Ba lý do khiến Luật đặc khu 'có thể được thông qua'

02 Tháng Tám 20186:35 CH(Xem: 7599)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ SÁU 03 AUG 2018


Ba lý do khiến Luật đặc khu 'có thể được thông qua'


PGS. TS. Phạm Quý Thọ Học viện Chính sách & Phát triển


BBC 02/7/18

image011

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Dự luật về Ba đặc khu hành chính - kinh tế từng được dự kiến đưa ra Quốc hội Việt Nam biểu quyết và thông qua từ trước.


Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá 14 Việt Nam, Dự Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) đã buộc phải quyết định lùi việc biểu quyết sang kỳ họp tới, sẽ diễn ra vào cuối tháng Mười, sau khi có sự phản đối dữ dội và lan rộng từ công chúng.


Từ giữa tháng Sáu tới nay là khoảng lặng để nhìn nhận thực tế điều gì đã diễn ra và động thái của chính phủ chuẩn bị cho việc biểu quyết dự luật gây tranh cãi này.


Có ba lý do chủ yếu khiến Dự Luật đặc khu vẫn sẽ được thông qua: ý kiến sẽ được lắng nghe; sự phản đối từ dân chúng được nhìn nhận thực chất hơn; và cách làm luật truyền thống vẫn duy trì.


Thực sự cầu thị?


Một điểm cần lưu ý ở đây là sự khác biệt giữa ý kiến chuyên gia và mục đích chính trị. Các chuyên gia thường nghiên cứu các vấn đề phức tạp và các tình huống làm cơ sở để hoạch định trong khi các chính trị gia muốn có chính sách sao cho thể hiện được 'ý Đảng lòng dân'PGS. TS. Phạm Quý Thọ


Thứ nhất, cách tiếp thu ý kiến theo lối 'truyền thống' được coi là 'bộ lọc' các ý kiến đa chiều khỏi quan điểm chính thống, đã không thể tạo sự tin tưởng từ bên góp ý và công chúng. Một cơ chế hữu hiệu, công khai, minh bạch là một đòi hỏi chính đáng, phù hợp để tạo ra sự tin tưởng cho cơ sở khoa học và thực tiễn của các chính sách. Ý kiến khác nhau sẽ được lắng nghe thể hiện sự cầu thị của Chính phủ và Quốc hội. Ý tưởng này chắc sẽ được ủng hộ và do đó sự phản ứng từ xã hội có thể 'dịu' đi. Tuy nhiên, liệu các ý kiến khác biệt có thực sự được tôn trọng, hoặc xa hơn là sự khởi đầu đa nguyên vẫn là câu hỏi lớn.


Lý do dời sang kỳ họp sau là "để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến". Với mục đích này, như một cử chỉ cầu thị, Dự Luật đặc khu dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến trong phiên họp thường kỳ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 13/8/2018. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu sẽ 'xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân trước khi trình Quốc hội'.


Trong dịp sửa đổi Hiến pháp 2013 đã từng có nhiều ý kiến được gửi đến Quốc hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngay cả trong dịp, trước và sau thảo luận Dự luật đặc khu cũng có không ít ý kiến gửi bằng văn bản hoặc qua mạng xã hội… Tuy nhiên, cách thức nào tiếp thu ý kiến có hiệu quả nhất vẫn là câu hỏi.


Sẽ có hai kênh chính, một là ý kiến của cử tri được tập hợp từ các đoàn đại biểu Quốc hội theo cách truyền thống. Hai là, ý kiến các chuyên gia gửi theo nhiều hình thức khác nhau, không loại trừ các cuộc hội thảo. Không thể làm hài lòng tất cả nhưng nếu các ý kiến được lắng nghe và cam kết phản hồi minh bạch sẽ là một tiến bộ trong xây dựng chính sách, đặc biệt là ý kiến phản biện từ các chuyên gia.


Với Dự luật đặc khu các ý kiến sẽ được định hướng về hai khía cạnh kinh tế và hành chính để phản ánh quyết tâm chính trị về giải pháp đột phá kinh tế, đồng thời "không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…" và "đặc biệt là chủ quyền quốc gia của Việt Nam".


