Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - kiệt tác mỹ thuật khắc gỗ truyền thống

10 Tháng Tư 20238:51 SA(Xem: 1263)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA-KHOA HỌC-KHÔNG GIAN – THỨ HAI APRIL 10, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - kiệt tác mỹ thuật khắc gỗ truyền thống


“Nên giữ chất nguyên sơ, bảo vệ nét cổ kính của chùa, đừng quy hoạch sửa chữa theo kiểu mới phục vụ cho du lịch mà hỏng bét.” (VHO)


Nguyễn Thiện Nhân   -   Chủ nhật, 09/04/2023

image042

Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) sở hữu di sản văn hóa đặc biệt quý giá là kho mộc bản kinh Phật với hơn ba nghìn ván khắc, một trong những kho tư liệu cổ xưa nhất của dân tộc. Ngày 16.5.2012, với những giá trị nổi bật, trội vượt và tiêu biểu trên nhiều phương diện, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình "Kí ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương".


image044Chùa Vĩnh Nghiêm ở thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Thiện Nhân.


Chú thích của VHO: – Chùa Vĩnh Nghiêm ảnh trên bị sửa chữa theo kiểu mới phục vụ cho du lịch. Xem các hình dưới ảnh nguyên sơ chùa Vĩnh Nghiêm – nghi là chụp vào  December 17, 2020  (facebook).

image046image048image050image052image054image056

Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng đông bắc Bắc Bộ, có vị trí địa lý:


  • Phía đông giáp tỉnh Quảng Ninh
  • Phía bắc giáp tỉnh Lạng Sơn
  • Phía tây giáp tỉnh Thái Nguyên và thủ đô Hà Nội
  • Phía nam giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương.


Trung tâm Phật giáo thời Trần, chốn tổ mãi mãi tôn nghiêm


Chùa Vĩnh Nghiêm là một "đại danh lam cổ tự", mang một vị trí đặc biệt trong lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần; là chốn tổ cho cả nước, nơi phát tích và thờ phụng Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Pháp Loa (1284 - 1330) và Huyền Quang (1254 - 1334), là những nhà chân tu đã có công khai sáng một dòng thiền Việt - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. 


Chùa Vĩnh Nghiêm có tên Nôm là chùa Đức La nằm ở thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang do tam tổ Trúc Lâm xây dựng thành thiền viện, chốn tùng lâm đào luyện tăng đồ từ cuối thế kỉ XIII và đến nay vẫn giữ vai trò là chốn tổ.


Chùa tọa lạc ở ngã ba sông Lục Nam và sông Thương - còn gọi là ngã ba Phượng Nhãn (ngã ba mắt Phượng). Người xưa mô tả trong Bia trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm, khắc năm 1606 rằng: “Chùa Vĩnh Nghiêm là một thắng cảnh cổ. Trước mặt bên trái thì có Xương Giang, Nguyệt Giang, Đức Giang. Đức Giang chẽ nhánh hội vào Lục Đầu Giang mênh mang uốn khúc đưa thuyền từ bi cứu vớt chúng sinh. Đằng sau mé phải thì có Lạng Sơn, Phượng Sơn. Hình Sơn, Quả Sơn chập trùng muôn lớp quanh co ôm ấp sánh với cảnh Phật Bổ Đà... phong cảnh nơi đây thực là kỳ diệu. Thực là một danh lam đứng đầu thiên hạ".


Theo nguồn tư liệu Hán - Nôm hiện lưu giữ tại đây cho biết, chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính và tĩnh lặng được mở mang xây dựng trên nền móng của ngôi chùa nhỏ có từ thời Lý (thế kỉ XI - XIII) mang tên chùa Chúc Thánh. Đến thời Trần, Phật hoàng Trần Nhân Tông cho mở mang xây dựng, đổi là chùa Vĩnh Nghiêm (với ý nghĩa là nơi mãi mãi tôn nghiêm). 


