Ván bài Metro: Bành trướng đất vàng, ôm tiền ra đi
“Kinh tế” 16/08/2014Bài học từ Metro bán hết để ôm cục tiền lớn ra đi đã để lại nhiều nỗi lo trước sự xâu xé của đại gia nước ngoài và sự yếu thế của DN Việt trước các ông lớn
Hạ bài: 900 triệu đô
Ngày 7/8, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã ký kết thỏa thuận mua lại Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam với giá gần 900 triệu USD (tương đương khoảng 18.000 tỷ đồng).
Đại gia Đức Metro rút khỏi bán lẻ Việt Nam với túi tiền khổng lồ nhưng để lại một sự thất vọng ngày càng lộ ra và nghi vấn chưa bao giờ được làm rõ.
|
Metro liên tục bành trướng và có hàng loạt BĐS đắc địa. |
Vào Việt Nam từ đầu năm 2002 nhưng cho đến trước khi bán cho BJC, Metro hầu như chỉ biết báo lỗ và trong cả quá trình hoạt động không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Bộ Tài chính.
Trái ngược với tình trạng thua lỗ, Metro bị nghi ngờ có khuất tất trong hoạt động bởi vẫn không ngừng mở rộng thị trường với số trung tâm dự kiến ban đầu chỉ là 6 đã leo lên tới 19 cái trên phạm vi toàn quốc. Đi kèm theo đó là thị phần cũng được mở rộng không ngừng lên tới cả chục nghìn tỷ đồng/năm.
Không chỉ dừng ở đó, nhiều người còn lo ngại Metro thậm chí có thể còn tìm cách trốn tránh, lách đóng thuế sau thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) nói trên bằng cách hạch toán đầu tư lớn, sát với số tiền cả tỷ USD thu về.
Một điều cũng đáng lo ngại là hậu quả mà Metro bán hệ thống phân phối tại Việt Nam cho một ông lớn ở Đông Nam Á là BJC. Theo đó, nhiều doanh nghiệp nội cung cấp hàng hóa cho Metro có thể phải tìm nguồn tiêu thu khác nếu ông chủ mới người Thái không ưu ái hàng Việt mà lựa chọn đưa hàng Thái vào hệ thống phân phối vừa mua lại này.
Chuyện doanh nghiệp mua bán thâu tóm, cạnh tranh với nhau, phân phối loại hàng hóa nào là dựa trên cung cầu, dựa trên ý chí chủ quan của các ông chủ. Tuy nhiên, trong thương vụ Metro, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Liệu có khuất tất gì đằng sau vụ mua bán một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất bại mà có giá cả tỷ USD như này không?.
Và Metro, người ta tiếp tục đặt câu hỏi với hàng loạt trường hợp tương tự đã và sẽ xảy ra với các ông lớn ngoại ở Việt Nam mà các nhà quản lý dường như đang bế tắc.
Trên thực tế, Berli Jucker của ông chủ người Thái gốc Hoa cũng đã thất bại khi định mua hệ thống phân phối của Metro tại Việt Nam với giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, khi mức giá được đưa ra lên tới 900 triệu USD thì BJC đã nhận được cái gật đầu đồng ý.
Chi tiết hợp đồng M&A này không được công bố, nhưng rất nhiều người cho rằng, đại gia BJC có lẽ cũng sẽ nhanh chóng đổi tên hệ thống phân phối này giống như đã đổi chuỗi bán lẻ Family Mart Việt Nam thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC.
Ngã ngửa: 12 năm thâu tóm đất vàng
Nhiều người cho rằng giá trị của thương vụ M&A này là từ thương hiệu của Metro. Điều này có lẽ cũng phần nào đúng bởi dường như công nghệ bán buôn của Metro ngày càng yếu thế trong cạnh tranh vì sự lạ lẫm và không trúng với văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Số tiền đầu tư cho nhà xưởng bằng tôn thép và hệ thống làm lạnh cùng hệ thống quản lý… có lẽ không thấp thám gì đối với con số thu về nói trên.
