Bà Nguyễn Quỳnh Giao dạy để giữ tiếng Việt cho trẻ ở Anh

02 Tháng Mười Hai 20187:47 CH(Xem: 7714)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN   - THỨ HAI 19 NOV 2018


Bà Nguyễn Quỳnh Giao dạy để giữ tiếng Việt cho trẻ ở Anh


BBC 2/12/2018


image018image019

Người ươm mầm tiếng Việt ở Đông London


Cô giáo Nguyễn Quỳnh Giao kể về trường tiếng Việt ở Deptford thời Brexit khi trợ giúp của chính quyền bị cắt giảm và cha mẹ học sinh gốc Việt kỳ vọng quá cao.


Như nhiều cộng đồng gốc nước ngoài khác, người Việt vùng Đông Nam thành phố London có một số lớp dạy tiếng Việt cho con cháu họ vào cuối tuần.


Trả lời BBC, cô giáo Nguyễn Quỳnh Giao, người đã có thâm niên gần 20 năm dạy tiếng Việt cho con em các gia đình người Việt, nói về niềm đam mê dạy tiếng Việt cho trẻ em, và những thách thức cho hoạt động của trường.


Bà Nguyễn Quỳnh Giao: Tôi sang nước Anh từ năm 1994. Tôi bắt đầu dạy tiếng Việt từ năm 2000 và bắt đầu trường tiếng Việt này từ năm 2006. Nhu cầu học tiếng Việt thì lúc nào cũng có, và cũng thay đổi theo thời gian. Trước đây hầu hết phụ huynh học sinh ở nhà nói tiếng Việt và sau đó thì có vấn đề là các cháu học tiếng Anh sau đó về nhà nói tiếng Việt với bố mẹ.


Tiếng Việt đó thì nó cũng có nhưng nó không đủ để cho các cháu diễn tả. Thế cho nên các cháu đến lớp học tiếng Việt thì nhờ cái tiếng Việt đó có cháu có thể diễn tả được là ở trong lớp học cái gì, hoặc là có vấn đề gì thì phụ huynh học sinh sẽ hiểu thêm.


Nhưng đến bây giờ thì nhu cầu hoàn toàn khác bởi vì phụ huynh học sinh có xu hướng nói tiếng Anh với các cháu ở nhà. Thế nên các cháu đến đây hầu hết không biết một chút gì tiếng Việt cả, học hoàn toàn từ đầu, dạy họ như là dạy trẻ con Tây.


Cái khó ở đây là phụ huynh học sinh bây giờ nói tiếng Việt nhưng lại không nói sâu thành ra những vấn đề đi sâu một chút về trình độ để giúp đỡ cho các cháu học, hoặc là về tâm lý, hoặc là về tất cả những thứ khác thì phụ huynh học sinh không đủ khả năng để nói. Thế cho nên cái đó cũng có thiệt thòi cho các cháu. Bởi vậy bây giờ cách dạy tiếng Việt cho các cháu cũng phải khác.


image020

Image caption Một cô giáo nói tiếng Nam dạy lớp 1 ở trường tiếng Việt tại Deptford Image caption Dạy tiếng Việt ở Anh khác với dạy ở Việt Nam


image021


Nhiều khi kỳ vọng của phụ huynh học sinh là khi mang các cháu đến một tuần vài tiếng thì sau đó các cháu sẽ nói thành thạo và cũng phải viết thành thạo. Nhưng chuyện đó không thể được bởi vì họ sinh con họ ra và họ ở cùng với con họ 24/24 mà không làm nổi thì tại sao một tuần đến đây một vài tiếng, hoặc có nhiều khi còn quên không mang các cháu đến, mà đòi hỏi nhiều như vậy cũng khó. Cho nên nhiều khi bây giờ mình cũng phải có cách để làm thế nào cho phụ huynh họ hiểu và cuối cùng là cùng nhau giúp cho các cháu tiến bộ.


Kỳ vọng này thì ai cũng có thôi nhưng họ cảm thấy rằng nếu mà không được thì họ sẽ hơi có phần nản chí...Nói chung mình cũng không nói là không thể được bởi vì có một số cháu nếu cố gắng thì các cháu cũng có thể làm được nhưng đòi hỏi xem là các cháu có nỗ lực không và phụ huynh học sinh có ủng hộ không.


Vấn đề hỗ trợ của các hội đồng địa phương hiện nay cho các quận của London, nơi người nhập cư đa sắc tộc ngày càng đông ngày càng giảm vậy trường hợp của trường tiếng Việt này ra sao?


Trước đây cộng đồng trong các quận hầu như là có một trường tiếng Việt. Nhưng bây giờ do nhà nước không ủng hộ các quỹ tài trợ nên họ cũng không cho nữa nên các trường tiếng Việt khó tồn tại. Trước đây học tiếng Việt là chuyện bình thường nhưng bây giờ học tiếng Việt thì chắc chắn là phải đầu tư thêm, phải đầu tư thời gian, đầu tư công sức của mình cho con cái, thì nó sẽ mang lại hiệu quả hơn.