Tháng 4 năm 1308, Trần Nhân Tông đích thân tới chùa Vĩnh Nghiêm chủ trì giảng Truyền Đăng Lục, sai quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho chư tăng kiết hạ tại đây và thống nhất Giáo hội Phật giáo thời Trần. Sách Tam Tổ Thực Lục cho biết: Ngày mồng Một tháng Giêng, năm Mậu Thân (năm 1308) Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sai sư Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng pháp tại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại. Tháng tư, Điều Ngự đến kiết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, giảng Truyền Đăng Lục, lại sai Pháp Loa giữ chức trụ trì, bảo Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp hoa cho đại chúng. 


Tháng 9 năm 1313, Pháp Loa phụng chiếu đến trì trú tại chùa Vĩnh Nghiêm, giữ vai trò đứng ra thành lập Trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Đại Việt để phát triển nền đạo nước nhà. GS Ngô Đức Thọ cho rằng: "Từ khi Pháp Loa tôn giả đến trụ trì, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm Phật giáo có danh tiếng của giáo hội Trúc Lâm". 


Trúc Lâm đệ nhị Tổ Pháp Loa đã biến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm thành trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng ni cả nước. Từ thời điểm này chùa Vĩnh Nghiêm lại có thêm một vai trò nữa, đó là nơi quy tụ những vị cao tăng trong chốn thiền môn, điều hành bộ máy hoạt động của Giáo hội đối với tăng ni và phật tử. Trong thời gian trụ trì tại chùa Vĩnh Nghiêm, Pháp Loa đã cho xây dựng quy chế chức vị sư tăng, tổ chức việc san khắc, in ấn các kinh sách Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.


image058Một ván khắc của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Ảnh: Nguyễn Thiện Nhân


Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu thế giới


Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm hiện còn lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Mộc bản là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ, từ đó để in ra thành các cuốn sách. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ góc độ mĩ thuật truyền thống như một tác phẩm mĩ thuật đồ họa khắc gỗ độc lập, chứ không chỉ là một bản san khắc chữ khô khan theo cách thức thủ công khi phương tiện khoa học kĩ thuật thời bấy giờ chưa phát triển làm phương tiện để truyền bá Phật pháp bằng văn bản tới nhiều người.


Nhận diện từ góc độ mĩ thuật tạo hình, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm phân chia thành ba dạng bản khắc chủ yếu. Dạng thứ nhất gồm những bản khắc Kinh Luật, có khung viền biên quanh lề trang sách. Dạng biểu hiện này có vẻ đẹp thẩm mĩ thông qua kiểu chữ, bố cục khi mau, lúc thưa tạo khoảng nghỉ mắt trong một bố cục chật chội, vẻ đẹp của nét chữ qua bàn tay khắc tài hoa tinh tế của nghệ nhân là ngôn ngữ nghệ thuật đồ họa khắc gỗ.


Dạng thứ hai gồm những bản khắc có phần chữ xen họa đồ, trên cùng một bề mặt gồm cả phần chữ xen thêm những bức họa đồ minh họa hình người. Nghệ thuật đồ họa tạo hình đóng vai trò chủ đạo. Lối bố cục chặt chẽ, hài hòa giữa chữ và hình với sự tài khéo thể hiện tinh thần trên nét mặt thanh thoát, nhẹ nhàng, chứa đựng tính triết lí cao thâm. Mỗi mộc bản là một bức đồ họa độc lập có đủ các yếu tố về nghệ thuật của tác phẩm khắc gỗ dân gian.


Dạng thứ ba gồm những bản khắc "Lục thù", "bùa chú" dùng trong ma chay và những nghi lễ tôn giáo. Thể hiện trên bản khắc hình chữ Hán, chữ Phạn đan xem hình bát quái âm dương, hình người kì dị... tựa như một tác phẩm hội họa siêu thực. Có sự khác biệt ở nghệ thuật khắc ở dạng thứ ba với hai dạng khắc chữ ở trên: Hình họa tiết, hình chữ, hình người được khắc âm, hình nền là dương. Khi in những phần khắc âm hiện màu của giấy, còn phần dương là những phần bỏ trống không có hình là màu của mực in.


Nội dung các tài liệu mộc bản chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật kí của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng.


