"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ TƯ 15 MAR 2017
Việt Nam, Trung Cộng: Ai nổ súng trước trong trận Gạc Ma 1988?
CIA: Việt Nam nổ súng trước trong trận Gạc Ma
Một người lính hải quân Việt Nam đang ngắm một bức tranh cổ động về quần đảo Trường Sa trong một cuộc triển lãm.
Một tài liệu được giải mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA về trận hải chiến Việt-Trung ở Gạc Ma năm 1988 cho biết Việt Nam là bên nổ súng trước.
Tài liệu CIA đề ngày 08/08/1988 miêu tả cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam như sau:
“Trung Quốc và Việt Nam đối đầu nhau trong một trận hải chiến vào ngày 14 tháng 03 năm 1988 trên khu vực bãi Johnson (Gạc Ma). Một nhóm lính Trung Quốc đổ bộ lên bãi đá không người này để tiến hành khảo sát, dựng đồn quan sát, và cắm cờ Trung Quốc. Tàu tiếp tế của Việt Nam, theo dõi những động thái của đối phương, đã phản ứng bằng cách đổ quân lên bãi đá, và họ rõ ràng đã khơi mào cuộc xung đột. Hai bên nổ súng qua lại, phía Việt Nam bắn vào binh lính Trung Quốc, làm bị thương một người. Sau đó, một chiếc tàu tiếp tế của Việt Nam- được trang bị súng máy- nã đạn vào một trong những tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc ngoài khơi.”
Tài liệu giải mật của CIA về trận Gạc Ma 1988
Theo tài liệu có tên “Sino-Vietnamese Confrontation in Spratlys unlikely for now” này, chỉ huy tàu Trung Quốc cho nã pháo hải quân 100 mm vào tàu tiếp tế của Việt Nam và một chiếc tàu khác gần đó, đánh chìm tàu tiếp tế và gây hư hại nặng nề cho chiếc kia. Vẫn theo tài liệu này, Hà Nội sau đó quy lỗi cho Trung Quốc khơi mào xung đột và loan báo rằng Việt Nam bị nhiều thương vong, trong đó có 2 người chết và hơn 70 người mất tích. Tàu chiến Trung Quốc được báo cáo chỉ chịu ít thiệt hại.
Nổ súng hay không được nổ súng
Những thông tin giải mật từ phía CIA càng khiến cho cuộc tranh luận xung quanh trận hải chiến Gạc Ma 1988 trở nên phức tạp bởi nó phủ nhận lời phát biểu của Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam Lê Mã Lương về sự tồn tại của một mệnh lệnh “không được nổ súng”.
Trong một đoạn video được phát tán trên mạng, tướng Lương đã đề cập đến việc binh lính Việt Nam tại Gạc Ma khi đó nhận được lệnh không được nổ súng, dẫn đến cái gọi là “thảm sát Gạc Ma”. Theo tướng Lương, mệnh lệnh này đã biến hàng chục lính Việt Nam thành bia đỡ đạn cho phía Trung Quốc.
Bài phát biểu của ông Lê Mã Lương đã làm dấy lên những làn sóng phẫn nộ trên mạng Internet, phần lớn chỉ trích nặng nề nhắm vào ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, người vốn giữ vai trò Bộ trưởng Quốc Phòng lúc bấy giờ. Nhưng cũng có một số người cho rằng “không được nổ súng” ở đây có nghĩa là “không nổ súng trước.”
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đến từ ĐH George Mason, Hoa Kỳ, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế, tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của một lệnh cấm nổ súng:
“Cái đó thì cũng khó nói, tôi biết là trên mạng người ta chỉ trích đích danh người ra cái lệnh đó là ông Lê Đức Anh, nhưng bản thân tôi là nhà nghiên cứu, tôi không có bằng chứng riêng để xác định rằng ai ra lệnh cái đó. Nếu bảo là quân đội không được làm gì, để cho nó bắn chết thì hơi lạ.”
Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, anh Nguyễn Hữu Thảo, một trong những cựu binh còn sống sót sau trận hải chiến Gạc Ma nói rằng binh lính Việt Nam “bị thảm sát” hay “làm bia đỡ đạn” là không đúng:
“Tôi không muốn xúc phạm đến những người đồng đội của tôi đã hy sinh. Họ đã chiến đấu chứ không phải là họ ngồi yên, không phải là họ nằm một chỗ, hay họ giơ tay lên hay lạy. Họ đã chiến đấu mà bảo là họ đứng để làm bia hoặc là bị thảm sát thì thực sự là không phải.”
Tôi không muốn xúc phạm đến những người đồng đội của tôi đã hy sinh. Họ đã chiến đấu chứ không phải là họ ngồi yên, không phải là họ nằm một chỗ, hay họ giơ tay lên hay lạy. Họ đã chiến đấu mà bảo là họ đứng để làm bia hoặc là bị thảm sát thì thực sự là không phải.
Cựu chiến binh Gạc Ma Nguyễn Hữu Thảo
Vậy có hay không một mệnh lênh “không được nổ súng” từ phía lãnh đạo cấp cao của Việt Nam? Tới thời điểm hiện tại đây vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và cần thêm nhiều tài liệu để đối chứng.
Nhưng có một thực tế mà giáo sư Ngô Vĩnh Long đến từ ĐH Maine (Hoa Kỳ), chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Mỹ-Á, quan sát thấy khi còn đang giảng dạy tại Việt Nam vào những năm cuối thập niên 80. Đó là sự lo sợ của chính quyền Việt Nam:
“Lúc đó họ (lãnh đạo VN) sợ. Vấn đề Gạc Ma đối với họ có thể là vấn đề nhỏ. Họ sợ là Trung Quốc có thể làm căng ở biên giới phía Bắc. Lãnh đạo Việt Nam đến năm 1988 vẫn còn rất là sợ hãi.”
Tính khả tín của tài liệu CIA
Những thông tin trong bản báo cáo mật của CIA không chỉ phủ nhận việc binh lính Việt “không được phép nổ súng” mà nó còn trái ngược với diễn biến trận đánh mà phía Việt Nam cung cấp.
Trong những tài liệu được Hà Nội công bố rộng rãi, sau khi phát hiện binh lính Việt Nam đang cắm cờ trên đảo Gạc Ma, Trung Quốc đã tiến hành bao vây, đổ quân xuống cướp cờ. Báo nhà nước dẫn lời ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới chính phủ, nói trong lúc giằng co lá cờ, phía Trung Quốc nổ súng trước, làm một thiếu úy thiệt mạng và một hạ sĩ bị thương trước khi hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu HQ604 của Việt Nam, làm tàu Việt Nam ‘bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển’ ‘cùng một số cán bộ, chiến sỹ.’
Điều đáng nói ở đây, thông tin mà tài liệu của CIA cung cấp lại gần như trùng khớp với những gì được tuyên truyền trên sách báo của phía Trung Quốc. Tuy một số chi tiết có khác biệt, nhưng tựu chung lại, hai nguồn thông tin này đều miêu tả Việt Nam như kẻ gây sự.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng những thông tin này chỉ nhằm gây đánh lạc hướng, biện minh cho cuộc tấn công chiếm Gạc Ma của Trung Quốc mà thôi:
“Họ nói rằng là đó là cái cớ, Trung Quốc lấy Gạc Ma là bởi vì Việt Nam nổ súng trước. Nhưng không phải như vậy, nếu Trung Quốc không đưa lính đến Gạc Ma thì những người (lính Việt Nam) phòng thủ ở đó không thể nổ súng được.”
