Giới phân tích: Mừng ít, lo nhiều về 2 tuyến đường sắt cao tốc VN-TQ 2030

15 Tháng Tư 20247:10 SA(Xem: 328)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 - THỨ HAI 15 APRIL 2024


Giới phân tích: Mừng ít, lo nhiều về 2 tuyến đường sắt cao tốc Việt Nam-Trung Quốc 2030


13/04/2024

An Tôn - VOA


https://www.voatiengviet.com/a/gioi-phan-tich-mung-it-lo-nhieu-2-tuyen-duong-sat-cao-toc-viet-nam-trung-quoc-2030/7568176.html


image008Bốn nhà trí thức ở Việt Nam và Mỹ nói với VOA họ thấy lo nhiều hơn mừng về việc Việt Nam nhắm mục tiêu xây 2 tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Hà Nội với Trung Quốc trước năm 2030.


Như VOA đã đưa tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết tối hôm 9/4 rằng quốc gia này tính xây một tuyến đường sắt tốc độ cao từ hai thành phố cảng Quảng Ninh và Hải Phòng qua Hà Nội đến tỉnh Lào Cai, giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; và một tuyến từ Hà Nội đến tỉnh Lạng Sơn, giáp khu vực Quảng Tây của nước láng giềng.


Với thực tế Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 172 tỷ đô la năm 2023 và quý 1 năm nay đạt 43,6 tỷ đô la - bốn nhà trí thức nhận định với VOA rằng việc xây 2 tuyến đường sắt hiện đại dĩ nhiên mang lại những lợi ích nhất định cho Việt Nam, song họ cũng cảnh báo rằng những bất lợi có thể còn lớn hơn.


Nguy cơ bẫy nợ


“Nói tổng thể việc nối đường sắt Việt Nam-Trung Quốc, tôi cho rằng vẫn có lợi, bởi vì vận tải đường sắt là một trong những yếu tố tạo ra giá thành rất rẻ. Nhưng quản lý nó như thế nào, vận hành nó như thế nào để Việt Nam chiếm ưu thế hơn, thì đấy là vấn đề được đặt ra”, Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đưa ra suy nghĩ.


Góp lời về vấn đề này, một chuyên gia về chính sách công đã nghỉ hưu nói với VOA từ Hà Nội với điều kiện được ẩn danh: “Tất nhiên 2 tuyến đường sắt cũng đem lại chút lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam khi giao thông thuận tiện hơn. Nhưng đó là thứ lợi ích nhỏ nhoi rơi vãi”.


“Nó có mang lại cái lợi cho Việt Nam, có thể tăng cường buôn bán một ít, nhưng mà lợi thì ít mà hại thì nhiều hơn”, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một nhà phản biện nổi tiếng ở Việt Nam, nêu ý kiến.


Theo ông, không thể loại trừ nguy cơ tài chính nếu Việt Nam vay mượn Trung Quốc để làm 2 dự án.


Tôi nghĩ là nó bất lợi hơn là có lợi. Tôi nghĩ trường hợp Việt Nam cũng như những nước đang nghèo khó khác nếu đi vào con đường này là dính bẫy nợ của Trung Quốc. Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến ở Mỹ


Ông Cống dẫn ra trường hợp một số nước bị sa lầy trong nợ nần với Trung Quốc, đã được báo chí quốc tế đưa tin: “Bẫy nợ Trung Quốc đã dàn ra, nhiều nước đã mắc rồi, như Sri Lanka, mấy nước châu Á, châu Phi đã mắc rồi. Khả năng của Việt Nam mắc bẫy nợ của Trung Quốc là lớn”.


Từ Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến có chung quan điểm với Giáo sư Nguyễn Đình Cống: “Tôi nghĩ là nó bất lợi hơn là có lợi. Tôi nghĩ trường hợp Việt Nam cũng như những nước đang nghèo khó khác nếu đi vào con đường này là dính bẫy nợ của Trung Quốc”.


Ông Tiến, với bề dày kinh nghiệm nhiều thập niên trong lĩnh vực công nghệ thông tin và giờ đã nghỉ hưu, cũng tỏ ý băn khoăn liệu 2 tuyến đường có đủ hành khách và khách hàng vận tải sử dụng không, nếu không sẽ lỗ.


“Trong nhiều trường hợp các nước khác mua đường sắt của Trung Quốc phải vay mượn người ta, kỹ thuật người ta nắm. Rốt cuộc, về lâu về dài anh sẽ dính vào bẫy nợ”, ông Tiến nói.


image010Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội dài 13 km.


