Scarborough Shoal, Second Thomas Shoal, Vanguard Bank: ‘Yếu huyệt’ của Indo-Pacific?

14 Tháng Ba 20247:26 SA(Xem: 5593)

VĂN HÓA ONLINE – PHÂN TÍCH CHÍNH TRỊ – THỨ SÁU 15 MAR 2024


Scarborough Shoal, Second Thomas Shoal, Vanguard Bank: ‘Yếu huyệt’ của Indo-Pacific?


image003Ảnh trên: Bản đồ minh họa “Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea)”; ảnh dưới: Bản đồ minh họa cửa Vịnh Bắc Việt từ đảo Cồn Cỏ chạy thẳng qua mũi Oanh Ca đảo Hải Nam và đường lưỡi bò số 11. Minh họa của VHO (lkt).


Tóm Tắt:


* Địa bàn mặt biển-lòng biển South China Sea, ai sẽ chiếm thượng phong: Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines?


* Chiến thuật của Bắc Kinh: ‘vẽ lưỡi bò, khoanh vùng, bao vây, xâm nhập, cắm chốt, chiếu tia Laser, phun vòi rồng, chặn đầu, áp sát sườn, va đầu’ … Phép thử sức mạnh của hải cảnh, dân quân biển, và khả năng tác chiến của cảnh sát biển.


* Indo-Pacific sẽ làm gì ở các tọa độ lửa-yếu huyệt Scarborough Shoal, Second Thomas Shoal, Vanguard Bank?


* Đường đi của AUKUS.


* Mỹ không chia Biển Đông với Trung Quốc.


* Mỏ dầu ở Vịnh Bắc Bộ có tiềm năng rất lớn.


* Vịnh Bắc Việt: Trung cộng vẽ thêm Lưỡi bò số 11 liếm từ đảo Cồn Cỏ đến Móng Cái?


* Vì sao Phạm Minh Chính ‘tất bật’ qua Úc ký ‘Tuyên Bố Việt-Úc 38 điểm’?

image005

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

15/3/2024 Kỳ 1 (bổ túc)


Phác họa bối cảnh


*


Từ xa xưa, phương Tây, phương Đông, nước Mỹ, người Mỹ ít khi nào bỏ lỡ cơ hội tốt đi làm ăn trên toàn thế giới từ lục địa đến đại dương. Đông Nam Á và biển South China Sea hấp dẫn đang tạo ra tiền bộn.


Nhận thấy danh xưng South China Sea hiện nay không thích hợp trong bối cảnh và tình hình mới, Văn Hóa Online đề xuất thay đổi tên South China Sea là Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea) (1). Wikipedia ước tính, Biển Đông Nam Á chu vi khoảng 3.447.000 km2.


Biển Đông Nam Á có cái vũng ăn sâu vào duyên hải miền bắc Việt Nam – tính từ đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị đến thành phố Móng Cái (địa đầu giới tuyến, giáp huyện Đông Hưng tỉnh Quảng Tây Trung Quốc). Cái vũng này gọi là Vịnh Bắc Bộ hay Vịnh Bắc Việt cũng vậy. Hải Phòng là thành phố cảng thương mại và quân sự lớn nhất ở Vịnh Bắc Việt. Vịnh có chu vi khoảng 126.250 km², bề ngang giáp bờ biển đảo Hải Nam (mũi Oanh Ca) rộng khoảng 180 hải lý.


Hai vùng biển quan trọng đang gây ra ‘sóng bão’ ở Biển Đông Nam Á là Biển Đông Việt Nam và Biển Tây Philippines.


Theo ước tính của thế giới, mỗi ngày mỗi năm, hàng trăm thương thuyền qua lại vùng biển này mang lại trên 3000 tỷ đô la.


Dầu từ Trung Đông băng qua Tây Thái bình Dương chở vào Trung Quốc phải đi qua hải lộ Biển Đông Nam Á. Việt Nam đang kiếm tiền bộn từ các mỏ dầu khí thềm lục địa Biển Đông và Vịnh Bắc Việt. Philippines đang ra sức khẳng định chủ quyền các thực thể ở Biển Tây và một số vùng tranh chấp.


