Hoàng Cầm; Trần Quang Hải, Tứ quái The Beatles

04 Tháng Giêng 20227:28 SA(Xem: 2856)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA LỊCH SỬ - THỨ BA 04 JAN 2022

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm và bí mật cần giải đáp


  • Hoàng Hưng
  • Viết từ Sài Gòn, Việt Nam

image008Nguồn hình ảnh, Hoàng Hưng. Nhà thơ Hoàng Cầm và Hoàng Hưng.


Xuân 2022 là kỷ niệm 100 năm ngày ra đời một tác giả tài danh được mến mộ rộng rãi của văn học Việt Nam hiện đại: Hoàng Cầm (22/2/1922- 2022).


Sự nghiệp mà ông để lại cho hậu thế khá phong phú, bao gồm nhiều vở kịch thơ và tập thơ, trường thi, văn xuôi…


Gia đình và thân hữu của cố tác giả được mến mộ rộng rãi đã đề ra và đang thực hiện dự án "HC 100" với nhiều hoạt động.


Trong đó có việc xuất bản sách "Hoàng Cầm Về Kinh Bắc" (nhóm biên soạn Hoàng Hưng, Nguyễn Thuỵ Kha, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đình Toán, Bùi Huệ Chi), sách "100 bài thơ Hoàng Cầm" (Nguyễn Thuỵ Ka, Lê Thiết Cương), lịch ảnh Hoàng Cầm (Nguyễn Đình Toán, Lê Thiết Cương), và các buổi kỉ niệm, ra mắt sách tại Hà Nội và Thuận Thành quê ông.


'Về Kinh Bắc'


Hoàng Cầm được biết đến nhiều nhất là Nhà Thơ. Và có thể khẳng định "Về Kinh Bắc" là tập thơ tiêu biểu nhất của ông về tình ý, tâm sự, giọng điệu, thi pháp; là tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của ông vì gắn với những huyền thoại về cuộc đời, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả.


Về mặt thi pháp, Về Kinh Bắc là tập thơ thể hiện nhất quán, rõ rệt nhất một lối thơ Hoàng Cầm của thời kỳ này, cũng là lối thơ Hoàng Cầm nhất. Một âm điệu, một lối tạo hình, một kiểu dẫn dắt tuyến thơ, một ngôn ngữ… riêng của Hoàng Cầm. Bao trùm tất cả, Về Kinh Bắc dựng lên một không khí, một thế giới đặc biệt Hoàng Cầm, thế giới ảo-thực, cổ xưa-hiện tại, âm-dương, ẩn-hiện giao hoà.


Cái còn lại và sống mãi của thơ Hoàng Cầm sẽ là truyền thống văn hoá. Đặc biệt, tập thơ Về Kinh Bắc là một sử thi trữ tình độc nhất vô nhị về văn hoá Kinh Bắc, vùng văn vật cổ xưa, cái nôi của văn hoá Việt.


Có thể gọi đó là một "bảo tàng phi vật thể" về văn hoá Kinh Bắc, giống như tập thơ Cante Hondo của nhà thơ Federico Garcia Lorca đã làm bất tử văn hoá vùng Andalusia của Tây Ban Nha.


Cho đến nay, giới hiểu biết âm nhạc vẫn ngạc nhiên vì những bài dân ca quan họ Bắc Ninh đạt đến mức kinh điển với trình độ rất cao mà rất ít ca khúc hiện đại nào sánh được. Thơ Hoàng Cầm cũng có những bài trở thành kinh điển như thế, như chùm Cây-lá-quả-cỏ (Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi, Cỏ bồng thi), Về với ta… Những bài thơ này còn ẩn chứa sự bí mật vừa là tâm sự khó nói ra trong một thời kì lịch sử nhiều cấm kị, vừa mang màu sắc huyền thoại và tâm linh, nên còn mời gọi sự khám phá.


image009Nguồn hình ảnh, Hoàng Hưng


Bí mật cần khám phá


Con người Hoàng Cầm cũng là một bí mật cần được khám phá của sự dung hợp giữa tính duy cảm và lí trí, tính đại chúng và tính tinh hoa, tính truyền thống và tính sáng tạo, con người chiến sĩ và con người nghệ sĩ… Đó cũng là một bí mật của thành công nghệ thuật trong thời kì bước vào nghệ thuật hiện đại của Việt Nam.


