COC: ASEAN và TQ cố đạt được Bộ Quy tắc ứng xử vào năm 2022

11 Tháng Sáu 20218:39 SA(Xem: 2578)

VĂN HÓA ONLINE – ĐÔNG HẢI LIỆT QUỐC  - THỨ SÁU 11 JUNE 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


image007Cú bắt tay “hờ hững” giữa Phạm Bình Minh và Dương Khiết trì trong ánh mắt “căm hờn” của Minh. Nguồn NET


COC: ASEAN và TQ cố đạt được Bộ Quy tắc ứng xử vào năm 2022


10/06/2021


Thanh Phương


Những vụ Trung Quốc đưa tàu và phi cơ xâm nhập hải phận và không phận các nước như Philippines và Malaysia trong thời gian qua, gây thêm căng thẳng trên Biển Đông, cho thấy là ASEAN và Trung Quốc càng phải cấp tốc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, mà tiến trình đàm phán đã kéo dài từ nhiều năm qua.


Trong hội nghị đặc biệt tại Trùng Khánh vào thứ Hai vừa qua, 07/06/2021, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc, các ngoại trưởng của 10 nước Đông Nam Á và của Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết thực hiện “đầy đủ và hiệu quả” bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC năm 2002. Nhưng tuyên bố DOC là một văn bản không mang tính ràng buộc pháp lý, cho nên Trung Quốc và ASEAN trong nhiều năm qua đã đàm phán để cố đạt được đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, một văn bản có tính chất ràng buộc pháp lý, để giải quyết các căng thẳng, ngăn ngừa các xung đột do tranh chấp chủ quyền trên vùng biển này.


Trong khuôn khổ hội nghị đặc biệt của các ngoại trưởng Trung Quốc - ASEAN tại Trùng Khánh, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC. Theo tường thuật báo chí Việt Nam, trong hội nghị này, các nước đã bày tỏ quan ngại về “diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian gần đây, trong đó có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”. 


Thái độ quan ngại này chủ yếu là ám chỉ đến những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian qua, gần đây nhất là vụ 16 phi cơ quân sự của Trung Quốc đã dàn đội hình chiến thuật bay trên vùng Biển Đông và xâm nhập không phận Malaysia ở khu vực bang Sarawak trên đảo Borneo. Sau khi đã cố bắt liên lạc nhưng không được hồi đáp, không quân Malaysia đã điều các chiến đấu cơ lên ngăn chặn các máy bay của Trung Quốc.


Trước đó, hàng trăm tàu của Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và vẫn ở lại đây, bất chấp những phản đối và yêu cầu liên tục của Manila và chỉ trích của một số nước, trong đó có Hoa Kỳ.


Trong cuộc họp tại Trùng Khánh hôm thứ Hai, các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc đã “nhất trí” thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và đã chỉ đạo Nhóm công tác chung sớm nối lại đàm phán “dưới hình thức phù hợp”, nhưng không nói rõ lịch trình. 


Sau nhiều lần bị trì hoãn, chủ yếu là do phía Trung Quốc, mãi đến năm 2018, các cuộc đàm phán thật sự về COC mới được khởi động. ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán về dự thảo đầu tiên của bộ quy tắc trong thời gian 2018-2019. 


Vào năm 2019, tại thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN ở Bangkok, thủ tướng Lý Khắc Cường đã gây bất ngờ khi tuyên bố là Trung Quốc rất muốn đạt được bộ quy tắc ứng xử với ASEAN năm 2021. Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn mọi việc. Theo một nguồn tin ngoại giao được đài truyền hình Philippines ABS-CBN News trích dẫn ngày 09/06/2021, nay các nước ASEAN và Trung Quốc hy vọng đến năm 2022 sẽ đạt được thỏa thuận về COC.


Một nhà ngoại giao ASEAN, xin giấu tên, cho ABS-CBN News biết, “do ảnh hưởng của đại dịch gây đình trệ đàm phán về COC”, mục tiêu đạt được văn bản này “đã trở nên linh động hơn” và đã được dời từ năm nay sang năm tới.  Theo nguồn tin này, mục tiêu hiện nay là tiếp tục đàm phán về dự thảo thứ hai của COC và hy vọng kết thúc năm nay, rồi sau đó đàm phán về dự thảo thứ ba và dự thảo chung cuộc vào năm tới. 


Thật ra mấu chốt của vấn đề không phải là thời điểm đạt được, mà là nội dung của bộ quy tắc COC, nhất là mức độ ràng buộc pháp lý và phạm vi thực hiện của văn bản này.


Tiến trình đàm phán sẽ còn rất gay go và không có gì bảo đảm là Trung Quốc và ASEAN sẽ đạt được thỏa thuận vào năm tới, hoặc nếu có đạt được, thì đây có thể sẽ là một văn bản không hoàn hảo đối với một khu vực tranh chấp chủ quyền phức tạp như Biển Đông. (theo RFI)


COC: Trung Quốc- ASEAN nhất trí hướng tới sớm hoàn tất bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982


10/6/2021 VNEpress


ASEAN và Trung Quốc nhất trí thực hiện kiềm chế trong triển khai các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp ở Biển Đông.


Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 30 năm Quan hệ Đối tác diễn ra tại Trùng Khánh, Trung Quốc hôm 7/6/2021, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.


Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì hội nghị.


Hai bên khẳng định Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là văn kiện mang tính dấu mốc, thể hiện cam kết chung thúc đẩy hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và lòng tin ở khu vực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; đề cao duy trì tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thông qua từng bước nối lại đàm phán thông qua họp trực tuyến, khắc phục các khó khăn do tình hình dịch bệnh.


image008Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Trùng Khánh hôm 7/6. Ảnh: Bộ Ngoại giao.


Điểm lại các nỗ lực và biện pháp mà ASEAN và Trung Quốc đã triển khai, hội nghị trao đổi về loạt bước tiếp theo, đặc biệt tái khẳng định cam kết nhất quán tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.


ASEAN và Trung Quốc cam kết tăng cường, thúc đẩy an ninh biển, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, thực hiện kiềm chế trong triển khai các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, và theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.


Hai bên cũng sẽ nỗ lực đẩy nhanh nối lại đàm phán văn kiện COC thông qua các hình thức trực tuyến, song nhấn mạnh các hội nghị trực tiếp vẫn là hình thức chủ đạo, hướng tới sớm hoàn tất bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.


Hai bên thống nhất mở rộng hơn nữa hợp tác về vaccine, thúc đẩy cơ hội tiếp cận vaccine đồng đều và đẩy mạnh sản xuất, phân phối vaccine an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá cả phù hợp cho tất cả.

Thông qua hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, cùng với các biện pháp được triển khai đồng bộ ở cấp quốc gia và khu vực, ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau giảm thiểu các tác động tiêu cực từ đại dịch. ASEAN đánh giá cao Trung Quốc đã cung cấp vaccine, hỗ trợ vật tư y tế cũng như trợ giúp kỹ thuật dành cho ASEAN và các nước thành viên.