Lịch sử cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza

06 Tháng Mười Một 20237:40 SA(Xem: 660)

VĂN HÓA ONLINE – TÀI LIỆU – THỨ HAI 06 NOV 2023


Lịch sử cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza


BBC 05/11/2023


image020Nguồn hình ảnh, Getty Images. Một phụ nữ Palestine đối mặt với một người đàn ông Israel


Nhóm chiến binh Hamas người Palestine đã tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào Israel vào ngày 07/10, với hàng trăm tay súng xâm nhập các cộng đồng cư dân gần Dải Gaza.


Hơn 1.400 người Israel đã thiệt mạng, trong khi quân đội Israel nói 230 binh sĩ và dân thường, bao gồm phụ nữ và trẻ em đã bị bắt làm con tin và đưa đến Dải Gaza.


Hơn 9.400 người Palestine tại Gaza đã bị thiệt mạng trong các vụ không kích và pháo kích do quân đội Israel tiến hành tấn công để đáp trả, theo Bộ Y tế do Hamas điều hành ở Gaza.


Israel trước năm 1948 như thế nào, và Tuyên bố Balfour là gì?


Trong Thế chiến lần nhất, nước Anh đã kiểm soát một khu vực gọi là Palestine sau khi Đế chế Ottoman bại trận, vốn trước đó đã nắm quyền thống trị Trung Đông.


Mảnh đất này do một cộng đồng thiểu số người Do Thái và đa số người Ả Rập sinh sống, cũng như các nhóm thiểu số có quy mô nhỏ hơn khác.


Căng thẳng giữa hai dân tộc gia tăng sau khi cộng đồng quốc tế trao cho Anh một nhiệm vụ thiết lập "tổ quốc" tại Palestine cho người Do Thái.


Điều này bắt nguồn từ Tuyên bố Balfour vào năm 1917, một cam kết do Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Arthur Balfour đưa ra đối với cộng đồng người Do Thái.


Tuyên bố này được bao hàm trong quy chế của Anh dành cho người Palestine và được Hội Quốc Liên (League of Nations) - tiền thân của Liên Hiệp Quốc - công nhận vào năm 1922.


Đối với người Do Thái, Palestine là quê cha đất tổ của họ, nhưng người Ả Rập ở Palestine thì tuyên bố đây là vùng đất của mình và phản đối quyết định này.


image022Nguồn hình ảnh, Getty Images. Một Haganah (chiến binh Do Thái hoạt động ngầm) trước khi xảy ra cuộc chiến tranh đòi độc lập của Israel vào năm 1948


Trong khoảng từ những năm 1920 đến 1940, số người Do Thái đến đây tăng lên, nhiều người đã chạy trốn theo sau cuộc đàn áp tại châu Âu, đặc biệt cuộc diệt chủng Holocaust do Đức Quốc xã tiến hành trong Thế chiến lần hai.


Bạo lực giữa người Do Thái và Ả Rập, nhằm chống lại sự cai trị của Anh Quốc, cũng gia tăng.


Vào năm 1947, Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu thông qua việc Palestine được phân chia thành các nhà nước Do Thái và Ả Rập, với Jerusalem trở thành thành phố quốc tế.


Kế hoạch này đã được giới lãnh đạo người Do Thái chấp thuận nhưng bị phía Ả Rập bác bỏ và không bao giờ được thực thi.


image023Nguồn hình ảnh, Getty Images. Các binh lính của lực lượng Liên đoàn Ả Rập nã súng vào lực lượng chiến binh ngầm của người Do Thái, Haganah, thuộc lực lượng phòng vệ Do Thái vào tháng 3/1948


Nhà nước Israel hình thành như thế nào và vì sao?


Vào năm 1948, không thể giải quyết vấn đề, Anh đã rút lui và các lãnh đạo Do Thái đã tuyên bố nhà nước Israel ra đời.


Mục đích của sự hình thành nhà nước này là nơi trú ngụ an toàn cho những người Do Thái chạy trốn cuộc diệt chủng, cũng như vùng đất tổ quốc cho họ.


Cuộc giao tranh giữa các chiến binh Do Thái và Ả Rập gia tăng trong nhiều tháng, và vào ngày sau khi Israel tuyên bố thành lập nhà nước, năm quốc gia Ả Rập đã tiến hành tấn công.

image024

Hàng trăm ngàn người Palestine đã tháo chạy hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ ở nơi mà họ gọi là Al Nakba, hoặc còn gọi là "Ngày Thảm họa".