"Hoàng Cầm Về Kinh Bắc" là một ấn bản đặc biệt, là một công trình tập hợp công sức của nhiều người, bao gồm những cái chưa có trong các ấn bản trước đây của Hoàng Cầm: Văn bản Về Kinh Bắc với những khảo dị qua những lần công bố, những bài viết quan trọng về Về Kinh Bắc và thơ Hoàng Cầm chưa có trong các sách cũ, những tư liệu quí báu liên quan đến việc sáng tác và công bố Về Kinh Bắc, những chân dung bằng tranh vẽ, ảnh chụp phong phú của tác giả và các quan hệ thân thiết của ông, những ca khúc, minh hoạ đã có và mới sáng tác dựa trên thơ Hoàng Cầm. Và với sự trình bày công phu, có thể gọi là một ấn bản thơ-nghệ thuật ít có xưa nay.


Danh sách các tác giả của tập sách cũng nói lên phẩm chất và sự phong phú của cuốn sách: ngoài tác giả chính là cố thi sĩ Hoàng Cầm, có các cố tác giả Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Phạm Duy, Lưu Văn Sìn, Phan Tại, Chu Văn Sơn; các tác giả Thích Nữ Chân Không, Hoàng Hưng, Hữu Xuân, Nguyễn Thuỵ Kha, Trần Tiến, Nguyễn Đình Toán, Đỗ Lai Thuý, Phạm Xuân Nguyên, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Đức Tùng, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Hồ Quang; các họa sĩ Chu Hồng Tiến, Đỗ Dũng, Ngô Thị Bình Nhi, Khoachim. (BBC 04/1/2022)


Tác giả bài viết Hoàng Hưng là một nhà thơ và phê bình thơ, chủ biên sách "Hoàng Cầm về Kinh Bắc".


+++++++++++++++++++++++++++++++


Nghệ sĩ Trần Quang Hải, người tiếp nối sự nghiệp GS Trần Văn Khê, qua đời ở Pháp


  • Phạm Cao Phong
  • Gửi bài cho BBC từ Paris, Pháp


29/12/2021


image010Nghệ sĩ Trần Quang Hải (1944-2021) trong một lần biểu diễn. Nguồn ảnh: Cao Phong Pham.


Một chút bàng hoàng ập đến khi tôi nghe tin nghệ sĩ Trần Quang Hải vừa ra đi. Gia đình báo tin ông đi vào 0 giờ ngày 29/12.


Mới đó thôi, vào ngày 23/12/2021, trong lễ ra mắt Quỹ học bổng Trần Văn Khê tại Trường đại học Văn Lang (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhân kỷ niệm 100 năm sinh giáo sư Trần Văn Khê; giáo sư Trần Quang Hải có quay clip gửi về Việt Nam chia sẻ về tâm nguyện mong muốn lập quỹ học bổng của cha mình.


Xuất thân trong một gia đình nhạc sĩ cổ truyền từ nhiều đời và Trần Quang Hải là nhạc sĩ đời thứ năm.


Ông sinh ngày 13/05/1944 tại làng Linh Đông Xã, thuộc Gia Định cũ, là con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê và bà Nguyễn Thị Sương, cựu giáo sư Anh văn Trường nữ trung học Gia Long.


Cha ông và ông đều có đóng góp lớn lao cho việc sưu tầm, phát triển và đưa âm nhạc dân gian Việt Nam ra thế giới.


Khi còn ở Việt Nam, nghệ sĩ Trần Quang Hải là cựu học sinh Trường trung học Pétrus Ký, sau đó tốt nghiệp Nhạc viện âm nhạc Sài Gòn ở bộ môn vĩ cầm của cố giáo sư Đỗ Thế Phiệt. Ông sang Pháp năm 1961 học tiếp tại Đại học Sorbonne và trường Cao đẳng Khoa học xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales).


Giáo sư Trần Quang Hải bắt đầu làm việc cho Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS - Centre National de la Recherche Scientifique) với đội ngũ nghiên cứu tại Viện Dân tộc nhạc học của Viện Bảo tàng con người (Département d'ethnomusicologie du Musée de l'Homme) từ năm 1968 cho tới 2009 thì về hưu.


