Việt Kiều ở Mỹ nghĩ gì về nữ ứng viên 'xã hội chủ nghĩa'?

26 Tháng Bảy 20186:53 CH(Xem: 8634)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ SÁU 27 JULY 2018


Việt Kiều ở Mỹ nghĩ gì về nữ ứng viên 'xã hội chủ nghĩa'?


Thùy Linh BBC 24/7/18


image011Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Alexandria Ocasio-Cortez, 28 tuổi, rất có khả năng trở thành người phụ nữ trẻ tuổi nhất được bầu vào Quốc hội Mỹ.


Một năm trước, cô hầu bàn 27 tuổi đến từ khu phố nghèo New York chưa bao giờ nghĩ rằng cô sẽ là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ.


Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau đêm 26/6, Alexandria Ocasio-Cortez, 28 tuổi, đã đánh bại ứng cử viên kỳ cựu, Joe Crowley trong cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ (Democratic party primary) với 57.5% phiếu.


Với đối thủ đảng Cộng hòa, Anthony Pappas, gần như là không tổ chức hoạt động tranh cử, Ocasio-Cortez rất có khả năng trở thành người phụ nữ trẻ tuổi nhất được bầu vào Quốc hội trong lịch sử Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.


"Đây là một chiến thắng lịch sử," dòng chữ chạy khắp bản tin truyền hình và trang báo Hoa Kỳ ngày 27/6 với khuôn mặt tươi cười rạng rỡ của Ocasio-Cortez.


Quả thực đó là một chiến thắng lịch sử, cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng da màu, cho giới dân chủ cấp tiến.


Và đặc biệt là cho phong trào chủ nghĩa xã hội dân chủ.


Ocasio-Cortez là một trong số ít chính trị gia tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ. Và là một trong số rất ít thành công.


Alexandria Ocasio-Cortez là ai?


Sinh ra ở Bronx, New York có cha là kiến trúc sư và mẹ là người gốc Puerto Rico, Ocasio-Cortez không xuất thân từ một gia đình quyền quý, giàu có và quyền lực.


Tuy vậy, Ocasio-Cortez là một học sinh xuất sắc, tốt nghiệp với vị trí thứ tư trong toàn khóa tại đại học Boston với hai bằng cử nhân về Kinh tế và Quan hệ Đối ngoại. Cô cũng từng là một thực tập viên tại văn phòng nhập cư của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy.


Khi cha Ocasio-Cortez mất vì căn bệnh ung thư phổi khi cô 19 tuổi, Ocasio-Cortez phải làm nhiều công việc bán thời gian để phụ giúp gia đình như làm người pha chế rượu và làm hầu bàn trong một nhà hàng, trong khi mẹ cô làm công việc lau dọn thuê và lái xe buýt.


Ocasio-Cortez sau đó mở một hãng xuất bản sách cho trẻ em thành công, và dần đạt được nhiều vị trí quan trọng về giáo dục tại địa phương.


Năm 2016, cô làm việc với tư cách là một người tổ chức chiến dịch cho ứng cử viên Bernie Sanders trong cuộc tranh cử tổng thống.


Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Ocasio-Cortez lái xe đi khắp nước Mỹ, đến bang North Dakota và tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nước ở Flint, Michigan, và quyết định tranh cử.


Trong video tranh cử của mình, Ocasio-Cortez nói "Phụ nữ như tôi đáng lẽ không thể tranh cử." Đó là một thực tế trong chính trường Hoa Kỳ, khi có quá ít chính trị gia trẻ tuổi, da màu và là một phụ nữ xuất thân từ tầng lớp lao động.


Hơn nữa, Ocasio-Cortez lại tự xưng mình là một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialist).


Chủ nghĩa xã hội dân chủ là gì?


Sau khi Ocasio-Cortez giành chiến thắng hôm 26/7, từ "socialism" (chủ nghĩa xã hội) trở thành từ được tìm kiếm nhiều nhất trên trang mạng tự điển Merriam-Webster, với lượt tìm kiếm tăng 1500%.


