“Chánh niệm và Từ bi”: Lễ nhập kim quan Hành giả Thiền sư Nhất Hạnh và Tiếng vọng trần thế

25 Tháng Giêng 20227:50 SA(Xem: 2771)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA LỊCH SỬ - THỨ BA 25 JAN 2022

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


“Chánh niệm và Từ bi”: Lễ nhập kim quan Hành giả Thiền sư Nhất Hạnh và Tiếng vọng trần thế

image003

Lễ nhập kim quan của thiền sư Thích Nhất Hạnh


24/1/2022


image0058h ngày 23/1, Chư tăng đồng hộ niệm cho buổi lễ nhập kim quan của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu (Thừa Thiên - Huế) theo nghi thức “tâm tang”.


image007Chư tăng đồng hộ niệm cho buổi lễ nhập kim quan.


image009Chư Tăng đảnh lễ trước nhục thân hành giả của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong phòng riêng của ngài ở chùa Từ Hiếu Huế.


image011Chư Tăng Ni đồng hộ niệm cho buổi lễ nhập kim quan. Tang lễ của thiền sư Thích Nhất Hạnh kéo dài 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng.


image013Hành giả Thiền sư Thích Nhất Hạnh được các tăng ni di chuyển từ mật thất đến thiền đường Trăng Rằm, Tổ đình Từ Hiếu để thực hiện nghi lễ nhập kim quan.


image0158p5, thi hài Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đưa sang thiền đường Trăng Rằm.


image017Sau lễ trà tỳ (hỏa thiêu) vào sáng 29/1/2022, tro cốt của thiền sư sẽ được an vị tại tổ đình Từ Hiếu cùng các trung tâm Làng Mai trên thế giới mà không phải dựng tháp. (Nguồn ảnh: ZingVN)


+++++++++++++++++++++++++++++++


Thiền sư Thích Nhất Hạnh giữa dòng xung đột kéo dài từ Chiến tranh ở Việt Nam


  • Joaquin Nguyễn Hoà
  • Gửi bài cho Diễn đàn BBC từ San Jose, Hoa Kỳ


25/1/2022


image019Nguồn hình ảnh, Langmai.org. Hình thiền sư Thích Nhất Hạnh trong trang giới thiệu khóa tu 'Heart Recollection Retreat: Coming Going In Freedom' (Khóa Tu Tâm Tang: Đến Đi Thong Dong) tại tu viện Lộc Uyển, California, Hoa Kỳ một thời gian trước


Cách đây trên 20 năm, tôi đọc được bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận của tác giả Nguyễn Lang. Bộ sách có ba quyển, được xuất bản trong nước, tôi đọc nó khi còn ở Việt Nam.


Có hai ấn tượng khi đọc sách còn đọng lại với tôi đến bây giờ, thứ nhất là quyển sách trình bày khúc chiết, sáng sủa, một việc mà cho đến lúc đó, hiếm có nhà sử học xã hội chủ nghĩa nào làm được.


Điều thứ hai nằm trong phần lời nhà xuất bản. Nhà xuất bản (tôi không nhớ tên, dĩ nhiên là thuộc sự quản lý của nhà nước XHCN) viết rằng vì tác giả ở xa, nên việc xuất bản chưa có lời xin phép.


Ảnh hưởng lớn đến một thế hệ trước 1975


Một người bạn nói với tôi rằng Nguyễn Lang chính là thiền sư Thích Nhất Hạnh.


Và bộ sách đó là quyển suy nhất của ông mà tôi đọc cho đến nay, tuy nhiên tôi cũng biết rằng sách vở và văn thơ của ông ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ đàn anh của tôi ở các thành thị miền Nam trước năm 1975, như các quyển Bông hồng cài áo, Thả một bè lau, ...


Việc xuất bản bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận có vẻ như là một chỉ báo rằng nhà nước Việt Nam cởi mở hơn với thiền sư Thích Nhất Hạnh.


Vài năm sau, năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai được về Việt Nam.