Trước thời điểm cuộc giao tranh chấm dứt bằng một lệnh ngừng bắn một năm sau đó, Israel đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ.


image026Israel


  • 9,8 triệuDân số
  • 73,6%Người Do Thái
  • 21,1%Người Ả Rập
  • 5,3%Khác


Nguồn: Cục Thống kê Trung ương Israel


Jordan đã chiếm vùng đất được biết đến với tên gọi Bờ Tây, và Ai Cập chiếm đóng Gaza.


Jerusalem bị chia cắt bởi lực lượng Israel ở phía Tây, và lực lượng Jordan ở phía Đông.


Bởi vì không bao giờ có một thỏa thuận hòa bình nên chỉ xảy ra thêm chiến tranh và giao tranh trong những thập kỷ sau đó.


Bản đồ của Israel

image028

Trong cuộc chiến tranh vào năm 1967, Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem và Bờ Tây, cũng như hầu hết Cao nguyên Golan ở Syria, Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập.


Hầu hết người tị nạn Palestine và các hậu duệ của họ sống tại Gaza và Bờ Tây, cũng như quốc gia láng giềng Jordan, Syria và Lebanon.


Cả họ lẫn những hậu duệ đều không được Israel cho phép trở về quê hương - Israel tuyên bố điều này sẽ làm quá tải đất nước và đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước Do Thái.


image030Nguồn hình ảnh, Getty Images. Các chỉ huy quân đội Israel đến Đông Jerusalem trong thời kỳ xảy ra Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967


Israel vẫn chiếm Bờ Tây và tuyên bố toàn bộ Jerusalem như thủ đô của mình, trong khi người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem như thủ đô của một nhà nước Palestine kỳ vọng được hình thành trong tương lai.


Mỹ chỉ là một trong vài quốc gia công nhận thành phố này là thủ đô của Israel.


Trong 50 năm qua, Israel đã xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, nơi có hơn 700.000 người Do Thái đang sinh sống.


Các khu định cư được xem bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế - đây là lập trường mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và chính phủ Anh và các bên khác - mặc dù bị phía Israel bác bỏ.


Người Palestine sống ở đâu?


image031Người Palestine


  • 14,3 triệuTổng dân số
  • Bờ Tây3 triệu
  • Dải Gaza2 triệu
  • Jordan2 triệu
  • Israel2 triệu
  • Syria0,5 triệu


Nguồn: Cục Thống kê Trung ương Palestine


Dải Gaza là gì?


Gaza là một dải đất hẹp nằm kẹp giữa Israel và Địa Trung Hải, nhưng có đường biên giới ngắn ở phía nam với phía Ai Cập.


Chỉ dài 41 km và rộng 10 km, khu vực này có hơn hai triệu cư dân và là một trong những nơi có mật độ dân số dày đặc nhất trên Trái Đất.


Theo sau cuộc chiến tranh từ năm 1948-1949, Gaza đã bị Ai Cập chiếm đóng trong 19 năm.


Israel đã chiếm đóng Gaza trong cuộc chiến tranh năm 1967 và giữ quyền kiểm soát cho đến năm 2005, trong suốt thời kỳ xây dựng các khu định cư cho người Do Thái.


Israel đã rút binh sĩ và những cư dân đi vào năm 2005, mặc dù vẫn duy trì sự kiểm soát đối với không phận, đường biên giới chung và đường bờ biển.


Liên Hiệp Quốc vẫn xem đây là vùng lãnh thổ đang do Israel chiếm đóng.


Dải Gaza nằm ở đâu?

image033

Israel và Palestine vướng mắc vấn đề quan trọng nào?


Có một số vấn đề mà hai bên đã không đạt được sự đồng thuận.


Bao gồm:


  • Điều gì nên xảy đến đối với người tị nạn Palestine
  • Liệu các khu định cư Do Thái ở vùng Bờ Tây bị chiếm đóng nên được duy trì hay dỡ bỏ
  • Liệu hai bên có nên cùng chia sẻ chung thành phố Jerusalem
  • Và - có lẽ là điều khó khăn nhất trong tất cả - đó là liệu một nhà nước Palestine có nên được hình thành bên cạnh Israel


Các nỗ lực nào được thực thi để giải quyết những vấn đề trên?