Khối tài liệu mộc bản này có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc bản và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, một số tài liệu mộc bản giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chi tiết rõ ràng. Hiện nay, phòng mạch của nhà chùa vẫn kế thừa các bài thuốc này để chữa các bệnh về thần kinh, đau xương khớp và các bệnh về tiêu hóa.


Các sư tổ trong chùa đã huy động hàng trăm Phật tử từ các nơi về để hỗ trợ việc đốn cây, xẻ gỗ và kêu gọi các thợ giỏi trong vùng ngày đêm đục đẽo làm các tấm mộc bản. Để có được các tấm mộc bản, các sư tổ trong chùa đã thực hiện một quy trình chế biến gỗ rất nghiêm ngặt. Gỗ lọc từ thân cây thị, xẻ ra thành các kích cỡ khác nhau, không đem khắc ngay mà phải cho vào nồi đun lên bằng cỏ khô trong vòng một đêm, sáng hôm sau mới dỡ ra để khắc chữ.


Các tấm gỗ sẽ không bị cong vênh, nứt mà tạo được độ dẻo dai cho thân ván. Bên cạnh đó, các tấm Mộc bản đều có màu đen bóng do được quét lên một lớp mực đen. Lớp mực này thấm sâu vào ruột gỗ, có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt. Do đó, dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng hầu như các tấm mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn không bị cong vênh, mối mọt, nét chữ tinh xảo.


Đại Việt sử kí toàn thư chép, năm 1295 vua Trần Anh Tông (con của vua Trần Nhân Tông) cử sứ thần sang nhà Nguyên thỉnh một ấn bản Đại Tạng Kinh mới hoàn thành năm 1294. Khi đưa về, ấn bản chính được lưu giữ ở phủ Thiên Trường (Nam Định), còn bản sao lưu tại chùa Vĩnh Nghiêm để in ấn, lưu hành nơi các chốn tổ đình chính. Sách Tam Tổ Thực Lục cho biết, năm 1308 bởi có tang lễ Phật hoàng, việc ấy kiêng lệ đến năm 1311 thì vua Trần Anh Tông ban chiếu tiếp tục ấn bản Đại Tạng Kinh.  


Cần phải nói thêm tinh thần hoằng công đạo pháp Trúc Lâm thể hiện sự đồng lòng, nhiệt tình hiến tâm, sức và có cả hiến máu cho việc làm mực in kinh, cụ thể có hàng vạn tu sĩ đã hiến máu làm mực in bộ Đại Tạng Kinh. Tháng Chạp năm Kỷ Mùi (1319), đã in được trên 5.000 bản để an trí tại chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều, Vĩnh Nghiêm và Báo Ân ở Gia Lâm. Như vậy, việc khắc bản đã hoàn thành sau 24 năm, kể cả ba năm công việc bị gián đoạn, đã để lại một kho tàng di sản quý báu cho dân tộc Việt.


Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là tài sản quý hiếm đặc biệt, vì trong sơn môn Thiền phái Trúc Lâm trên đất nước Việt Nam hiện duy nhất nơi này có tàng thư lưu trữ kho mộc bản với số lượng lớn, khá đầy đủ và nguyên vẹn.


Qua các mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) giúp chúng ta hiểu hơn về sự ra đời và những tư tưởng, giáo lí của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang yếu tố đặc trưng của dân tộc Việt.


++++++++++++++++++++++++++


Chùa Vĩnh Nghiêm – danh lam cổ tự của Bắc Giang


22/02/2019 00:00:18


Lượt xem: 16125


(TITC) – Bắc Giang là mảnh đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với lịch sử lâu đời, nhiều làng nghề truyền thống độc đáo, các lễ hội đậm đà tính nhân văn, cùng nhiều sản vật ngon nổi tiếng.  

image060

Nhưng nhắc đến Bắc Giang, không thể không nói đến vẻ đẹp chùa Vĩnh Nghiêm, nơi được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm.


