Ts Cù Huy Hà Vũ: "Tự do sẽ chấm dứt hận thù dân tộc"

10 Tháng Ba 201610:16 CH(Xem: 14757)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 11  MAR  2016

Tự do sẽ chấm dứt hận thù dân tộc

 image032

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

 

Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 4 được chính quyền cộng sản hiện hành ở Việt Nam mệnh danh “Ngày Giải phóng miền Nam”, cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt ở Hoa Kỳ mà tuyệt đại đa số sống dưới chế độ cũ - chính thể Việt Nam Cộng Hòa, lại dấy lên quan điểm “cộng sản Việt Nam xâm lăng miền Nam” và vì thế coi đó là “Ngày Quốc hận”.

 

Quan điểm này có nghĩa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo chủ nghĩa cộng sản và Việt Nam Cộng hòa theo chủ nghĩa chống cộng là hai “quốc gia”, là hai “nước” riêng biệt. Thực vậy, “xâm lược” là việc quốc gia này dùng vũ lực thôn tính lãnh thổ của quốc gia khác. Cũng như vậy, “Quốc hận” thể hiện tình cảm của người dân “mất nước” khi “nước” mình bị quốc gia khác đô hộ hoặc sáp nhập bằng vũ lực vào quốc gia đó. Tuy nhiên quan điểm này không đứng vững khi đối chiếu với chính lịch sử của Việt Nam Cộng hòa.

 

Trước hết cần nhắc lại rằng Việt Nam Cộng hòa thoát thai từ Quốc gia Việt Nam - một chính thể thuộc Liên bang Đông Dương trong Liên hiệp Pháp - tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng.

 

Tại Hội nghị Genève 1954, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam Trần Văn Đỗ đã không ký vào Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam với lý do hiệp định này gây chia cắt Việt Nam. Phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng nêu rõ: "Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập và Tự do cho xứ sở."

 

Một ngày sau khi Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam được ký kết giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 21/7/1954, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ trên toàn Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống để phản đối sự chia đôi đất nước.

 

Tuy nhiên sau đó Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố: "Chúng tôi (Quốc gia Việt Nam) không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ".

Như vậy với tư cách kế tục Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa tuyên bố chủ quyền đối với cả miền Bắc Việt Nam chứ không chỉ đối với miền Nam Việt Nam đồng nghĩa thống nhất đất nước là mục tiêu của chính thể này. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa, cả Đệ Nhất lẫn Đệ Nhị, cũng đã thể hiện rõ ràng quyết tâm chính trị trên.

 

Lời mở đầu Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1956 khẳng định “chánh thể Cộng hòa nhằm mục đích thống nhất lãnh thổ”. Tiếp đó Điều 1 Hiến pháp này quy định: “Việt Nam là một nước Cộng hòa, độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân”.

Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967 đã tái khẳng định “mục đích thống nhất lãnh thổ” vẫn trên cơ sở nguyên tắc “Việt Nam là một nước Cộng hòa, độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân”. Cũng cần nói thêm rằng không có câu nào của cả hai Hiến pháp trên quy định “quốc gia” chỉ gồm miền Nam Việt Nam.

 

Ngoài ra, sự tách bạch giữa “Quốc gia” và “Việt Nam Cộng hòa” vẫn tại Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa cho thấy “Việt Nam Cộng hòa” là một chính thể hay chế độ chính trị chứ không phải là quốc gia.

Thực vậy, Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967 ghi: “Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của mọi công dân…” và “Việt Nam Cộng Hòa chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức”. Sự tách bạch này được thể hiện không gì rõ hơn tại Điều 25 của Hiến pháp này: “Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc và chánh thể Cộng Hòa”.

 

image033

Trên thực tế, các chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có những kế hoạch thống nhất đất nước. Tổng thống Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho Phủ Đặc Ủy Công Dân Vụ chuẩn bị kế hoạch “Bắc tiến” nhằm chiếm lại miền Bắc Việt Nam. Tem thư được in khẩu hiệu "Toàn dân đoàn kết, chuẩn bị Bắc tiến" với đích cắm cờ vàng ba sọc đỏ là Hà Nội, là Chùa Một Cột, biểu trưng của Hà Nội.

image034 

Mặc dù chính trị hỗn loạn sau vụ đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963, một số lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà vẫn tuyên bố tiến công miền Bắc để thống nhất Việt Nam.

 

Ngày 14/7/1964, Thủ tướng Nguyễn Khánh đã công khai tuyên bố “Bắc tiến”. Hai ngày sau, tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng khẳng định Không lực Việt Nam Cộng hòa đã sẵn sàng dội bom miền Bắc. Trung tuần tháng 7/1965, vẫn tướng Nguyễn Cao Kỳ, lúc này là Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, tức Thủ tướng, đã tổ chức hội thảo “Ngày toàn dân đoàn kết chuẩn bị giải phóng miền Bắc”.