Điều còn lại, giá trị lớn nhất được cho là nằm ở các trung tâm phân phối ở vị trí đắc địa và bất động sản liên quan mà Metro âm thầm ồ ạt nắm giữ được trong vài năm gần đây. Cùng với đó là một thị phần tăng trưởng đều với doanh tỷ chục ngàn tỷ mỗi năm.
|
Trước các ông lớn ngoại như Metro, DN Việt thất thế hoàn toàn. |
Điểm đáng chú ý nhất ở hệ thống Metro tại Việt Nam có lẽ chính ở chuỗi 19 trung tâm mua sắm, mỗi cái lớn ngang ngửa một sân vận động quốc gia nằm ở các trục đường lớn hướng thắng vào trung tâm các tỉnh, thành phố. Bên cạnh hệ thống nhà kho còn có bất động sản rộng lớn có thể làm bãi đỗ xe cả nghìn chiếc và những khu đất trống như công viên.
Có lẽ đây chính là giá trị lớn nhất mà ông chủ người Thái gốc Hoa mong muốn thâu tóm trong bối cảnh chỉ một vài năm nữa thôi là các nước ASEAN phải mở tung hết các cánh cửa nhập khẩu để cho hàng hóa tự do lưu thông trong nội khối. Bất cứ hàng hóa nào được dán mác “ASEAN” hoặc có tỷ lệ nhất định nào đó sẽ thâm nhập Việt Nam một cách dễ dàng.
Có thể nói, tầm nhìn hoặc tài xoay sở của Metro thật đáng nể, không được cái này thì dược cái kia. Nếu chiếm được thị trường 90 triệu dân thì không còn gì bằng nhưng bán lại có lẽ cũng không phải là một bài toán đầu tư tệ.
Như thế chưa đủ, cũng phải nói thêm rằng, ông chủ mới của hệ thống đại siêu thị Metro người Thái gốc Hoa cũng là người đang có những bước đi táo bạo, tấn công vào thị trường Việt Nam. Vào thời điểm hiện tại, đây chỉ thuần túy là các cuộc mua bán thâu tóm nhưng chỉ vài năm nữa thôi có thể sẽ có rất nhiều thay đổi.
Mỗi doanh nghiệp có một cách tính toán kinh doanh khác nhau nhưng trong cuộc đối đầu nội – ngoại trên thi trường bán lẻ, ngoài yếu thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm thì khó để DN nội có thể theo kịp các doanh nghiệp phân phối ngoại khi họ luôn là người đi trước và ôm được những mảnh đất lớn và đắc địa.
Thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn còn khá tiềm năng do một tỷ lệ khá lớn vẫn là kênh bán lẻ truyền thống. Vẫn còn thời gian để các doanh nghiệp nội thoát khỏi sự lấn lướt của doanh nghiệp ngoại nhưng nhìn lại ván bài 12 năm của Metro và cuộc chơi mới của Berli Jucker thì DN nội còn chịu nhiều thiệt thòi ngoài chuyện vốn, kinh nghiệm, công nghệ…
Mạnh Hà
“Kinh tế” 15/08/2014 01:00 GMT+7
Ngã ngửa Metro: 900 triệu đô sau 12 năm lỗ nặng
Liệu Metro có ra đi tay không sau 12 năm kinh doanh ở Việt Nam với con số doanh thu liên tục thua lỗ và sang tay cho ông chủ người Thái?
12 năm đầy nghi vấn
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Metro đã hoạt động ở Việt Nam hơn chục năm nay mà năm nào cũng báo lỗ, thì đây là một dấu hiệu không bình thường và khó hiểu. Một điểm rất nhiều người quan tâm: tại sao thua lỗ liên tục và kéo dài triền miên như vậy mà tập đoàn Metro lại không có biến chuyển gì trong quản lý kinh doanh?
11/12 năm hoạt động ở Việt Nam, Metro Cash & Carry liên tục báo lỗ với lũy kế âm tới gần 600 tỷ đồng. Đại gia phân phối tên Đức này lập kỷ lục là một trong số những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thua lỗ lớn và dài nhất tại Việt Nam.