Chùa Vĩnh Nghiêm có tên gọi khác là chùa Đức La (tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự), tọa lạc tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Đây là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ XIII được Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.

image061

Chùa có các khối kiến trúc chính: Cổng tam quan, Toà tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ đệ nhị, Hai dãy hành lang đông tây, Khu vườn tháp. Năm 1964 chùa được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.


Hiện tại, chùa lưu giữ nhiều hiện vật cổ như hệ thống tượng Phật, hoành phi câu đối, tranh, bia đá… Trong đó, nổi bật là 3.050 bản ván gỗ khắc chữ Hán và Nôm gồm các bộ kinh sách đạo Phật, sự nghiệp của các vị cao tăng và nhiều sách hướng dẫn chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian… Những bản mộc bản này được lưu giữ cẩn thận, chữ rất sắc nét, có giá trị nghệ thuật vô giá. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc chương trình Ký ức thế giới.

image063

Ngày 9/9/2013, Bộ VHTTDL đã công nhận Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận chùa Vĩnh Nghiêm là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.

image065

Trải qua hơn 700 năm hình thành, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành chốn văn hóa tâm linh linh thiêng ở Bắc Giang cho du khách thập phương tham quan, chiêm bái.


image067image069Mộc bản lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm


TTTTDL


Lịch sử hình thành Vĩnh Nghiêm cổ tự


Ngày đăng:10-05-2016


image071image072image074Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc trên một trục dọc hướng Tây Nam, chùa nằm trên lưng con rùa đang thò cổ ra, đằng sau có núi cô Tiên án ngữ, bên trái chùa là dòng sông Lục Nam, bên phải là dãy núi Đầu Voi (hay còn gọi là núi Voi) đằng trước là nhìn sang hai con sông là sông Thương và sông Lục Nam châu đầu vào nhau nhìn ra ngã 3 Phượng Nhãn.


image076Tổng thể khu vực chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ trên cao.


Vĩnh Nghiêm tự" thuộc địa phận thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (cách thành phố Bắc Giang 18 km về phía nam). Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII, quần thể chùa là một di tích kiến trúc cổ kiểu “nội vương ngoại vi”, Vĩnh Nghiêm tự là ngôi chùa lớn của phái thiền Trúc Lâm mang đậm bản sắc dân tộc và được coi là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


Vĩnh Nghiêm tự" thuộc địa phận thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (cách thành phố Bắc Giang 18 km về phía nam). Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII, quần thể chùa là một di tích kiến trúc cổ kiểu “nội vương ngoại vi”, Vĩnh Nghiêm tự là ngôi chùa lớn của phái thiền Trúc Lâm mang đậm bản sắc dân tộc và được coi là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


Trong tấm bia được dựng vào năm Hoàng Định thứ 7 (năm 1606) hiện còn lưu giữ ở chùa, viết rằng: “Chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là một ngôi chùa mà còn là một danh lam xây dựng, một khu cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong, chùa ở chỗ con sông sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa đào. Đây là danh lam đứng đầu thiên hạ”.


Tọa lạc trên quả đồi thấp, bao quanh là những ngọn núi non, sông nước, chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính và tĩnh lặng thu hút vào tầm mắt của du khách thập phương là một phong cảnh hữu tình. Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.


Được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần, Chùa Vĩnh Nghiêm mang một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo khi trở thành nơi tu hành của các bậc cao tăng. Mà đỉnh cao nhất là 3 vị Tam tổ của thiền phái Trúc Lâm là Thượng Hoàng Điều Ngự Trần Nhân tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm phật giáo thời Trần để đào tạo tăng đồ và xếp đặt tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước.


Vì vai trò đặc biệt mà chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô rất lớn. Diện tích cả khu chùa rộng khoảng 10.000 m2, mở đầu là cổng Tam quan, đi vào hơn 100m là chùa Hộ (hay còn gọi là Tiền Đường). Đường vào chùa Hộ, xưa được trồng thông để chùa thành trốn tùng lâm hữu tình, hiện tại vẫn còn một vài cây đứng trên sân chùa như những chứng tích của thời gian. Ngay trên sân chùa là một tấm bia to 6 mặt đó là tấm bia năm Hoằng Định. Đây là dấu vết lâu đời nhất của chùa hiện còn. Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 8 vị sư, đều được xây dựng mãi sau này.