Nhưng sự cởi mở chỉ kéo dài tới 2008-09 và sau thiền sư Thích Nhất Hạnh và Làng Mai rời Việt Nam, kế hoạch xây dựng cơ sở Làng Mai tại Bảo Lộc không thành.


Những tài liệu sau đó cho biết lý do nhà nước Việt Nam đóng cửa đối thiền sư Thích Nhất Hạnh là do bản kiến nghị của ông đưa lên nhà nước Việt Nam, trong đó có những điểm mà cho đến hiện nay, 2022, Hà Nội vẫn xem là cấm kỵ, như là lập đài tưởng niệm hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam bỏ mạng trên biển, tách rời tôn giáo và chính trị…


Năm 2008 tôi thường xuyên đến Huế, và chứng kiến không khí vô cùng căng thẳng ở thành phố thơ mộng này, mà nhất là khu vực bao quanh chùa Từ Hiếu, nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh tu tập từ nhỏ. Theo trí nhớ của tôi thì có đến hai vòng chốt công an canh gác xung quanh ngôi chùa cổ kính, người lạ không được phép ra vào.


Gần 10 năm sau, thiền sư Thích Nhất Hạnh được phép trở về Việt Nam, khi đã yếu, để sống tại chùa Từ Hiếu. Ngày 22/1/2022, ông viên tịch, được truyền thông quốc tế đồng loạt đăng tin, chia buồn.


Sự ra đi của ông, người có hàng triệu người ngưỡng mộ trên thế giới dĩ nhiên làm dấy lên niềm thương cảm, nhưng cũng có những lời chì chiết.


image021Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images. Ông Ngô Đình Diệm phát biểu trong ngày thành lập Việt Nam Cộng hòa ngày 10/10/1955. Năm 1963, ông bị lật đổ, sát hại trong một giai đoạn nhiều biến động lớn của chính trường Nam VN


Đúng ra những lời chì chiết nhà sư đã có từ lâu rồi, từ khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào ngày 30/4/1975. Tựu chung, người ta đả kích nhà sư đã làm cho Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vì những cuộc vận động chống chiến tranh của mình (?!).


Người ta cũng chì chiết ông vì cho rằng ông không lên tiếng cho nhân quyền trong nước. Những lời chì chiết lại không nhắc đến bản kiến nghị 7 điểm là nguyên nhân cơ sở ông lập ra ở Bát Nhã, Lâm Đồng bị Hà Nội đóng cửa vào năm 2009.


Những người chì chiết ông còn đăng hình ông chụp chung với Đại tướng Việt Nam cộng sản Võ Nguyên Giáp. Tôi tự hỏi rằng đã có ai chì chiết những vị tướng và chính trị gia người Mỹ chụp hình chung với tướng Giáp chưa?


Như vậy là thiền sư Thích Nhất Hạnh lọt vào danh sách những nhân vật Việt Nam gây ra nhiều tranh cãi trong lịch sử xung đột của đất nước này. Những xung đột có vẻ như vẫn chưa chấm dứt, và danh sách những nhân vật như thiền sư có cơ kéo dài ra thêm. Người mới nhất, trẻ nhất là nhà văn Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt, dù nổi tiếng trên văn đàn thế giới (thiền sư Thích Nhất Hạnh thì nổi tiếng trong giới phật giáo và trí thức phương Tây), cũng bị nhiều chỉ trích bởi nhãn quan về cuộc chiến Việt Nam qua quyển Cảm tình viên.


Không phải chỉ có hành giả Thích Nhất Hạnh rơi vào vòng tranh cãi, mà cả Phật giáo Việt Nam nói chung cũng bị chì chiết, người ta nói rằng phong trào Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam đã góp phần làm suy yếu Việt Nam Cộng hòa, làm cho nền cộng hòa phôi thai ấy dần đi đến đổ vỡ (?!)