Các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine đã diễn ra trong một khoảng thời gian giữa những năm 1990 và 2010, đan xen là các đợt bùng phát bạo lực.


Một nền hòa bình đạt được qua thương lượng dường như là điều khả thi trong những ngày đầu. Một loạt các cuộc đàm phán bí mật tại Na Uy đã trở thành tiến trình hòa bình Oslo, với biểu tượng trường tồn qua buổi lễ ký kết tại Bạch Ốc năm 1993, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Bill Clinton.


Trong thời khắc lịch sử ấy, người Palestine đã công nhận Nhà nước Israel và Israel đã thừa nhận kẻ thù lịch sử của mình, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), như một đại diện duy nhất cho người dân Palestine.


Một chính quyền tự trị Palestine được thiết lập.


Mặc dù dường như không lâu sau đó đã xuất hiện những rạn nứt, khi lãnh đạo phe đối lập khi đó là Benjamin Netanyahu đã gọi Oslo là một mối đe dọa mang tính sống còn đối với Israel.


Người Israel đẩy nhanh dự án định cư cho người Do Thái ở vùng lãnh thổ do Palestine chiếm đóng.


Nhóm chiến binh Hamas của Palestine xuất hiện gần đó đã cử những tên đánh bom tự sát đến để gây thiệt hại nhân mạng tại Israel và phá vỡ cơ hội đạt được một thỏa thuận.


image035Nguồn hình ảnh, Reuters. Dường như khả năng có được một nền hòa bình là khả thi vào đầu những năm 1990 khi các hiệp định Oslo được ký kết. Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Tổng thống Palestine Yasser Arafat bắt tay Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 1993.


Bầu không khí tại Israel trở nên xấu đi, đỉnh điểm là cuộc ám sát Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin do một tên cực đoan Do Thái thực hiện vào ngày 04/11/1995.


Trong những năm 2000, các nỗ lực nhằm làm sống lại tiến trình hòa bình được thực hiện - bao gồm vào năm 2003 khi một lộ trình được các cường quốc trên thế giới đưa ra với mục tiêu cuối cùng về một giải pháp 'Một quốc gia, hai nhà nước', thế nhưng điều này không bao giờ thực hiện được.


Các nỗ lực hòa bình cuối cùng bị chững lại vào năm 2014, khi các cuộc đàm phán giữa phía Israel và Palestine tại Washington gặp thất bại.


Bản kế hoạch hòa bình gần nhất, do Tổng thống Donald Trump khi đó chuẩn bị - được Thủ tướng Israel Netanyahu gọi là "thỏa thuận của thế kỷ" đã bị phía Palestine bác bỏ, xem là mang tính một bên và không bao giờ được khởi động.


Tại sao Israel lâm vào cuộc chiến tranh tại Gaza?


image036Nguồn hình ảnh, Getty Images


Gaza do Hamas thống trị, tổ chức Hồi giáo này có cam kết phá hủy Israel và bị Anh và nhiều quốc gia khác liệt vào danh sách nhóm khủng bố.


Hamas đã đạt được chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Palestine vào năm 2006, và đã chiếm quyền kiểm soát Dải Gaza môt năm sau đó sau khi lật đổ đối thủ là Phong trào Fatah do Tổng thống Mahmoud Abbas ở Bờ Tây lãnh đạo.


Kể từ khi đó, các tay súng ở Gaza đã tham gia vào một vài cuộc chiến tranh chống Israel, cùng với Ai Cập đã duy trì sự ngăn chặn một phần trên Dải Gaza để cô lập Hamas và cố gắng ngăn chặn cuộc tấn công, đặc biệt là đợt nã rocket không khoan nhượng nhằm vào các thành phố của Israel.


Người Palestine ở Gaza nói các lệnh hạn chế của Israel và các cuộc không kích của quốc gia này nhằm vào các khu vực cư dân đông đúc đã dẫn đến cuộc trừng phạt tổng lực.


Năm nay là năm chết chóc kỷ lục đối với người Palestine tại vùng Bờ Tây bị chiếm đóng và Đông Jerusalem.


Họ cũng lên tiếng phản đối các lệnh hạn chế và các hành động quân sự đang được tiến hành tại đây nhằm đáp trả các cuộc tấn công chết chóc nhằm vào người Israel.