Từ chùa Hộ trở vào, các khối kiến trúc nối tiếp nhau xây trên trục chính theo một hướng đông nam và được phân cách bằng một khoảng sân hẹp. Trong chùa có 4 khối: Chùa Phật (các nhà Tiền đường tức chùa Hộ, Thiêu hương và Thượng điện) hình chữ “công” nhà tổ đệ nhất cũng hình chữ “công” – gác chuông hai tầng tám mái – nhà Tổ đệ nhị và nhà Trai Đường kiểu chuôi vồ. Hai bên còn có các dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy gồm 18 gian rộng rãi là nơi hàng năm các sư về an cư kết hạ.


Cả 4 khối kiến trúc trên đều theo kết cấu khung gỗ cổ truyền, nhưng từ khối nhà Tổ đệ nhất trở về sau thì có thêm một số cột gạch và tường gạch hỗ trợ chịu lực. Ngay các thành phần kiến trúc gỗ, trừ bốn cột chính nhà Thượng Điện to lớn lực lưỡng bóng lộn là dấu vết thời gian của thời Lê, còn lại những cột kèo thanh thoát thời Nguyễn. Kiến trúc chùa thể hiện trình độ thẩm mỹ tuyệt vời của người xưa với toàn bộ cảnh chùa có độ cao thấp, sự giãn cách khác nhau, tạo ra một nhịp điệu phong phú. Song nói chung nó tuyệt đối không vươn cao đột ngột mà có xu hướng dàn trải, kéo dài theo chiều sâu, để luôn gây bất ngờ cho du khách.


Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, tòa nhà có niên đại muộn nhất ở chùa là hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu thì cũng thuộc triều Nguyễn. Còn lại hầu hết vẫn được nguyên kiến trúc và vật liệu thời Lý, Trần. Ngay sân chùa, cây hoa Nhập Nhân thơm một cách lạ lùng cũng có tuổi thọ tới 500 năm.


Một giá trị khác của chùa Vĩnh Nghiêm là bộ ván khắc kinh vẫn được gọi là Mộc thư cũng có niên đại tới 700 năm. Những bản ván in kinh tinh xảo là hiện vật chứng minh chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm.


Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh: “Kho mộc thư vẫn còn lưu giữ 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản 2 mặt, mỗi mặt 2 trang sách âm bản chứa khoảng 2000 chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó có những bản khắc đặc biệt quý như Khóa Hư Lục, Kinh Hoa Nghiêm…”.


"Mộc thư khố" được lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính của chùa. Đây là kho sách bằng gỗ có tổng số hơn 3.000 bản, trong đó hầu hết là kinh, sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...) được khắc bản cách đây trên dưới 200 năm.


Theo dòng lạc khoản khắc ở bài tựa và dòng lạc khoản cuối các cuốn kinh thì kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm phần nhiều được khắc in dưới triều các vua Tự Đức, Thành Thái nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX), một số ít được khắc dưới triều vua Cảnh Hưng, nhà Lê (nửa cuối thế kỷ XVIII).


Căn cứ vào bản "Tâm thượng ngư vĩ" của mộc bản thấy rằng: kho mộc bản có hơn ba chục đầu kinh, sách các loại, trong đó quá nửa là mộc bản khắc bộ Hoa Nghiêm kinh, còn lại là Di Đà kinh, Quan Thế âm kinh, Tì Kheo ni giới kinh, Khai thánh chân kinh... và các sách, luật nhà Phật.


Các mộc bản này đều bằng chất liệu gỗ cây thị, có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo từng kinh sách. Bộ "Yên Tử nhật trình" có niên đại cuối thế kỷ XVI, là bộ ván in cổ nhất của kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm, có kích thước 1,8x0,3 m là bộ lớn nhất, trong khi bộ "Dấu chấn" kích thước 0,25x0,17m là cuốn nhỏ nhất.