Chủ nghĩa xã hội vẫn còn khá mới mẻ ở Hoa Kỳ, nhưng có thể nói chiến thắng của Ocasio-Cortez có nhờ một phần lớn vào Bernie Sanders, ứng cử viên tổng thống 2016 của Đảng Dân chủ.


image012

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Một người ủng hộ Alexandria Ocasio-Cortez mặc chiếc áo đề chữ "Chủ nghĩa xã hội dân chủ"


Vị thượng nghị sĩ 74 tuổi bị Hillary Clinton đánh bại trong cuộc bầu cử ứng cử viên Đảng Dân chủ, tuy nhiên ông Sanders nhận được rất nhiều ủng hộ của giới trẻ Mỹ, và cộng đồng ủng hộ phong trào dân chủ cấp tiến.


Cũng như Sanders, Ocasio-Cortez ủng hộ các chính sách như: Bảo hiểm y tế toàn dân (Universal Healthcare), giáo dục miễn phí cho mọi cấp (Tuition-free higher education) và đầu tư vào phát triển nhiên liệu xanh (Green energy).


Tuy nhiên, không ít người Mỹ cánh hữu cho rằng chủ nghĩa xã hội chính là chủ nghĩa cộng sản, trong đó có cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.


Người Việt ở Mỹ nghĩ gì về Ocasio-Cortez?


Phần lớn người Việt tại Hoa Kỳ vẫn còn khá "bảo thủ" và đây là nhận xét từ chính thành viên hội đồng thành phố San Jose, bang California, luật sư Tâm Nguyễn.


"Cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ có một quá trình gắn bó với đảng Cộng Hòa với suy nghĩ rằng phe diều hâu Cộng hòa thuộc 'phe Quốc gia chống cộng,' và có cái nhìn ít thiện cảm với đảng Dân chủ vì họ thiên tả, phóng túng,"


image013

Bản quyền hình ảnh Tâm Nguyễn Image caption Luật sư Tâm Nguyễn là thành viên hội đồng thành phố San Jose, thành phố đông dân nhập cư gốc Việt nhất Hoa Kỳ


"Và khi nghe đến cái từ 'Socialist' thì sẽ có liên tưởng phần nào đến cái 'Xã hội Chủ nghĩa' hiện nay tại Việt Nam," ông Tâm trả lời phóng viên Thùy Linh qua email.


Viviane Nguyễn, một nhà hoạt động vì cộng đồng, thuộc thế hệ millennials (thế hệ sinh từ 1981-1996), thừa nhận có một sự khác biệt về quan điểm chính trị giữa thế hệ trẻ và thế hệ lớn tuổi trong cộng đồng người Việt.


Viviane nói cô ủng hộ Ocasio-Cortez, và cho rằng nữ chính trị gia 28 tuổi đại diện cho thế hệ lãnh đạo mới, những người "cấp tiến và đem lại cân bằng cho sự bình đẳng."


Cộng đồng người Việt, nhất là thế hệ lớn tuổi "có một lịch sử và sự hận thù nhất định với thuật ngữ 'chủ nghĩa xã hội'".Viviane Nguyễn, Nhà hoạt động cộng đồng


Sinh ra ở Việt Nam nhưng theo gia đình nhập cư tỵ nạn vào Hoa Kỳ năm 1 tuổi, Viviane nói:


"Chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta dịch thuật ngữ này ra tiếng Việt thì nó nghe có vẻ như liên quan đến 'cộng sản', vốn liên quan đến chính quyền Việt Nam bây giờ mà nhiều người dân tỵ nạn ở đây vẫn rất thù oán."


Viviane nói theo quan sát của cô, thì cộng đồng người Việt, nhất là thế hệ lớn tuổi "có một lịch sử và sự hận thù nhất định với thuật ngữ 'chủ nghĩa xã hội'".


Thực tế, nhiều thành phố ở California như San Jose, Milpitas, Garden Grove và Westminster cấm treo cờ đỏ sao vàng và thay thế vào đó là cờ vàng ba sọc đỏ - một minh chứng cho sự thù ghét vẫn còn rất sâu sắc đối với chủ nghĩa cộng sản và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam khác với chủ nghĩa xã hội dân chủ của Hoa Kỳ.