Ám ảnh từ Cát Linh-Hà Đông


Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, ông Tiến vẫn theo dõi và nắm thông tin về dự án đường sắt đô thị tai tiếng Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội do Trung Quốc cho vay và xây dựng.


Mỗi lần tôi nhìn thấy đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, tôi cảm thấy rùng mình và đặt câu hỏi ‘Tại sao nó lại như vậy?’ Việt Nam đã nghèo lại đầu tư theo kiểu đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì Việt Nam chẳng có cái lợi gì ở đây cả. Giáo sư Đặng Hùng Võ


Ông xem đó như là điềm báo cho 2 tuyến đường sắt trong tương lai: “Mình đã thấy đường ngắn thôi, Cát Linh-Hà Đông đấy, đội vốn lên gấp đôi, nó kéo dài vô cùng. Hai dự án này tôi nghĩ cũng đi theo số phận như thế thôi”.


“Mỗi lần tôi nhìn thấy đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, tôi cảm thấy rùng mình và đặt câu hỏi ‘Tại sao nó lại như vậy?’ Việt Nam đã nghèo lại đầu tư theo kiểu đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì Việt Nam chẳng có cái lợi gì ở đây cả. Thì đấy chính là cái đặt ra trong đầu mỗi khi ta nhìn vào việc hợp tác rộng hơn về đường sắt”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói về tuyến tàu chỉ dài hơn 13 km.


Làm sao để 2 tuyến đường sắt dài hàng trăm kilomet đi qua những địa hình phức tạp sẽ có hiệu quả và mang lại lợi ích cho Việt Nam, tránh vết xe đổ của Cát Linh-Hà Đông, là câu hỏi lớn đặt ra với Bộ Giao thông-Vận tải và chính phủ Việt Nam, ông Võ lưu ý.


Với kinh nghiệm từng là Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, ông Võ gợi ý về điều cần làm để tránh thiệt hại, thất thoát: “Thứ nhất, kiểm soát việc chi tiêu đồng tiền thực sự hợp lý để Việt Nam không bị thua thiệt trong triển khai dự án lớn, giá trị cao. Hai tuyến đường sắt Lạng Sơn, Lào Cai thì tôi cho rằng Việt Nam phải đưa ra chủ trương chung là phải kết hợp cả hành khách lẫn hàng hóa”.


Ông Gary Bowerman, Giám đốc hãng Check-in Asia chuyên phân tích và marketing chiến lược về du lịch, hoạt động ở Hong Kong, Thượng Hải và Kuala Lumpur, đưa ra cảnh báo với VOA rằng “Các dự án hạ tầng đường sắt cao tốc cực kỳ tốn kém, gặp nhiều vấn đề về quyền sử dụng đất và môi trường, cũng như thường bị đội vốn và chậm tiến độ. Ngay cả khi những dự án này được duyệt, sẽ phải mất nhiều năm mới có khách đi tàu”.


Vị chuyên gia về chính sách công không muốn nêu tên ở Hà Nội đưa ra quan sát có tính sâu xa rằng “Quyền lợi lớn nhất vẫn rơi vào tay Trung Cộng khi họ sử dụng Việt Nam như là một cửa ngõ giao thương với thế giới để tiết giảm chi phí lưu thông hàng hóa trong hoàn cảnh hàng hóa Trung Quốc bị thế giới chèn ép mà các nước lại ưu ái hơn với Việt Nam”.


Từ góc nhìn của mình, chuyên gia này bình luận rằng “việc hợp tác với Trung Cộng để làm đường trên lãnh thổ Việt Nam là phải trả một giá đắt cả về an ninh quốc gia lẫn chi phí tài chính” nhưng không đi vào chi tiết.


Vẫn vị chuyên gia đưa ra quan điểm cá nhân rằng 2 tuyến đường sắt trong dự định cũng như cao tốc Bắc-Nam đang xây dựng và cao tốc Hà Nội-Sơn La đã hoàn thành “thực chất đều nằm trong chiến lược Vành đai-Con đường của nhà cầm quyền Bắc Kinh”.


Nhu cầu về sự minh bạch


Theo quan sát của VOA, chính phủ Việt Nam loan báo ý định xây 2 tuyến đường sắt hiện đại ở thời điểm được 4 tháng kể từ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam.