Trước đây cộng đồng người Việt, được coi là cộng đồng thiểu số, rất cần giúp đỡ thì những cái đó không còn nữa rồi, không còn là cộng đồng được ưu tiên nữa rồi. Bây giờ tài chính của họ ít dần, trước đây thì họ cũng cho tất cả các trường các dân tộc học ngoại ngữ, học cái tiếng của họ, nhưng họ nghĩ rằng bây giờ tiền không có thì cũng không thể nào làm được hết.


Bây giờ một quận như Lewisham ở đây có hơn 100 sắc tộc. Ví dụ họ mà cho mình thì hơn 100 sắc tộc khác lại bắt đầu xin, thì họ lấy đâu ra để cho. Bây giờ nếu muốn tồn tại thì hầu hết là trong cộng đồng, bản thân gia đình, bản thân phụ huynh và bản thân cái cộng đồng đó phải tự lo. Họ chỉ có giúp cho những người không biết tiếng Anh học để mà hòa nhập với cộng đồng người Anh chứ không thể nào không có tiền lại giúp cho những người Việt học tiếng Việt. Mình học tiếng Việt bây giờ như là một cái hình thức xa xỉ, có nghĩa là phải tự mình bỏ tiền ra, tự mình


đầu tư cho con mình, tự mình cùng với cả cộng đồng mình giữ lại cho văn hóa của mình.


image022

Image caption Học tiếng là để giữ bản sắc Việt Nam


Thì bây giờ mang tính chất là như vậy chứ không hoàn toàn phải nhờ chính quyền địa phương hoặc bất cứ tổ chức nào, mặc dù là mình cố gắng đưa ra rất nhiều lý lẽ là con cháu mình nếu mà học tiếng Việt ở đây sẽ giúp cho giao tiếp trong gia đình, giúp cho người Việt ở đây những ông cụ già, giúp các cụ ở trong nhà không bị đơn độc và không bị cô đơn rồi mình đưa ra tất cả những lý lẽ.


Nhưng mà trước đây thì có thể là những chuyện đó họ chấp nhận nhưng bây giờ thì càng ngày càng khó, họ không chấp nhận cái chuyện đó nữa. Họ nói rằng là thôi bây giờ thì tự lo bởi vì bây giờ không thể giúp được. Bây giờ ngay cả những công việc ở cộng đồng bọn mình cũng vậy, họ muốn rằng nếu mình muốn làm bất cứ một dự án nào thì họ đều muốn mình phải làm cùng các cộng đồng khác chứ không thể làm riêng là cộng đồng mình được. Nhưng mà người Việt thì chưa có chuẩn bị sẵn sàng cho cái chuyện đó, người Việt thì chỉ muốn là cái dịch vụ của tôi là của tôi, tôi không thích chung với cả ai cả.


Sự hỗ trợ từ Việt Nam đến này cho hoạt động của bà và các cô giáo tại đây ra sao?


image023


Image caption Lớp học chủ nhật của trườn tiếng Việt nằm trong khu nhà của hội đồng địa phương dành cho các sắc tộc khác nhau ở Đông Nam London


Trường mình thì trước đây hầu hết giáo viên tự soạn giáo trình thế nhưng thời gian trước mình có về Việt Nam đi khóa huấn luyện giảng dạy năm 2013 theo chương trình Tiếng Việt vui và Quê Việt của Việt Nam và sau đó mình bắt đầu mang những tài liệu đó sang bên này và có dùng để cho các cháu học.


Nhưng không phải là có thể áp dụng được hết tất cả, cái đó hầu hết để cho học sinh lớp lớn một chút tại vì cách nghĩ để học tiếng Việt hoàn toàn khác. Một số sách mang từ Việt Nam sang đây lớp 1 hoặc lớp 2, hay vỡ lòng, để cho các cháu học thì các cháu cảm thấy rất là chán tại vì cách suy nghĩ khác, thế nên phải là sự tổng hợp giữa hai cái đó.


Và cũng như là mình phải tổng hợp cái giáo dục ở Anh như thế nào để giúp các cháu học theo phương pháp mình cảm thấy phù hợp. Bây giờ nếu mình nói là có một phương pháp mới thì hoàn toàn cũng không có nhưng nó là thiết kế riêng cho con từng cháu một thì cái đó sẽ mang lại hiệu quả hơn.


Chương trình Tiếng Việt Vui và chương trình Quê Việt hơi mang tính chất học theo những giáo án dạy tiếng Anh, như người nước ngoài học tiếng Việt nên cũng hơi khó cho các cháu, chưa chắc các cháu đã theo được, một số theo được một số không theo được.


image024

Image caption 'Nhu cầu học tiếng Việt thì lúc nào cũng có, và cũng thay đổi theo thời gian'


Cái nữa ở đây là do các lớp hầu hết không phải đông, trong một lớp thì có nhiều trình độ cho nên cũng phải cho giáo viên thiết kế chương trình dành riêng cho các cháu. Từ vựng thì một số từ ở Việt Nam dùng, ở bên này các cháu có dùng đến không thì cũng là một cái vấn đề.