Những căng thẳng này cũng đã có thể là một trong các lý do cho cuộc tấn công mới nhất từ Hamas.


Thế nhưng các tay súng cũng đã tìm kiếm sự ủng hộ đối với những người dân thường Palestine, bao gồm việc sử dụng con tin để gây sức ép lên Israel, ép quốc gia này thả tự do cho một số trong ước tính 4.500 người Palestine bị bắt giữ trong những nhà tù.


Ai có và không ủng hộ Israel trong cuộc xung đột?


Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia Phương Tây đã cùng lên án cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel.


Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, trong những năm qua đã viện trợ cho nhà nước Do Thái này hơn 260 tỷ USD về quân sự và kinh tế, và đã cam kết chuyển giao thêm thiết bị, tên lửa phòng không, bom có dẫn đường và đạn dược.


Mỹ cũng đã cử hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến đông Địa Trung Hải để giúp đẩy lùi kẻ thù của Israel, đặc biệt phong trào Hezbollah của Lebanon trong việc có khả năng mở thêm một mặt trận thứ hai trong cuộc chiến tranh.


Nga và Trung Quốc đều đã từ chối lên án Hamas, và cho biết đang duy trì liên lạc với cả hai bên trong cuộc xung đột. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án chính sách của Mỹ cho việc không đạt được nền hòa bình tại Trung Đông.


Iran, kẻ thù 'không đội trời chung' của Israel, phe ủng hộ chính của Hamas, cũng như Hezbollah, cũng có các tay súng tham gia cuộc chiến tranh chống lại lực lượng quân sự của Israel hầu như mỗi ngày kể khi Hamas tấn công.


Các câu hỏi đã được đặt ra về vai trò của Iran trong cuộc tấn công của Hamas, sau khi các báo cáo cho thấy Tehran đã trao khả năng tiến hành cuộc tấn công nhiều ngày trước đó. Tuy nhiên, phía Iran đã bác bỏ mọi liên quan.


Israel trả đũa Gaza: Nước nào ủng hộ và nước nào lên án?


image037Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã có chuyến thăm thứ hai tới Tel Aviv để thúc đẩy lệnh ngừng bắn tạm thời tại Gaza vì lí do nhân đạo


BBC 04/11/2023


Khi số người chết tăng lên và điều kiện sống của người dân ở Gaza ngày càng xấu đi, cuộc tấn công của Israel vào vùng đất này đang gây chia rẽ quan điểm mạnh mẽ trên trường quốc tế.


Nhiều quốc gia ban đầu ủng hộ Israel ngay sau các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, nhưng các cuộc không kích của Israel vào Gaza và một cuộc tấn công trên bộ nhằm tiêu diệt Hamas đã bị chỉ trích rộng rãi, và một số quốc gia dường như đã điều chỉnh lập trường của họ trong cuộc xung đột.


Trọng tâm của cuộc tranh luận quốc tế hiện nay về cuộc xung đột là vấn đề ngừng bắn.


Vào ngày 27/10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững” giữa lực lượng Israel và các chiến binh Hamas.


Nghị quyết không mang tính ràng buộc do Jordan đưa ra đã được thông qua với 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng.


Ngoại trưởng Israel, Eli Cohen gọi nghị quyết của Liên Hợp Quốc là “đáng khinh” trong khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu sau đó bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn, cho rằng việc tạm dừng các hoạt động lúc này sẽ đồng nghĩa với việc “đầu hàng” Hamas.


Kể từ đó, một số quốc gia đã tăng cường chỉ trích Israel và những quốc gia khác đã triệu hồi đại sứ hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này. Ngay cả Mỹ, quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết ngừng bắn, cũng đã có lập trường mềm mỏng hơn, với việc Tổng thống Joe Biden kêu gọi “tạm dừng” giao tranh.


Đây là những gì các quốc gia trên thế giới nói về cuộc chiến Israel-Hamas và cách họ bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc. Cần lưu ý rằng đây là quan điểm của các chính phủ, có thể khác biệt đáng kể với quan điểm phổ biến ở một số quốc gia.


Phương Tây


Nhiều chính phủ Phương Tây đã công khai ủng hộ Israel kể từ khi chiến tranh bắt đầu.


