Phục dựng chùa cổ Hoằng Phúc hơn 700 năm tuổi

17 Tháng Giêng 201610:42 CH(Xem: 9172)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 18 JAN 2016

Phục dựng chùa cổ Hoằng Phúc hơn 700 năm tuổi

(GDVN) - Sau hơn một năm thi công, chùa Hoằng Phúc, một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung đã được phục dựng thành công.

Ngày 16/1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Bình đã long trọng tổ chức lễ khánh hạ chùa Hoằng Phúc (thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).

image112

Chùa Hoằng Phúc, ngôi chùa cổ có tuổi đời trên 700 năm được phục dựng thành công (Ảnh: Xuân Thi)


Lễ khánh hạ đã đón hàng trăm tăng ni, phật tử và du khách thập phương về dự.

Chùa Hoằng Phúc được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung, có tuổi đời trên 700 năm.

Qua các nguồn sử liệu, được biết năm 1301, chùa Hoằng Phúc được Phật Hoàng Trần Nhân Tông ghé thăm và cầu phước đức cho dân lành, lúc đó chùa Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến.

image114

Lễ khánh hạ đã đón hàng trăm tăng ni, phật tử từ các nơi về dự (Ảnh: Xuân Thi)


Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan. 

Trong thời kỳ chiến tranh, chùa Hoằng Phúc từng là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử, chùa Hoằng Phúc bị phá hủy bởi thời gian và bom đạn của chiến tranh, chỉ còn lại dấu tích nền móng và một phần cổng tam quan. 

image116

Ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia (Ảnh: Xuân Thi)


Tuy nhiên, chùa vẫn bảo tồn được nhiều hiện vật quý như chuông khánh, câu đối và tượng hộ pháp.

Trong thời gian phục dựng, người ta cũng phát hiện và khai quật nhiều tượng cổ đưa vào thờ tự trong chùa.

Từ nền móng chùa với hệ thống tường rào bao quanh, đặc biệt là kết cấu cổng tam quan tách rời nhau cho thấy Hoằng Phúc là ngôi chùa lớn. 

image118

Bức tranh “Trúc lâm đại sĩ trúc sơn chi đồ” được mô tả tại chùa Hoằng Phúc (Ảnh: Xuân Thi)


Năm 2014, chùa Hoằng Phúc được đầu tư để trùng tu, tôn tạo với tổng số vốn 40,4 tỷ đồng từ đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phật tử trong cả nước.

Chùa Hoằng Phúc được phục dựng lại trên nền cũ theo kiến trúc thời Trần. Cuối năm 2015, chùa được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. 

image120

Ngày 15/1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nghênh rước Ngọc xá lợi Đức Phật từ Giáo hội Phật giáo Myanmar về an vị tại chùa Hoằng Phúc (Ảnh: Xuân Thi)


Chùa được phục dựng hoàn thành là niềm mong ước của hàng vạn phật tử trong vùng và cả nước.

Trong lễ khánh hạ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia và cung nghinh xá lợi Đức Phật Tổ từ Giáo hội Phật giáo Myanmar về an vị tại chùa Hoằng Phúc.

Thủy Phan  17/01/16 05:05

21 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 4842)
11 Tháng Mười Một 2020(Xem: 4995)
13 Tháng Năm 2019(Xem: 8448)