 

Thời kỳ này người ta có thể thấy tại miền Nam các bảng cổ động “Toàn dân đoàn kết để bảo vệ miền Nam, giải phóng miền Bắc”.

 

Như vậy, không chỉ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc và các lực lượng cộng sản ở miền Nam dưới vỏ bọc “Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” quyết “giải phóng” miền Nam mà cả Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam cũng quyết “giải phóng” miền Bắc để thống nhất đất nước!

 

Tóm lại, theo quan điểm chính thống của Việt Nam Cộng hòa thì ở Việt Nam chỉ có một quốc gia, miền Nam và miền Bắc chỉ là hai phần lãnh thổ của quốc gia Viêt Nam, cuộc chiến giữa hai miền là cuộc chiến ý thức hệ, giữa miền Nam chống cộng và miền Bắc cộng sản.

 

Nói cách khác, chiến tranh Nam - Bắc Việt Nam giai đoạn từ 1955 đến 30/4/1975 là một cuộc nội chiến và vì vậy không phải là chiến tranh giữa hai quốc gia, giữa hai “nước”, tương tự như những gì đã diễn ra giữa miền Nam và miền Bắc bán đảo Triều Tiên từ 1950 đến 1953.

 

Do đó không thể dùng từ “xâm lăng” cho việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc đưa quân vào miền Nam để cùng các lực lượng cộng sản tại chỗ chống lại Việt Nam Cộng hòa. Cũng như vậy, không thể gọi ngày 30 tháng 4 là “Ngày Quốc hận” vì đã không có chuyện “mất nước” vào ngày đó.

Thực vậy, cho đến nay Việt Nam vẫn có tên trên bản đồ thế giới, là thành viên Liên Hiệp Quốc, có quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ, cho dù lãnh thổ đã bị Trung Quốc chiếm nhiều nơi, nhất là ở biển Đông.

 

Mặc dầu vậy, không thể phủ nhận oán hận của những người Việt từng phục vụ chính thể Việt Nam Cộng hòa và gia đình họ đối với chính quyền cộng sản Việt Nam là vô cùng lớn. Vậy đâu là nguyên nhân?

 

Chắc chắn việc bị các lực lượng cộng sản mà nòng cốt đến từ miền Bắc đánh bại khó có thể là nguyên nhân bởi thắng, thua trong chiến tranh là chuyện bình thường đồng nghĩa oán hận này chỉ có thể đến từ hành vi trả thù khủng khiếp của chính quyền cộng sản thời hậu chiến.

 

Có một thực tế là trong chiến tranh người bên đối phương dù đầu hàng vẫn có thể bị giam giữ và nếu trường hợp này xảy ra thì được gọi là tù binh hay tù nhân chiến tranh. Thế nhưng một khi chiến tranh chấm dứt thì vấn đề tù binh cũng chấm dứt, không ai có thể bị giam, bị cách ly khỏi gia đình và xã hội chỉ vì đã ở bên kia chiến tuyến, trừ những kẻ bị truy tố để rồi bị xét xử do phạm tội diệt chủng – tội ác chống loài người.

 

Do đó việc nhà cầm quyền cộng sản sau 30/4/1975 đã giam không án trong gần trăm cái gọi là “trại cải tạo” từ vài năm đến hàng chục năm trời hàng trăm nghìn cựu quân nhân và viên chức của chính thể Việt Nam Cộng hòa mà nhà cầm quyền gọi một cách sỉ nhục là “ngụy quân”, “ngụy quyền” và hơn thế nữa, buộc họ lao động khổ sai dứt khoát là đòn thù.

 

Tài liệu có bí số “TN/QP-14” của Bộ Quốc Phòng Việt Nam được phổ biến ngày 14/02/1977 không úp mở gọi những người này là “tù nhân”: "Tổng số tù nhân tham gia học tập cải tạo để trở thành con người mới sau khi chế độ Sài Gòn đầu hàng là 1.321.506 người. Trừ những số trốn trại, bị chết trong lúc cải tạo và già yếu trả về với gia đình, Bộ Quốc phòng giao lại cho Bộ Nội vụ quản lý là 1.236.569 người"!

Ông Bùi Xuân Diệm, đại tá Việt Nam Cộng hòa từng là tù nhân tại “trại cải tạo” Suối Máu, Biên Hòa kể lại với tôi: “Quản giáo nói với tù nhân chúng tôi rằng: ‘Sau này nếu các anh được thả về, các anh chỉ được đi dưới mương chứ không được đi trên đường!’ Nghĩa là dù có được ra khỏi nhà tù có lính gác, “ngụy quân”, “ngụy quyền” sẽ lại bị giam trong sự khinh miệt và kỳ thị đến tột cùng của nhà cầm quyền cộng sản và lần này là chung thân, là vĩnh viễn.

