệm của những thủy điện xả lũ gây úng ngập, nước dâng nhanh gây chết người khiến dân chúng điêu đứng. Hay đảng đã biến nó thành một điều hiển nhiên hàng năm do thiên tai chứ không do nhân tai?


Điều đáng nói về thủy điện và mưa lũ ở miền Trung lúc này còn diễn tả sự vô ơn của đảng cộng sản VN đối với rừng thiêng sông núi. Suốt những năm tháng chiến tranh VN, bộ đội miền Bắc đã dựa vào rừng núi để áp dụng chiến tranh du kích, ẩn nấp dưới tán cây của rừng, ăn những sản vật của rừng, dùng những cây thuốc của rừng, dựa vào rừng. Vậy mà 45 năm sau, bao nhiêu cánh rừng bạt ngàn của VN hầu như không còn nữa. Quả là qua cầu rút ván, hết chiến tranh đảng đã chở gỗ của rừng về nhà cho đỡ nhớ chăng? Hoặc thâm hiểm hơn, đảng muốn biến những thủy điện thành những công cụ chiến tranh khi cần khống chế dân? Chận nguồn nước dân hạ nguồn hết cục cựa, khi cần xả lũ ngồi nhà đỡ ra đường biểu tình, lo ở nhà chống lụt khỏi suy nghĩ bậy bạ về Đồng Tâm, biển đảo hoặc đại dịch Vũ Hán v.v…


Nghịch lý ở VN là chính quyền đảng cộng sản không có sự đồng cảm giữa người với người. Một minh họa về điều này là hình ảnh người đàn ông mất vợ và đứa con sắp chào đời trước dòng nước lũ vô hồn ngày 13/10. Trong ngày này, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn rực rỡ cờ hoa, tổ chức đại hội đảng bộ lần thứ 17, vẫn mơ tưởng một thủ đô “xanh – thông minh – hiện đại”, vẫn báo cáo chính trị là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh; tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững… như không hề có chuyện lũ lụt, chết người tang thương gì đang xảy ra. (12)


Một đảng cộng sản dửng dưng trước đồng bào đau khổ, một thể chế không chọn dân làm gốc, cứ để dân “sống chết mặc bây”, có nhắm mục tiêu giúp dân sống an bình, hạnh phúc chăng? Nếu mấy triệu đảng viên nhóm họp đó dẹp đại hội đảng qua bên, xăng xái ra miền Trung cứu lụt, hỗ trợ người dân trong cơn nguy biến thì đẹp biết mấy. Đáng tiếc là nghĩa cử cao đẹp đó không hề xảy ra trong tâm khảm những người cộng sản thời nay. Chỉ có người dân tự động kêu gọi nhau kẻ ít người nhiều, tự đi cứu trợ đồng bào vùng lũ. Hình ảnh của biết bao nhóm thiện nguyện tự phát lan tràn khắp trên mạng xã hội. Cá nhân ca sĩ Thủy Tiên đã huy động hơn 100 tỷ đồng cứu giúp người dân miền Trung (13).


Tuy nhiên, số tiền mà Thủy Tiên quyên được chỉ nhỉnh hơn môt chút so với 70 tỷ mà Đại biểu Quốc Hội Phạm Phú Quốc bỏ ra mua quốc tịch Cyprus; hay như hiệu trưởng đại học Lương Công Nhớ có 100 tỷ gởi tiết kiệm; hoặc 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của riêng bộ công thương chẳng hạn (14); và con số khổng lồ mấy chục ngàn tỷ đồng hàng năm chi cho các Ủy ban mặt trận tổ quốc, Trung ương đoàn thanh niên cộng sản HCM, các Hội thuộc trung ương v.v… và còn biết bao tiền xây biệt phủ, đổ máu công an và người dân lành vô tội để dành đất đai, tiền gởi con cái đi du học nước ngoài; trong khi lương cán bộ nào cũng chỉ ba cọc ba đồng, muốn có trăm tỷ phải mất hơn 200 năm chắt chiu chứ không thể ngày một ngày hai mà có. Tất cả số tiền kể trên không có dịp chạm đến tay người dân lúc khẩn cấp. Chúng được chuyển tiếp qua tài khoản cá nhân, trở thành tài sản của các nhóm lợi ích hại dân phá nước.


