Lưỡng đảng Thượng Viện Mỹ thông qua Dự luật trừng phạt Trung cộng, VN lên tiếng

21 Tháng Mười 20219:24 SA(Xem: 2548)

VĂN HÓA ONLINE – ĐÔNG HẢI LIỆT QUỐC - THỨ NĂM 21 OCT 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Lưỡng đảng Thượng Viện Mỹ thông qua Dự luật trừng phạt Trung cộng, VN lên tiếng


Đậu Tiến Đạt


21/10/2021Thanh Niên


image001Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Đậu Tiến Đạt


Tại họp báo Bộ Ngoại giao chiều ngày 21.10.2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), trước tin Ủy ban Thượng viện Mỹ duyệt dự luật trừng phạt Trung Quốc.


Tại họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật S.1657 trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan đến những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định:


"Lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của những quốc gia ven biển".


Vào ngày 20.10.2021, ​​Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép cấm vận các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc vì những hoạt động liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Dự luật sẽ cho phép cấm vận các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt yêu sách biển và lãnh thổ quá mức tại Biển Đông và biển Hoa Đông.


Cần tuân thủ UNCLOS và bảo đảm an ninh, an toàn ở Biển Đông


Cũng trong cuộc họp báo chiều nay, phản ứng của Việt Nam về sự cố tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông, bà Hằng cho biết hải quân các nước khi hoạt động trên Biển Đông cần tuân thủ các quy định UNCLOS nhằm bảo đảm an ninh và an toàn trên vùng biển này.


"Chúng tôi đã được biết về thông tin này. Việt Nam cho rằng mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về UNCLOS năm 1982 và các quy định, thông lệ liên quan khác", bà Hằng nhấn mạnh.


Trước đó, Hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm USS Connecticut thuộc lớp Seawolf đã va chạm một vật thể vào ngày 2.10, khiến 11 thủy thủ bị thương. Tuy nhiên, lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm không bị ảnh hưởng và vẫn hoạt động bình thường. Sau đó, tàu ngầm Mỹ đã cập quân cảng Guam để kiểm tra. Đến nay phía Mỹ vẫn chưa cập nhật thông tin liên quan.


++++++++++++++++++++++++++++


Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật S.1657


Bảo Vinh


21/10/2021 Thanh Niên


Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật cho phép trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc vì những hoạt động phi pháp liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông.


Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ngày 20/10/2021 thông báo trên Twitter rằng ủy ban đã thông qua dự luật mang tên “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông 2021”, do hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa) và Ben Cardin (đảng Dân chủ) bảo trợ. Ông Menendez cho biết dự luật sẽ được bỏ phiếu tại thượng viện, nhưng không nêu rõ thời điểm. Dự luật cần vượt thêm ải hạ viện và được tổng thống ký ban hành để có hiệu lực.


Nhiều nội dung quan trọng


Theo dự luật, tổng thống Mỹ có thể phong tỏa tài sản, từ chối cấp hoặc tước thị thực đối với cá nhân liên quan đến việc phát triển các dự án phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông; hoặc đối với người có hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, ổn định tại các khu vực tranh chấp tại Biển Đông hoặc tại khu vực do Hàn Quốc và Nhật Bản quản lý tại biển Hoa Đông.


image003Công trình phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Reuters


Dự luật cấm các tổ chức tại Mỹ đầu tư hoặc cung cấp bảo hiểm cho các dự án liên quan đến các bên bị cấm vận. Dự luật còn yêu cầu bổ sung lệnh trừng phạt tổ chức tài chính nước ngoài hỗ trợ cho người bị trừng phạt, nếu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ xác định Trung Quốc đã có những hành động như: tuyên bố vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông, bồi đắp tại một khu vực tranh chấp khác tại Biển Đông, chiếm quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây, triển khai tên lửa đất đối không đến các đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), lập đường cơ sở lãnh thổ quanh chuỗi đảo Trường Sa, quấy nhiễu tàu thuyền Philippines liên tục hoặc khiêu khích lực lượng Nhật, Mỹ tại biển Hoa Đông.


Hàng loạt doanh nghiệp bị chú ý


Sau 60 ngày kể từ khi dự luật được ký thành luật, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ lên danh sách các cá nhân người Trung Quốc vi phạm. Sau đó, chính quyền Mỹ sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt nhằm vào các đối tượng này.


