Đỗ Thái Nhiên: Triết học kinh tế trong sự tích cây nêu

13 Tháng Hai 20248:09 SA(Xem: 1355)

VĂN HÓA ONLINE - ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ BA 13 FEB 2024


Đỗ Thái Nhiên: Triết học kinh tế trong sự tích cây nêu


From: gypidy gypidy

image027

Đỗ Thái Nhiên


Ở Việt Nam, nhất là tại vùng thôn quê, để mừng Tết Nguyên Đán, người ta có tập tục dựng Nêu chiều ngày 30 và hạ Nêu chiều ngày mùng 7 Tết. Cây Nêu là một cây tre cao, dài nguyên vẹn, chỉ cắt bỏ lá. Ở ngọn Nêu người ta cột một lá bùa, dưới lá bùa là một túi tre nhỏ chứa trầu cau, muối và gạo. Do đâu người Việt Nam có tập quán dựng Cây Nêu nhân dịp Tết? Cây Nêu hàm ngụ bao nhiêu ý nghĩa triết học, nhất là Triết Học Kinh Tế?


        Muốn giải đáp những thắc mắc vừa kể, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu sự tích Cây Nêu. Sự tích Cây Nêu như sau:


       Ngày xưa, thật xưa gọi là buổi cổ thời, dân Việt chỉ mới biết kết hợp thành làng xóm. Lúc bấy giờ giang sơn Việt Nam đang bị một loài Quỷ thống trị. Dưới ách đô hộ của Quỷ, dân Việt Nam rất khốn khổ. Bao nhiêu tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên có được do nhân lực đều bị Quỷ cưỡng đoạt. Lời ta thán của người Việt lên tận Trời xanh. Ông Trời bèn cử một vị Thần đến giúp Dân Việt. Thần này gọi là Thần Làng.


        Một hôm Thần Làng gọi Dân Việt lại mà bảo: "Ta biết các con rất khốn khổ vì lũ Quỷ, nay ta giúp ý kiến để các con thoát khổ. Các con hãy đến bảo với Quỷ Vương rằng: Loài thực vật gồm có rễ, thân và ngọn. Xin Quỷ Vương hãy cho chúng tôi biết, đối với mùa màng năm nay, các ngài lấy phần ngọn hay phần rễ?"


        Sau câu hỏi của Dân Việt, chúa Quỷ hội ý với quỷ con, quỷ cháu rồi quyết định báo cho Dân Việt: "Mùa màng năm nay, Quỷ lấy phần ngọn, còn phần rễ dành cho Dân Việt". Quỷ Vương quyết định như vậy vì thấy rằng Dân Việt chuyên trồng lúa, hạt lúa nằm ở ngọn cây lúa. Nhằm đương đầu với quyết định này của Quỷ Vương, Thần Làng đã khuyên toàn thể dân Việt Nam năm ấy hãy trồng khoai lang, củ khoai nằm ở rễ, chứ không nằm ở ngọn. Vụ mùa năm ấy Quỷ Vương thua mưu Dân Việt lần thứ nhất.


        Do thua mưu lần thứ nhất, Quỷ Vương rất tức giận, gọi đại diện Dân Việt đến vương cung mà bảo: "Mùa màng sang năm, Quỷ Vương sẽ lấy phần rễ, còn phần ngọn dành cho Dân Việt". Mùa màng sang năm, Thần Làng kêu gọi Dân Việt trồng lúa. Quỷ Vương chỉ thu được rễ lúa, Dân Việt được hưởng lúa vì lúa nằm ở ngọn. Như vậy là Quỷ Vương thua mưu dân Việt lần thứ hai.


        Mặc dầu đã thua trí Dân Việt hai lần, Quỷ Vương vẫn không từ bỏ tâm địa tham ác của loài quỷ. Quỷ Vương lại ra lệnh cho Dân Việt: "Mùa màng năm tới, Quỷ Vương sẽ thu cả phần ngọn lẫn phần rễ, chỉ để thân cây lại cho Dân Việt". Nghe lệnh mới, Thần Làng vội vàng bảo Dân Việt trồng bắp, quả bắp nằm ở thân cây. Như vậy là Thần Làng đã giúp Dân Việt thắng trí Quỷ Vương ba lần. Sau ba lần thua cuộc, Quỷ Vương không còn nghĩ đến việc đấu trí với Dân Việt nữa. Quỷ Vương bèn ra lệnh cho tập đoàn quỷ tấn công bừa bãi vào Dân Việt để cướp lại lúa, ngô, khoai. Mặt khác, Quỷ Vương cũng từng biết Dân Việt được Thần Làng hỗ trợ, vì vậy Quỷ Vương ra lệnh cho một số quỷ con đội lốt người, trà trộn vào Dân Việt để tìm xem Thần Làng khắc kỵ vật gì. Thần Làng cho Dân Việt phao tin: Thần Làng sợ xôi, sợ chuối. Ngược lại Thần Làng cũng biết Quỷ sợ huyết chó, huyết dê. Do những tin tức vừa kể, một mặt Quỷ Vương chuẩn bị xôi chuối, mặt khác Dân Việt chuẩn bị huyết chó, huyết dê. Cả hai bên đều chờ một cuộc chiến mất còn.


