VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ HAI 14 MAY 2018
"Thủ Thiêm - cô gái đẹp" và những cú sang tay bạc tỉ của "đại điếm gia"
Hưng Long
11/05/18
(GDVN) - Có ai tiếp tay cho những cú chuyển nhượng này hay không cần phải được làm rõ, bởi phía sau đó là cuộc sống của hàng vạn người dân đã bị ảnh hưởng.
“Kết hôn rồi ly hôn”
Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1996 đến 2003, người dân sinh sống ổn định tại Khu đô thị Thủ Thiêm đã bị “đẩy – đuổi” đến nơi khác. Quỹ đất sạch được giao lại cho các đại gia địa ốc để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong bài toán quy hoạch Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố đã biết vận dụng hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Doanh nghiệp áp dụng bài toán “góp vốn” rồi “rút vốn” khi đã đạt được lợi nhuận như mong muốn.
Tiền sảnh khu đô thị Sa La của Công ty Đại Quang Minh, (Ảnh: H.L)
Năm 2010, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (viết tắt: Vidifi) thực hiện 4 tuyến đường chính tại Khu đô thị Thủ Thiêm theo hình thức BT.
Đến năm 2011, ông Trần Đăng Khoa “manh nha” nhảy vào “miếng bánh” bất động sản tại Khu đô thị Thủ Thiêm thông qua hình thức góp vốn thành lập công ty.
Thời điểm này, ông Lê Thanh Hải đang giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh;
Ông Lê Hoàng Quân, giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
Ông Nguyễn Văn Đua, giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và ông Tất Thành Cang, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 2.
Không nói ai cũng biết, ông Cang (Tất Thành Cang?) là người có quyền lực, ảnh hưởng số 1 tại Quận 2 khi đó – nơi Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hình thành và được xem là gây ra những cơn sốt đất tại thành phố.
Một trong những con đường để “phủ sóng” Khu đô thị Thủ Thiêm nhanh nhất bằng cách góp vốn và thoái vốn ở một công ty thường thấy trong phi vụ kinh điển là Coca-Cola.
Vào những năm 1996 đến 2000, nhiều doanh nghiệp nước giải khát Việt Nam góp vốn với Coca-Cola đã phải phải “trắng tay” sau nhiều năm báo lỗ triền miên.
Đây cũng được xem là “công thức” cơ bản để cho các doanh nghiệp muốn thôn tính lẫn nhau trong nền kinh tế.
Những vụ “kết hôn” rồi dẫn đến “ly hôn” trong các doanh nghiệp Việt Nam không là ngoại lệ.
Trở lại câu chuyện của Đại Quang Minh, năm 2011, Vidifi cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Xây dựng Ngân Bình, ông Trần Đăng Khoa và Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh thành lập nên Công ty Đại Quang Minh.
Đến năm 2013, Vidifi rút vốn khỏi dự án được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ định thầu.
Mấu chốt của vấn đề, thời điểm này, Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục giao lại cho Đại Quang Minh để thực hiện 4 tuyến đường dài 11,9 km với tổng chi phí hơn 12.182 tỷ đồng (mười hai ngàn một trăm tám mươi hai tỷ đồng).
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao lại cho Đại Quang Minh khu đất “sạch” có diện tích gần 79 ha thuộc phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông.
Ủy ban nhân dân Thành phố có vô can khi “cầu chưa xây, doanh nghiệp bỏ chạy”?
Theo giải thích của ông Trần Bá Dương, đương kim Chủ tịch Hội đồng quản trị của Đại Quang Minh thì, 79 ha đất chỉ có 36 ha làm đất ở và thương mại dịch vụ, có 10 ha làm trường học, nhà văn hóa và bến du thuyền. (1)
Đại Quang Minh phải đổi lại việc làm 4 tuyến đường và Ủy ban nhân dân chuyển cho Đại Quang Minh với giá 11 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, Đại Quang Minh còn phải nộp về ngân sách của thành phố hơn 2.000 tỷ đồng.
Một góc khu đô thị Sa La. (Ảnh: H.L)
Câu trả lời phỏng vấn trước báo giới của ông Trần Bá Dương lập tức được phân tích, chỉ ra một số điểm vô lý.
Có ý kiến còn cho là nói như thế là đang đánh lừa dư luận. Cũng bởi, đã là doanh nghiệp, khi đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào phải đều có những bài toán để tính đến việc “lời – lãi”.
Không một doanh nghiệp nào “ngây thơ” đến nỗi bỏ tiền đầu tư khi biết “lỗ” mà vẫn đâm đầu vào.
Bởi lẽ, để 36 ha đấy xây dựng nhà ở kia có giá trị cao thì số diện tích còn lại (một phần trong tổng số hơn 79ha được giao) phải là để xây dựng các hạ tầng, tạo giá trị gia tăng.
Vấn đề là, toàn thể khu đất được thành phố "trả" là hơn 79ha, chứ không phải chỉ có 36ha.
Liên quan đến tính pháp lý trong vấn đề Vidifi rút vốn và Đại Quang Minh có được “kế thừa” dự án hay không, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ có bài phân tích sau.
Sau khi Vidifi rút vốn, Ủy ban nhân dân Thành phố đã “sốt sắng” gửi công văn xin Bộ Tài chính chấp thuận cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao đất ngay cho Đại Quang Minh mà không cần phải chờ thi công xong các công trình công cộng.
Không biết thẩm quyền của ông Tất Thành Cang, với vị trí Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến đâu nhưng đã được ký hợp đồng mang tầm quốc gia với ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Đại Quang Minh vào thời điểm đó.
Hợp đồng kinh tế với các công trình công cộng, dân sinh, phải công khai minh bạch tài chính lại được đóng dấu “Mật” giữa một bên là đại diện doanh nghiệp và Ủy ban nhân dân Thành phố.
Sau đó 2 năm, Đại Quang Minh tiếp tục được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xây cầu dây văng Thủ Thiêm 2, nối quận 1 với quận 2.
Tổng kinh phí dự án này được xác định 4.260 tỷ đồng.
Điều kiện Ủy ban nhân dân thành phố đưa ra sẽ là khu đất có diện tích 13,5 ha tại Khu đô thị Thủ Thiêm.
Đất sạch tiếp tục được giao, ông Trần Đăng Khoa đồng ý và cam kết sẽ hoàn thành cây cầu vào ngày 30/4/2018.
Nhưng đến năm 2017, cầu chưa xây mà ông Trần Đăng Khoa đã kịp thoái vốn theo chân Vidifi cách đó 4 năm về trước.
Đại Quang Minh ngày ấy, bây giờ lại có chủ mới là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco đang nắm giữ.
Khu đô thị Thủ Thiêm được ví như một “cô gái” lần lượt rơi vào tay các “đại gia” rồi sau đó lại “sang tay” cho người khác.
Tài liệu tham khảo:
(1) https://news.zing.vn/chu-tich-dai-quang-minh-noi-gi-ve-duong-1000-ty-dongkm-o-thu-thiem-post841321.html
Hưng Long