Quyền và Lợi song hành với các hoạt động chính trị và quân sự. Trên địa bàn quốc tế Biển Đông Nam Á, hai đại cường Mỹ-Hoa thi triển các biện pháp tối ưu để giành ưu thế. Riêng Vịnh Bắc Việt, ưu thế quyền và lợi nghiêng về phía Trung Quốc.


Các Mẫu hạm, chiến hạm, chiến cơ, tàu ngầm của Mỹ và đồng minh, kể cả Thủy quân Lục chiến được điều động rầm rộ tới Cam Bốt, Thái Lan thực thi chính sách quốc gia của Hoa Thịnh Đốn.


Đối lại, theo các nhà quan sát, Bắc Kinh tự vẽ đường lưỡi bò gẫy khúc 9 đoạn (lưỡi bò) chiếm 80% diện tích biển South China Sea. Song song, Bắc Kinh còn mở ra các cuộc ‘hành quân’ của Mẫu hạm Liêu Ninh, Sơn Đông, tàu Hải Dương địa chất 8, đoàn quân tàu cá võ trang, hải cảnh, bám trụ, đóng chốt ở các vị trí biển hiểm yếu, vẽ lại bản đồ, thực thi cái gọi là chính sách lợi ích của Bắc Kinh.


Nhưng thực ra, theo chúng tôi, cái gọi là Lưỡi bò 9 đoạn của Bắc Kinh đã ‘lừa’ thế giới. Sự thật là Bắc Kinh đã vẽ lưỡi bò 11 đoạn. Đề tài này chúng tôi sẽ phân tích ở bài viết khác.  


Từ thời Tổng thống Barrack Obama, chiến dịch hành quân gia tăng quyền Tự do trên không dưới biển (FONOPs), các chiến hạm xâm nhập sâu (áp sát) 12 hải lý vào quần đảo Hoàng Sa (Tri Tôn, Phú Lâm) và các đảo nhân tạo do Trung Quốc dựng lên từ năm 2013-2014.


Dù muốn hay không muốn, Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea) đã trở nên vùng Biển Quốc Tế Tự do hàng không hàng hải và lưu thông hàng hóa cho tất cả các bên.


Biển Quốc Tế là nơi cho các bên kéo quân vào ‘tham chiến.’.


Về chính trị, phản ứng mạnh nhất của phương Tây đối với đường lưỡi bò 9 đoạn là Phán quyết của tòa Trọng tài thường trực PCA ở thủ đô La Haye Hòa Lan ngày 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển South China Sea.


Theo thông cáo của Tòa Trọng tài Thường trực PCA, “Tòa kết luận không có căn cứ pháp l‎ý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong ‘đường chín đoạn’.


Mỹ tuyên bố không chia Biển South China Sea với Trung Quốc. Đối với Mỹ, Biển Đông Nam Á là vùng Biển Quốc Tế, vì Nó không phải hoạt động cạnh tranh phân chia khu vực này như cách nghĩ của Trung Quốc.”


https://nhatbaovanhoa.com/p3357a3580/24/my-khong-chia-bien-dong-voi-trung-quoc


https://nhatbaovanhoa.com/p3357a3867/24/bo-truong-quoc-phong-my-se-tham-can-cu-gan-truong-sa


Song, thực tế không đơn giản. Những tọa độ lửa, ‘yếu huyệt’ nổi lên ở Biển Đông Nam Á đang gây cho Mỹ ‘khó chịu’; đặc biệt đối với Philippines, các bãi san hô ngầm dưới nước không sâu lắm so với mặt biển chẳng hạn như Scarborough, Second Thomas Shoal (VN gọi bãi Cỏ Mây) và Vanguard Bank (VN gọi là bãi Tư Chính) đang nổi lên các tranh chấp gay cấn.


Từ năm 1989 đến năm 1998, đánh hơi tầm quan trọng của các bãi san hô đá ngầm ở thềm lục địa, Việt Nam đã gia công xây dựng hệ thống Nhà Giàn DK-I để đóng quân. Nhà Giàn tương tự như cái chòi gác, chòi canh của lính trên đất liền hay trên một căn cứ hỏa lực. Nhưng Nhà Giàn dựng ở biển phải bằng cột trụ thép, to và rất cao, chịu đựng nổi gió, sóng bão cấp 12. Riêng ở bãi Tư Chính có diện tích khoảng 700 km2, cách Vũng Tàu khoảng 230 hải lý về phía Đông Nam, Việt Nam đã dựng 15 Nhà Giàn DK-I/1-15 cao hơn mặt biển 11 mét khi thủy triều lên. Khu vực này nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam.


