Cướp

17 Tháng Sáu 20237:18 SA(Xem: 1044)

VĂN HÓA ONLINE – ĐỊA LÝ NHÂN VĂN – THỨ BẨY 17 JUNE 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Cướp

image003

N.T. Mắt Nâu. Photo by: LKT


"Ai ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan"


(ca dao)


Câu ca dao lục bát quen thuộc, đã có mặt trong chương trình Việt văn của cấp tiểu học và trung học đệ nhất cấp, tại miền nam Việt Nam thời VNCH truớc tháng Tư 1975. Không những thế, nó vừa là áng thơ vương vất ù ơ qua lời ru của mẹ, của bà, bên tiếng võng đu đưa kẽo kẹt trong trưa hè im vắng.


Vừa là một hình tượng đẹp, êm ái trữ tình vỗ về ru ngủ em thơ,


Vừa là lời nhắn gửi vào tâm hồn con trẻ những ngày bé dại,


Và cũng là câu cảnh giác xa vời về những hành vi manh tâm cưỡng đoạt, tước đoạt, hay chiếm đoạt ... dù dưới hình thức nào cũng được gọi bằng danh từ cướp.


Thời gian lung linh như liều thuốc an thần ..., thoáng chốc câu ca dao cũ kỹ trở thành hiện thực. Hàng loạt tin đăng tải trên báo chí, những cuộc biểu tình kêu oan về hành vi chiếm đất đã khôn và khéo dùng văn bản lấp liếm.


"Giấc Nam kha khéo bất bình, bừng con mắt dậy, thấy mình tay không".


Cảm giác bất bình sau giấc ngủ, thường hụt hẫng, ê chề, tê tái và mất mát. Và nó ém xuống, hay nén lại trong tâm nỗi u uất điêu tàn, xen lẫn bất an.


Và cái bất an, chính là nỗi phẫn uất cần lên tiếng, bởi tâm hồn con người vốn bản thiện mong manh dễ vỡ, dễ bị tổn thương và luôn khát khao công bằng, an hòa trong cuộc sống. Mà chắc chắn một điều, những phi nhân phi nghĩa, bất tín, tráo trở, mang tính bịp bợm đánh lừa trong cuộc sống thường hằng chẳng mấy khi tồn tại.


Sự dồn nén kêu oan òa vỡ khi nông dân bị cướp ruộng, khi người dân bị cướp đất, cướp nhà ... dẫn đến nhiều oan ức.


Như vụ đất ở Thủ Thiêm, người dân quyết đòi công lý đến cùng. “Thông tin mới nhất chúng tôi ghi nhận được đoàn người của hơn 60 hộ dân Thủ Thiêm đã trở về nhà với hy vọng những nỗi oan ức của họ được giải quyết nhanh chóng để họ có thể an cư lạc nghiệp cùng lời khẳng định “Người dân bây giờ, còn một số chúng tôi kiên trì quyết chiến tới cùng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho đến khi nào phải đòi, tìm được công lý thì mới thôi.” (RFA 02/11/2016)


image004Hơn 60 hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội, vào hôm 28 tháng 10. Nguồn RFA.


Trong bản tin của đài RFA loan tải ngày 02/11/2016 viết -


“Giống như bao đối tượng thuộc các dự án quy hoạch đô thị không được đền bù thỏa đáng khắp mọi tỉnh, thành ở Việt Nam, hàng ngàn hộ dân thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm buộc phải nhận số tiền đền bù ít ỏi chỉ bằng 5% giá trị bất động sản thực tế theo Nghị định 22/1993-Luật Đất đai để di dời.