Một điều đáng lo ngại cuối cùng chính là trình độ của các tướng lãnh quân đội VN hiện nay. Một trận mưa lũ đã làm lộ ra biết bao yếu kém trong công tác đào tạo mọi mặt cho bộ đội VN. Quân đội chỉ chăm chăm lo làm kinh tế, đầu óc lo tính toán tiền bạc lợi lộc, thời gian đâu trau dồi binh tài thao lược? Cả xưa và nay, các tướng giỏi phải nắm rõ thiên thời địa lợi, biết khi nào trời có gió có mây, tính toán được nơi đóng quân an toàn, chiếm lợi thế phòng ngự phản công. Vụ đợt sạt lở đất khiến 13 quân nhân, trong đó có viên tướng quân đội Nguyễn Văn Man, thiệt mạng gần thủy điện Rào Trăng 3; rồi 22 quân nhân chết trong sạt lở đất tại Đoàn kinh tế, Bộ quốc phòng 337, Hướng Hóa – Quảng Trị, cho thấy khả năng tiên lượng và nhanh nhạy trong việc chiếm được địa lợi hay không. Chỉ mới một trận lũ và sạt lở đất mà cả tướng và quân đều lúng túng không biết nên tiến hay lùi, chẳng biết chạy đi đâu để đi thẳng vào chỗ dễ bị vùi lấp. Ngay cả chọn địa điểm đóng quân cũng không biết lựa chỗ an toàn, lấy đâu ra những nhà phân tích chiến lược, bài binh bố trận trong thời binh biến?


Tóm lại, miền Trung gánh chịu lũ chồng lũ do biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết ngày càng cực đoan hơn. Nhưng đồng thời, vì những thủy điện chồng thủy điện làm cho việc điều tiết nước không được như ý. Việc xả lũ ban đêm càng làm trầm trọng thêm cho biến cố thiên tai kèm theo nhân họa. Rốt cuộc mọi đau khổ đều do dân gánh lấy. Thảm họa thiên tai tuy gây nhiều đau khổ nhưng vẫn không đáng lo cho bằng nhân họa lòng người dửng dưng vô cảm, nhất là từ phía chính quyền địa phương cho đến trung ương, chẳng có ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cũng không hề có kế sách hỗ trợ nhân dân khi nguy cấp. Điều đáng lo là người dân Việt vẫn câm lặng cam chịu mà không hề có lời đòi hỏi quyền lợi với chính quyền. Ý thức công dân và tư duy phản biện người Việt đo được trong mùa mưa lũ này có lẽ ở mức zero. Vậy nên thảm cảnh mưa bão, lũ lụt sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới và chính quyền vẫn cứ ung dung tự tại như chả có chuyện gì to tát ngoài đại hội đảng.


Tư liệu tham khảo:


(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/lu-chong-lu-vi-thuy-dien-dieu-tiet-1289932.html


(2) http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Ban-Kinh-te-Trung-uong-ung-ho-dong-bao-Mien-Trung-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-lu-lut/411231.vgp


(3) https://www.evn.com.vn/d6/news/385-cong-trinh-thuy-dien-dang-van-hanh-tren-ca-nuoc-6-12-22154.aspx


(4) https://tuoitre.vn/phong-ve/da-co-42-thuy-dien-quang-nam-van-muon-xay-them-1351768.htm


(5) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ai-la-chu-dau-tu-thuy-dien-rao-trang-3-noi-co-nhieu-nguoi-mat-tich-1735551.tpo


(6) https://vietnambusinessinsider.vn/quang-tri-dang-co-nhung-du-an-thuy-dien-nao-14164.html


(7) https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/quy-hoach-phat-trien-thuy-dien-vua-va-nho-tinh-quang-binh-den-nam-2020.htm


(8) https://www.evn.com.vn/d6/news/Cung-ung-dien-nam-2019-Nhieu-thach-thuc-6-12-22666.


(9) https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khu-bao-ton-om-4-thuy-dien-d2695.html


(10) https://laodong.vn/xa-hoi/nhung-he-luy-tu-mat-rung-ngay-cang-nghiem-trong-817416.ldo


(11) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-keu-goi-giup-do-nguoi-ngheo-dong-bao-vung-lu-682088.html


(12) http://thanglong.chinhphu.vn/thong-qua-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tp-ha-noi-lan-thu-xvii


https://www.sggp.org.vn/hom-nay-1410-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tphcm-lan-thu-xi-hop-phien-tru-bi-691173.html


(13) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thuy-tien-quyen-duoc-hon-60-ty-nhieu-nghe-si-len-duong-ra-mien-trung-682229.html