Tôi nghĩ rằng lúc này có việc Mỹ và Trung Quốc đi đêm với nhau, thành ra là cái báo cáo đó là cái báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ có lợi cho đường lối của Mỹ lúc đó, vì thế cho nên là khi có tài liệu từ một hướng thì chưa có thể tin được, mặc dù đó là tài liệu mật của chính phủ Mỹ.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Cũng theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, năm 1988 là thời điểm Mỹ và Trung Quốc muốn “dìm Việt Nam xuống dưới bùn”, lôi kéo các nước ASEAN chống lại Việt Nam, chính vì vậy không thể chỉ tin vào nguồn tài liệu từ phía CIA.
“Tôi nghĩ rằng lúc này có việc Mỹ và Trung Quốc đi đêm với nhau, thành ra là cái báo cáo đó là cái báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ có lợi cho đường lối của Mỹ lúc đó, vì thế cho nên là khi có tài liệu từ một hướng thì chưa có thể tin được, mặc dù đó là tài liệu mật của chính phủ Mỹ. Nếu bây giờ có một tài liệu mật khác của Trung Quốc đưa ra tôi nghĩ cũng chưa chắc là đúng nữa.”
Số phận Gạc Ma
Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS)
Trả lời câu hỏi liệu quyết định nổ súng trước hay sau có ảnh hưởng gì đến cục diện trận chiến hay không, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và giáo sư Ngô Vĩnh Long đều cho rằng nếu Trung Quốc quyết tâm chiếm Gạc Ma, thì điều đó không còn nhiều ý nghĩa bởi tương quan lực lượng lúc đó là quá chênh lệch.
Năm 1988, Liên Xô và các nước Đông Âu theo chủ nghĩa xã hội khủng hoảng nghiêm trọng bỏ lại Việt Nam bơ vơ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông. Theo hai vị giáo sư, Việt Nam không có cơ hội giành chiến thắng trong trận Gạc Ma dưới bất kỳ kịch bản nào.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
“Cục diện muốn thay đổi chỉ phụ thuộc vào các hành động của chính phủ Việt Nam sau khi Trung Quốc đánh chiếm, đưa Trung Quốc ra dư luận quốc tế, tiếp tục công bố về vấn đề này.”
Tuy nhiên, giáo sư Nguyên Mạnh Hùng cho rằng đây là điều vô ích:
“Cái đó cũng vô ích thôi, khi cuộc chiến ở Hoàng Sa xảy ra thì Việt Nam Cộng hòa lên tiếng mạnh lắm, có cả một cái hồ sơ to lớn lên Hội đồng Bảo An, mà cũng chẳng có gì cả.”
Và thực tế cho thấy, mọi nỗ lực của Việt Nam đưa tranh chấp lên Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc đều đi vào ngõ cụt. Ngay trong tài liệu của CIA cũng đề cập đến việc này: "Việt Nam đã đưa vấn đề tranh chấp tại Trường Sa lên Liên hiệp quốc, với mong muốn nhờ tổ chức này buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán, nhưng không thành công."
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, điều duy nhất Việt nam có thể làm đó chính là rút ra bài học:
“Chiến lược Việt Nam từ xưa tới nay vẫn là mình là người yếu ở cạnh một nước mạnh, thì trước hết là mình không muốn làm cái gì mà gây hấn để nó lấy cớ nó đánh mình. Thứ hai là mình phải phòng vệ, mình phải khỏe, tự mình khỏe đã. Nếu mình không đủ sức khỏe thì mình vay mượn sức khỏe người khác, những liên minh quân sự, thực sự hoặc trá hình. Phải có một sự cân bằng lực lượng như vậy thì mới chống lại được cái sự lấn lướt của một nước lớn ngay trước mặt.”/(theo VOA 15/03/2017)
+++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM:
Vũ Hữu Lễ: Tôi dự trận Gạcma 1988
03 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 3463)
Văn Hóa phỏng vấn cựu Đại tá Thuyền trưởng Vũ Hữu Lễ: Tôi dự trận Gạcma 1988
Nhà báo Lý Kiến Trúc đang phỏng vấn Đại tá Vũ Huy Lễ trên Vận tải hạm HQ-571 Trường Sa. Ảnh Văn Hóa.