        Thế rồi trận chiến xảy ra. Quỷ đến tấn công người bằng xôi, bằng chuối. Người tấn công Quỷ bằng huyết chó, huyết dê. Cuộc chiến diễn ra không bao lâu, Người no bụng bởi có xôi chuối, còn loài Quỷ chạy dài bởi huyết chó huyết dê. Sau trận thảm bại này, Quỷ Vương tìm tới Thần Thành Hoàng bản xã để xin thương thuyết.


       Quỷ Vương đề nghị: "Đất của Dân Việt, loài Quỷ chúng tôi xin giao trả cho Dân Việt. Chúng tôi chỉ xin giữ lại một mảnh đất để làm ăn sinh sống".


       Nghe đề nghị của Quỷ Vương, Thần Làng biết ngay là lũ quỷ đang tính kế ngụy hòa, chờ khôi phục lực lượng để tấn công Dân Việt vào dịp khác. Vì vậy Thần Làng trả lời: "Dân Việt hiểu rõ thiện chí của Quỷ Vương. Để đáp lễ, Dân Việt chỉ giữ một mảnh đất bằng tấm áo của Thần. Bao nhiêu đất còn lại, Dân Việt nhường hết cho Quỷ".


        Như vậy là giao ước giữa Quỷ và Dân Việt đã thành hình. Thần Làng cởi tấm áo đang mặc trong người ra để xác định lãnh thổ của Dân Việt. Thần tung áo lên trời, áo càng lên cao bóng của chiếc áo càng lớn, bóng áo kia chạy đến đâu thì lũ quỷ lùi dần đến đó, lùi mãi ra tận biển Đông. Cuối cùng Thần thâu áo lại. Từ đó Dân Việt sống an lạc. Quỷ ở biển Đông thiếu ăn, thiếu mặc, rét mướt quanh năm. Vì vậy Quỷ mới xin với Thần hằng năm vào dịp Tết, Thần hãy cho phép Quỷ được vào đất liền để thăm mồ mả và kiếm lương thực. Vì lòng nhân, Thần bằng lòng.


        Thế là từ đó đến nay, cứ mỗi độ Xuân về Tết đến, Dân Việt nhớ lời Thần, mở cửa cho Quỷ về thăm đất liền, nhưng không quên cột lá bùa tượng trưng cho áo của Thần trên cành tre cao để nhắc nhở lũ quỷ rằng: "Người Việt cho phép Quỷ được về thăm đất liền, nhưng Quỷ chớ xảo trá, tấm áo của Thần còn đó, sẵn sàng trừng phạt các ngươi".


        Mặt khác, nghĩ đến cảnh đói khổ của Quỷ, trên Cây Nêu, dưới lá bùa, Dân Việt còn treo một cái giỏ tre chứa gạo, muối, và trầu cau, hàm ý cúng cho Quỷ vài bữa ăn nhân dịp đầu Xuân. Đó là tất cả nội dung sự tích Cây Nêu trong phong tục Việt Nam.


        Đọc xong câu chuyện Sự Tích Cây Nêu, người đọc không thể không đặc biệt chú ý tới bốn đối tượng:


-        Quỷ Vương


-        Thần Làng


-        Dân Việt


-        Cái giỏ tre chứa gạo, muối, trầu cau.


Bây giờ chúng ta hãy nhìn bốn đối tượng kể trên dưới lăng kính triết học:


       Thông qua sự việc Quỷ Vương tìm mọi cách nhằm đoạt thủ toàn bộ lương thực lúa, khoai, ngô của Dân Việt, mọi người đều đồng ý rằng Quỷ Vương là một chủ thể tham lam và độc ác. Quỷ Vương đại biểu cho mọi thói hư tật xấu của loài người. Thói hư tật xấu lớn nhất, độc ác nhất của loài người là lòng ham muốn độc quyền kinh tế. Do lòng ham muốn đó, thế giới ngày nay bị khống chế bởi hai hệ thống kinh tế:


-        Hệ thống tập trung quyền lợi kinh tế vào tay một nhóm tư nhân, đẻ ra chế độ Tư Bản Tư Nhân.