Chưa biết chắc chắn dưới đáy bãi cạn ngầm Tư Chính này có tiềm năng trữ lượng mỏ dầu khí hay không, nhưng ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết của những người lính sống trên nhà giàn canh phòng quanh đó có các giàn khoan thăm dò và khai thác mỏ dầu như Vietsovpetro, Thanh Long, Bạch Hổ, Đại Hùng.


Riêng về vị trí của bãi Tư Chính, Cỏ Mây, Scarborough hầu như án ngữ các tuyến hải lộ đối với hàng trăm thương thuyền thương mại và chúng còn có khả năng kiểm soát an ninh lộ trình Malacca-Luzon-Cao Hùng (Đài Loan) trên mặt biển cũng như dưới lòng biển.


Các ngón võ ‘trong vòng kiểm soát” được Bắc Kinh tung ra như: áp dụng triệt để đường lưỡi bò 11 đoạn, khoanh vùng xám, xây chiến hào, hành quân tuần tra tảo thanh, hành quân khẳng định chủ quyền lãnh thổ, xâm nhập, đóng chốt, răn đe, nắn gân, mèo vờn chuột, ỷ thế tàu lớn rượt đuổi tàu nhỏ, phun vòi rồng, bao vây, chặn đầu, va đầu … ở Biển Đông - Biển Tây, diễn ra cứ như các ‘game’ ngoạn mục.


Nhiều người lo sợ chiến tranh sẽ nổ ra. Thế chiến III bùng nổ. Nhưng không. Không quốc gia nào dại muốn ‘chết’ và đẩy nước mình vào lò lửa chiến tranh. Bắc Kinh thừa biết thế nên càng làm loạn.


Tình hình


Ngày 17/05/2015, khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng Thái Bình Dương khá rộng lớn đủ cho Trung Quốc và Hoa Kỳ. (Reuters)


Tân Hoa Xã trích lời lãnh đạo Trung Quốc: « Thái Bình Dương rộng lớn tương đối rộng để đón tiếp cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ » và hai nước cần giải quyết các khác biệt « sao cho đường hướng chung trong quan hệ song phương không bị ảnh hưởng ».


image007Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 17/05/2015. REUTERS


Ngày 17/7/2016, nhân có cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Nội vụ Prum Sokha và Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia trên Hàng không Mẫu hạm USS Ronald Reagan thuộc Hạm đội 7, đang hành quân ở South China Sea, Hạm trưởng Michael “Buzz” Donnelly, chỉ huy Mẫu hạm cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành các hoạt động bình thường cho một nhóm tấn công tàu sân bay - tự do hàng hải, hoạt động trong khu vực lân cận thương mại toàn cầu”, và quần đảo Hoàng Sa... “Có rất nhiều tàu thuyền đi qua khu vực này, từ Australia đến Malacca. Đó là khu vực mà chúng tôi thường xuyên hoạt động và [tiến hành] các cuộc tập trận với bạn bè, đồng minh và láng giềng của mình để thể hiện cam kết của chúng tôi đối với quyền tự do trên biển và tự do thương mại.”


https://www.voanews.com/a/aboard-us-carrier-cambodian-brass-survey-south-china-sea/3422504.html


image008Các quan chức của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia và Bộ trưởng Nội vụ đã bay đến Mẫu hạm USS Ronald Reagan để nghiên cứu các hoạt động hải quân. Photo AP.


Ngày 10 tháng 11 năm 2017, Tổng thống Donald Trump phát biểu tại hội nghị APEC ở Đà Nẵng, chính thức công bố trước thế giới chính sách quốc gia của Hoa Kỳ: Chiến lược INDO-PACIFIC TỰ DO & RỘNG MỞ.


image010Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố chiến lược INDO-PACIFIC tại Hội nghị APEC-Đà Nẵng ngày 10/11/2017. Google images.


Người Mỹ không muốn làm ăn độc quyền, Tự do và Rộng mở Indo-Pacific mời gọi các đối tác hợp tác. (Dĩ nhiên, các đòn ‘lừa’ thương mại cũng thách thức nhau trong các thỏa thuận).