Từ những ván khắc đó, người xưa phủ mực in lên trên rồi in và đóng sách theo khuôn mẫu với đủ "biên lan", "bản tâm", "ngư vĩ", "thiên đầu, địa cước". "Biên lan" có khung viền lề trang sách là một đường chỉ to và một đường chỉ nhỏ. "Bản tâm" cho biết tên sách, thứ tự trang sách. Thượng hạ Bản tâm có "Ngư vĩ" (đuôi cá) theo kiểu song "Ngư vĩ". Tả hữu, thượng hạ "Biên lan" có "Thiên đầu - Địa cước". "Biên lan" có khung viền 4 lề trang sách, gồm 1 đường chỉ to và 1 đường chỉ nhỏ (người xưa gọi là Văn vũ Biên lan). Tả hữu, thượng hạ "Biên lan" có "Thiên đầu - Địa cước" rộng chừng 2,5 cm. Nhiều trang được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức minh hoạ, đường nét tài hoa tinh tế, nét chữ bay bổng, siêu thoát, bố cục chặt chẽ hài hoà, xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ trứ danh của mọi thời đại.


Để bảo vệ kho mộc thư độc đáo này, chùa Vĩnh Nghiêm và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đang phối hợp để in kho sách ra giấy gió (hay dó?), đánh số bản mộc và dịch nghĩa.


Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, giờ đây kho "Mộc thư khố" này được coi như là bảo vật quốc gia.


Đặc biệt, trong phiên họp chiều 16/5/2012 tại Bangkok (Thái Lan) Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương.


Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được đồng bào trong tỉnh cũng như cả nước và nhiều khách quốc tế biết đến không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch, bởi vẻ đẹp của kiến trúc và phong cảnh hữu tình hiếm thấy mà còn bởi bản sắc đặc biệt của văn hóa Phật giáo Việt Nam nơi đây…


 Ai qua Yên Tử - Quỳnh Lâm


Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


“Nên giữ nguyên, bảo vệ nét cổ kính của chùa, đừng quy hoạch sửa chữa theo kiểu mới phục vụ cho du lịch mà hỏng bét”


Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm


18:12 | 20/07/2021


(BGĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Đây là tiền đề quan trọng góp phần nâng tầm giá trị của di tích - danh lam cổ tự gắn với Phật giáo Trúc Lâm.


Quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm trở thành điểm hấp dẫn du lịch, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách; kết nối chùa Vĩnh Nghiêm với các điểm di tích liên quan đến Phật giáo Trúc Lâm ở hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và các di tích, danh lam thắng cảnh nối tiếng khác trong tỉnh để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển KT-XH và du lịch của tỉnh Bắc Giang.


image078Tổng thể khu vực chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ trên cao.


Phạm vi, quy mô quy hoạch có diện tích 40 ha, trong đó toàn bộ phần đất thuộc Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (theo Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt), có diện tích 2,05 ha; phần đất mở rộng nằm liền kề di tích, có diện tích 37,95 ha, gồm: Khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm mới được mở rộng về phía Đông (2,74 ha); đất dân cư thôn Long Khánh, xã Trí Yên (diện tích 6,20 ha); đất bãi ven sông Lục Nam (đoạn chảy qua di tích, diện tích 8,50 ha); đất các công trình hạ tầng kỹ thuật (diện tích 4,50 ha) và đất nông nghiệp, đất ruộng xen kẹt trong khu vực di tích (diện tích 16,01 ha).


Quy hoạch cũng định hướng không gian kiến trúc, cảnh quan thành một tổng thể di tích thống nhất giữa bên trong và bên ngoài khu nội tự (chùa chính - di tích gốc hiện tồn); trong đó: Lấy khu nội tự chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm để bố cục và tổ chức các không gian kiến trúc cảnh quan bên ngoài di tích phù hợp với yêu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị các hạng mục kiến trúc gốc hiện hữu, đồng thời tái hiện lại một số không gian gắn với di tích như: Chợ chùa, ruộng chùa, làng La cổ truyền. Tôn tạo cảnh quan, bố trí các hạng mục phụ trợ ở bên ngoài khu nội tự hài hòa trong tổng thể kiến trúc chung của toàn khu vực.