Lời Tòa Soạn:
Trong một buổi “giao lưu văn hóa văn nghệ” trên boong chiến hạm HQ 571, chúng tôi thấy hai người ngồi bên cạnh ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Hình ảnh hấp dẫn đến nỗi các phóng viên ‘nhào” tới chụp lia lịa. Hóa ra sau khi nghe lời giới thiệu mới biết hai người đó là bà quả phụ Ngụy Văn Thà và Đại tá Vũ Huy Lễ, Thuyền trưởng tàu 505, con tàu đã cấp cứu tàu 604 đang bị chiến hạm Trung cộng bắn giết ở khu vực đảo Gạcma. Tàu 604 chỉ huy bởi Thuyền trưởng Vũ Huy Trừ bị bắn chìm, còn tàu 505 của Đại tá Vũ Huy Lễ bị bắn trọng thương nhưng vẫn cố ‘lết” đâm ủi vào bãi đá CôLin bám trụ chủ quyền tại đó.
Người đứng phía sau bà Thà là thân nhân của Hạm phó Hải quân VNCH Thiếu tá Nguyễn Thành Trí.
Ngồi từ trái: Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn (áo pull sọc trắng đỏ), bà quả phụ Ngụy Văn Thà, cựu Đại tá Vũ Huy Lễ. Ảnh Văn Hóa.
LKT: Hôm nay là ngày 19-4, chúng tôi là đại diện cho tờ báoVăn Hóa tại California có dịp được phỏng vấn 1 sĩ quan cao cấp của Hải quân Việt Nam. Ngồi trên chiếc tàu Trường Sa 571 đang trên đường đi ra thăm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi vô tình gặp vị sĩ quan tham dự trận Gạc Ma 1988, Đó là ông Vũ Huy Lễ, Hải quân Đại tá của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Ông là một nhân vật lịch sử trong trận Gạcma năm 1988, ông là một nhân chứng cao nhất trong trận chiến Gạc Ma. Kính chào ông.
- VŨ HUY LỄ: Vâng, xin chào ông.
- LKT: Thưa ông, xin ông có thể nói cho đọc giả của chúng tôi tại Mỹ sơ lược vài tiểu sử về quá trình hoạt động của ông trong hải quân hay không ?
- VHL: Vâng, tôi cũng sẵn sàng nếu như các anh có đề nghị, tôi tên là Vũ Huy Lễ, đã học xong ở trường phổ thông, tức là học cấp 3, cái đấy là học cấp 3, 10/10 ấy, học xong phổ thông thì tôi vào đại học. Khi vào trường đại học được 9 tháng tức là học dự khóa thì diễn ra cái sự kiện năm 64, mùng 5-8 năm 64. Sự kiện đó thì chắc là ông cũng đã biết, tức là ngày mùng 5-8 năm 1964 ở Vịnh Bắc Bộ, gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Ma-đốc, sau đó rồi thì Mỹ cũng thường cho máy bay đến bắn phá miền Bắc; vào những ngày đó chúng tôi học thì đúng là ngồi học không yên vì cứ thỉnh thoảng một ngày 2-3 lần máy bay của Mỹ thường đến bắn phá Hải Phòng và miền Bắc.
- LKT: Xin lỗi, tạm thời ngắt lời đại tá.
- VHL: Vâng!
- LKT: Ông có cho rằng cái sự kiện Maddox năm 64 đó là sự kiện dàn dựng của Mỹ hay là sự kiện ..., không phải là một sự kiện thật?
- VHL: Thực tế thì thời đó thì tôi cũng là một sinh viên cho nên là am hiểu về cái việc này thì nó cũng chưa thật là sâu sắc lắm , thế nhưng đây là một cái sự việc thật mà Mỹ đã cho tàu đến để gây ra cái sự kiện Vịnh Bắc Bộ.
- LKT: Thưa ông ngoài sự kiện đó ra thì ấn tượng nào lớn nhất trong cuộc đời hải quân của ông đối với bờ biển VN?