Trong chuyến thăm, một kết quả nổi bật là hai nước tuyên bố cùng xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai”, mà giới phân tích cho rằng chính là “cộng đồng chung vận mệnh” với tên gọi khác. Bên cạnh đó, hai nước ký kết 2 bản ghi nhớ về “tăng cường hợp tác đường sắt” giữa hai bên và “tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc”.


Báo chí Việt Nam hôm 10/4 dẫn thông tin từ chính phủ chỉ nói rằng 2 tuyến đường sắt tốc độ cao đi đến Lào Cai và Lạng Sơn kết nối với Trung Quốc được "ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030" nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết, dẫn đến những thắc mắc, nghi ngại trong số các nhà trí thức mà VOA tham khảo ý kiến.


image011Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội đăng infographic về đề án đường sắt cao tốc của Việt Nam, tháng 11/2023.


“Tôi nhớ những dự án như thế này đã bị quốc hội Việt Nam phản đối, thế rồi bây giờ lại đưa ra, thậm chí tôi chưa hiểu họ có đưa ra quốc hội hay không, nhưng rõ ràng có gì đó khuất tất ở đây nếu không đưa ra. Nếu cứ tự tuyên bố như thế mà không có bước nào công khai cả thì rất khuất tất”, Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến nói. Ông cho rằng dư luận, đặc biệt là các đại biểu quốc hội, phải lên tiếng.


Phải là thảo luận trong toàn dân, đặc biệt là để giới trí thức phản biện. Việc này có thể là vội vàng và lợi bất cập hại.


Giáo sư Nguyễn Đình Cống


Theo tìm hiểu của VOA, quốc hội Việt Nam đến nay chưa phê duyệt chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và nối Hà Nội với Trung Quốc.


“Nếu đưa ra quốc hội thảo luận thì quốc hội cũng tán thành thôi tại vì quốc hội Việt Nam là nơi không đáng tin, sớm muộn người ta cũng tán thành. Phải là thảo luận trong toàn dân, đặc biệt là để giới trí thức phản biện. Việc này có thể là vội vàng và lợi bất cập hại”, Giáo sư Nguyễn Đình Cống tỏ ý bi quan.


Đưa tin về 2 dự án đường sắt tốc độ cao nối Hà Nội với các địa phương Trung Quốc, một số hãng tin nước ngoài như Reuters, CNN… xem đó là một dấu hiệu nữa cho thấy quan hệ ấm lên giữa hai nước láng giềng cộng sản, bất chấp họ có những tranh chấp chưa thể hóa giải ở Biển Đông.


Xét bối cảnh hồi tháng 12 năm ngoái, Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố cùng xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai”, Giáo sư Cống phán đoán rằng việc chính phủ Việt Nam công bố về 2 tuyến đường sắt có thể là một bước vội vàng có liên quan. “Có thể họ muốn thể hiện lòng trung thành, tận tụy với Tàu”, ông nói.


Trên bình diện địa-chính trị, Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến cho rằng nếu Việt Nam “ngày càng sa lầy” vào “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc sẽ không tốt cho Việt Nam: “Nước Việt Nam cần phải tiến về phía Tây phương thay vì dính dáng đến Trung Quốc, càng nhiều càng bất lợi. Cần phải xa Trung Quốc, càng xa càng tốt”.


Một phân tích của hãng tin Mỹ AP hồi tháng 5/2023 cho thấy hàng chục quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất - bao gồm cả Pakistan, Kenya, Zambia, Lào, Mông Cổ và Sri Lanka - cũng phải đối mặt với bất ổn kinh tế và thậm chí bị sụp đổ dưới gánh nặng nợ nần hàng trăm tỷ đô la tiền vay mượn.


Để trả nợ, họ mất đi một lượng tiền lớn chưa từng có từ thu thuế mà lẽ ra cần phải dùng để chi cho trường học, cấp điện, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như bị vắt kiệt dự trữ ngoại tệ để trả lãi cho các khoản vay.


Các quốc gia trong phân tích của AP có tới 50% khoản vay nước ngoài từ Trung Quốc và hầu hết đều dành hơn 1/3 lợi tức của chính phủ để trả nợ nước ngoài. Hai trong số đó - Zambia và Sri Lanka - đã vỡ nợ, thậm chí không thể trả lãi cho các khoản vay cho việc xây dựng cảng, hầm mỏ và nhà máy điện.


(Bài viết có sự đóng góp của phóng viên An Hải.)