TQ đầu tư vào Campuchia và Lào theo trục ‘đông-tây'

10 Tháng Mười Hai 20235:59 SA(Xem: 465)

VĂN HÓA ONLINE – TÀI LIỆU – CHỦ NHẬT 10 DEC 2023


image003Bản đồ minh họa Liên bang Đông Dương


CỘNG ĐỒNG BẮC KINH - HÀ NỘI - VIÊN CHĂN - NAM VANG


VN hưởng lợi khi TQ đầu tư vào Campuchia và Lào theo trục 'đông-tây'


image005Nguồn hình ảnh, Getty Images


  • Tác giả, David Hutt
  • Vai trò, Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ CH Czech
  • 10/12/2023
  • https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crgpg5exkn9o


Vài năm trước, người ta thường thấy các học giả nhận xét về sự can dự của Trung Quốc ở Đông Nam Á rằng:


"Nhật Bản chủ yếu tập trung xây dựng các tuyến đông-tây [ở Đông Nam Á], nhằm phối hợp với một số dự án có sự tham gia của Nhật để phát triển Hành lang Kinh tế Đông-Tây kết nối Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam… Còn mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh là xây dựng mạng lưới đường sắt bắc-nam xuyên Á, với hy vọng cải thiện khả năng tiếp cận của Trung Quốc tới Đông Nam Á và xa hơn nữa."


Tất cả nghe đều hợp lý. Tuyến đường sắt Viêng Chăn-Côn Minh trị giá 6 tỷ USD ở Lào là một dự án điển hình trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nam-bắc.


Mọi con đường đều dẫn tới Côn Minh. Một số quan chức Trung Quốc thậm chí còn gọi thành phố phía nam này là “đầu cầu” của Bắc Kinh dẫn vào Đông Nam Á, một thuật ngữ không tích cực cho lắm xét theo ý nghĩa quân sự.


image006Nguồn hình ảnh, Getty Images


Trục 'đông-tây' ở Đông Nam Á


Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Trung Quốc, bao gồm cả các dự án thuộc BRI, hiện cũng đang hướng theo trục “đông-tây” ở khu vực Đông Nam Á.


Chẳng hạn như ở Campuchia, Trung Quốc đang tài trợ và xây dựng một đường cao tốc mới trị giá 1,3 tỷ USD tới Bavet, giáp biên với Việt Nam, và một đường khác tới Poipet, giáp biên với Thái Lan.


Cũng có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tài trợ cho một dự án đường sắt cao tốc nối Bavet và Poipet. Với việc tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc chuyên xây cất cơ sở hạ tầng Công ty Xây dựng Cầu Đường (China Road & Bridge Corp) (là đơn vị tài trợ và xây dựng các đường cao tốc ở Campuchia) đã bàn thảo công khai về dự án trên với kinh phí có thể vượt quá 4 tỷ USD chỉ cho đoạn đường Phnom Penh-Poipet, chỉ Trung Quốc có tiền để đầu tư vào một dự án như vậy.


Tại Lào, hiện đang có các kế hoạch làm tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng do Việt Nam tài trợ nhằm nối thủ đô của Lào với cảng biển và Đặc khu Kinh tế Vũng Áng, một khu vực được đầu tư đáng kể.


Kế hoạch này đã bị trì hoãn trong nhiều năm từ khi được đưa vào tầm nhìn từ thời đầu thập niên 2000. (Trên thực tế, người Pháp đã có ý tưởng tương tự từ thời thập niên 1930).


Tuy nhiên, vào tháng 3/2023, chủ tịch của FLC đã bị bắt chỉ một tuần sau khi tập đoàn này đồng ý đầu tư vào tuyến đường sắt này. Trong bối cảnh kinh tế tư nhân Việt Nam có nhiều quan ngại về nợ và khả năng tiếp cận tín dụng cũng như chi phí xây dựng tuyến đường sắt ước tính hơn 6 tỷ USD, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Trung Quốc cuối cùng lại chi một phần tiền cho tuyến đường sắt này.


Đúng là những tuyến đường này cuối cùng có thể trở thành bắc-nam – hay nói đúng hơn là một hình bán nguyệt – khi đường cao tốc và đường sắt xuyên Á kết nối Trung Quốc qua Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam – và có khả năng quay trở lại Trung Quốc.


Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Lào - Campuchia


image007Getty Images. Một dự án của Trung Quốc tại Sihanoukville, Campuchia


Và “đông-tây” có ý nghĩa đối với Campuchia và Lào, những quốc gia đang ngày càng phụ thuộc vào thương mại đông-tây. Trung Quốc đại lục, Việt Nam và Thái Lan chiếm 71% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Campuchia trong 5 tháng đầu năm 2023 và chiếm gần như toàn bộ thị trường Lào vào năm ngoái.


Tuy nhiên, Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào các dự án cơ sở hạ tầng mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường sự tham gia của Campuchia (và có thể cả Lào) vào chuỗi cung ứng của Việt Nam.


