Người Mỹ gốc Việt ‘không tiếc thương gì’ Henry Kissinger

01 Tháng Mười Hai 20235:11 CH(Xem: 3571)

VĂN HÓA ONLINE – VAAMA – CỘNG ĐỒNG – THỨ SÁU 01 DEC 2023


Người Mỹ gốc Việt ‘không tiếc thương gì’ Henry Kissinger


VOA 01/12/2023


image003Henry Kissinger bắt tay với Lê Đức Thọ sau khi ký kết Hiệp định Paris vào năm 1973


Những người Việt ở Mỹ thuộc chính thể Việt Nam Cộng hòa trước đây bày tỏ thái độ bàng quan trước sự ra đi của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger và lên án ông đã gây ra sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam vào tay của quân cộng sản Bắc Việt, theo tìm hiểu của VOA.

Tiến sỹ Kissinger là một trong những ngoại trưởng nổi bật nhất trong lịch sử nước Mỹ, từng phục dưới hai chính quyền Richard M. Nixon và Gerald Ford, và cũng từng là Cố vấn an ninh quốc gia. Ông là người có ảnh hưởng trên chính trường Mỹ và định hình chính sách ngoại giao của Mỹ trong nhiều thập kỷ, kể cả từ sau khi ông rời chức vụ.

Ông đã qua đời tại nhà riêng ở bang Connecticut hôm 29/11 khi tròn 100 tuổi, Kissinger Associates, công ty tư vấn do ông sáng lập, loan báo nhưng không cho biết nguyên nhân.

Một trong những di sản đáng nhớ nhất của ông là Hiệp định Paris được ông ký kết với ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hồi đầu năm 1973, để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhờ Hiệp định này mà ông cùng ông Thọ đã được trao giải Nobel Hòa bình nhưng ông Thọ không nhận.

Vấy máu miền Nam?

Trong khi sự ra đi của ông Kissinger, nhân vật lịch sử có nhiều duyên nợ với Việt Nam, đã gây sự tiếc thương rộng rãi trong chính giới và dân chúng Mỹ thì trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, phần đông có gốc gác Việt Nam Cộng hòa, phản ứng lại rất khác biệt.

Từ miền Nam bang California, nhà văn Phan Nhật Nam, từng là đại úy Binh chủng nhảy dù trước năm 1975, nói với VOA ông đang bận tâm về sự ra đi của nhà văn Nguyễn Đình Toàn và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vốn là những người có giao tình với ông hơn là cái chết của ông Henry Kissinger.

“Ông ta đã 100 tuổi thì chết là đương nhiên,” ông Nam nói. “Tôi không buồn, cũng không thương tiếc. Tôi đang viết bài tưởng nhớ ông bạn tôi là nhà văn Nguyễn Đình Toàn.”

Khi được hỏi nhận định về ông Kissinger, nhà văn này cho biết hồi năm 1973 sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông đã từng viết trong cuốn sách có tựa đề ‘Tù binh và Hòa bình’ như sau: “Tôi bảo rằng ông ta cũng như Lê Đức Thọ là những người hân hoan trên bàn tiệc máu Việt Nam với giải Nobel hòa bình.”

Theo lập luận của ông thì cố Ngoại trưởng Kissinger ‘có trách nhiệm rất lớn trong việc để miền Nam sụp đổ’ vì Hiệp định Paris được ký kết xong thì hai năm sau ‘cộng sản cưỡng chiếm miền Nam bằng vũ lực vào ngày 30/4.

“Thành quả lớn của hiệp định này là ‘hòa bình’ thì rõ ràng không hề có hòa bình. Thành ra hiệp định này trật lất hết,” ông Nam nói. Ông cho biết ông có quen biết nhiều người trong chính giới Việt Nam Cộng hòa đi đàm phán Hiệp định Paris và bản thân ông là thành viên trong ban liên hiệp quân sự thi hành Hiệp định nên phải tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên.


Tuy nhiên, ông cho rằng với tư cách là một học giả, trí thức, nhà nghiên cứu thì ông Kissinger ‘không thể nào dốt nát hay dại dột’ khi ký hiệp định đó được. Theo lập luận của ông Nam thì ý định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam ‘có quá trình kéo dài từ thời Tổng thống Lyndon Johnson cho đến Gerald Ford qua cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chứ không phải của một mình ông Kissinger’.

“Tôi không chê trách những con người lịch sử. Người ta ở trong giai đoạn đó thì người ta phải làm như thế, đó là ông Kissinger, ông Nixon,” ông nói.

‘Vua đi đêm’

Ông Trung Tạ, kỹ sư làm việc trong ngành Quốc phòng và Không gian Mỹ, nhận định với VOA từ Quận Cam, bang California, rằng ông Kissinger là ‘một nhà ngoại giao tài giỏi nhưng rất là quỷ quyệt’.

Theo lời ông Trung thì ông Kissinger đã vận dụng tài năng ngoại giao của mình vào ‘con đường tà đạo, không đàng hoàng’ và nhắc lại biệt danh của ông là ‘Vua đi đêm’.

“Tôi không có thiện cảm gì với ông Kissinger, cho nên sự ra đi của ông không gây ra thắc mắc gì đối với tôi cả,” ông Trung, vốn là giáo viên dạy học ở Buôn Mê Thuột trước năm 1975, nói.