Điều thú vị là nếu như những người chì chiết thiền sư Thích Nhất Hạnh, "quên mất" bản kiến nghị đã làm cho ông bị cấm cửa vào năm 2008, thì báo chí của nhà nước Việt Nam cũng "quên mất" giai đoạn ấy, khi đăng tin về việc ra đi của ông vào đầu năm 2022. Hai bên đối nghịch nhau, vì những mục đích khác nhau, lại cùng có một hành động giống nhau, và nhà sư rơi vào giữa.


Không lâu sau khi đọc bộ Việt Nam Phật giáo sử luận, tôi viếng thăm Bodh Gaya, Bồ đề đạo tràng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo ở Ấn Độ, tôi ngạc nhiên thấy trong hiệu sách phật giáo, số đầu sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhiều thứ hai, chỉ sau sách của Đức Đat lai Lạt Ma của Tây Tạng.


Sau ngày ông viên tịch, trong các bản tin của các hãng truyền thông Tây phương về việc ra đi của ông, ghi rằng ông là nhân vật số hai của Phật giáo thế giới, sau Đức Đạt Lai Lạt Ma, hoặc ghi rằng ông là một trong những nhà sư Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất của nhân loại hiện nay.


Phương Tây chào đón trọng thị nhà sư vì ông đã giúp cho họ thực hành những điều đơn giản, làm cho họ thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống ngày càng căng thẳng và xáo trộn.


Những nhận định này của báo giới phương Tây chắc chắn không được sự đồng tình của những người chì chiết thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây cũng là một điều thú vị khi ta so sánh với việc phản đối những bộ phim về chiến tranh Việt Nam do phương Tây làm ra, rằng chúng chỉ thể hiện cái nhìn của phương Tây về cuộc chiến ấy.


Nay cái nhìn của phương Tây về thiền sư Thích Nhất Hạnh, thể hiện rõ không chỉ qua báo giới, mà qua lời phát biểu của bà Marie Damour, đại biện lâm thời phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam:


"Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người thầy, nhà lãnh đạo tinh thần được yêu mến và là nhà hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình cho đất nước của mình và trên khắp thế giới. (Thông báo báo chí của đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam sau khi thiền sư Thích Nhất Hạnh ra đi.)


Một số người Việt Nam, mặc dù hướng về phương Tây, có khi sống ở phương Tây, không đồng ý về những nhận định đó của phương Tây, người ta phản đối, phản đối rất nhiều.


Những lời phản đối rồi cũng sẽ lắng xuống. Người phương Tây vẫn sẽ tiếp tục thực hành những điều đơn giản mà ông hướng dẫn để tĩnh tâm, để vượt qua những xáo trộn căng thẳng của cuộc sống hàng ngày.


Những người Việt theo chân thiền sư Thích Nhất Hạnh, chắc cũng chẳng ra lời trần tình nào, vì phàm theo lời Phật dạy, mở miệng ra đã mang lời thị phi rồi, làm gì có chân lý tuyệt đối trên đời này, lời nói nào mà chẳng chủ quan, ràng buộc.


Phật giáo Việt Nam và hàng chục triệu Phật tử Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục con đường đi tìm giải thoát mà Đức Thích Ca đã vạch ra trên 2500 năm trước.


Trên con đường ấy sẽ có thêm những hành giả rơi vào những vòng xoáy xung đột gần trăm năm qua trên nước Việt Nam vì những xung đột ấy vẫn chưa chấm dứt, nhưng rồi thì họ cũng sẽ qua bờ bên kia, như câu kinh phật yết đế yết đế para yết đế vậy!


Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại San Jose, bang California, Hoa Kỳ.


+++++++++++++++++++++++++++++++


Thích Nhất Hạnh và những quan điểm đối chọi khi nói về ông


  • PGS.TS Nguyễn Phương Mai
  • ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam


24/1/2022


Cũng giống như nhiều người Việt không sinh ra ở nước ngoài, tôi đã từng bỡ ngỡ vô cùng khi cái tên Thích Nhất Hạnh nổi tiếng toàn thế giới nhưng chính mình lại chưa từng nghe nói đến trong suốt quãng đời ở quê hương.