Những tuyên bố ban đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau các cuộc tấn công của Hamas đã xác nhận rằng Washington sát cánh cùng Israel và sẽ đảm bảo “Israel có những gì cần thiết để chăm sóc công dân của mình”.


Tuy nhiên, tại một sự kiện vận động tranh cử vào ngày 2/11/2023, Tổng thống Biden đã kêu gọi tạm dừng cuộc xung đột sau khi một kẻ chỉ trích thúc đẩy lệnh ngừng bắn đối đầu với ông.


Ngày hôm sau, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken khởi hành chuyến thăm thứ hai tới Tel Aviv để thúc đẩy lệnh ngừng bắn tạm thời vì lí do nhân đạo và thảo luận về các bước cụ thể nhằm giảm thiểu thiệt hại cho dân thường ở Gaza.


Bạch Ốc sau đó cho biết bất kỳ sự tạm dừng giao tranh nào cũng chỉ là tạm thời và cục bộ. Họ đã bác bỏ lời kêu gọi từ Ả Rập và các quốc gia khác về việc ngừng bắn hoàn toàn trong cuộc chiến.


image038Nguồn hình ảnh, Getty Images. Hàng chục ngàn người biểu tình ở London trong những tuần gần đây để kêu gọi ngừng bắn ở Gaza


Thủ tướng Canada và Anh cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với “quyền tự vệ của Israel” trong những phản ứng ban đầu của họ đối với cuộc xung đột. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc.


Hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ Palestine đã tuần hành qua trung tâm London trong những tuần gần đây, yêu cầu ngừng bắn trong cuộc chiến Israel-Hamas.


EU lên án “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể về các cuộc tấn công của Hamas”, nhấn mạnh tình đoàn kết với Israel, nhưng nhiều thành viên khác nhau đã bộc lộ những khác biệt về quan điểm liên quan đến bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.


Đức và Ý, những nước ủng hộ quyền tự vệ của Israel, đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc. Những nước khác như Tây Ban Nha và Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người ban đầu nói rằng Pháp “cam kết với quyền tự vệ của Israel” đã thay đổi quan điểm của mình một chút, có lẽ là do số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng.


“Ở Gaza, phải có sự phân biệt giữa Hamas và dân thường,” Macron đăng trên X, trước đây gọi là Twitter.


“Một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo là cần thiết để bảo vệ những người dễ bị tổn hại nhất và cho phép thực hiện các hành động có mục tiêu tốt hơn chống lại những kẻ khủng bố.”


image039Nguồn hình ảnh, Getty Images.Ở Gaza, điều kiện nhân đạo ngày càng xấu đi khi lương thực, nhiên liệu, nước và thuốc men cạn kiệt


Trung Đông


Hầu hết các nước Trung Đông đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc và nhiều nước đã lên án mạnh mẽ hoạt động quân sự của Israel.


Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain, cả hai đều bình thường hóa quan hệ với Israel thông qua Hiệp định Abraham, ban đầu lên án các cuộc tấn công của Hamas.


Tuy nhiên, tuần trước Bahrain đã rút đại sứ khỏi Israel và đại sứ Israel tại Manama cũng rời vương quốc.


Jordan cũng triệu hồi đại sứ của mình ở Israel và cáo buộc nước này đã tạo ra “thảm họa nhân đạo chưa từng có”.


Ả Rập Saudi, quốc gia đã đàm phán trong nhiều tháng với Israel về một thỏa thuận bình thường hóa tiềm năng nhưng không nằm trong Hiệp định Abraham, đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực. Nước này không tố cáo rõ ràng Hamas.


Vào ngày 26/10, các ngoại trưởng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan, Bahrain, Ả Rập Saudi, Oman, Qatar, Kuwait, Ai Cập và Maroc đã lên án “việc nhắm mục tiêu vào dân thường và vi phạm luật pháp quốc tế ở Gaza”.


Tuyên bố chung của họ cho biết quyền tự vệ không biện minh cho việc vi phạm luật pháp và phớt lờ các quyền của người Palestine.


image040Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gần đây gọi Hamas là “nhóm giải phóng chiến đấu để bảo vệ vùng đất của người Palestine”


Tuần trước, Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei đã kêu gọi các nước Hồi giáo cắt đứt quan hệ kinh tế với Israel cũng như cắt giảm xuất khẩu dầu và thực phẩm sang Israel.