Một điểm cần lưu ý ở đây là sự khác biệt giữa ý kiến chuyên gia và mục đích chính trị. Các chuyên gia thường nghiên cứu các vấn đề phức tạp và các tình huống làm cơ sở để hoạch định trong khi các chính trị gia muốn có chính sách sao cho thể hiện được 'ý Đảng lòng dân'. Hơn lúc nào hết, Đảng cần chứng tỏ ý đảng hợp với lòng dân.


image012

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được truyền thông VN trích thuật nói sẽ chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân, cán bộ lão thành và các giới chuyên gia về dự luật ba đặc khu


Một số động thái gần đây của Chính phủ, như tái thành lập Tổ tư vấn kinh tế, tham dự và phát biểu trong nhiều hội thảo khoa học… cho thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng nghe ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo rằng nhiều công trình khoa học còn để trong 'ngăn kéo tủ', ông đặt hàng nghiên cứu và mong muốn kết quả phải phục vụ thực tế.


Hạn chế lớn nhất hiện nay là tư tưởng chưa được giải phóng trong hệ thống chính trị nhất nguyên. Năng lực của các chuyên gia có thể được phát huy nếu khắc phục được điều này. Đây là quá trình dài, thậm chí chậm chạp so với thực tế đang thay đổi nhanh.


Độc quyền chân lý khiến cho xã hội phát triển không ổn định. Đất nước cần đến các đánh giá đáng tin cậy, đa chiều của chuyên gia để giải quyết các vấn đề phức tạp. Các chuyên gia mong muốn các ý kiến phản biện được lắng nghe, hơn thế một cơ chế cởi mở hơn cho những nỗ lực đối thoại cần được thiết lập, đặc biệt cho một số luật được cho là 'nhạy cảm' như luật biểu tình, luật về hội…


Nhìn thực chất hơn?


Thứ hai, sự phản đối từ dân chúng nói chung và Dự Luật đặc khu nói riêng, thực chất, phản ánh những bức xúc bị dồn nén và những đòi hỏi về quyền biểu đạt.


Tính chất của các cuộc biểu tình là tự phát, bởi vậy nó diễn ra từng đợt mỗi khi có 'sự cố', như một 'cú hích tâm lý' đủ lực, sau đó 'tự dịu đi'. Đây cần coi là tín hiệu, tạo sức ép đối với cải cách hơn là 'âm mưu' làm sụp đổ chế độ. Bởi vậy các biện pháp 'răn đe' cần hạn chế và sự ra đời luật biểu tình là yêu cầu cấp bách.


Ngoài ra, 'Yếu tố Trung Quốc' như là 'chất xúc tác', một cái cớ cũng được lưu ý phân tíchPGS. TS. Phạm Quý Thọ


Sự phản ứng của chính quyền sau làn sóng phản đối Dự luật Đặc khu trong thời gian qua đang được dư luận theo sát.


Một số người biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai… đã bị bắt giữ và xét xử với án tù khác nhau, chủ yếu với tội danh "gây rối trật tự công cộng".


image010

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Người dân xuống đường đông đảo phản đối dự luật được cho là một yếu tố khiến Quốc hội, Chính phủ và Chính quyền phải tạm gác xét và thông qua dự luật trong đầu tháng trước.


Các hội đồng xét xử nhận định rằng phần lớn các bị cáo là những người "có nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị người xấu kích động, lôi kéo phạm tội".


Các nhà quan sát nêu ý kiến rằng làn sóng phản đối Dự Luật đặc khu là 'tự phát' 'hội chứng đám đông' bùng phát, dồn nén từ những bất công trong xã hội, nạn tham nhũng, cửa quyền của cán bộ, những khiếu kiện, đặc biệt kéo dài về đất đai, bức xúc do khó khăn trong cuộc sống và những hiện tượng tiêu cực trong xã hội không được giải quyết…


Tất cả đổ lỗi cho sự yếu kém của bộ máy chính quyền và năng lực cán bộ. Ngoài ra, 'Yếu tố Trung Quốc' như là 'chất xúc tác', một cái cớ cũng được lưu ý phân tích.


Điều khiến Đảng cầm quyền cảnh báo thực sự nguy cơ cho sự tồn vong chế đố là từ trong nội bộ do 'sự tự diễn biến', 'thoái hoá đạo đức cán bộ', 'tham nhũng do tha hoá quyền lực'. Ngoài ra các hoạt động có tổ chức không được nhà nước cho phép mới là những mối lo thực sự.


Những tuyên bố rằng có 'thế lực thù địch', 'phản động' đứng sau các cuộc biểu tình này mang tính chất chính trị, hơn là thực tế.


Bởi vậy, chính quyền vẫn duy trì 'chiến thuật răn đe' giống nhau trước làn sóng phản đối của dân chúng các phản ứng của dân chúng trước các sai phạm của cán bộ về đất đai đến các sự kiện dàn khoan HD 981 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải hay thảm hoạ môi trường biển do nhà máy thép Fomosa Hà Tĩnh gây ra…


Nếu xuất hiện những làn sóng phản đối tương tự, thì đây sẽ là những bài học đối phó được rút ra.