Không chỉ với cá nhân, dự luật trên còn yêu cầu làm rõ sự liên quan của hơn 20 doanh nghiệp Trung Quốc được nêu cụ thể, trong đó nổi bật là Tập đoàn xây dựng viễn thông Trung Quốc (CCCC), hai tập đoàn viễn thông China Mobile và China Telecom, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (Sinopec), các tập đoàn sản xuất máy bay Thiểm Tây và Thẩm Dương, Hãng hàng không China Southern, Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc...


Ngoài ra theo dự luật, Văn phòng Xuất bản chính phủ Mỹ không được xuất bản những tài liệu miêu tả vùng tranh chấp tại hai vùng biển trên là một phần của Trung Quốc, trừ một số ngoại lệ. Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không được có những hành động ngụ ý công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực tranh chấp. Dự luật cấm một số khoản viện trợ cho các nước công nhận yêu sách của Trung Quốc ở những vùng tranh chấp.


Lưỡng đảng ủng hộ


Dự luật đã được giới thiệu 2 lần vào năm 2017 và 2019, nhưng lần này mới được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua. Giới chuyên gia cho rằng dự luật được xem xét quá trễ và không thể đảo ngược những hành động phi pháp mà Trung Quốc đã thực hiện tại Biển Đông như bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa. Tuy nhiên nếu được thông qua, dự luật sẽ có tác dụng trong việc ngăn cản Trung Quốc có thêm những hành vi phi pháp như thiết lập đường cơ sở hay vùng nhận diện phòng không. Việc được hai nghị sĩ từ hai đảng bảo trợ cho thấy sự đồng thuận của Mỹ trong cách đối phó thách thức từ Trung Quốc.


Thượng nghị sĩ Rubio cảnh báo Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất” đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và nguy cơ đối với lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia của Mỹ tại khu vực là có thật. “Mỹ cần thêm những công cụ nhằm đương đầu Bắc Kinh khi họ tiếp tục nỗ lực nhằm kiểm soát phi pháp tại Biển Đông và biển Hoa Đông”, ông Rubio nhấn mạnh.


Phó Tổng thống Harris: Mỹ sát cánh cùng đối tác, đồng minh đương đầu yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông


Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cardin cho rằng “hành vi hung hăng” của Trung Quốc tại hai vùng biển trên không thể bị làm ngơ. “Dự luật của chúng tôi gửi thông điệp mạnh mẽ của lưỡng đảng rằng Mỹ sẽ bảo vệ thương mại xuyên suốt và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình cho những tranh chấp, phù hợp với luật quốc tế”, ông Cardin nói.


Nhiều dự luật liên quan Biển Đông


Trước đó, nhiều dự luật và nghị quyết khác được công bố tại quốc hội Mỹ cũng đưa Biển Đông nằm trong những điều khoản liên quan. Trong số đó có thể kể đến luật Chống cưỡng ép kinh tế từ Trung Quốc, luật Chiến lược Đông Nam Á, nghị quyết lên án sự khiêu khích của hải cảnh Trung Quốc đối với tàu nước ngoài tại Biển Đông...


Tóm tắt Dự luật S.1657


(1) tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên bất kỳ phần nào của Biển Đông;


(2) bắt đầu công việc cải tạo tại một địa điểm tranh chấp trên Biển Đông, ví dụ bãi cạn Scarborough;


(3) giành quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây (ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam);


(4) triển khai tên lửa đất đối không tới bất kỳ đảo nhân tạo nào mà Trung Quốc đã xây dựng trong chuỗi đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bao gồm cả đá Chữ Thập, đá Vành Khăn hoặc đá Subi;


(5) thiết lập đường cơ sở lãnh thổ xung quanh chuỗi đảo Trường Sa;


(6) tái diễn việc quấy rối các tàu của Philippines;


(7) tái diễn các hành động khiêu khích tuần duyên Nhật Bản, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản hoặc các lực lượng Mỹ ở biển Hoa Đông.


+++++++++++++++++++++++++++++++


'Vũ khí' để ông Biden trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông


Hoàng Đình


20/01/2021 Thanh Niên


Dù đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ, nhưng Tổng thống Trump chưa chơi “tất tay” với Trung Quốc ở Biển Đông, nên ông Joe Biden vẫn còn nhiều biện pháp để trừng phạt Bắc Kinh liên quan vấn đề này.


image004Tàu hải cảnh 3501 của Trung Quốc hỗ trợ tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Ngư dân cung cấp


Trong những ngày cuối cùng ông Donald Trump tại vị ở Nhà Trắng, chính quyền Washington đã công bố lệnh trừng phạt Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) vì giúp chính quyền Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng ở BiỂn Đông. CNOOC là đơn vị sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng được điều động xâm phạm chủ quyền VN trên Biển Đông.


