VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG – THỨ SÁU 03 NOV 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Do Thái oanh tạc trại tị nạn; Gaza: “nghĩa địa của hàng nghìn trẻ em”
Gaza: Israel oanh tạc một trại tị nạn làm hàng chục người Palestine thiệt mạng
Hàng chục người Palestine đã thiệt mạng trong vụ oanh tạc vào trại tị nạn lớn nhất tại dải Gaza hôm qua, 31/10/2023. Quân đội Israel đã xác nhận vụ oanh tạc mà theo họ nhắm vào một trong những người có trách nhiệm trong vụ tấn công của tổ chức Hamas vào Israel ngày 07/10/2023.
RFI 01/11/2023
Trại tị nạn Jabaliya của người Palestine ở phía bắc dải Gaza sau trận oanh kích của Israel, ngày 31/10/2023. © STRINGER / Reuters
Theo hãng tin AFP, đã có ít nhất 47 người bị chết trong vụ oanh tạc vào trại tị nạn Jabaliya, nơi hiện có 116.000 người tị nạn. Còn theo bộ Y Tế của chính quyền Hamas, số người chết trong vụ oanh tạc này là hơn 50 người.
Theo quân đội Israel, vụ oanh tạc chính là nhằm tiêu diệt một chỉ huy của lực lượng Hamas, Ibrahim Biari, được xem là một trong những người có trách nhiệm trong vụ tấn công khủng bố vào Israel, sát hại dã man nhiều thường dân hôm 07/10. Phát ngôn viên quân đội Israel khẳng định hàng chục chiến binh Hamas có mặt cùng với Ibrahim Biari trong hệ thống đường hầm của Hamas cũng đã thiệt mạng khi các đường hầm này bị sụp do trúng bom.
Qatar và Ả Rập Xê Út đều đã cực lực lên án Israel về vụ oanh tạc vào trại tị nạn này.
Hôm nay, quân đội Israel thông báo đã đánh vào hơn 11.000 mục tiêu ở dải Gaza kể từ đầu cuộc chiến tranh với tổ chức Hamas. Quân đội Israel đồng thời công bố tên tuổi của 9 binh sĩ vừa tử trận hôm qua tại Gaza, nâng số lính bị thiệt hại nhân mạng lên 326, kể từ vụ tấn công của Hamas ngày 07/10.
Trong khi đó, công ty viễn thông Palestine Paltel hôm nay thông báo toàn bộ các đường điện thoại và đường truyền Internet tại dải Gaza đã bị cắt hoàn toàn.
Chiến tranh giữa Israel với Hamas tại Gaza có nguy cơ lan rộng. Theo AFP, lực lượng phiến quân Huthi ở Yemen hôm qua đã thề sẽ tiếp tục các cuộc tấn công vào Israel cho đến khi chấm dứt chiến tranh. Họ khẳng định đã phóng nhiều tên lửa và drone sang lãnh thổ Israel, đợt tấn công thứ ba kể từ đầu chiến tranh giữa Israel với Hamas.
Liên Hiệp Quốc báo động: Dải Gaza đã trở thành “nghĩa địa của hàng nghìn trẻ em”
Trong bối cảnh Israel tiếp tục tấn công dữ dội vào Dải Gaza bất chấp thương vong đối với thường dân, một đại diện Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 31/10/2023 đã lên tiếng báo động bằng một hình tượng gây sốc: “Dải Gaza đã trở thành nghĩa địa của hàng nghìn trẻ em”.
RFI 01/11/2023
Trẻ em tại một khu dân cư ở Rafah, sau một cuộc oanh kích của quân đội Israel, ngày 14/10/2023. AP - Hatem Ali
Trong một thông cáo công bố tại Genève (Thụy Sĩ), ông James Elder, phát ngôn viên của Quỹ Nhi Đồng UNICEF, tổ chức của Liên Hiệp Quốc chuyên trách vấn đề bảo vệ trẻ em, đã báo động về thảm họa đang diễn ra tại dải Gaza, đồng thời lo ngại rằng rất nhiều đứa trẻ khác sẽ bị chết vì bị mất nước.
Theo phát ngôn viên UNICEF: “Số liệu thật ghê gớm: Hơn 3.450 trẻ em được báo cáo là đã thiệt mạng và điều đáng sợ là con số này đang tăng lên mỗi ngày”. Ngoài ra, theo ông Elder, hơn một triệu trẻ em sống ở dải Gaza cũng bị lâm vào tình trạng thiếu nước uống. Đối với UNICEF, trẻ em tại Gaza không chỉ bị chết dưới bom đạn, mà còn là nạn nhân của tình trạng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ này bị ngăn chặn.
Từ Genève, thông tín viên RFI Jérémie Lanche nhận định:
“Số liệu về trẻ em bị thiệt mạng ở dải Gaza chưa tính đến con số 940 em bị báo cáo mất tích, có lẽ là đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị trúng pháo kích. Thế nhưng, thoát khỏi bom đạn không thôi chưa đủ, các em còn phải có khả năng sống sót trong tình trạng thiếu thốn mọi thứ, đặc biệt là nước uống. Ông James Elder, phát ngôn viên tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc ghi nhận: “Ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em ở Gaza đang rất cần nước uống. Hiện nay, lượng nước uống cung ứng chỉ bằng 5% so với bình thường. Vỏn vẹn 5% mà thôi. Càng ngày càng có nguy cơ có thêm nhiều trẻ em bị chết vì mất nước.”
Publicité
Ông Christian Lindmeier thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO cũng cho rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo có lẽ đã bắt đầu cướp sinh mạng của những nạn nhân đầu tiên. Ông cho biết: “Ở Gaza, có 130 trẻ sinh non phải nuôi trong lồng ấp, 50.000 phụ nữ mang thai, với trung bình 180 ca sinh nở mỗi ngày. 350.000 người bị các chứng bệnh không truyền nhiễm như ung thư, tiểu đường, v.v… Những trường hợp này không thể được chăm sóc nếu không có điện hoặc thuốc”.
Tại Gaza, đã có những ca cắt chân hay tay mà không có thuốc mê, nhũng cuộc giải phẫu dưới ánh đèn pin, những trường hợp cha mẹ viết tên con mình trên cánh tay của chúng để có thể nhận dạng được nếu bị chết: biết bao lời chứng về những gì đang diễn ra trên hiện trường gây chấn động, kể cả trong giới nhân viên Liên Hiệp Quốc, những người ngày càng khó che giấu cảm xúc của mình”.