- VHL: Tôi thì tính đến nay là 34 năm trong quân đội, phục vụ trong quân chủng hải quân, trong quá trình phục vụ trong quân chủng hải quân, tôi cũng được làm thuyền trưởng của nhiều loại tàu của quân chủng hải quân. Nhưng mà những kỷ niệm sâu sắc nhất trong tôi mà chúng tôi không thể quên được đó là năm 1988 vào ngày 14-3 năm 1988, khi tàu tôi đang neo đậu và hoạt động bình thường ở trên đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa. Thì sáng sớm hôm ấy “nước ngoài” cho tàu chiến đến bắn phá chúng tôi, đánh chúng tôi, trong quá trình đánh phá như vậy thì bên đảo Gạc Ma, tức là 2 cái đảo của chúng tôi gần nhau, tôi thì ở khoảng cách 4 hải lý, tàu tôi 505 được lệnh giữ đảo Cô Lin, còn tàu 604 thì được lệnh giữ đảo Gạc Ma, sáng hôm đó đối phương cho 2 tàu chiến đến bắn phá tàu 604.
- LKT: Vâng thưa ông, xin được ngắt lời ông là bên nào nổ súng trước?
- VHL: Bên đối phương họ có súng lớn thì họ nổ súng trước, lúc đấy chúng tôi nghe thấy ở bên đảo Gạc Ma có tiếng lục bục tiếng súng nổ, và nhìn nòng súng của 2 tàu chiến đối phương lửa cứ lóe lên thì tôi hiểu là bên đấy là họ đang bắn chúng tôi. Cho nên là chỉ 5-6 phút sau là tàu 604 của chúng tôi bị chìm.
- LKT: Vâng, tàu 604 là tàu chiến hạm hay là tàu bình thường?
- VHL: Tàu 604 là tàu vận tải bình thường mà chúng tôi vẫn hoạt động ra ngoài Trường Sa để thăm đảo, rồi đưa tiếp tế cho nhân dân, quân và dân trên đảo.
- LKT: Sau đó thì ra sao ?
- VHL: Sau đó thì khi tàu 604 bị chìm thì chúng tôi cũng bắt đầu nhổ neo và cơ động để mà tránh đạn của đối phương. Khi mà 604 chìm thì đối phương quay nòng súng sang bắn chúng tôi ngay (tàu 505), bắn cấp tập tất cả 2 pháo của 2 chiến hạm của đối phương bắn cấp tập vào tàu tôi, và toàn bộ cái mạn bên phải của tàu bị trúng đạn, đài chỉ huy trúng đạn, rồi phòng thuyền trưởng trúng đạn, phòng báo vụ VTD cũng trúng đạn, anh em bị thương nhiều, tàu bốc cháy ngùn ngụt, cháy rất dữ dội, thế rồi tất cả đạn 85 li, 100 li của đối phương bắn dưới vạch mức nước, thủng nhiều, tàu tôi bị thủng nhiều.
- LKT: Lúc đó ông là hạm trưởng của tàu 604?
- VHL: Không, tôi là hạm trưởng tàu 505, tức là đối phương bắn chìm tàu 604 xong thì quay nòng súng sang bắn tàu 505 của chúng tôi
- LKT: Hạm trưởng của tàu 604 là ai?
- VHL: Tàu 604 là đồng chí Vũ Huy Trừ, lúc đó đã hy sinh.
- LKT: Hy sinh tại chỗ?