“Ông ta là tội đồ đối với người Việt Nam Cộng hòa tại vì chính ông với sự đồng thuận của Tổng thống Nixon lúc bấy giờ đã bức tử một chế độ rất là tốt đẹp là chính thể Việt Nam Cộng hòa và đặc biệt chính ông ta đã bức tử một quân đội rất oai hùng, rất can đảm,” ông phân tích.

Khi được hỏi đứng trên quan điểm lợi ích quốc gia của nước Mỹ thì hành động bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa để lôi kéo Trung Quốc có nên được thông cảm hay không, ông Trung nói rằng chính sách đó của ông Kissinger ‘chưa chắc gây ra sự phân hóa giữa Liên Xô và Trung Quốc’.

Thời gian ‘đã chứng tỏ đường lối của ông Kissinger là sai lầm’, ông Trung nói, vì sau khi chiến tranh Việt Nam xong xuôi, mối liên hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc ‘vẫn rất là gắn bó’.

Về việc ông Kissinger sau khi về hưu vẫn các được đời tổng thống Mỹ về sau tham vấn về chính sách đối ngoại, ông Trung cho rằng ‘tình hình thế giới biến đổi nhiều so với thời Kissinger còn làm ngoại trưởng nên có thể sự suy xét của ông không còn đúng nữa’ và có thể các tổng thống ‘vẫn lắng nghe Kissinger nhưng sẽ quyết định theo ý kiến của những nhân sự trong chính quyền của họ’.

Ông dẫn ra một phát biểu của ông Kissinger hồi tháng 5 năm ngoái rằng Ukraine nên chấp nhận nhượng một phần lãnh thổ cho Nga để có hòa bình và cho rằng đó là ‘phát ngôn rất bậy bạ’ vì nó ‘xâm phạm chủ quyền của một quốc gia’.

“Đáng lẽ ông ấy phải nói là vấn đề chủ quyền phải để cho người dân Ukraine và chính quyền Ukraine quyết định.”

Người kỹ sư này bày tỏ hy vọng sự ra đi của ông Kissinger sẽ ‘làm vơi bớt sự tức giận đối với ông trong lòng những người Việt Nam Cộng hòa’.

“Đó là điều tốt. Đối với những người dân Việt Nam Cộng hòa là mình bỏ đi được vết thương lòng vì người Việt Nam có câu nói nghĩa tử là nghĩa tận,” ông nói.

‘Hãy để lịch sử phán xét’

Khác với ông Nam và ông Trung, ông Từ Đức Tháo, chủ tịch cộng đồng người Việt ở bang Oregon, nói với VOA từ Portland rằng ‘ông sẵn sàng gửi lời chia buồn đến với gia đình ông Kissinger’.

“Ông ấy đã chết thì mình cũng nên chia buồn, nhưng hãy để lịch sử phán xét công tội của ông ấy,” ông Tháo, vốn còn nhỏ tuổi khi ông Kissinger làm Ngoại trưởng và có cha là đại úy thuộc Sư đoàn 23 Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nói.

“Đối với tôi thì cũng không có gì phải căm thù ông ta cả. Chẳng qua ông ta chỉ thực hiện nhiệm vụ mà nước Mỹ giao phó cho ông ta.”

Theo nhận định của ông Tháo thì chính sách lôi kéo Trung Quốc của Henry Kissinger ‘về mặt kinh tế thì làm lợi cho nước Mỹ’ vì sau khi hai nước thiết lập bang giao, Mỹ có thể tiếp cận thị trường khổng lồ cũng như nguồn nhân công rẻ của Trung Quốc.

“Nhưng chủ thuyết cho rằng thay đổi kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi về chính trị là hoàn toàn sai lầm, vì từ ngày Mao Trạch Đông gặp Nixon đến nay đã là 51 năm rồi mà chế độ cộng sản Trung Quốc có suy suyển gì đâu?” ông lập luận.

Ông nhắc lại lúc ba ông còn sống, ông ‘không có lời nào ca ngợi Kissinger cả’. “Ba tôi nói rằng Hiệp định Paris mà Kissinger là một trong các tác giả đã dẫn đến sự thất bại của miền Nam vào ngày 30/4,” ông cho biết.

Ông nói hiệp định đó mang tiếng là ‘hòa bình’ nhưng ‘thực tế là giấy thông hành cho Bắc Việt đưa thêm quân vào miền Nam’.

“Việt Nam Cộng hòa bị cắt viện trợ còn súng đạn đâu nữa mà đánh, trong khi đó khối cộng sản vẫn viện trợ cho Bắc Việt đến cùng.”

Theo lời ông thì hiệp định đó đã đem lại hậu quả tai hại cho miền Nam là ‘hàng trăm ngàn người bị đưa vào các trại cải tạo và biết bao nhiêu người đã chết trên biển khi tìm cách đi vượt biên’.

“Những người Việt thuộc về phía quốc gia họ không bao giờ trân trọng những gì ông Kissinger đã làm trong thời gian ông ta làm việc cho Chính phủ Mỹ,” ông Tháo nói.

Theo giải thích của ông Tháo thì chính sách của Kissinger là ‘thực dụng’ vì nó nghĩ đến lợi ích nước Mỹ trên hết nên đã ‘bỏ rơi một nước đồng minh nhỏ bé như Việt Nam Cộng hòa để bắt tay với một đất nước khổng lồ đem lại lợi ích cho Mỹ nhiều hơn’ trong khi Mỹ đã đổ xương máu ở Việt Nam quá nhiều mà không được gì.