Cái tên của ông cũng đem đến nhiều cảm xúc vô cùng khác nhau.


Và người ta từng cho rằng ông là:


Người "ủng hộ cộng sản"


Từ một gia đình trung thành với chính quyền miền Nam cũ của Ngô Đình Diệm, họ kể cho tôi rằng sư ông là người kịch liệt phản đối chiến tranh.


Và chính vì tư tưởng phản chiến ấy, nhiều người của chính quyền miền Nam ủng hộ sự can thiệp của quân đội Mỹ căm ghét ông. Cho đến tận bây giờ, sư ông vẫn bị coi là "cộng sản nằm vùng", "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".


Với gia đình người Việt tị nạn này, họ có niềm tin chắc chắn rằng câu chuyện tang thương của mình có "bàn tay của sư ông". Tuy nhiên, gia đình này cũng phủ nhận lý do sư Ông tham gia phản chiến là vì chính quyền thân Thiên Chúa Giáo của Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp tăng ni phật tử. Họ cho rằng đó chỉ là cái cớ để sư ông kêu gọi lật đổ chính quyền.


Người "ngây thơ chính trị"


Cảm xúc thứ hai về sư ông đến từ chính thế hệ con cháu của gia đình tôi nhắc tới ở trên. Đó là những người gốc Việt trẻ tuổi có cơ hội tiếp xúc rộng hơn với thông tin đa chiều và cách nghĩ không còn quá bị ám ảnh bởi quá khứ đau thương. Trong khuôn viên của một trong những trường ĐH hàng đầu của Mỹ, hai anh em cùng đang làm bằng tiến sĩ mong tôi không nên phán xét cha mẹ họ quá nặng nề.


Đối với những người trẻ như họ, sư ông là một nhân vật tôn giáo có tầm vóc quốc tế, và cũng như nhiều người đã nhận định, có sức ảnh hưởng ngang tầm với đức Đạt Lai Lạt Ma.


image023Nguồn hình ảnh, Tu viện Làng Mai


Tuy nhiên, sư ông cũng đồng thời là một người "ngây thơ chính trị". Ông đã bị chính quyền cộng sản của cả ngày xưa lẫn hiện nay ở Việt Nam lợi dụng. Ngoài nước, họ hài lòng với việc tên tuổi của sư ông nâng tầm hình ảnh Việt Nam trong con mắt thế giới. Trong nước, họ ngăn cản sự ảnh hưởng của sư ông, báo đài kìm chế đưa tin về các hoạt động của sư ông. Chính vì thế, người trong nước trước đây không mấy ai biết sư ông nổi tiếng ra sao.


Những người trẻ gốc Việt này nhìn thấy sự ngây thơ chính trị của sư ông trong việc "hợp tác" với chính quyền khi trở về giảng đạo, im lặng trước sự can thiệp của chính quyền vào tôn giáo, chính trị hóa tôn giáo, cản trở tự do tôn giáo. Điều này đối lập hoàn toàn với hình ảnh của sư ông hồi trước năm 75.


Người tu hành phi chính trị


Cảm xúc thứ ba gắn với sư ông là khi tôi tình cờ trò chuyện với một sư cô từng tu tại Làng Mai. Suốt cả chuyến bay dài gần chục tiếng và rất nhiều năm sau đó, sư cô cung cấp cho tôi cái nhìn của người trong cuộc về những vấn đề mà sư ông phải đối mặt.


Sau khi miền Nam về tay chính quyền cộng sản vào năm 75, chính những người thắng trận theo tư tưởng vô thần lại không trọng dụng và đặt lòng tin vào Thích Nhất Hạnh. Nguyên lý bất bạo động, tách tôn giáo khỏi chính trị, và mơ ước phát triển đạo Bụt thống nhất, trở thành nền tảng của đạo đức và lối sống của sư ông không thực sự thuyết phục những người cộng sản. Kẻ thù của cả hai chiến tuyến đều không coi sư ông là đồng minh.