- VHL: Vâng, tàu chìm, chìm theo tàu, cho nên là anh em ở trên đấy bị trôi dạt trên biển rất nhiều, chúng tôi phát hiện là nhìn qua bên đảo Gạc Ma là nhìn rõ là thấy người lố nhố ở trên biển, rất nhiều, và tàu tôi bị đối phương bắn trúng như vậy thì toàn bộ hệ thống điện của tàu bị mất cho nên không cơ động được, lái thì phải sử dụng bằng điện, thế là bây giờ mất điện rồi nên lái không thể điều khiển được, thế tôi mới lệnh cho anh em là phải xuống hầm lái để chuyển lái điện sang lái cơ để mình có thể mình cơ động, lúc đó anh em mò mẫm mãi không xuống được thì lại một quả pháo 85 li nó bắn trúng vào hầm lái mở ra được một cái lỗ rộng khoảng gần 1 mét vuông, ánh sáng mặt trời chiếu vào hầm lái thì anh em mới xuống được và chuyển từ lái điện sang lái cơ được, khi chuyển xong rồi anh em báo cáo lên là đã chuyển sáng lái cơ xong thì sử dụng được, thì lúc đó lại một quả pháo nữa lại bắn trúng vào trục lái của chúng tôi làm lái kẹt cứng không tài nào điều khiển được nữa.
- LKT: Thế như vậy thì cách nào mà cứu được anh em bên tàu 604?
- VHL: Vâng để tôi kể tiếp, tức là khi đó máy chính của 2 tàu tôi cũng bị hỏng, không nổ máy, bình nén khí bị trúng đạn nên xì hơi không điều khiển được máy chính, thế mà lúc đó thì gió mùa đông bắc thổi, tàu càng bị trôi ra xa đảo, ra xa đảo hơn cây số, mà ở đấy có độ sâu khoảng độ 1000 m, độ sâu rất sâu như thế, thế nên tôi nghĩ rằng nếu như mà là tàu chìm ở đây, tức là nước nó đã vào rồi đấy, dầu trôi ra lênh láng rồi, tàu bị nghiêng rồi, thế là khả năng tàu sẽ bị chìm, cho nên tôi nghĩ là tàu chìm ở đây thì toàn bộ, toàn thể cán bộ chiến sĩ ở trên tàu sẽ phải hy sinh hết, mà mình mất tàu, thế rồi mất đảo, không giữ được đảo, cho nên là bằng mọi giá mình phải sửa chữa máy để đưa tàu lên bãi cạn, xong rồi dùng súng bộ binh để mà đánh trả nếu như đối phương đưa quân lên đảo hoặc là đưa quân lên chiếm, đánh tàu chúng tôi, cho nên phải dùng súng bộ binh để đánh. Được anh em đồng ý anh em lao xuống các vị trí chiến đấu để chỉ đạo, các đồng chí trong ban chỉ huy tàu xuống các vị trí chỉ đạo cho anh em sửa chữa máy, rùi bịt vòi chống đấm, động viên bộ đội, động viên anh em để mà quyết tâm ...
- LKT: Thế đại tá có nghĩ rằng tàu 505, 604 đã lọt vào ổ phục kích của Trung Cộng hay không?
- VHL: Tôi thì tôi nghĩ rằng không phải là ổ phục kích bởi vì nhiệm vụ của chúng tôi là đến đảo hoạt động bình thường, làm các hoạt động rất bình thường vì đảo của chúng tôi cho nên chúng tôi hoạt động hoạt động rất bình thường. Đối phương tự nhiên đến đánh tàu 604 xong lại đánh tàu của tôi thì cái đó thì chúng tôi...
- LKT: Tức là 2 tàu vận tải 505-604 hoàn toàn không biết gì về chiến hạm của Trung Cộng cả?
- VHL: Buổi chiều hôm trước là chúng tôi đã biết trước, khi chúng tôi thấy rằng có cái hiện tượng có thể là ngày mai hoặc đêm nay là họ chiếm đảo của mình, cho nên mình bằng mọi cách mình phải nêu cao tinh thần cảnh giác, quan sát thật là chắc chắn, thế rồi đêm hôm ấy chúng tôi cho người lên cắm cờ trên bãi cạn đó để giữ chủ quyền của mình, vì đây là đất của Việt Nam cho nên mình phải cắm cái cờ Việt Nam lên đấy để giữ cái chủ quyền của mình ở trên đảo.
- LKT: Đứng về phương diện quân sự, đại tá cho rằng những khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin thì khu vực đó quan trọng như thế nào đối với quần đảo Trường Sa?