-        Hệ thống tập trung quyền lợi kinh tế vào trong độc đảng, đẻ ra chế độ Tư Bản Nhà Nước, còn gọi là chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, tức Cộng Sản.


       Cả hai chế độ độc quyền kinh tế vừa nêu đều chống lại xu thế xã hội hóa mọi quyền lợi kinh tế. Quyền lợi kinh tế là quyền lợi của toàn dân, tại sao quyền lợi này lại tập trung vào tay thiểu số tư nhân giàu có, hay vào trong thiểu số tư nhân núp dưới lá bài Vô Sản?


      Quỷ Vương chính là đại biểu của chế độ Tư Bản Tư Nhân cũng như chế độ Tư Bản Nhà Nước, gọi chung là chế độ Kinh Tế Độc Quyền. Quỷ Vương cũng chính là đại biểu của toàn giới Động Vật.


       Sở dĩ Quỷ Vương vừa biểu tượng cho Kinh Tế Độc Quyền, vừa biểu tượng cho giới Động Vật, là vì giữa kinh tế độc quyền và nhu yếu tính của động vật đã có sự hội ngộ. Thực vậy, Người cũng như Động Vật đều cần ăn khi đói, cần uống khi khát. Người và Động Vật đều có nhu yếu tính. Động vật thỏa mãn nhu yếu bằng phương cách độc quyền, phương cách mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Người thỏa mãn nhu yếu trên tâm lý yêu chuộng hòa bình. Lòng yêu chuộng hòa bình của loài người hàm chứa sự mơ ước rằng: mọi người đều phải được hưởng sự bình đẳng về cơ hội trên con đường thỏa mãn nhu yếu. Khẩu hiệu bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ chỉ là khẩu hiệu có hậu ý ru ngủ quần chúng để giới cầm quyền kinh tế thực hiện giấc mơ kinh tế độc quyền. Mỗi cơ hội sống đều chất chứa quyền lợi và nghĩa vụ. Người ta cam kết ban phát cho Bạn sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, nhưng người ta lại - hoặc công khai, hoặc ngấm ngầm - chèn ép Bạn trên con đường đi đến cơ hội.


       Sự thể này phải được giải thích rằng: bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ chỉ là cái bánh vẽ, bình đẳng về cơ hội sống mới là bình đẳng đích thực. Bình đẳng về cơ hội trong sinh hoạt kinh tế chính là bình đẳng về cơ hội trở nên hữu sản, gọi tắt là Bình Sản. Trình bày như vậy, mọi người thấy ngay rằng kinh tế Tư Bản Tư Nhân hay Tư Bản Nhà Nước (Cộng Sản) đều là kinh tế phản xu thế. Kinh tế Bình Sản mới là kinh tế thuận xu thế.


       Trong Sự Tích Cây Nêu, Thần là biểu tượng của Người Hoàn Hảo, của Nhân. Kinh tế của xã hội Nhân phải là một nền kinh tế trong đó mọi người sinh hoạt sản xuất và tiêu thụ với tương quan hài hòa, không hề có cảnh tượng người bóc lột người, người chèn ép người. Quyền lợi kinh tế là quyền lợi của toàn dân, kinh tế phải được triệt để xã hội hóa. Xã hội hóa tức là Bình Sản.


       Bình Sản không hề có nghĩa là bình quân, là chia đều quyền lợi kinh tế theo đầu người. Kinh tế bình quân, loại kinh tế mà Cộng sản và chính quyền khuynh tả thường ca tụng như khuôn vàng thước ngọc, chính là nguồn gốc chủ yếu đưa đến tình trạng người chăm chỉ và kẻ lười biếng, người tự trọng và kẻ vô trách nhiệm đều được hưởng một loại quyền lợi khiêm tốn ngang nhau. Quyền lợi trọng yếu bao giờ cũng rơi vào tay của những kẻ nham hiểm thường xuyên hành động dưới nhãn hiệu của nghĩa vụ thực hiện kinh tế bình quân. Dĩ nhiên đứng trên lập trường của Nhân, người ta không bao giờ có thể chấp nhận kinh tế độc quyền hoặc kinh tế bình quân.