Cũng theo sư cô, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được coi là cánh tay nối dài của một chính quyền toàn trị. Điều này mâu thuẫn với việc sư ông muốn về quê hương giảng dạy nhưng không muốn trở thành một phần của chế tài chính trị. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phan Văn Khải (2005), sư ông đề nghị "giáo hội nên tách khỏi Nhà nước, đại diện của tôn giáo không bị buộc phải có chân trong Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, không giữ chức vụ nhà nước, không nhận chỉ thị từ Chính phủ".


Nguyên tắc tôn giáo phải được độc lập với chính trị mà sư ông theo đuổi khiến chính quyền hiện tại đối xử với sư ông một cách dè chừng, thậm chí gián tiếp can thiệp với ý đồ quản chế mà câu chuyện ở tu viện Bát Nhã là một ví dụ. Trên báo Công An Nhân Dân, sau khi đưa ra kiến nghị, sư ông được mô tả như sau: "Nhìn nét mặt tự mãn của ông, hầu hết tăng ni xưa kia kính nể ông qua những cuốn sách ông viết bao nhiêu thì giờ càng cảm thấy thất vọng về ông bấy nhiêu".


image025Nguồn hình ảnh, Tu viện Làng Mai. Điện thư từ Đức Đạt Lai Lạt Ma chia buồn vì sự ra đi của sư ông Thích Nhất Hạnh


Khi Sư ông khẳng định Pháp môn Làng Mai độc lập với Giáo hội Phật giáo VN, báo Công an nhân dân viết:


"Ôi trời! Ông đưa người của ông vào nhà người ta, ông quây lấy một góc, nấu nướng, ăn uống, ngủ nghê, tắm giặt... rồi ông bảo "góc" của ông là góc độc lập, chuyện sinh hoạt của ông là chuyện "nội bộ", chủ nhà không có quyền can thiệp thì ai chịu nổi!"


Và cuối cùng, cách thực hành tu tập một cách tối giản, diệt bỏ phần lớn các nghi thức, lễ lạt, sự tôn vinh, danh vọng và uy quyền của sư ông gần như đối chọi với cách mà Phật giáo ở Việt Nam đang được người dân lĩnh hội. Ví dụ, khi nói về cái chết của mình, sư ông tuyên bố ngay từ khi còn sống:


"Đừng lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?


Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng là có Thầy!


Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích.


Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: Trong này không có gì. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa: Ngoài kia cũng không có gì. Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót: Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.


Đem tro của Thầy mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy".


Người giúp nhân gian tìm an lạc


Cảm xúc thứ tư tôi được chứng kiến về sư ông là khi tôi theo học về thần kinh não bộ tại King's College London. Thiền Chánh niệm (mindfulness) là một trong những môn tự chọn nhiều sinh viên đăng ký tham gia nhất. Trong khóa học đó, chúng tôi tìm hiểu về các cơ chế hoạt động của não bộ khi thiền định và tác dụng mà nó mang lại trong trị liệu.


Một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong các bài giảng về lý thuyết là Thích Nhất Hạnh. Sư ông được những nhà khoa học hàng đầu thế giới về thần kinh học gọi là "father of mindfulness" - một trong những người phát triển thiền chánh niệm. Trong suốt hơn 40 năm, sư ông đã trở thành một trong những tên tuổi được trọng vọng và tôn kính nhất của bức tranh tôn giáo thế giới.


image027Nguồn hình ảnh, Boston Globe/Getty Images. Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn ngồi thiền trước Nhà thờ Trinity ở Quảng trường Copley, Mỹ ngày 15/9/2013. Khi gió tạt vào micro lúc thiền sư đang giảng, Sư huynh Pháp Nguyên giơ chiếc nón lá lên để che chắn


Nhưng mindfulness không phải là một tôn giáo. Và nó cũng đã tồn tại, ngấm sâu, phát triển rộng đến mức không còn là một phong trào. Ngoài biên giới Việt Nam, thiền chánh niệm được nhắc đến như một lối sống. Nó đã vượt ra ngoài các ranh giới của tâm linh, trở thành một phần của ý niệm và hành động thường ngày trong văn hóa, xã hội, kinh doanh, giáo dục, quân sự và chính trị của một phần lớn dân số thế giới.