Thật vậy, chính quyền Việt Nam đang đầu tư tuyến cao tốc mới nối Thành phố Hồ Chí Minh với Mộc Bài, giáp biên với Bavet, do đó kết nối với tuyến cao tốc do Trung Quốc xây dựng ở Campuchia.


Năm 2015, Hà Nội đã ký kế hoạch mở rộng đường bộ và kết nối thương mại hành lang Lạng Sơn-Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, liên thông Trung Quốc và biên giới Campuchia.


Như vậy, Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy tầm quan trọng kinh tế của Việt Nam đối với Campuchia.


China Daily dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Campuchia khi đó là Hun Sen tại lễ khởi công đường cao tốc Phnom Penh-Bavet vào tháng 6: “Đường cao tốc Phnom Penh-Bavet là thành quả của sự hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường… Đường cao tốc này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, thương mại, du lịch và vận tải xuyên biên giới giữa Campuchia và Việt Nam.”


Vậy còn quan điểm cho rằng Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh chiến lược với Việt Nam để giành ảnh hưởng với Campuchia và Lào, vốn đều là khách hàng của Việt Nam thời thập niên 1970 và 1980 nhưng đã ngả vào ảnh hưởng của Trung Quốc kể từ đầu thập niên 2010 thì sao?


Có ý kiến cho rằng Campuchia và Lào đang cố gắng cân bằng quan hệ với Bắc Kinh bằng cách tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam để tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Thương mại với Campuchia đã tăng từ 3,8 tỷ USD năm 2017 lên 9,3 tỷ USD vào năm 2021 và tăng 25% trong 8 tháng đầu năm nay. Quan hệ ba bên Việt Nam, Campuchia và Lào đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây.


image009Getty Images. Dự án xây dựng tuyến đường sắt tại Luang Prabang, Lào, là một phần trong dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc


Cuộc cạnh tranh về sức ảnh hưởng


Tuy nhiên, nếu đang cạnh tranh trực tiếp với Hà Nội để giành ảnh hưởng ở Campuchia thì tại sao Bắc Kinh lại cho phép một công ty Trung Quốc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém mà chủ yếu sẽ thúc đẩy thương mại Campuchia-Việt Nam – và tầm quan trọng kinh tế của Việt Nam đối với Campuchia?


Có một câu trả lời, đó là Trung Quốc được hưởng lợi khi biến Campuchia trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của miền Nam Việt Nam.


Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực xuất khẩu của Campuchia, cho nên họ sẽ được hưởng lợi khi lượng đầu tư toàn cầu khổng lồ đổ vào Việt Nam cũng tràn sang Campuchia.


Một phần quan trọng trong chính sách kinh tế mới của Phnom Penh là trở thành một bộ phận then chốt trong lĩnh vực sản xuất rộng lớn của Việt Nam, tham gia vào một số công việc đòi hỏi tay nghề thấp, lương thấp mà các nhà máy Việt Nam có thể thuê nước láng giềng gia công. Hơn nữa, đây là các dự án BRI của Trung Quốc và kế hoạch này luôn nhằm mục đích thu hút năng lực dư thừa của ngành xây dựng Trung Quốc. Ít nhất là đối với những dự án này, rõ ràng Bắc Kinh đang đặt nhu cầu kinh tế trong nước lên trên.


Cuộc cạnh tranh rõ ràng giữa Trung Quốc và Việt Nam để giành ảnh hưởng ở Campuchia và Lào tuy đã phức tạp hơn so với những ngày đầu, nhưng ít nhất về mặt kinh tế vẫn mang tính cộng sinh.


Quả thực, Việt Nam thu được lợi ích từ đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia và Lào.


Hà Nội không thể cạnh tranh với Bắc Kinh về nguồn vốn, điều này được thể hiện rõ qua tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng và các dự án cơ sở hạ tầng bị trì hoãn hàng thập kỷ của Việt Nam như tàu điện ngầm Thành phố Hồ Chí Minh.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thăm Việt Nam trong tháng này. Một trong những nhiệm vụ chính trước chuyến thăm là liệu Hà Nội có chấp nhận thuật ngữ “cộng đồng chung vận mệnh” trong thông cáo chung hay không. Ngay cả khi Hà Nội không chịu thì Trung Quốc và Việt Nam vẫn cùng có chung một số mục tiêu ở Đông Nam Á.


David Hutt là nhà nghiên cứu tại Viện Trung Âu chuyên Nghiên cứu về Châu Á (CEIAS), là cây viết chuyên mục Đông Nam Á của the Diplomat, và thường viết bài cho các báo, tạp chí. Là phóng viên và nhà phân tích, ông chuyên bình luận về chính trị Đông Nam Á kể từ 2014.
24 Tháng Giêng 2024(Xem: 360)
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2113)
Reuters: “Việt Nam sắp sửa mua vũ khí sát thương của Mỹ”