Trình diễn nhạc Việt Nam ở 70 quốc gia


image011Nghệ sĩ gốc miền Nam của VN đã trình diễn trên 3.500 buổi tại 70 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống. Nguồn hình ảnh, Cao Phong Pham


Ông đã trình diễn trên 3.500 buổi tại 70 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học, sáng tác hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng, đương đại.


Giáo sư Trần Quang Hải cũng thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống Việt Nam, viết 3 quyển sách, làm 4 DVD, 4 phim và hội viên của trên 20 hội nghiên cứu âm nhạc thế giới.


Ông tiếp tục con đường mà cha ông, giáo sư Trần Văn Khê đã khai mở khi nghiên cứu nhạc học dân tộc, khởi sắc một hướng đi riêng trong mảng trình diễn âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc tùy hứng, nhạc đương đại cũng như phương pháp nghiên cứu thể nghiệm qua hát song thanh.


Ông tâm sự : "Con đường nghiên cứu của tôi nhắm về sự giao thoa các loại nhạc cổ truyền tạo thành loại nhạc thế giới (world music), pha trộn nhạc tùy hứng, jazz, đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại nhạc hoàn toàn mới lạ"


Vợ ông, nữ ca sĩ Bạch Yến dưới ảnh hưởng của chồng cũng chuyển sang hát dân ca và cùng phổ biến nhạc dân tộc với chồng, sánh vai với ông trên mọi nẻo đường thế giới.


Nghệ sĩ Trần Quang Hải đã được chính tay tổng thống Jacques Chirac năm 2002, trao huân chương Bắc Đẩu bội tinh về những đong góp của ông trong âm nhạc.


Biệt danh "vua muỗng" đến với ông lần đầu khi giành được giải thưởng tại Đại nhạc hội dân gian Cambridege (Anh) vào năm 1967.


Tôi nhớ ông, nhớ lại những cảm xúc đầu tiên khi nghe ông biểu diễn năm nào.


image012Nguồn hình ảnh, Cao Phong Pham. Nhà báo Phạm Cao Phong (bìa trái) cùng nghệ sĩ Trần Quang Hải (giữa)


Khiêm nhường với chiếc khèn mèo mỏng manh, những chiếc thìa giản dị ... gộp cả, bỏ gọn trong chiếc túi áo bà ba của ông. Song đẹp quá thế. Như bông hoa trà dung dị, đi thẳng từ sâu thẳm đêm đen đến với đời, với nắng, cho ta một thoáng bồng bềnh.


Những cái thìa, cái khèn mèo mỏng manh sương khói đã đi mấy vòng trái đất - Hơn 70 nước chứ ít đâu.


Đi không phải để học giật mình mà để thiên hạ giật mình. Chuyện thật. Thi vị.


Chiếc thìa vượt lên chức năng sinh ra đời đã gieo những xúc động văn hoá ngọt ngào ,truyền cho tâm hồn những sóng tình dào dạt. Mà trẻ, mà khỏe, vững vàng trội vượt nhịp castagnettes của nàng Carmen, nhưng vẫn nồng, vẫn ấm. Cảm ơn nghệ sĩ Trần Quang Hải. Cám ơn con người bằng trái tim, đam mê âm nhạc đi theo suốt năm tháng của cõi tạm đã chắp cánh cho vô tri vươn tới vĩnh hằng trong trẻo, trân trọng.


Ông trao tôi chiếc thiệp mời về lại ngày nào của Hà Nội, của Hồ Gươm xanh mầu lục tảo, như ngày tôi gặp cha ông, giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê, say nghe ông kể, bình luận về những âm thanh dân dã. Như dây tơ hai cõi đi về giữa hiện tại và quá khứ.


Con đường thơm thảo 'Vua muỗng' Trần Quang Hải mang cho đời, nghị lực bàng hoàng vượt lên bóng cả của chính cha ông, nghệ sĩ Trần Văn Khê là một lời nhắn nhủ.


Âm nhạc của ông xua đi những phấp phỏng hoang vắng của lần lỡ hẹn, để về với đằm thắm, hy vọng. Nó xoá đi danh giới hạn hẹp, chia lìa mà chúng ta lỡ vội gán cho khả năng của từng con người, để thẩm thấu rằng đôi khi chúng ta đã tự trói chân mình, để những định kiến không đâu, những nghiên cứu sơ khai áp đặt lên mông muội, để ngao ngán, để trách đời, để thở than sinh ra không trùng thời, đúng vụ .