Chính quyền ông Trump chọn sai mục tiêu ?


Nhận xét về động thái trên khi trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Gregory B.Poling (Giám đốc chương trình AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ) cho rằng: “CNOOC là công ty đáng chú ý nhất không nằm trong nhóm bị trừng phạt hồi tháng 8.2020 (liên quan Biển Đông - NV), nên việc Washington giờ đây trừng phạt thêm công ty này thì không có gì đáng ngạc nhiên”.


Nhà máy sản xuất khí đốt nước sâu của Trung Quốc sẵn sàng hoạt động


image005Ảnh: CGTN


Đài CGTN ngày 18.1.2021 đưa tin nhà máy sản xuất khí đốt ở vùng nước sâu, với thiết kế nửa chìm nửa nổi (ảnh), của CNOOC đã sẵn sàng đến mỏ khí đốt nước sâu ở Biển Đông. Nhà máy này sẽ được đưa đến lô dầu Lingshui 17-2 nằm sâu 1.500 m và cách 150 km về phía nam của TP. Tam Á, tỉnh Hải Nam. Đây là nhà máy khí đốt nước sâu đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo, có phần thân chính nặng 110.000 tấn, sàn rộng bằng 2 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế,  có thể chứa tối đa 21.000 m3 dầu...


Dù cho rằng lệnh trừng phạt trên mang ý nghĩa gửi thông điệp cam kết của Washington với Đông Nam Á, nhưng ông Poling cũng đánh giá: “Các điều khoản trừng phạt CNOOC chủ yếu mang tính tượng trưng, chứ không phải là các biện pháp trừng phạt tài chính. Và một điều đáng quan tâm là giống như danh sách trừng phạt hồi tháng 8.2020, Washington dường như đang chọn sai đối tượng để trừng phạt. Ví dụ những hành vi của CNOOC đối với Biển Đông thì đã diễn ra từ năm 2014, tương tự một số công ty nạo vét để Trung Quốc xây dựng hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông thì hành vi cũng đã diễn ra từ năm 2013 - 2015”.


Theo ông Poling, biện pháp trừng phạt sẽ hiệu quả hơn nếu nhằm vào các hoạt động khảo sát, khai thác thủy sản trái phép cũng như lực lượng dân quân biển và các đối tượng khác ở Trung Quốc đang vi phạm ở Biển Đông.


Dư địa cho ông Biden


Hiện tại, liên quan Biển Đông, quốc hội Mỹ đang có dự luật “Đạo luật trừng phạt liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông” có mã S.1634 được bảo trợ bởi nghị sĩ Marco Rubio tại Thượng viện, và H.R.3508 được bảo trợ bởi nghị sĩ Mike Gallagher tại Hạ viện.


Dự luật trên vạch ra các phương án trừng phạt cụ thể. Theo đó, sau 60 ngày kể từ khi dự luật được ký thành luật, chính quyền Mỹ sẽ lên danh sách các cá nhân Trung Quốc có đóng góp vào các dự án xây dựng đảo nhân tạo, trạm cơ sở mạng lưới thông tin di động, cơ sở cung cấp điện và nhiên liệu lẫn cơ sở hạ tầng dân sự ở Biển Đông đang bị tranh chấp.


Danh sách sẽ bao gồm cả những cá nhân người Trung Quốc liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp trong các hành động đe dọa đến hòa bình, ổn định của Biển Đông tại những khu vực đang được kiểm soát bởi một thành viên trong ASEAN.


Sau khi có danh sách các cá nhân vi phạm như trên, chính quyền Mỹ sẽ tiến hành biện pháp trừng phạt nhằm vào các đối tượng này. Nổi bật có biện pháp: Ngăn chặn hoặc cấm giao dịch các tài sản mà đối tượng sở hữu trực tiếp hoặc tài sản mà đem lại nguồn lợi cho đối tượng tại Mỹ; Không cấp visa vào Mỹ, nếu đang có visa thì hủy. Những người vi phạm còn có thể chịu nhiều hình thức trừng phạt khác liên quan đến tài chính.


Đây là các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn với nhiều chế tài, chứ không chỉ hạn chế giao thương như cách thức trừng phạt mà chính quyền của Tổng thống Trump đang tiến hành. Vì thế, đây chính là dư địa chính sách để Tổng thống tân cử Joe Biden có thể khai thác nhằm trừng phạt Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông.
08 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 475)
VIỆT-MIÊN-LÀO: LIÊN BANG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG Ở ASIA?