Trong khi đó, 63 hộ dân tại 5 khu phố, trong phạm vi các phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh lại vẫn bị cưỡng chế dù nằm ngoài khu vực quy hoạch. Chị Phạm Thị Vinh, một cư dân ở đây, nói với Đài Á Châu Tự Do đã nhận được thông báo cưỡng chế đến lần thứ 5:


Chính quyền Quận 2 không có phương án bồi thường cho dân, chỉ thông báo cưỡng chế, vì nằm ngoài ranh nên không có ngân sách bồi thường. Tôi phải đi đòi công lý, qua thành phố khiếu nại suốt năm dài, không làm ăn được gì. Cuối cùng họ cho xây dựng công trình.
-Dân oan Thủ Thiêm


“Nhà tôi ở Khu phố 1, phường Bình An, không nằm trong ranh quy hoạch. Nhưng chính quyền Quận 2 không có phương án bồi thường cho dân, chỉ thông báo cưỡng chế, vì nằm ngoài ranh nên không có ngân sách bồi thường. Tôi phải đi đòi công lý, qua thành phố khiếu nại suốt năm dài, không làm ăn được gì. Cuối cùng họ cho xây dựng công trình.”


Có thể đây là một trong dự án thiết lập từng bước, tạo dựng khu đô thị Thủ Thiêm mới, kiến thiết một thành phố hoàn toàn mới, mang tên mới, để thay thế cái tên Saigon rất quen thuộc trước 1975 mà từ thuở hoangsơ là một làng đánh cá nhỏ của người Khơme với tên nguyên thủy là Prey Nokor.


“Prey có nghĩa là thánh thần. Nokor có nghĩa là đô thị - "Thành phố Thánh Thần", một hải cảng thuộc vương quốc Cambodia.


Năm 1623 vua Chey Chetta Cam Bốt (1618-1628) đã cho phép người Việt Nam lánh nạn thời Trịnh-Nguyễn phân tranh đến tạm trú và định cư quanh vùng Prey Konor này. Sau đó rất nhiều đợt người Việt đến định cư, để sau cùng biến thành Saigon.”


(trích trang 317, tập 4, bộ sách biên khảo XÃ HỘI VN XƯA & NAY của tác giả Nguyễn thị Mắt Nâu xuất bản 2016).


Sau tháng Tư 1975 thành phố Saigon đã đổi tên: thành phố Hồ Chí Minh, mà trong quá trình dường như có đôi bất tiện về đối ngoại & đối nội, trong ngôn từ, trong sinh hoạt sống, đối thoại và giao tế.


Trở lại chuyện dân oan biểu tình tranh đấu về chiếm đất Thủ Thiêm, thì một số chủ đầu tư như c/ty may mặc (không nói tên), c/ty phát triển và dịch vụ công nghiệp, tổng c/ty dịa ốc, vv… vẫn vẫn điềm nhiên hoạt động trong khu qui hoạch, cho thấy mục đích cưỡng chiếm xua đuổi các hộ dân để kiến tạo khu đô thị và doanh nghiệp.


Phù thịnh ở đời lẽ tất nhiên

Doanh thương doanh ngiệp ... cũng do tiền

Dân oan kêu khổ đời dâu bể

Chiếm đất dân nghèo ... mạc vấn thiên.


Sự kiện chiếm đất Thủ Thiêm của các hộ dân là một trong nhiều sự việc. Vụ chiếm ruộng đất Dương Nội mà dân oan Cấn thị Thêu đã bị đưa vào trại giam số 5 tại Hà Nội.


Vụ đòi đất đòi nhà của giáo dân Thái Nguyên, liên quan đến tài sản của các đại gia, hoặc chiếm bãi biển Sầm Sơn Thanh Hóa (theo Zing news).


Một vài sự kiện về những oan khiên người dân phải gánh chịu thể hiện qua các bản tin nóng về xã hội và thời sự, trong bài này không gì mới mẻ, nhưng tóm tắt vài sự việc là để gióng lên cái tình người - tộc người một bọc trăm con hãy đùm bọc lấy nhau theo nghĩa Đồng Bào.


Nhân sinh trong cõi vô thường

Nhà tan cửa nát, đoạn trường khổ đau

Cầu xin bi thiết nhiệm màu

Dân oan tranh đấu giọt sầu tái tê.