Vĩnh biệt ông, cám ơn ông đã dành cho tôi những dịp chuyện trò, tình cảm sâu đậm ông trao luôn như một món quà mùa Xuân tươi tắn, lòng đam mê nghệ thuật và nụ cười của một thời đã mất.


Xin cám ơn ông một lần nữa!


Bài của nhà báo tự do Phạm Cao Phong từ Paris, Pháp.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Triển lãm ảnh hiếm về Beatles và Rolling Stones của Ian Wright từ thập niên 1960


29/12/2021


image013Nguồn hình ảnh, Ian Wright. Tứ quái The Beatles trình bày album thứ nhì của họ 'With The Beatles', tháng 11/1963 ở Stockton Globe


Năm 18 tuổi, Ian Wright chụp hình Tứ Quái lần đầu đúng vào ngày 22 tháng 11/1963 ở Stockton Globe trước gần 5000 khán giả, đa số là thiếu nữ. Hàng nghìn cô gái gào thét, có người khóc vì phấn khích, ông nhớ lại.


Khi họ sắp diễn màn hai, Ian nghe mọi người bảo vệ ở sau cánh gà nói là ông vừa nghe tin nóng trên đài: "Tổng thống Mỹ vừa bị ám sát chết".


Đó là vụ ám sát JF Kennedy ở Dallas, Hoa Kỳ, làm rung chuyển nước Mỹ.


Ian Wright khi đó làm việc cho báo Tiếng vọng phương Bắc (Northern Echo), làm quân của trưởng biên tập huyền thoại Harold Evans.


Tờ báo ngay lập tức ra số đặc biệt và chở báo in bằng xe tải về London.


Cùng ngày, Tứ Quái trình bày album thứ nhì của họ 'With The Beatles', nhưng các báo Anh bỏ qua và bỏ quên luôn. Tin tức, ảnh chụp từ sự kiện bị lãng quên nửa thế kỷ.


image014Nguồn hình ảnh, Ian Wright. Tứ Quái - The Fab Four - quay lại rạp hát tháng 10/1964


Thế nhưng, một năm sau, Tứ Quái - The Fab Four - quay lại rạp hát tháng 10/1964 và Ian Wright bám theo họ, chụp hình.


image015Nguồn hình ảnh, Ian Wright. Cliff Richard ở sau cánh gà với một bà là dân địa phương mà Ian Wight không thể tìm ra danh tính


image016Nguồn hình ảnh, Ian Wright. Năm 1965, Ian Wright chụp nhóm The Rolling Stones: Brian Jones và Mick Jagger tại Stockton Globe


image017Nguồn hình ảnh, Ian Wright. Cilla Black, ca sĩ Anh trong phòng thay đồ với Ian Wright trong gương


Năm 1965, Ian Wright chụp nhóm The Rolling Stones: Brian Jones và Mick Jagger tại Stockton Globe, thuộc County Durham, ghi nhận không khí đặc biệt của buổi diễn.


Cũng tại đây, ông chụp hình Cilla Black, ca sĩ Anh trong phòng thay đồ "không mấy hào nhoáng của rạp hát".


image018Nguồn hình ảnh, Gary Walsh. Ian Wright trở lại rạp hát Globe được trùng tu


image019Nguồn hình ảnh, Sally Ann Norman. Stocton Globe là rạp hát theo kiến trúc Art Deco được xếp hạng di tích cấp II, ở Stockton-on-Tees, Anh Quốc. Năm nay, công trình này đã hoàn tất trùng tu (sau khi đóng cửa năm 1997), với giá 4 triệu bảng Anh.


Năm nay, triển lãm ảnh 'Nhạc rock 'n' roll của thậ̣p niên 1960' do Ian Wright lần đầu công bố là điểm nhất của hoạt động mở lại Globe.


Rạp hát theo kiến trúc Art Deco được xếp hạng di tích cấp II, vừa hoàn tất trùng tu (sau khi đóng cửa năm 1997), với tổng chi phí giá 4 triệu bảng Anh.


Cuốn sách của Ian Wright, 'Curtain Up: The Globe' cũng ra mắt công chúng tại Stockton Globe
20 Tháng Giêng 2023(Xem: 1515)
10 Tháng Giêng 2023(Xem: 1439)