...phong trào Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ thì chống lại độc đảng. Họ chủ trương chính quyền dân chủ đa đảng cấp tiến với mục tiêu nâng đỡ tầng lớp xã hội công nhân lao động.Tâm Nguyễn, Thành viên hội đồng thành phố San Jose, California


"Trên thực tế, Việt Nam hiện nay tuy đang bị cộng sản cai trị, nhưng chính sách kinh tế của họ thì lại đi theo cơ chế thị trường, chỉ có quyền lực chính trị thì lại tập trung trong một đảng cộng sản."


"Trong khi đó chủ trương của phong trào Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ thì chống lại độc đảng. Họ chủ trương chính quyền dân chủ đa đảng cấp tiến với mục tiêu nâng đỡ tầng lớp xã hội công nhân lao động."


Thêm vào đó, ông Tâm, người nhập tịch Hoa Kỳ cách 34 năm, cho rằng sau bốn thập niên sinh họat với người Mỹ, dần dà những thành kiến giữa Cộng hòa và Dân chủ cũng được phần nào phai nhạt.


image014

Bản quyền hình ảnh Viviane Nguyen/Facebook Image caption Viviane Nguyễn (bìa trái), từng làm việc cho Dân biểu Liên bang Mike Honda, nói thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt có xu hướng thiên tả và có thể ủng hộ chủ nghĩa xã hội dân chủ hơn


"Và mọi người hầu như đều công nhận rằng dù cho Cộng Hòa hay Dân Chủ rồi cũng như nhau, quyền lợi nước Mỹ là trên hết và quốc gia đồng minh cũng chỉ là giai đọan mà thôi."


Ông Tâm và Viviane cũng cho rằng, dù cùng nền tảng "xã hội chủ nghĩa", điều đó không hề có nghĩa những chính trị gia như Ocasio-Cortez hay Bernie Sanders sẽ "bênh vực" nhà nước Việt Nam.


Thậm chí "quan điểm mạnh mẽ về nhân quyền" của phong trào CHXN Dân chủ ở Hoa Kỳ là sự khác biệt lớn nhất với XHCN Việt Nam, ông Tâm nói.


Tuy nhiên, nếu Ocasio-Cortez có tranh cử ở khu vực cộng đồng người Việt ở California, cả ông Tâm lẫn Viviane đều cho rằng cô sẽ không có cơ hội đắc cử.


image015

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Liệu cộng đồng người Mỹ gốc Việt có sẵn sàng bầu cho một nữ ứng cử viên trẻ gốc, gốc Việt với quan điểm ủng hộ 'chủ nghĩa xã hội dân chủ' như Ocasio-Cortez?


Viviane cho rằng cộng đồng người Việt còn mang nặng tính chính trị bản sắc (identity politics), cử tri gốc Việt vẫn có xu hướng bầu cho những người ứng cử là người gốc Việt, bất chấp chính sách tranh cử của họ là gì, có lợi với cử tri hay không.


Thêm vào đó, dù có một phiên bản Việt Nam của Ocasio-Cortez, Viviane lo ngại văn hóa "coi trọng tuổi tác" của người châu Á sẽ là trở ngại lớn.


Ông Tâm thì cho rằng phần lớn cử tri gốc Việt lớn tuổi vẫn rất bảo thủ và khá cẩn thận, và dù thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt có cấp tiến hơn, dễ chấp nhận chủ nghĩa xã hội hơn, thì họ vẫn chưa hình thành được một phong trào hiệu quả.


Cộng đồng người Việt đã có một số thành tựu đáng kể như một Dân biểu Liên bang Stephanie Murphy, hai Nghị sĩ tiểu bang, và khá nhiều dân cử các cấp địa phương ở California, Texas, v.v… Nhưng vẫn còn rất ít so với cộng đồng sắc dân khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...


Tương lai để cộng đồng gốc Việt có một đại diện trẻ, năng động và cấp tiến như Alexandria Ocasio-Cortez, có lẽ còn xa, nhưng điều mà chúng ta có thể học được từ chiến thắng bất ngờ và thuyết phục của cô gái trẻ này chính là: Không có gì là không thể.
19 Tháng Mười 2018(Xem: 8178)
14 Tháng Mười 2018(Xem: 9595)