VĂN HÓA ONLINE – TỪ CALIFORNIA - THỨ HAI 10 MAY 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Việt Nam và Hoa Kỳ, những đồng minh tình thế?
RFI 06/05/2021
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong một chuyến thăm chính thức Hà Nội, Việt Nam ngày 27/02/2019. AP - Evan Vucci
Minh Anh
Phải mất một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam mới gởi lời chúc mừng đến ông Joe Biden. Tại Việt Nam, người dân biết đến Donald Trump nhiều hơn và mong ông trúng cử hơn là Joe Biden. Đó là vì không những Donald Trump đã hai lần đến Việt Nam (2017 và 2019) mà vì ông còn được người Việt Nam đánh giá rất cao trong chính sách chống Trung Quốc.
Sự xác quyết của Trung Quốc trên trường quốc tế vô hình chung đang đẩy Hà Nội xích lại gần với Washington. Nhưng chuyên gia Benoît de Tréglodé, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự Pháp (IRSEM), lưu ý rằng mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ luôn chứa đựng nhiều cảm xúc. Điều này giải thích vì sao yếu tố kinh tế chiếm ưu thế hơn so với chính trị. Thực tế là như vậy, chớ nên nhầm lẫn !
Nếu như vị trí địa chiến lược nằm ngay giữa vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương đã biến Việt Nam thành một quốc gia trục chính cho sự dấn thân của Mỹ trong khu vực để đối phó với Trung Quốc, thì Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì một chính sách cân bằng và không có chuyện chọn phe.
Cho dù niềm khát khao của các chiến lược gia tại Washington có ra sao, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước thành viên vẫn chưa sẵn sàng gia nhập một liên minh chống Trung Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo. Và những nước này cũng sẽ không đi theo Trung Quốc để gạt Hoa Kỳ ra khỏi những vấn đề của khu vực.
Biển Đông: Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, Việt Nam mừng thầm
Năm 2020 đánh dấu 25 năm nối lại quan hệ song phương giữa hai cựu thù (1995-2020). Nhìn từ Hà Nội, học thuyết Trump không phải là nguồn gốc của một tầm nhìn, một chiến lược đặc biệt hay được đổi mới nào của Mỹ đối với châu Á. Các phát biểu của Trump chỉ « hùng hồn » hơn bao giờ hết và không ai ngờ là những lời lẽ cứng rắn đó lại rất được người dân Việt Nam đánh giá cao.
Publicité
Về mặt cơ bản, chính sách của Mỹ đối với Hà Nội đi cùng với sự chuyển hướng chính trị sang châu Á có từ thời chính quyền Obama, ban đầu là « xoay trục » rồi sau đó là « rebalancing » (tái cân bằng). Ngay từ năm 2009, ngoại trưởng Hillary Clinton có tuyên bố rằng Hoa Kỳ « trở lại » với Đông Nam Á.
Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết thỏa thuận đối tác toàn diện nhằm thắt chặt mối quan hệ đôi bên trên phương diện quốc phòng. Điều này được thể hiện cụ thể sau cuộc khủng hoảng 2014 giữa Hà Nội và Bắc Kinh tại quần đảo Hoàng Sa, khi Trung Quốc cho triển khai một giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và những bế tắc ngoại giao năm 2019 xung quanh bãi đá ngầm Thị Tứ (Vanguard Bank).
Bất kể là gì, trước tiên, hai nước nỗ lực giải quyết hậu quả của cuộc chiến tàn khốc (1965-1975). Đôi bên ký kết một thỏa thuận mới xử lý các vấn đề có liên quan đến chất độc mầu da cam như khử nhiễm chất độc tại hai sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, hay hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tại những vùng bị nhiễm độc.
Về phần mình, Việt Nam cho phép mang 726 hài cốt trong số 1973 lính Mỹ bị mất tích trong các trận đánh. Một cách biểu tượng, Daniel Kritenbrink là đại sứ Mỹ đầu tiên khi tại nhiệm đã đến thăm nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, nơi chôn cất hơn 10 ngàn quân lính Việt Nam đã chết trong cuộc xung đột.
Để đánh dấu những bước tiến này, Việt Nam lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận chung giữa Mỹ và ASEAN năm 2019, và nhất là, Việt Nam cũng là một trong số ba nước được đặc cách miễn áp dụng đạo luật « Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act » để tiếp tục được mua vũ khí của Nga, quốc gia cung cấp vũ khí hàng đầu cho quân đội Việt Nam.
Cùng lúc, Washington tăng cường hậu thuẫn Hà Nội trong các cuộc tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh tại Biển Đông. Tháng 7/2020, cả hai nước ký kết một bản ghi nhớ nhằm « hỗ trợ ngư dân Việt Nam chống lại những hành động hăm dọa bất hợp pháp » của Trung Quốc. Tháng 10/2020, Marshall Billingslea, đặc sứ của Donald Trump về làm chủ vũ khí, nhân chuyến thăm Hà Nội, tái khẳng định khả năng Hoa Kỳ chống việc Trung Quốc bố trí tên lửa nhắm vào « hải quân Mỹ và hải quân các nước đồng minh » tại châu Á.
Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch, tại Hà Nội, ngày 20/11/2019. AP - Hau Dinh
Tân chính quyền mới của Mỹ không cần chờ đợi gì để thông báo ngay rằng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ không thay đổi. Nhưng trong mọi trường hợp, Việt Nam luôn ngần ngại những định hướng quá bao trùm của nền ngoại giao đa phương của Mỹ. Năm 2019, trong sách Trắng mới nhất về quốc phòng, Việt Nam đã thêm điều « KHÔNG » thứ tư như là nguyên tắc chủ đạo cho chính sách an ninh đất nước, cổ vũ không « dùng đến vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế ».
Nếu như giờ đây mục tiêu của Washington là mở rộng mối hợp tác an ninh với Hà Nội sang nhiều lĩnh vực khác như bán thiết bị quân sự và tình báo, rõ ràng người ta nhận thấy sự hợp tác này bị giới hạn bởi bản chất của « mối quan hệ đối tác toàn diện », có nghĩa là chủ yếu là những hoạt động HADR (Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thiên tai Humanitarian Assistance and Disaster Relief) như an toàn hàng hải, các chiến dịch gìn giữ hòa bình, trợ giúp nhân đạo và cứu tế trong trường hợp có thảm họa. Tác giả lưu ý, kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận về bán vũ khí hồi tháng 4/2016, giữa hai nước chưa có một hợp đồng mua bán vũ khí lớn nào được ký kết.
Giám sát việc tăng cường quan hệ thương mại song phương
Nếu như việc củng cố quan hệ với Mỹ được công bố công khai, thì các nhà lãnh đạo Việt Nam tập trung trước hết vào lĩnh vực kinh tế. Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu cho ngành xuất khẩu Việt Nam. Nhưng không vì vậy mà Donald Trump bỏ lỡ cơ hội chỉ trích tình trạng thâm thủng mậu dịch với nước này, khi cáo buộc chính quyền Hà Nội thực hiện các chính sách gian lận.
Thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Việt Nam ngày một lớn và tăng nhanh, từ 47 tỷ đô la năm 2019 lên 63 tỷ trong năm 2020. Washington còn cho rằng Hà Nội đã hạ giá đồng nội tệ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Tháng 10/2020, chính quyền Donald Trump xem các nhà lãnh đạo Việt Nam là những kẻ thao túng tiền tệ, lên tiếng đe dọa ban hành nhiều biện pháp thuế quan mới.
Cách hành xử này của Mỹ giải thích phần nào Việt Nam luôn chủ trương hướng đến đa phương nhiều hơn. Năm 2015, thái độ quay ngoắt của ông Trump đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của Việt Nam. Ở Hà Nội, người ta còn nhớ là những cuộc tranh luận xung quanh thỏa thuận này đã làm dấy lên những chỉ trích từ cộng đồng người Việt ở Mỹ, các nghiệp đoàn và các hiệp hội bảo vệ nhân quyền liên quan đến cách điều hành đất nước và mô hình phát triển của chính phủ.
Trong một bối cảnh như vậy, khi kết thúc 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết ngày 15/11/2020 tại Hà Nội giữa 10 nước thành viên khối ASEAN, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, Việt Nam hoan nghênh một thỏa thuận cho phép nước này hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ cho những lĩnh vực có mức tăng trưởng cao (giầy dép, nông nghiệp, ô tô, điện tử, viễn thông).
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của hải quân Mỹ cập cảng Đà Nẵng, ngày 24/05/2019. AP - Hau Dinh
Đâu là vị thế mới của Mỹ tại Đông Nam Á?
Sự trở lại mạnh mẽ của các chiến lược liên minh này và tư tưởng thực dụng kinh tế, khởi thủy của những chính sách ngoại giao cân bằng tại Đông Nam Á, cuối cùng phải đối mặt với sự trỗi dậy của những tiếng nói châu Á ngày càng mạnh mẽ và công khai.
Theo quan điểm của Hà Nội, tính chất khó lường và những trục trặc trong chính sách của Mỹ đối với khu vực đang củng cố quan điểm của những người cho rằng sự hiện diện của phương Tây tại Đông Nam Á, cùng với thời gian, dường như chỉ làm phát sinh hỗn loạn, chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và giờ đây là những thiệt hại « vạ lây » do cuộc đọ sức mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối với họ, việc Trung Quốc tái khẳng định sức mạnh không hẳn đi kèm với sự trở lại của các xung đột, mà là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị cho nhiều nước, phần lớn là quốc gia chuyên chế, ngày càng ít phải hứng chịu sự can thiệp của phương Tây.
Thách thức lớn nhất cho Bắc Kinh năm 2021, năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản là mọi sự phải hanh thông, là đạt được sự chấp nhận, dù là ảo tưởng, rằng Trung Quốc có quy cách ứng xử hòa bình. Do vậy, trong mọi trường hợp, Việt Nam nhận thức rõ là đối với Washinton họ chỉ là một đồng minh theo tình thế trong cuộc cạnh tranh của Mỹ với Bắc Kinh. Dàn lãnh đạo mới tại Hà Nội biết rõ là họ sẽ phải tiếp tục đa dạng hóa và đa phương hóa chính sách đối ngoại để bảo vệ các lợi ích quốc gia, một chiến lược mà cũng là một cách thức trấn an Trung Quốc.
(Theo tạp chí Diplomatie số ra tháng 4-5/2021)