Khi Tổng thống Obama xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang thu phục và ‘đầu tư’ (interresting) lớn vào Đông Nam Á, Biển Đông Nam Á, đặc biệt đối với quốc đảo Philippines và bán đảo Việt Nam.


Manila được cho là đồng minh số 1 của Hoa Thịnh Đốn, – tuy yếu kém về kinh tế lẫn quân sự, lại bị ‘khủng hoảng’ mấy năm bởi ông Duterte nghiêng ngả phe Bắc Kinh; nay đến thời TT Marcos Jr, cứng rắn, lập trường ngả hẳn về Mỹ; ngược lại, Việt Nam được cho là đồng minh số 1 của Bắc Kinh, tuy tuyên bố không theo phe nào, nhưng chủ trương đối tác đa phương và tùy tình hình.


Một quốc gia (lục địa) mênh mông ở nam Thái Bình Dương phải kể đến: Australia – đồng minh số 1 của Mỹ.


Australia đóng vai trò cực kỳ quan trọng bên cạnh Chiến lược Indo-Pacific (gắn liền với tên tuổi Trump-2017). Australia là cái nôi của Chiến lược tàu ngầm nguyên tử quốc tế AUKUS (viết tắt của Australia, UK, US) – Hiệp ước an ninh quân sự của Australia, United Kingdom và United States, ra đời tại thủ đô Canberra châu Úc ngày 15/9/2021, được xem là cuộc cách mạng vĩ đại về thế hệ hải quân ở thập niên thứ 3 thế kỷ 21. Thế hệ tàu ngầm nguyên tử thế kỷ 20 đã lỗi thời.


Ví dụ về một tai nạn tàu ngầm thế hệ thế kỷ 20:


Tàu ngầm USS Connecticut: “không xác định đụng vật thể, không xác định vị trí, phải trồi lên chạy về Guam


https://www.nhatbaovanhoa.com/a10904/vu-tau-ngam-uss-connecticut-khong-xac-dinh-dung-vat-the-khong-xac-dinh-vi-tri-phai-troi-len-chay-ve-guam


image012Tàu ngầm nguyên tử USS Connecticut (SSN 22). U.S. Navy photo by Ray Narimatsu/Released.


Đề cập đến INDO-PACIFIC tất phải đề cập đến AUKUS tất phải đề cập đến QUAD.


Nếu AUKUS đẻ ra để bao sân lòng các đại dương từ Ấn Độ Dương qua tiểu đại dương South China Sea (Biển Đông Nam Á) qua đông bắc á, tây nam, cực nam Thái Bình Dương (nam Úc châu), thì từ Ấn độ Dương qua Thái bình Dương, trước hết phải chui qua cái cửa lòng Biển Đông, nơi có quốc gia nằm rìa mép cố thủ các tọa độ lửa sâu trong cung đường quần đảo Trường Sa.


QUAD là Liên minh Bộ Tứ: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison.


QUAD là bộ óc của các chiến lược gia hàng đầu vạch ra kế hoạch và thực hiện AUKUS.


image014Ảnh trên: Liên minh bộ tam AUKUS tàu ngầm nguyên tử, Úc - Anh - Mỹ (góc phải là Liêu Ninh nhỏ bé); Ảnh dưới: Liên minh bộ tứ QUAD, từ trái: TT Mỹ Joe Biden, Tt Nhật Yoshihide Suga, Tt Ấn Narendra Modi, Tt Úc Scott Morrison. Minh họa: Văn Hóa Online.


Ngày 13/03/2023, trong buổi ra mắt “Liên minh AUKUS MỸ-ANH-ÚC” (Aukus- viết tắt của Australia, UK, US) - kế hoạch tàu ngầm hạt nhân tại San Diego, Hoa Kỳ Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng với hai thủ tướng Úc và Anh, đã công bố kế hoạch hợp tác ‘‘chưa từng có’’ về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.


Dự án Mỹ bán tầu ngầm cho Úc, và phối hợp với Anh sản xuất tàu ngầm hạt nhân ‘‘thế hệ mới’’ tại Úc, kéo dài ít nhất 2 thập niên. Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết đây là ‘‘đầu tư lớn nhất’’ trong lịch sử quốc gia này. Ngay trong 10 năm đầu tiên của dự án, chi phí của Úc ước tính gần 40 tỉ đô la.