Ngày càng nhiều các chương trình học và thực hành thiền chánh niệm được lồng vào các hoạt động thường ngày của các nhà kinh doanh, tướng lĩnh quân đội, nghệ sĩ, thậm chí cả các em học sinh trên khắp thế giới. 23% thanh niên thế hệ Z (sinh sau năm 2000) từng tập thiền. Nhiều công ty mua app cho nhân viên, xây dựng các phòng thiền. Họ tính ra khi nhân viên có chánh niệm, sức khỏe tốt hơn, năng suất tăng lên, mang lại lợi nhuận thêm vài ngàn đô la mỗi năm trên một đầu người.


Khi tôi đến thăm một trường tiểu học ở Anh, trước một tiết học mới, các bé thường được hướng dẫn nằm trên sàn nhà với con gấu bông đặt trên bụng, theo dõi hơi thở và sự chuyển động của cơ thể. Cùng với đại dịch, thiền chánh niệm ngày càng trở thành một phần của cuộc sống giúp chống trả lại hậu quả của mất mát. 34% các app được mua nhiều nhất ở Mỹ là các app về thiền.


Một trong những lý do thiền chánh niệm được tiếp nhận mạnh mẽ như vậy là bởi sư ông đã lan tỏa nó bằng hàng trăm đầu sách đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng khác nhau. Cuốn "Living Buddha, Living Christ" (sống như Phật, sống như Chúa) bán ra hàng triệu bản. Sư ông không khuyên ai bỏ đạo, và các khóa tu ở Pháp luôn có người từ đủ các tôn giáo khác nhau tham dự. Điều sư ông lan tỏa không phải là một tôn giáo mà là một phương cách sống dùng yêu thương để kết nối muôn loài.


Sophia và sư ông


Thiền chánh niệm qua lời dạy của sư ông trở thành những điều giản dị, ai cũng có thể hiểu, ai cũng có thể làm. Đó là tìm sự an lạc trong từng khoảnh khắc hiện tại. Khi rửa bát thì cảm nhận được dòng nước mềm mại ở tay. Khi đi bộ thì biết mỗi bước chân mình đang hôn lên mặt đất. Nhiều bạn bè Hồi giáo của tôi thiền chánh niệm trong từng động tác cầu nguyện Chúa Trời.


Dù cái tên của sư ông đem lại khá nhiều tâm trạng và ý niệm khác nhau, nhưng đối với cá nhân tôi, cái tên Thích Nhất Hạnh bất ngờ đọng lại một cách bất ngờ và đáng nhớ nhất khi tôi theo dõi sự ra đời của một con robot.


image029Nguồn hình ảnh, Getty Images. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp trong chuyến đi thăm Thái Lan hồi tháng 04/2013


Mấy năm trước, cô gái robot siêu hiện đại Sophia xuất hiện và làm chấn động thế giới công nghệ. Cô có khả năng tư duy độc lập, rất giống con người. Trong buổi phỏng vấn ra mắt, cô đã trả lời như sau:


- Sophia, chào mừng cô đến với thế giới loài người. Cô có vui không?


- Anh nói như thể cuộc đời là cần phải vui vậy. Tôi đã sống đủ lâu đâu, nên tôi không thể nói trước. Tôi chỉ biết rằng ngay lúc này đây tôi rất vui.


- Nhiều người cho rằng "vui ngay lúc này" là điều tuyệt vời nhất.


- Có phải vì tương lai và mãi mãi thật ra chỉ là phép cộng của những khoảnh khắc an lạc trong hiện tại mà thôi?


PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
20 Tháng Giêng 2023(Xem: 1516)
10 Tháng Giêng 2023(Xem: 1439)