- VHL: Thực ra thì về mặt quân sự thì nó một điểm mấu chốt để quan sát được mặt biển, các hoạt động của các tàu đi trên mặt biển, cái thứ 2 về mặt kinh tế thì ví dụ như là sau này mình xây dựng các cây đèn biển với các thứ thì mình cũng có thể quan sát được các hoạt động của các tàu nước ngoài đi trong khu vực của mình.
- LKT: Như vậy có thể là một trong các yếu tố mà Trung Cộng họ tàn sát các tàu 505-604 đó là có phải là do lý do về quân sự không ?
- VHL: Cái đó thì tôi cũng hiểu nó chưa thật là sâu sắc, thế nhưng tôi nghĩ rằng cái chính của họ là muốn chiếm quần đảo Trường Sa của chúng tôi để họ làm ví dụ như xây dựng kinh tế hoặc là quân sự, cái đó ý đồ của họ là họ muốn chiếm các đảo.
- LKT: Ý đồ chiếm Gạc Ma và Cô Lin là những trận chiến đầu tiên để thực hiện kế hoạch chiếm toàn bộ Trường Sa?
- VHL: Vâng Vâng ...
- LKT: Vậy tại sao họ không đánh chiếm nốt?
- VHL: Bởi vì là ngoài việc sử dụng các loại vũ khí mà họ muốn chiếm ấy mà thì còn có cái sự thỏa thuận, rồi xây dựng cái mối hòa giải giữa nước mình với nước bạn, để mà mình cố gắng làm sao để mà không xảy ra xung đột giữa 2 nước thì cái đó là cái cố gắng.
- LKT: Thì thưa đại tá tối hôm qua trong cái buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ đại tá có nhớ là đại tá ngồi bên cạnh một người phụ nữ đó, đại tá có biết người đó là ai không ?
- VHL: Tôi cũng chỉ biết đấy là quả phụ của một anh, một người ở chế độ cũ, đến đây để tham gia văn hóa văn nghệ và đi thăm đảo Trường Sa của chúng ta.
- LKT Theo chúng tôi được biết thì bà quả phụ đó là vợ của cố Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà, ông ta là hạm trưởng chiếc HQ10, ông đó là hạm trưởng chỉ huy trận chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974, đại tá nghĩ thế nào về cái trận chiến Hoàng Sa, nó có liên quan với trận chiến Gạc Ma năm 1988 hay không ?
- VHL: Tôi thì tôi nghĩ rằng cái âm mưu độc chiếm biển Đông của đối phương là họ rất là sâu sắc trong cái đầu óc của họ rồi, họ không nghĩ rằng là đất đó là của Việt Nam mà chúng tôi thì khẳng định hằng bao nhiêu đời đây là cái đất Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam mình, cho nên là không thể không phải như thế được, cho nên khi mà nghe được cái lệnh đi bảo vệ quần đảo Trường Sa là chúng tôi cũng rất là phấn khởi, rất là tin tưởng vào cái sự bảo vệ đó của nhà nước mình.
- LKT: Đại tá nghĩ như thế nào về sự hy sinh của 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa tại trận Hoàng Sa?
- VHL: Tôi nghĩ rằng là anh em Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa cũng là bảo vệ đất nước của mình, bảo vệ đất nước của Việt Nam mình, cho nên là dù có phải hy sinh đến người cuối cùng nhưng mà mình giữ được cái đảo Hoàng Sa, cái quần đảo Hoàng Sa hoặc là Trường Sa thì mình cũng vẫn phải tôn vinh họ lên trở thành những người anh hùng những người giữ đảo giữ đất nước của Việt Nam mình, đấy thì tôi cũng nghĩ như thế.
- LKT: Vâng, tối hôm qua cũng do sự bố trí của ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, đại tá đã ngồi gần vợ một người anh hùng của Việt Nam Cộng Hòa và đại tá cũng là một anh hùng hải quân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì ông nghĩ thế nào về sự bố trí do 2 người anh hùng đó của 2 miền gặp nhau trong tối hôm qua?