Có thể nói Liên minh Aukus là thỏa thuận an ninh quan trọng nhất của ba cường quốc sau Thế chiến II. Trọng điểm của Aukus ‘đàu tư’ vào Úc châu cho thấy các nhà lãnh đạo phương Tây hướng về khu vực Đông Nam Á, nam Thái Bình Dương và các quốc đảo, trong tương lai đóng một vai trò lớn trong chiến lược toàn cầu.


Tổng thống Joe Biden khẳng định mục tiêu của liên minh là để bảo đảm ‘‘khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở’’.


Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng nhữngloạt bài lên án Liên minh Aukus, một bài trên Hoàn Cầu Thời Báo, nói rằng Úc hiện đã "tự biến mình thành kẻ thù của Trung Quốc".


image016Tổng thống Mỹ Joe Biden (G), thủ tướng Úc Anthony Albanese (T) và thủ tướng Anh Rishi Sunak, phát biểu về liên minh AUKUS sau cuộc họp 3 bên, tại San Diego, California, Mỹ, ngày 13/03/2023. REUTERS - LEAH MILLIS


image018Úc châu và căn cứ quân sự Darwin.


Nguyên Đại sứ David Shear tại Việt Nam khi nhận định vể Aukus nói rằng Liên minh Aukus rất tốt cho Đông Nam Á.


image020Trong lần Đại sứ David Shear từ Hà Nội về Mỹ làm việc, ông có buổi gặp gỡ các đoàn thể trong cộng đồng Việt Nam ở Quận Cam nam California, dịp này, ông đã đến thăm Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí Quận Cam vào ngày 12/6/2013 do nhà báo Lý Kiến Trúc làm Chủ nhiệm; tại đây ông có buổi nói chuyện về tình hình Biển Đông và cho biết các tin tức nóng hổi vể mỏ dầu ở Vịnh Thái Lan gần đảo Phú Quốc. Photo: Văn Hóa Online.


AUKUS 2023: Hạm đội Tàu ngầm Hạt nhân Mỹ Anh Úc


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11689/aukus-2023-ham-doi-tau-ngam-hat-nhan-my-anh-uc


https://www.nhatbaovanhoa.com/a10879/indo-pacific-hiep-uoc-tau-ngam-australia-uk-us


“Liên minh AUKUS MỸ-ANH-ÚC” đã mở ra thế hệ mới về vũ khí tàu ngầm ở chiến trường đại dương ở các châu lục. Trong một bài viết trước đây của chúng tôi trên VHO, cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương khi lục địa vắng bóng dần nguồn tài nguyên quốc phòng và chủ nghĩa đế quốc. Những tư lệnh chiến trường lục địa sẽ về hưu nhường sân khấu thế giới cho các tư lệnh đại dương.


Đường ‘hành quân’ của Liên minh AUKUS MỸ-ANH-ÚC xuất phát từ đầu cầu Úc (có thể là căn cứ Darwin), sẽ không quên cái ‘mắt xích South China Sea’ (Biển Đông Nam Á). Từ thời thế chiến II, quần đảo Trường Sa với vô số hang ngầm dưới đáy hiểm hóc là nơi trú ẩn của tàu ngầm Nhật Bản, từ hang ngầm Trường Sa, tàu ngầm Nhật tiến ra Thái Bình Dương đánh nhau với hải quân Mỹ.


Ngày 14 tháng 12 năm 2021, Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại Đại học Jakarta, Indonesia. Ông tuyên bố: “Tôi có mặt ở đây, chúng ta có mặt ở đây, bởi hơn bất kỳ khu vực nào khác, những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ định hình quỹ đạo của thế giới trong thế kỷ 21”;


Ngoại trưởng Blinken lưu ý “mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ mang tính cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối thủ khi bắt buộc”. Ông nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc ở bất cứ nơi nào cần thiết và gọi mối quan hệ với Bắc Kinh là “thử thách địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ này.