Ông Khamenei và Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi đều chúc mừng Hamas sau cuộc tấn công vào Israel, ca ngợi các chiến binh vì "sự dũng cảm, dũng cảm, phản kháng và sáng kiến" của họ. Iran đã phủ nhận mọi liên quan đến các cuộc tấn công.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, người ban đầu cố gắng đưa ra giọng điệu hòa giải trong cuộc chiến, đã cứng rắn hơn sau vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli Arab vào ngày 17/10.


Đã có những cáo buộc trái ngược nhau về nguyên nhân của vụ nổ kinh hoàng, trong đó Bộ Y tế do Hamas điều hành ở Dải Gaza cho biết ít nhất 500 người đã thiệt mạng.


Tại một cuộc biểu tình lớn ủng hộ Palestine ở Istanbul vào ngày 28/10, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị tuyên bố Israel là "tội phạm chiến tranh".


Không giống như nhiều đồng minh Nato và Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ không coi Hamas là một tổ chức khủng bố và tiếp đón các thành viên của tổ chức này. Tổng thống Erdogan gần đây gọi Hamas là “nhóm giải phóng chiến đấu để bảo vệ vùng đất của người Palestine”.


Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc vào ngày 27/10.


Quốc gia Trung Đông duy nhất bỏ phiếu trắng là Iraq.


Không có quốc gia nào ở Trung Đông bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, ngoại trừ Israel.


Nga


image041Nguồn hình ảnh, Getty Images. Trong cuộc tấn công của Israel vào Gaza, hơn 9.000 người đã thiệt mạng, theo Bộ Y tế do Hamas điều hành.


Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã giữ im lặng trong vài ngày đầu tiên sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel và thay vào đó, những bình luận ban đầu của ông nhắm vào Mỹ, cho thấy những gì đã xảy ra chứng tỏ “sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông”.


Một tuần sau cuộc xung đột, Putin tuyên bố rằng “Israel đã phải hứng chịu một cuộc tấn công tàn ác chưa từng có của các chiến binh Hamas” nhưng đang đáp trả bằng những phương pháp tàn ác của riêng mình.


Điện Kremlin chưa gửi lời chia buồn tới Israel hay lên án Hamas - thực tế là Nga đã tổ chức một phái đoàn Hamas tại Moscow vào ngày 26/10 để thảo luận về việc thả con tin, bao gồm cả công dân Nga.


Nga cùng với Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết do Mỹ bảo trợ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khi nghị quyết thứ hai do Nga hậu thuẫn không đảm bảo đủ số phiếu ủng hộ.


Nga đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn nhân đạo vào ngày 27/10.


Châu Á


Gần như toàn bộ châu Á đã bỏ phiếu ủng hộ lệnh ngừng bắn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.


Trung Quốc, quốc gia đang cố gắng khẳng định mình là nhà môi giới hòa bình ở Trung Đông, đã kêu gọi “các bên liên quan giữ bình tĩnh, kiềm chế và ngay lập tức chấm dứt hành động thù địch để bảo vệ dân thường” trong tuyên bố ban đầu sau các cuộc tấn công của Hamas.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “lối thoát xung đột nằm ở việc thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập”.


Một tuần sau cuộc xung đột, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị nói rằng hành động của Israel ở Gaza đã "vượt quá phạm vi tự vệ" và chính phủ Israel phải "chấm dứt trừng phạt tập thể đối với người dân Gaza".


image042Kết quả bỏ phiết nghị quyết kêu gọi “thỏa thuận ngừng bắn” của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 27/10. Màu xanh: phiếu thuận, màu đỏ: phiếu chống, màu vàng: phiếu trắng


Ấn Độ là một trong những quốc gia bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên Hợp Quốc, nghị quyết mà phe đối lập chỉ trích là "gây sốc".


Trong những năm đầu giành độc lập, Ấn Độ có quan hệ chặt chẽ với Palestine và chính sách chính thức là ủng hộ giải pháp hai nhà nước.


Nhưng kể từ khi chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, Ấn Độ ngày càng tăng cường quan hệ với Israel.


Trong tuyên bố đầu tiên sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, ông Modi nói: “Người dân Ấn Độ luôn sát cánh cùng Israel trong thời điểm khó khăn này. Ấn Độ lên án mạnh mẽ và dứt khoát chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó.”