Một chính sách thất bại sẽ làm giảm sút niềm tin của dân chúng, bởi vậy sự cầu thị của chính quyền hướng tới đáp ứng đòi hỏi của người dân có thể sẽ mang lại kết quả tích cựcPGS. TS. PHạm Quý Thọ


Truyền thống, biểu tượng?


Thứ ba, Quốc hội biểu thị hình thức 'dân chủ xã hội chủ nghĩa' với đại đa số là đảng viên, bởi vậy nó phản ánh lợi ích của Đảng hơn là ý chí toàn dân.


Thảo luận nghị trường sôi nổi, ý kiến khác biệt đơn lẻ, các phiên chất vấn công khai, giám sát chuyên đề… là tín hiệu cởi mở, góp phần nâng cao chất lượng quyết sách, nhưng thúc đẩy đổi mới chậm chạp, đặc biệt ở địa phương. Bởi vậy, cách làm luật 'truyền thống' vẫn sẽ được duy trì khiến cho việc bỏ phiếu thông qua dự luật mang nặng tính biểu tượng và dễ đoán định.


Quan sát quá trình xây dựng pháp luật cho thấy các vấn đề chính sách được được khởi xướng bởi Đảng Cộng sản, sau đó các bộ phận chức năng tham mưu soạn thảo, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, cuối cùng là thảo luận và thông qua ở Quốc hội.


Quốc hội là một cơ quan phân nhiệm của Đảng, đa phần các đại biểu là đảng viên, bởi vậy việc 'bỏ phiếu' thể hiện ý chí của Đảng và 'quyết tâm chính trị'. Tỷ lệ phiếu thuận cao là đương nhiên.


Dư luận chia sẻ những 'trăn trở' lương tâm và trách nhiệm với tư cách là đại diện cử tri về cuộc "lội ngược dòng", khi tỷ lệ đồng thuận trong đại biểu Quốc hội tăng từ 50% trong cuộc bỏ phiếu thăm dò tăng vọt đến gần 93% trong ngày biểu quyết. Đó là lời kể của nguyên đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết về cuộc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội vào cuối tháng 7/2008. Ông là 1 trong 4 đại biểu bỏ phiếu không tán thành!


Mặc dù, những dấu hiệu tích cực được ghi nhận từ nghị trường trong các phiên chất vấn công khai và phát biểu thẳng thắn của một số đại biệu Quốc hội, nhưng những 'cú hích' đủ mạnh để thay đổi quyết định vào 'phút 89'.


image013

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Quốc hội Việt Nam được kỳ vọng sẽ lắng nghe ý kiến của người dân và các giới trước khi thông qua dự luật


Bộc bạch trong trả lời phỏng vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng vào ngày 12/6/2018 phản ánh một trong 'những cú hích' này. 'Tôi cũng từng lo ngại thông qua có lợi hay không lợi', ông nói. Tuy nhiên, từ sự việc xảy ra tại Bình Thuận, ông đã bấm nút tán thành. Ông khẳng định: "Nếu Tổ quốc còn thì chúng ta còn có nhiều những cơ hội sửa sai, có thể làm tốt hơn các vấn đề khác".


Quy trình làm chính sách như trên thích hợp trong nền kinh tế tập trung và những năm đầu 'đổi mới'. Những nhà bình luận trên quan điểm phương Tây cho rằng nếu có tam quyền phân lập, nếu quốc hội độc lập thì kết quả sẽ khác. Tuy nhiên, sự thay đổi như vậy không phải trong thời gian này ở Việt Nam là một thực tế.


Tóm lại, chất lượng chính sách luôn là quan trọng với chính thể này. Nó khẳng định sự tồn tại của chế độ và tính chính danh của Đảng cộng sản, ngoài ra nó cũng biểu thị năng lực của lãnh đạo và bộ máy nhà nước.


Một chính sách thất bại sẽ làm giảm sút niềm tin của dân chúng, bởi vậy sự cầu thị của chính quyền hướng tới đáp ứng đòi hỏi của người dân có thể sẽ mang lại kết quả tích cực. Nhưng về lâu dài, người dân muốn Đảng và nhà nước thay đổi mạnh hơn.


Nhu cầu thay đổi thực chất đang tăng lên, nhưng sẽ tác động không đáng kể đến lần bỏ phiếu sắp tới để thông qua Dự luật đặc khu./


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)