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11370/ngoai-truong-blinken-phat-bieu-tai-dai-hoc-jakarta-ptt-harris-hop-bao-tai-ha-noi


https://www.nhatbaovanhoa.com/a10545/blinken-se-khang-dinh-vi-the-ve-mat-ngoai-giao-lan-quan-su-de-bao-ve-cac-dong-minh-


Ngày 10/9/2023, Tổng thống Joe Biden đến thăm, làm việc và mở cuộc họp báo tại Hà Nội. Trong cuộc họp báo Tổng thống đề cập đến chiến lược INDO-PACIFIC và mối quan hệ với Việt Nam được nâng lên hàng đối tác chiến lược toàn diện.


Trang mới nhất trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sẽ đến từ việc thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam và đối lại, Indo-Pacific đóng một vai trò quan trọng đối với định hình chính sách mới của VN.


Chính sách này có đi ngược lại với chính sách cố hữu của Hà Nội đối với Bắc Kinh từ trước đến nay hay không, thời gian còn dài để trả lời câu hỏi này.


image022Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bắt tay người bạn cũ là Phó TT Joe Biden cách đây 8 năm khi hai ông gặp nhau ở Hoa Thịnh Đốn năm 2015, nay, cái bắt tay thứ hai diễn ra tại Phủ Chủ tịch Hà Nội chiều 10/9/2023 Ảnh: TTXVN


Ngày 04/3/2024, Hội nghị thượng đỉnh Australia-Asean khai mạc tại Melbourne từ ngày 4 6/3/2024. Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tất bật qua Úc vào buổi tối và ở Úc liên tục gần một tuần.


image024Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tất bật đến Melbourne, Australia tối ngày 4/3/2024 (giờ địa phương); Đại sứ VN tại Úc ra sân bay đón. Photo AFP.


Ngày 08/3/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Úc Anthony Albanese. Hai bên công bố trong buổi họp báo bản Tuyên bố chung Việt-Úc gồm 38 điểm. Thấp thoáng trong đó là Indo-Pacific, South China Sea, DOC, COC và AUKUS.


https://tuoitre.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-uc-gan-ket-kinh-te-xay-dung-tri-thuc-20240307112827161.htm


image026Từ trái: Bộ trưởng Ngoại giao VN Bùi Thanh Sơn; Thủ tướng VN Phạm Minh Chính; Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Bộ trưởng Ngoại giao Úc bà Marise Payne, trình diện bản Tuyên bố chung Việt – Úc 2024. Ảnh: NHẬT BẮC


VHO ghi nhận một số điểm trong 38 điểm Tuyên bố chung Việt-Úc 2024: (những gạch dưới của VHO)


Điểm số 2. Hai bên chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm, ổn định, hòa bình, tự cường và thịnh vượng, không bị ép buộc, nơi độc lập, chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng;


Điểm số 4. Với việc tuyên bố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Chính phủ hai nước cam kết tiếp tục phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực và thúc đẩy mối quan hệ được nâng cấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng hệ thống chính trị của mỗi nước;


Điểm số 14. Hai bên tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ các hiệp định mà hai nước là thành viên, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);


Điểm số 35. Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ song phương, ba bên và đa phương để ủng hộ các thể chế hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, ổn định và thịnh vượng;


Điểm số 37. Hai bên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến tại Biển Đông (ct: trong bản văn tiếng Anh là South China Sea) và tái khẳng định cam kết đối với hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý cũng như giải quyết tranh chấp, bao gồm các tranh chấp tại Biển Đông (ct: South China Sea), bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).


(XEM TOÀN VĂN Ở MỤC TÀI LIỆU)


Lý Kiến Trúc

15/3/2024 California

(Xem tiếp Kỳ 2 số báo tới)


(1) Trong Bình Ngô Đại Cáo, (bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Vương quốc Đại Việt, một áng văn kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam cách đây gần 600 năm), Biển Đông được Cụ Nguyễn Trãi nhắc đến với tên gọi là Đông Hải (東 海). Cụ viết:


決東海之水不足以濯其污
罄南山之竹不足以書其惡

Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô,
Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác.


Dịch:


Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.


XEM THÊM:


Toàn văn Tuyên bố chung Việt-Úc 2024


https://www.nhatbaovanhoa.com/a12227/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-uc-2024


Vịnh Bắc Việt: Căn cứ bất khả xâm phạm? Vết hằn còn đó


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11758/vinh-bac-viet-can-cu-bat-kha-xam-pham-vet-han-con-do