(14) https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-bo-cong-thuong-tran-tuan-anh-noi-ve-12-du-an-nghin-ti-thua-lo-638311.ldo

24 Tháng Sáu 2013(Xem: 18328)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 19251)
Các thể chế chính trị trên thế giới có thể được hình thành bằng những cách thức khác nhau và mang những tính chất khác nhau.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 17620)
Vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày Thứ Năm, 13 tháng 6 năm 2013, phái đoàn đảng Việt Tân gồm ông Tổng Bí Thư Lý Thái Hùng, Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong và ông Nguyễn Tấn Anh đã có một cuộc gặp gỡ và trao đổi về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Úc, Thượng Nghị Sĩ Bob Carr tại văn phòng chính phủ tại thành phố Sydney.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 18836)
Hoạt động thường niên của giới vận động dân chủ người Việt mang tên Họp Mặt Dân Chủ vừa được tổ chức tại Hà Lan.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 22216)
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Shangri-La vừa qua đánh dấu một chuyển biến trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và vẫn đòi hỏi có thêm các đánh giá đúng mức sau nhiều bình luận khen chê trong và ngoài nước.
28 Tháng Năm 2013(Xem: 22738)
Những định nghĩa pháp lý cho các chính thể Việt trong cuộc chiến chấm dứt ngày 30/4/1975 có vai trò quan trọng cho lập luận của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự quan trọng này không chỉ vì công hàm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng, mà còn vì Hà Nội đã không khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1954 đến 1975-1976.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 18720)
Trong số báo kỳ này, ban biên tập đưa ra đề tài: Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Hải Ngoại có cần, không cần, hay nửa cần nửa không tham dự vào việc sửa lại Hiến Pháp của nước CHXHCNVN. Đề tài này hiện nay đang tạo nhiềy ý kiến sôi nổi ở trong nước, nhưng ở hải ngoại, ngoài một vài chỉ dấu hạn hẹp (thường là nhận thấy trên một số khẩu hiệu, băng rôn trong các buổi mít tinh) hầu như không thấy có cuộc hội thảo, bàn luận, hay một tổ chức chính trị nào chính thức đưa ra trong các hội luận, diễn đàn mang tính cách công cộng quần chúng.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20834)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 21974)
Sở dĩ có tên Kiến nghị 72 là vì có 72 người đứng tên trong danh sách đầu tiên ký vào Kiến nghị, bao gồm nhiều nhân sỹ trí thức được nhiều người biết đến như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A...
23 Tháng Năm 2013(Xem: 22171)
“Cái mà người ta mong đợi là có nói đến Điều 4 nhưng họ không đụng gì đến cái đó cả,” ông than phiền. Ông cũng giải thích rằng hiện thời ở Việt Nam chưa đủ ‘thời cơ’ để tiến tới tự do chính trị, đa đảng phái, dân chủ hoặc đối lập. Điều 4 của bản Hiến pháp, vốn là nền tảng cho quyền lực của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đã bị những người chỉ trích nhận xét là không dân chủ và yêu cầu bãi bỏ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19659)
Ông Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trong chương trình Thời sự nói về lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc vừa gây tranh cãi khi phát biểu trên Truyền hình Việt Nam phủ nhận vai trò trong kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp của các trí thức, còn gọi là Kiến nghị 72. Hôm 4/2, ông Lộc đã dẫn đầu đoàn 15 nhân sỹ trí thức tới trao kiến nghị cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20386)
Ngày 22/03/2013, đài truyền hình Việt Nam chiếu một đoạn phỏng vấn cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, nói về việc ông ký vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp do 72 nhân sĩ trí thức khởi xướng ngày 19/01/2013 và về việc ông làm trưởng đoàn đi trình bản kiến nghị này cho Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 04/02/2013.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19539)
Việc đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang dần dần trở thành một phong trào đòi dân chủ ở Việt Nam, mà đi đầu là giới trí thức. Đó là nhận định chung của giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, trong bài trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 24353)
Những người kiến nghị cho rằng dự thảo hiến pháp hiện đang được trưng cầu ý kiến "chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực".
23 Tháng Năm 2013(Xem: 23507)
Giữa tháng 04/2013, một loạt các đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Ban biên tập soạn thảo tiếp thu, trong đó có phương án đổi lại tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm qua 20/05, việc đổi tên nước đã đột ngột bị loại khỏi văn bản dự thảo.