Sách của Việt Nam hầu hết là hơi mang tính chất chính trị. Nhưng ở đây chúng tôi không có cái tính chất chính trị đó bởi vì chúng tôi cố gắng làm thế nào mình có tính chất cộng đồng, sau này các cháu dùng để về có thể giao tiếp được với gia đình, nói chuyện với bạn bè người thân ở Việt Nam.


Chúng tôi sẽ theo cái nhu cầu đó để chúng tôi dậy chứ chúng tôi không đi quá theo một cái xu hướng chính trị hoặc theo một đạo gì cả. Chúng tôi phải làm hoàn toàn là trung lập.


Bà có ý kiến gì về chuyện cải cách chữ viết tiếng Việt được nói đến gần đây của GS Bùi Hiền, và nếu có thì bà nghĩ sao?


Mình nghĩ đó là một cái mới mà người ta cũng cố gắng, xem cải cách lại nhưng mà cải cách được hay chưa vẫn còn một con đường rất là dài. Để học được tiếng Việt thì cũng rất là khó, mình đã dạy cho những bạn nước ngoài chẳng hạn một số người làm cho bên Bộ Ngoại Giao hoặc là những người về Việt Nam công tác thì tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ dễ. Người ta tính ra là tiếng khó thứ hai, thứ ba trên thế giới trong tất cả các ngôn ngữ.


Ví dụ học một ngôn ngữ như là tiếng Pháp hay tiếng Anh thì mới đầu khó thật đấy nhưng mà sau một thời gian thì người ta cảm thấy người ta có thể bình tĩnh, tự tin và người ta có thể nói được.


Nhưng học tiếng Việt một hồi xong rồi hoàn toàn vẫn bị mất cái tự tin. Thứ nhất là môi trường về đến Việt Nam thì người Việt Nam mình lại không có sự khích lệ lắm. Cái đó là một cái rất là khó cho người học, họ sẽ cười hoặc đả kích và họ sẽ không nói tiếng Việt cùng nữa mà họ sẽ nói tiếng Anh. Đấy cũng là hơi khó cho người nước ngoài.


Thứ hai là cho học sinh cũng vậy, học sinh cứ nói rằng là con đã học tiếng Việt và tất nhiên các cháu nói thì sẽ có sự ngọng nghịu thế nhưng mà bố mẹ không có kiên nhẫn để mà chữa cho con hoặc cố nói chuyện bằng tiếng Việt với con mà sẽ quay sang nói tiếng Anh thẳng luôn.


Cho nên cái đó sẽ khó dìu dắt cho các con mình học, nếu mà thay đổi được cái đó thì sẽ dễ hơn cho người học.


Một thứ tiếng Việt mới thì sẽ dễ hơn cho người đọc nhưng mà tiếng Việt lại rất là giàu về tính âm nhạc rồi về âm điệu của từng vùng miền. Nhưng nếu mình chỉ lấy một vùng để làm tiêu chuẩn thì cũng rất khó, tất nhiên là sẽ bị phản đối rồi.


Theo tôi, cái này là mới bước khởi đầu thôi chứ chưa thể gọi là cái cuối cùng để quyết định và cái thử nghiệm này còn phải qua thời gian, qua những cái người thử nghiệm, sau đó là lấy những cái đó để học tiếp tục thì nó mới có thể dùng được.


Cũng vẫn nói về tiếng Việt dạy cho trẻ em trong môi trường ở Anh, bà có quan sát gì muốn chia sẻ?


Có nhiều phụ huynh mang con đến và nói rằng tôi muốn con tôi học tiếng Hà Nội, tôi muốn con tôi học tiếng Nam, con tôi học tiếng Huế. Tất cả những cái đó thì mình cũng giải thích rằng trước khi nói được tiếng Huế, trước khi nói được tiếng Nam, thì phải nói được tiếng Việt đã, tiếng Việt có thể hiểu được đã rồi mới có thể đi theo vùng miền được.


Tất nhiên là một số từ thì mình sẽ cố gắng dùng có tính chất là quảng đại, tất cả mọi người đều dùng thì sẽ hay hơn. Chứ còn nếu dùng tiếng địa phương thì trong gia đình họ có thể dùng. Làm thế nào cho các cháu nói đúng, rõ ràng, hiểu được thì đấy là cái mà cái mà chúng tôi nghĩ là quan trọng nhất.


Bài phỏng vấn do Nguyễn Giang thực hiện tại London nằm trong loạt bài Người Việt toàn cầu - Global Vietnamese của BBC News Tiếng Việt.


 

11 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 8414)
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 9104)