Cục Thuế TP.HCM đã đưa ra những con số thống kê về doanh thu, thu nhập của Metro. Dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lỗ triền miên. Cụ thể doanh thu năm 2007, 2008 của Metro lần lượt là hơn 6.607 tỷ đồng và 8.175 tỷ đồng nhưng các khoản lỗ lần lượt là 157 tỷ đồng và 190 tỷ đồng. Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỷ đồng, số lỗ cũng cao ngất ngưởng 160 tỷ đồng. Năm 2010 Metro có lãi nhưng đến năm 2011, công ty này lại về xu hướng quen thuộc khi khai lỗ 89 tỷ đồng.
|
Metro liên tục thua lỗ khi kinh doanh tại VN |
Do nhiều năm thua lỗ, đến năm 2012, Metro đã lỗ lũy kế 598 tỷ đồng. Sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 công ty này còn lỗ 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Vì vậy, trong suốt thời gian hoạt động, Metro chưa nộp bất cứ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài, đại diện của Metro đã cho rằng do phải tập trung mở rộng đầu tư.
Cụ thể là, Metro phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn như đầu tư cho trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa, quản lý… mới có thể xây dựng được một trung tâm bán sỉ, con số đó tương đương với khoảng 300 - 400 tỷ đồng.
Mặt khác cũng cần đặt vấn đề, tại sao thua lỗ kéo dài mà Metro vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới ra gấp hơn 2 lần dự kiến? Dù thua lỗ, Metro vẫn không ngừng mở rộng thị trường. Thay vì mở 6 trung tâm như kế hoạch trước khi vào Việt Nam, số siêu thị của Metro đã lên tới 19, cùng gần 4.000 lao động.
Khi khai trương một trung tâm tại Hà Nội cách đây hơn một năm, đại diện Metro cho hay, trong vòng 3-5 năm tới, sẽ phấn đấu để có từ 30-35 trung tâm tại đây. Vị này cũng nhận định lạc quan về thị trường Việt Nam nên vẫn muốn tiếp tục đầu tư.
Âm thầm ôm tiền tỷ ra đi
Đã có không ít chia sẻ về sự thật thất bại khó tránh của Metro khi chưa tiếp cận trúng văn hóa tiêu dùng của người Việt. Doanh số của Metro Việt Nam không ấn tượng, thấp hơn 1,25 lần so với mức bình quân của Metro. Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường kém phát triển nhất của Metro.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Metro không thất bại bởi họ đã gặt hái được nhiều thứ khác. Đại gia bán sỉ hàng đầu trên thế giới này rời Việt Nam với gần 900 triệu USD (tương đương khoảng 18.000 tỷ đồng) sau khi bán đứt chuỗi 19 đại siêu thị của mình cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan.
|
Metro Việt Nam chính thức được mua lại với giá 879 triệu USD |
Xét ở góc độ nào đó, Metro đã thua trên mặt trận phân phối hàng hóa ở Việt Nam, thua một số đại gia bán lẻ ngoại khác và chính thức từ bỏ thị trường 90 triệu dân đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, nhìn vào “núi tiền” mà Metro mang về thì có lẽ, doanh nghiệp gốc Âu này đã thắng lợi. Tỷ phú Thái chi một số tiền lớn như vậy để mua lại thì chứng tỏ tiềm năng của doanh nghiệp không chỉ đơn giản là nhìn vào con số lợi nhuận.
Việc Metro “dứt áo ra đi” cùng với món tiền to, trong khi chưa thực hiện hết nghĩa vụ đóng thuế cho Việt Nam, cũng là điểm nhiều nghi vấn đang bị soi xét.
Vào Việt Nam với một khoản đầu tư vài chục triệu USD và hạn chế đầu tư số lượng ít các cơ sở bán lẻ. Nhưng rồi Metro đã bành trướng lến đến 19 trung tâm phân phối dù liên tục thua lỗ và gần như không có đóng góp nào đáng kể cho nguồn thu ngân sách.
Và cuối cùng, Metro bán mình để thu về khoản tiền khổng lồ gần 900 triệu USD để thực hiện những toan tính mới. Đến lúc này, rất nhiều người mới ngã ngửa với ông lớn này và giật mình nhìn lại không ít đại gia ngoại đang liên tục thua lỗ nhưng không ngừng bánh trường trên đất Việt Nam./
Trung Nguyên