Bảo tồn nguyên trạng cấu trúc của khu chùa chính trong khuôn viên khu nội tự chùa Vĩnh Nghiêm. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá mức độ hư hại, xuống cấp các hạng mục kiến trúc gốc trong khu nội tự để đưa ra các giải pháp tu bổ, tôn tạo phù hợp với từng giai đoạn bảo tồn.

20 Tháng Ba 2014(Xem: 11919)
Kể từ ngày 20 tháng Ba cho đến 20 tháng Năm năm 2014, Viện Lưu trữ Quốc Gia (Archives Nationales) tổ chức cuộc triển lãm với tựa đề ‘‘Quan hệ Việt-Pháp qua bốn thế kỷ’’. Sau khi được trưng bày ở Hà Nội và Sài Gòn, nay cuộc triển lãm được đưa sang Paris, trong khuôn khổ chương trình Năm Việt Nam tại Pháp.
06 Tháng Ba 2014(Xem: 12391)
Chùa Hương (Hà Nội), đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, chỉ trong duy nhất cái ngày khai hội thôi, đất Phật đã đông đến kỷ lục: 6 vạn lượt khách/ngày! Bên cạnh tắc đường, trộm cắp, chèn ép khách..., nạn xả thịt thú rừng diễn ra ngang nhiên và kinh hoàng.
23 Tháng Hai 2014(Xem: 10060)
Dưới đây là bài nói chuyện có ghi âm của Ls Lâm Lễ Trinh trong buổi giới thiệu sách “Tuyết Xưa, Viết về Văn học” của Gs Trần Ngọc Ninh ngày 29.9.2002 tại Viện Việt Học, Intitute of Vietnamese Studies, ở số 15355 Đại lộ Brookhurst, Westminster, Californie
06 Tháng Hai 2014(Xem: 15123)
Vào những ngày đầu xuân, Người Việt có thú vui là đi xem quẻ đầu năm, xem gia đạo có được yên lành ấm no trong năm mới hay không? Cũng vì thế, mời quý thính giả cùng đến với Hòa Ái và chiêm tinh gia Phước Lộc để nghe chia sẻ về quẻ “kỳ môn độn giác” của năm Giáp Ngọ.
11 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 14103)
Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quyết định trên được đưa ra tại phiên họp ngày 5/12 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra ở Baku, Azerbaijan, từ ngày 2/12-7/12, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
25 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12085)
Theo ông, Tổng thống Eisenhower (Jan1953-Jan 1961) cho rằng nếu Đông dương mất về tay CS sẽ là mối đe dọa Mỹ nhưng người Mỹ không muốn đưa quân vào (1). Năm 1954 Eisenhower nói nếu Đông Dương mất, Đông Nam Á sẽ mất theo y như ván cờ Domino, Mỹ đã thỏa thuận với khối SEATO (2) để bảo vệ Đông Dương và đã bơm 7 tỷ viện trợ quân sự kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa từ 1955-1961.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12764)
Ngày 19 tháng 11 năm 1863, Abraham Lincoln, đứng trên một cánh đồng ở Pennsylvania đã đọc bài diễn văn ngắn trước đám đông mà có lẽ chính những người có mặt cũng khó có thể nghe được từng lời ông nói.
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11786)
Theo các nhà ngữ học thì tiếng Mỹ là thứ tiếng nói vay mượn rất nhiều từ ngữ của các tiếng khác trên khắp thế giới, vì vậy mà nó rất dồi dào và sống động, nó là tiếng nói số một của loài người hiện nay Theo tôi thì tiếng Việt cũng không thua kém chi. Nó đang đứng thứ 12 về số đông người nói [83 triệu] và đang lan ra khắp thế giới tự do từ cái biến cố 1975.
05 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10779)
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có rất ít phụ nữ nổi bật trên chính trường. Đấy không phải là bởi vì phụ nữ nước ta không có tài làm chính trị, mà bởi vì ngày xưa phụ nữ luôn bị kềm kẹp trong cái câu “tam tòng tứ đức”, luôn sống trong cái cảnh “khuê môn bất xuất”. Chính vì thế, nhân vật nữ nào được nổi bật thì ất phải là kiệt xuất lắm. Và cách đây hơn 800 năm, lịch sử Đại Việt đã biết đến một phụ nữ kiệt xuất có tài kinh bang tế thế: Thái Hậu Ỷ Lan.