Mà đâu đã hết, ngay cả gia đình những tù nhân này cũng không thoát khỏi đòn thù của nhà cầm quyền cộng sản.

 

Thực vậy, quyết định ngày 19/5/1976 của Chính phủ buộc “dân cư ngụ trong những khu vực dành riêng cho công chức và quân nhân” đi “vùng kinh tế mới” lập tại các vùng rừng núi hẻo lánh không gì khác hơn là nhằm đầy ải họ và nhất là nhằm tước đoạt nhà cửa của họ. Bên cạnh đó, thành viên những gia đình này và những gia đình “ngụy quân”, “ngụy quyền” khác phải chịu một sự phân biệt đối xử gay gắt, hầu hết trong số họ bị cấm đoán vào đại học và cơ quan Nhà nước, ngay cả du lịch hay học tập ở nước ngoài họ cũng không được phép, nghĩa là cụt đường tiến thân trong xã hội. Tóm lại, các cựu quân nhân và viên chức Việt Nam Cộng hòa và gia đình họ bị chính quyền cộng sản tước đoạt những quyền cơ bản của con người, của công dân và vì vậy họ chỉ còn là “phó thường dân” theo đúng nghĩa đen của từ này.

 

Không dừng lại đó, chính quyền cộng sản còn đang tay đẩy rất nhiều người đã sống dưới chế độ cũ vào chỗ chết khi đứng ra tổ chức hoặc bật đèn xanh cho các cuộc vượt biên chủ yếu bằng đường biển như bán bãi, bán thuyền nhằm thu vàng và chiếm đoạt nhà cửa của họ, đúng cái kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” mà dân gian thường nói. Thực vậy, những cuộc vượt biên đầy rủi ro này đã dẫn đến cái chết thê thảm của hàng trăm nghìn người hoặc do bị lật thuyền hoặc do bị cướp biển giết, đó là chưa kể hàng nghìn, hàng nghìn đàn bà, con gái bị cướp biển hãm hiếp ngay trước mặt người thân của họ trong tột cùng đau đớn.

 

Một chính quyền táng tận lương tâm như thế, hỏi sao mà không oán hận chất chồng để trở thành thù hận!

 

Tuy nhiên trong bất cứ hoàn cảnh nào tồn tại một hận thù như vậy là có hại không kể xiết cho quốc gia Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc lăm le chiếm nốt quần đảo Trường Sa sau khi đã chiếm một phần quần đảo này vào năm 1988 và nuốt trọn quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực vào năm 1974.

Nói cách khác, hóa giải hận thù dân tộc là nghĩa vụ đối với Tổ quốc mà chính quyền cộng sản Việt Nam buộc phải thực hiện và hơn thế nữa, cấp bách.

 

Chính vì lợi ích tối cao đó của quốc gia Việt Nam mà ngày 30/8/2010 công dân Cù Huy Hà Vũ, một người không hề dính dáng tới Việt Nam Cộng hòa, đã gửi Quốc Hội Việt Nam “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm Quốc hiệu để hòa giải dân tộc”.

 

Thế nhưng thay vì làm theo lời nói phải này, chính quyền cộng sản lại lấy đó làm chứng cứ về “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để bỏ tù công dân Cù Huy Hà Vũ. Cáo trạng ngày 17/12/ 2010 của Viện kiểm sát Hà Nội hậm hực: “Vũ bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Phê phán Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây chia rẽ, thù hằn dân tộc bằng lời lẽ: “ ...

 

Tiếc thay cho ban lãnh đạo nhà nước Việt nam thống nhất đã không làm được như thế mà ngược lại - phải nói thật - còn xát muối vào vết thương chiến tranh chưa kịp lên da bằng việc tập trung cải tạo trong hàng năm trời cả trăm nghìn quân nhân viên chức VNCH, ....đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ vào vòng xoáy thù hận, dẫn đến một số quay ra chống chính quyền mới để rồi bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia”! (*)

 

Vậy là rõ: Chính quyền cộng sản Việt Nam cam tâm bán nước cho Trung Quốc nên mới cự tuyệt đến cùng hòa giải dân tộc. Do đó với những ai giòng giống Lạc Hồng, mau chóng giải thể chính quyền độc tài này không chỉ là cách duy nhất để cứu nước mà còn là cách duy nhất để xóa bỏ hận thù dân tộc vì một Việt Nam hiển vinh trên trường quốc tế.

 

Tin rằng một ngày rất gần chế độ toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bị xóa sổ, mong là một cách hòa bình. Và cái ngày bao mong chờ đó, không nghi ngờ gì nữa, sẽ đi vào lịch sử Việt Nam như “Ngày Tự do” (Freedom Day) đồng nhất với dấu chấm hết cho bức tường “30 tháng 4 - Giải phóng miền Nam” cứa lòng dân tộc.