Cái tình, hay cái ân tình ấy, tha thiết, mông mênh bao la hơn tất cả, và vượt trội gấp không biết bao nhiêu muôn vạn ức lần cái quyền lợi "kiếm chác", những quyền lợi vật chất nơi trần thế.


Đối với những người bỏ nước ra đi - liều chết đi tìm tự do, hay đau đớn trong nỗi niềm tha phương cầu thực, những cùng nhau nếm trải lênh đênh nguy hiểm để đến được chân trời tự do.


Khung trời mà bản tính từ thiện, nhân ái của những con người xa lạ không cùng chủng tộc, không phân biệt chủng tộc, màu da, tiếng nói đã hoan hỉ cưu mang đón nhận và giúp đỡ hàng triệu người tị nạn may mắn đặt chân tới bến tự do.


Nếu đã không thể chối cãi điều ấy, xin chắp tay tạ ơn trời, tạ ơn đời để từ sâu thẳm của tâm linh thiêng liêng cực kỳ huyền diệu được an hòa. Tuy không cầm nắm được tay trong tay, nhưng rất rõ trong tư tưởng, trong tâm thức, trong tiềm thức và trong niềm tin nhân bản của con người, xin đừng đánh mất điều cốt lõi của trái tim mênh mông máu đỏ của nhân loại.


Cầu mong giới chức địa phương hãynghĩ đến nhân quyền, dân quyền, dừng lại những oan khiên dù đã hay còn đang bắt người dân oan vô tội phải khổ đau đấu tranh cho lẽ phải cho công lý. Một điều nhẽ ra họ không phải xả thân đòi hỏi cho sự công bằng tội tình như vậy.


Nhân đây, xin nhắc một chút về một sự kiện lớn nữa, là đất đai của đồng bào Thượng trên cao nguyên miền trung.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, trong bào khảo luận về Cộng đồng người Thượng trên cao nguyên miềnTrung, ông viết:


“Thượng là tên gọi chung những sắc dân sinh sống trên cao nguyên miền Trung Việt Nam. Dân số người Thượng hiện nay trên 1,6 triệu người (tương đương với 1,9% dân số toàn quốc), được chia thành 19 nhóm khác nhau, đông nhất là các nhóm Bahnar, Sedang, Hré, Mnong, Stieng thuộc ngữ hệ Môn Khmer (Nam á) và Djarai, Rhadé, Raglai thuộc ngữ hệ Malayo Polynésien (Nam Đảo). Địa bàn cư trú của người Thượng có hình giọt nước, rộng trên 60.000 cây số vuông, từ vừng rừng núi phía Tây các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung (bắt đầu từ Quảng Bình xuống Đồng Nai) đến tận biên giới Lào và Kampuchea với các tỉnh Kontum, Gia Lai, Đắt Lắc, Lâm Đồng (gọi chung la Tây Nguyên) và chấm dứt trên những sườn đồi phía Nam dãy Trường Sơn trong các tỉnh Đồng Nai và Sông Bé. Mỗi nhóm Thượng sinh trú trong một địa bàn riêng biệt với những ngôn ngữ, phong tục, tập quán riêng. Mật độ dân số trung bình khoảng 30 người trên một cây số vuông; tỷ lệ tăng trưởng dân số trung bình là 2% một năm. Ngày nay người Thượng trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ: 40% dân số trên Tây Nguyên.”


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11838/cong-dong-nguoi-thuong-tren-cao-nguyen-mien-trung


Cao nguyên miền Trung, mảnh đất một thời vua Bảo Đại, chúng tôi xin đề cập đến trên VHO trong một bài viết khác đề tựa "Hoàng Triều Cương Thổ".


Gió núi cao nguyên ở Trung phần

Mây trời lồng lộng cảnh phù vân

Xua dân chiếm đất đời dâu bể

Trời đất xem ra cũng ngại ngần.


Nguyễn Thị Mắt Nâu

California 17/6/2023
01 Tháng Tám 2023(Xem: 1106)