Pakistan, quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Israel, ban đầu áp dụng giọng điệu chừng mực, trong đó Tổng thống Arif Alvi kêu gọi “kiềm chế tối đa để ngăn chặn đổ máu và thiệt hại thêm về nhân mạng”.


“Tình hình đòi hỏi phải ngừng bắn ngay lập tức,” ông đăng trên X.


Tuy nhiên, sau vụ đánh bom trại tị nạn Jabalia ở Gaza vào ngày 1/11/2023, lập trường của Pakistan đã trở nên cứng rắn hơn, với việc Bộ Ngoại giao lên án điều mà họ gọi là "cuộc tấn công man rợ của Israel".


Châu Phi


image044Nguồn hình ảnh, Getty Images. Những người chỉ trích Israel nói rằng thường dân ở Gaza đã trở thành nạn nhân của sự trừng phạt tập thể


Liên minh châu Phi, có 55 quốc gia thành viên, đã đưa ra tuyên bố vào ngày 7/10 ủng hộ Palestine.


Tuyên bố nêu rõ: "Việc từ chối các quyền cơ bản của người dân Palestine, đặc biệt là quyền của một quốc gia độc lập và có chủ quyền, là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng thường trực giữa Israel và Palestine."


Thủ tướng Somalia, Hamza Abdi Barre cho biết chính phủ của ông không coi Hamas là một tổ chức khủng bố và sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ cho tổ chức này.


Mặc dù Tunisia đã tuyên bố đoàn kết "đầy đủ và vô điều kiện" với người dân Palestine khi bắt đầu cuộc chiến tranh Israel-Hamas nhưng nước này đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc.


Điều này xảy ra bất chấp Tổng thống Tunisia, Kais Saied đã lên án "sự im lặng quốc tế" về "cuộc diệt chủng" mà ông cho rằng do Israel gây ra.


Quốc hội Tunisia hiện đang tranh luận về một dự thảo luật hình sự hóa việc công nhận Israel và thiết lập các mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nước này.


Các quốc gia châu Phi khác bỏ phiếu trắng là Cameroon, Ethiopia, Nam Sudan và Zambia.


Không có quốc gia châu Phi nào bác bỏ nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 27/10.


Mỹ Latinh


Hầu hết các quốc gia ở Mỹ Latinh đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc.


Tuần trước, Bolivia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh cắt đứt quan hệ với Israel kể từ khi cuộc tấn công vào Gaza bắt đầu, với việc chính phủ gọi các cuộc tấn công của Israel ở Gaza là “hung hăng và không cân xứng”.


Israel đáp trả bằng cách chỉ trích động thái của Bolivia là "đầu hàng khủng bố".


image045Nguồn hình ảnh, Getty Images. Người dân Brazil xuống đường ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Gaza


Hai quốc gia Mỹ Latinh khác là Colombia và Chile đã triệu hồi đại sứ của họ về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng ở Gaza.


Chile, quốc gia có dân số Palestine lớn nhất bên ngoài thế giới Ả Rập, cho biết họ thực hiện hành động này để phản đối "những vi phạm không thể chấp nhận được đối với luật nhân đạo quốc tế" của Israel.


Colombia đã chỉ trích gay gắt các cuộc tấn công của Israel vào Gaza kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Tổng thống Gustavo Petro cho biết: “Chúng tôi không ủng hộ nạn diệt chủng”, đồng thời đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel.


Trong khi Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva ban đầu lên án các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào dân thường ở Israel và kêu gọi thả ngay lập tức tất cả các con tin, thì trong một tuyên bố gần đây, ông chỉ trích mạnh mẽ việc Israel xâm nhập vào Gaza.


Vào ngày 25/10, ông Lula da Silva nói: “Những gì đang xảy ra không phải là một cuộc chiến. Đó là một cuộc diệt chủng đã dẫn đến việc giết chết gần 2.000 trẻ em không liên quan gì đến cuộc chiến này. Họ là nạn nhân của cuộc chiến này.”


Paraguay và Guatemala là những quốc gia duy nhất ở Nam hoặc Trung Mỹ bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
24 Tháng Giêng 2024(Xem: 360)
10 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 465)
CỘNG ĐỒNG BẮC KINH - HÀ NỘI - VIÊN CHĂN - NAM VANG
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2109)
Reuters: “Việt Nam sắp sửa mua vũ khí sát thương của Mỹ”