24 Tháng Mười 2013(Xem: 13585)
Từ sự kiện: “Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội” được đề cập đến trong tuyên bố chung ngày 15/10/2013 sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhiều nhân sỹ trí thức trong nước đã lên tiếng lo ngại về mục đích thật sự của nó.
21 Tháng Mười 2013(Xem: 10643)
Trong những thập niên gần đây, nhân chủng học là ngành khoa học thực hiện được nhiều tiến bộ vượt bực trong công trình nghiên cứu để tìm đáp số cho các vấn đề liên hệ đến đời sống con người . Văn hóa là khái niệm chủ yếu cùa nhân chủng học.Tuy nhiên đến nay , các học giả vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau về định nghĩa chung của văn hóa .
01 Tháng Mười 2013(Xem: 12242)
Hai năm trước, khi đến thăm Bảo tàng Quốc gia Malaysia ở Kualar Lumpur, tôi đã thấy nhà rông, cồng chiêng và cột nhà mồ như ở Tây Nguyên, Việt Nam và hiểu rằng văn minh Đông Nam Á cổ đã trải rộng thế nào ở châu Á lục địa.
04 Tháng Bảy 2013(Xem: 11018)
Hoa Kỳ lập quốc 1776 có 4 triệu dân, ngày nay 2013 có 314 triệu. Qua hai trăm ba mươi năm gia tăng 310 triệu.-- Năm 1976 người Việt tại Mỹ có 170 ngàn, ngày nay có 1 triệu 700 ngàn.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 13688)
Non nước hữu tình với cảnh ngư dân và bầy trâu, bãi biển thơ mộng với làn nước trong xanh như ngọc đổ ra biển Đông đã tạo cho phố cổ Hội An một nét đẹp yên bình quyến rũ du khách.
16 Tháng Năm 2013(Xem: 15220)
Ngay từ đầu, khi đặt vấn đề xây dựng nhà Quốc Hội, tôi đã có ý kiến đề nghị với đồng chí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng là cần bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình - một di tích không thể thiếu của bề dày di tích lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và tôi có đề nghị hai phương án:
16 Tháng Năm 2013(Xem: 14727)
Ngày 19/04, tức ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nghi thức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã diễn ra tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ. Trước đó vào tối 13/04, tức mồng 4 tháng 3 Âm lịch, UBND tỉnh Phú Thọ đã chính thức đón Bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
16 Tháng Năm 2013(Xem: 12664)
Đối với ai quan tâm về Việt Nam, Viện Bảo Tàng Albert Kahn vùng ngoại ô Hauts-de-Seine sát cạnh Paris là một địa chỉ không thể bỏ qua. Đây là nơi lưu trữ một bộ sưu tập hiếm hoi ảnh màu về Việt Nam chụp ngay từ đầu thế kỷ 20, thời ngành nhiếp ảnh vẫn còn sơ khai. Giá trị của bộ sưu tập này rất lớn vì nó giúp cho các thế hệ hiện nay thấy rõ được bằng hình ảnh, với màu sắc rõ ràng, một phần diện mạo của Việt Nam cách nay một thế kỷ.
16 Tháng Năm 2013(Xem: 16145)
Một triển lãm ảnh mang tên "Hanoi: Spirit of Place", với bộ ảnh do một nhà cựu ngoại giao Anh, Sir John Ramsden, chụp trong thời gian ông làm việc ở Hà Nội từ năm 1980-83 vừa được khai trương tại London nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Anh Việt.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 12406)
LTS: Bài viết dưới đây của Luật gia Trần Thanh Hiệp được trích từ sách: “Việt Nam Trên Đường Dân Chủ Hóa” do Nhà Xuất Bản Thái Bình Dương ở Paris ấn hành. Tòa soạn VănHoáMagazineOnline.com trân trọng cám ơn tác giả.