       Đó là lý do khiến Thần phản kháng Quỷ, Nhân phản kháng Vật, kinh tế Bình Sản phản kháng kinh tế Độc Quyền. Tuy nhiên, phản kháng không có nghĩa là tiêu diệt. Kinh tế độc quyền là một hình thái nhu yếu tính của động vật. Kinh tế độc quyền là kinh tế của vật tính. Vật tính thường hằng theo đuổi, bám sát, hành hạ, đục phá nhân tính trong thực tiễn đời sống. Nhưng Nhân không thể tiêu diệt được Vật. Nhân chỉ có thể chủ động đối với Vật trong cuộc gắn bó đối lập nhưng thống nhất giữa Nhân và Vật. Đó là ý nghĩa gẫy gọn nhất của chữ Nhân-Vật trong Việt ngữ.


        Người sống trong hoàn cảnh đối lập giữa Nhân và Vật gọi là Dân. Dân là gạch nối giữa Nhân và Vật. Trong Dân có khi Nhân chủ động, có khi Vật thắng thế. Nhân chủ động thì Dân ổn định, hạnh phúc. Vật thắng thế thì Dân xáo trộn, đau khổ. Vì vậy Dân bao giờ cũng nỗ lực tìm về với Nhân để có khả năng tạo dựng hạnh phúc. Trong Dân luôn luôn có sự suy tưởng và hướng vọng về Nhân. Chính vì chân lý này, Sự Tích Cây Nêu mới có vai trò của Dân Việt. Tính kết hợp bền và ổn giữa Thần Làng và Dân Việt vừa hàm ngụ một cách sinh động biện chứng Nhân Dân của Việt Triết, vừa diễn tả một cách tròn đầy cuộc chiến cam go của Nhân đối với Vật, của kinh tế Bình Sản đối với kinh tế Độc Quyền. Cuộc chiến cam go không hề đồng nghĩa với cuộc chiến tiêu diệt. Tiêu diệt là một thái độ không thể có trong phạm trù Người.


      "Vận động và Kết hợp hỗ tương nguyên nhân" chẳng những là quy luật sống của Nhân mà còn là quy luật vận động và phát triển của toàn bộ vũ trụ. Do quy luật "Vận động và Kết hợp" vừa kể, Dân Việt một mặt với sự hỗ trợ của Thần Làng đã hoàn toàn trở nên chủ động đối với loài Quỷ, mặt khác thay vì nương vào thế chủ động để tiêu diệt loài Quỷ, Dân Việt lại vẫn mở một lối giao hảo với Quỷ: giao hảo bằng cách cho Quỷ vào đất liền ăn Tết, và nhất là giao hảo bằng cái giỏ tre chứa muối, gạo và trầu cau treo trên Cây Nêu. Tất cả những nhân từ của Dân Việt đối với Quỷ đã đặt để trong cái giỏ tre ấy. Tính phủ định nhưng không tiêu diệt của Nhân đã được cái giỏ tre diễn tả một cách linh động mà chính xác, nhẹ nhàng mà cảm động. Phủ định nhưng không tiêu diệt chính là tính đãi lọc của lịch sử. Do đãi lọc của lịch sử kinh tế, hình thái kinh tế Bình Sản đã trở thành khát vọng chung của loài người. Kinh tế Bình Sản không phải là sự phủ định toàn phần đối với kinh tế Độc Quyền, guồng máy kinh tế này ít ra cũng có khả năng cung cấp cho kinh tế Bình Sản những phương cách quản trị kinh tế có giá trị. Phương pháp kinh tế giữa kinh tế Độc Quyền và kinh tế Bình Sản không có sự khác biệt trầm trọng. Khác biệt trầm trọng chỉ có ở đối tượng phục vụ: kinh tế Độc Quyền phục vụ Đảng (tư bản nhà nước) hay phục vụ thiểu số tư nhân (tư bản tư nhân), còn kinh tế Bình Sản phục vụ toàn bộ xã hội. Sự phủ định của kinh tế Bình Sản đối với kinh tế Độc Quyền cũng giống như sự phủ định của Dân Việt đối với Quỷ Vương, phủ định nhưng vẫn giao hảo bằng cái giỏ tre.


        Tóm lại, Sự Tích Cây Nêu đã đưa dẫn ý nghĩ của chúng ta đến sự nhìn nhận rằng:


       Thần là biểu tượng của Nhân, của kinh tế Bình Sản.


       Quỷ là biểu tượng của Vật, của kinh tế Độc Quyền.


       Dân Việt là biểu tượng của Dân, của cuộc đấu tranh giữa Nhân và Vật, giữa kinh tế Bình Sản và kinh tế Độc Quyền.