- VHL: Tôi thì tôi nghĩ rằng đây là cái sự hòa hợp, chúng ta luôn luôn mong muốn sự hòa hợp thống nhất giữa, không thể nói là miền Nam riêng, miền Bắc riêng được mà nó là sự hòa hợp giữa người dân tộc Việt Nam mình nói chung để giữ mảnh đất thiêng liêng của mình, dù là nhỏ bé đến đâu đi chăng nữa, mình cũng phải quyết tâm giữ cho bằng được, dù là anh ở chế độ nào đi chăng nữa, anh đã thấm nhuần được cái đất nước của ta, cái mảnh đất đó là của Việt Nam thì bằng mọi giá phải giữ, cho nên phải hy sinh, cả nước mình vẫn phải tôn vinh họ là những người giữ đất nước, giữ đất, giữ nước của tổ quốc Việt Nam.
- LKT: Vâng cảm ơn đại tá câu hỏi cuối cùng là: thưa ông với cái lời lẻ của ông rất là lịch sự đối với những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng mà chúng tôi nhận thấy là trong một số báo chí và ngôn từ hiện nay ở trong nước vẫn còn dùng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa là chữ "Ngụy", ngụy quân ngụy quyền, cái điều đó có làm ông cảm nhận có sự khác biệt nào không ?
- VHL: Theo tôi thì cách sử dụng các từ đấy thì có thể về phía tôi thì tôi nghĩ rằng là mình cũng không sử dụng như thế nữa và từ nay trở đi ta nên sử dụng đó là một người Việt Nam bảo vệ đất nước Việt Nam mình của cái thời trước, theo tôi nghĩ thì như thế.
- LKT: Xin cảm ơn đại tá , thay mặt cho một cơ quan báo chí ở hải ngoại, ở nước Mỹ, chúng tôi vô cũng hân hạnh được tiếp xúc với đại tá trong buổi hôm nay và xin chúc đại tá sức khỏe dồi dào.
- VHL: Vâng, không có chi ạ./
++++++++++++++++++++
NHỮNG SỐ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN TRẬN GẠCMA:
A-Thống kê lực lượng đich-ta tại trận hải chiến 14-3-1988 tại Gacma-Colin-Lendao :
1-Hải quân VN:
- Có 03 tàu vận tải hạng nhỏ (HQ-604, HQ-605, HQ 505).
- Có trang bị súng 12li7.
- 2 phân đội công binh gồm70 người (Trang bị súng bộ binh AK47 –không đầy đủ vì nhiệm vụ chính là xây dựng công sự)
- 4 tổ chiến đấu gồm 22 người ( Trang bị sung bộ binh AK47 và 4 khẩu trung liên RPD, 2 cối 82li)
2-Hải quân TQ:
-01 Tàu chiến trang bị dàn súng 37li loại 4 nòng , súng 12li7
-3 tàu hộ vệ tên lửa trang bị pháo 100 li và các vũ khí hạng trung
-2 tàu vận tải hạng trung trang bị súng liên thanh 20li & 12li7
-Lực lượng thủy quân lục chiến được trang bị hiện đại đày đủ và được huấn luyện đặc biệt (con số chưa xác định cụ thể được)
B-Hậu quả cuộc hải chiến:
_Phía ta: 2 tàu bị bắn chìm (HQ-604 và HQ-605), một tàu bị bắn cháy, hư hỏng nặng (HQ 505). 64 chiến sĩ hi sinh , 9 bị thương rồi bị bắt, 01 mất tích.( Theo B/C của quân chủng HQ)
-Phía địch: 9 tên bị bắn chết, 18 tên bị thương, 1 tàu vận tải bị bắn hư hỏng nhẹ.
(Theo mạng HOÀN CẦU-CHINA)
Giặc TQ chiếm được GẠCMA . HQ VN bảo vệ được COLIN và LENDAO
(theo ZING blog)