 

 (*) Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hoà – Lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc, Bauxite Việt Nam 31/8/2010, http://www.boxitvn.net/bai/10233

 

Tác giả là một nhà bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị Việt Nam, đã hai lần khởi kiện Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về các quyết định trái Hiến pháp và pháp luật, hiện là học giả tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ./

image037

Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương - ThiếuTướng Nguyễn Cao Kỳ: "Bắc tiến!"

24 Tháng Sáu 2013(Xem: 18335)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 19257)
Các thể chế chính trị trên thế giới có thể được hình thành bằng những cách thức khác nhau và mang những tính chất khác nhau.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 17632)
Vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày Thứ Năm, 13 tháng 6 năm 2013, phái đoàn đảng Việt Tân gồm ông Tổng Bí Thư Lý Thái Hùng, Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong và ông Nguyễn Tấn Anh đã có một cuộc gặp gỡ và trao đổi về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Úc, Thượng Nghị Sĩ Bob Carr tại văn phòng chính phủ tại thành phố Sydney.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 18845)
Hoạt động thường niên của giới vận động dân chủ người Việt mang tên Họp Mặt Dân Chủ vừa được tổ chức tại Hà Lan.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 22223)
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Shangri-La vừa qua đánh dấu một chuyển biến trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và vẫn đòi hỏi có thêm các đánh giá đúng mức sau nhiều bình luận khen chê trong và ngoài nước.
28 Tháng Năm 2013(Xem: 22744)
Những định nghĩa pháp lý cho các chính thể Việt trong cuộc chiến chấm dứt ngày 30/4/1975 có vai trò quan trọng cho lập luận của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự quan trọng này không chỉ vì công hàm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng, mà còn vì Hà Nội đã không khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1954 đến 1975-1976.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 18728)
Trong số báo kỳ này, ban biên tập đưa ra đề tài: Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Hải Ngoại có cần, không cần, hay nửa cần nửa không tham dự vào việc sửa lại Hiến Pháp của nước CHXHCNVN. Đề tài này hiện nay đang tạo nhiềy ý kiến sôi nổi ở trong nước, nhưng ở hải ngoại, ngoài một vài chỉ dấu hạn hẹp (thường là nhận thấy trên một số khẩu hiệu, băng rôn trong các buổi mít tinh) hầu như không thấy có cuộc hội thảo, bàn luận, hay một tổ chức chính trị nào chính thức đưa ra trong các hội luận, diễn đàn mang tính cách công cộng quần chúng.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20840)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 21978)
Sở dĩ có tên Kiến nghị 72 là vì có 72 người đứng tên trong danh sách đầu tiên ký vào Kiến nghị, bao gồm nhiều nhân sỹ trí thức được nhiều người biết đến như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A...
23 Tháng Năm 2013(Xem: 22179)
“Cái mà người ta mong đợi là có nói đến Điều 4 nhưng họ không đụng gì đến cái đó cả,” ông than phiền. Ông cũng giải thích rằng hiện thời ở Việt Nam chưa đủ ‘thời cơ’ để tiến tới tự do chính trị, đa đảng phái, dân chủ hoặc đối lập. Điều 4 của bản Hiến pháp, vốn là nền tảng cho quyền lực của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đã bị những người chỉ trích nhận xét là không dân chủ và yêu cầu bãi bỏ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19666)
Ông Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trong chương trình Thời sự nói về lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc vừa gây tranh cãi khi phát biểu trên Truyền hình Việt Nam phủ nhận vai trò trong kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp của các trí thức, còn gọi là Kiến nghị 72. Hôm 4/2, ông Lộc đã dẫn đầu đoàn 15 nhân sỹ trí thức tới trao kiến nghị cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20398)
Ngày 22/03/2013, đài truyền hình Việt Nam chiếu một đoạn phỏng vấn cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, nói về việc ông ký vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp do 72 nhân sĩ trí thức khởi xướng ngày 19/01/2013 và về việc ông làm trưởng đoàn đi trình bản kiến nghị này cho Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 04/02/2013.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19548)
Việc đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang dần dần trở thành một phong trào đòi dân chủ ở Việt Nam, mà đi đầu là giới trí thức. Đó là nhận định chung của giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, trong bài trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 24362)
Những người kiến nghị cho rằng dự thảo hiến pháp hiện đang được trưng cầu ý kiến "chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực".
23 Tháng Năm 2013(Xem: 23519)
Giữa tháng 04/2013, một loạt các đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Ban biên tập soạn thảo tiếp thu, trong đó có phương án đổi lại tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm qua 20/05, việc đổi tên nước đã đột ngột bị loại khỏi văn bản dự thảo.