      Sự gắn bó giữa Thần Làng và Dân Việt là biểu tượng của biện chứng Nhân Dân, là sự khẳng định rằng Kinh Tế Bình Sản đích thực là kinh tế của xu thế lịch sử.


      Chiếc giỏ tre là biểu tượng của liên hệ giữa Nhân và Vật. Liên hệ này bộc lộ rất rõ sự khôn ngoan của Dân Việt qua thái độ phủ định có chừng mực đối với Quỷ, đối với kinh tế Độc Quyền.


      Sự Tích Cây Nêu là hình ảnh sinh động nhất, lôi cuốn nhất, chỉ cho chúng ta hiểu biết một cách tròn đầy thế nào là liên hệ Nhân - Vật, thế nào là biện chứng Nhân Dân trong lãnh vực kinh tế. Từ biện chứng Nhân Dân, chúng ta không thể không nghĩ đến Vật Tổ Tiên Rồng. Không có sự nghi ngờ rằng Tiên là đại biểu của Con Người toàn hảo. Rồng là đại biểu của sức mạnh, của ý chí đấu tranh, đấu tranh cam go nhất vẫn là đấu tranh giữa Nhân và Vật. Từ đó, Rồng đại biểu cho sức mạnh của Dân, giúp Dân tìm gặp Nhân. Tiên chính là Nhân. TIÊN và RỒNG hiển nhiên là Nhân và Dân.


         Kết luận: Chúng ta có thể phân tích câu chuyện Cây Nêu bằng liên hệ Nhân Vật. Chúng ta cũng có thể bình giải câu chuyện Cây Nêu bằng biện chứng Nhân Dân, tức biện chứng Tiên Rồng. Mặt khác, liên hệ Nhân Vật cũng như biện chứng Nhân Dân, biện chứng Tiên Rồng không hề là sản phẩm tưởng tượng của một bộ óc, mà chính là sự trích dẫn từ một hệ thống triết học có tiền đề, có qui luật, có hiệu ứng. Toàn bộ hệ thống triết học này được khám phá bởi Dân Việt, được xác định bởi thực tại, được diễn tả bởi sự phối hợp vi diệu giữa qui nạp pháp và diễn dịch pháp.


       Việt Triết đã phản ảnh được tính phản xu thế của kinh tế độc quyền.


       Việt Triết đã minh chứng được kinh tế Bình Sản là kinh tế thuận hợp với dòng tâm sinh mệnh của Người.


       Bài viết này nhằm trình bày ý nghĩa của Triết học Kinh tế trong sự tích Cây Nêu. Vì vậy mọi điểm nhìn đều tập trung vào sinh hoạt kinh tế. Điều này không có nghĩa là Việt Triết chỉ hạn hẹp trong lãnh vực kinh tế. Việt Triết bao gồm mọi giải quyết về toàn bộ dòng sống của loài Người mà kinh tế chỉ là một khía cạnh. Việt Triết giải quyết tận gốc rễ vấn đề của mỗi Dân Tộc để từ đó đưa đẩy mọi Dân Tộc tiến tới hòa nhập vào xã hội Nhân Loại. Hòa nhập trên căn bản tôn trọng sinh hoạt Dân Tộc.


       Ngày xưa Việt Triết được Tổ tiên Việt Nam diễn tả bằng vật tổ Tiên Rồng, bằng ngôn ngữ dân gian. Ngày nay chúng ta diễn tả Việt Triết bằng văn chương triết học. Văn chương triết học được sự hỗ trợ của Triết học trong vật tổ Tiên Rồng, trong ngôn ngữ dân gian, trong kho tàng truyện cổ đã làm nổi bật hai sự kiện:


1.     Việt Triết hoàn toàn khớp đúng với thực tại.


2.     Ý kiến cho rằng tư tưởng Việt Nam nghèo nàn, Việt Nam không có triết học chỉ là ý kiến xuất phát từ những người có lối nhìn chưa thoát khỏi hai miếng da che mắt ngựa.


      Hai sự kiện vừa nêu đã tổng hợp lại thành đích điểm của bài viết này. Đích điểm của bài viết chính là món quà đầu Xuân mà người cầm bút kính mến gửi đến toàn thể Quí Vị Đồng Hương để gợi nhớ Việt Nam. Việt Nam ngàn đời mến yêu. Việt Nam ngàn đời rạng rỡ.


Đỗ Thái Nhiên


image030Bìa sau sách Triết học Lý Đông A – tác giả Đỗ Thái Nhiên/Thời Văn 2005 xuất bản.
04 Tháng Năm 2024(Xem: 1221)
24 Tháng Tư 2024(Xem: 1155)