Nhà báo Bùi Tín: 'Hoa Xuyên Tuyết chính là khát vọng tự do'

12 Tháng Tám 20189:09 CH(Xem: 9113)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 13 AUG 2018


Nhà báo Bùi Tín: 'Hoa Xuyên Tuyết chính là khát vọng tự do'


11/8/ 2018


image013Bản quyền hình ảnh BBC News Tiếng Việt Image caption Nhà báo Bùi Tín qua đời hôm 11/08/2018 tại Paris, Pháp, hưởng thọ 91 tuổi


Hoa xuyên tuyết là loài hoa 'mỏng manh', nhưng 'mạnh mẽ' và 'kỳ diệu', khiến người ta có thể tưởng tượng, liên hệ đến khát vọng, ước muốn tự do của dân tộc mình vươn lên khỏi mọi sự đàn áp, nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Bùi Tín, người vừa qua đời hôm 11/8/2018 ở Pháp, hưởng thọ 91 tuổi, chia sẻ với BBC vài tháng trước khi ông mất từ Paris.


'Mặt thật' trong khi ấy là sự chia sẻ 'một cách chân thành', 'với tinh thần phê bình' của một người cựu Đảng viên từng sống dưới chế độ Cộng sản ở Việt Nam gần hai thập niên rưỡi, cựu Đại tá quân đội Bắc Việt, cựu Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam, chia sẻ thêm với BBC Tiếng Việt trong một phỏng vấn hồi đầu tháng 02/2018.


Cái sức mạnh rất là mỏng manh nhưng mạnh mẽ và kỳ diệu, thì tôi tưởng tượng đấy là ước muốn khát vọng tự do và dân chủ, nhất định là qua các bản tuyết dày là chế độ đàn áp, nó sẽ mọc lên mặt trờNhà báo Bùi Tín


Trước hết, nhà báo kỳ cựu nhìn lại một số tác phẩm ông viết từ khi còn ở Việt Nam, nhiều năm trước khi ông bất ngờ ở lại và tị nạn chính trị tại Pháp vào tháng 9/1990:


"Ở trong nước, tôi vừa viết báo và vừa viết sách, ở trong nước, tôi có nhiều cuốn sách như là cuốn '60 ngày ở Sài Gòn', tôi kể lại thời gian 60 ngày tôi vào Sài Gòn tham gia Ủy ban Liên hiệp Đình chiến để thực hiện Hiệp định Paris.


"Trong nước, tôi có viết nhiều cuốn sách về các chiến trường, nhưng từ khi ra ngoài thì trước hết tôi có viết cuốn 'Hoa Xuyên Tuyết'. Cuốn ấy xuất bản đến 5 lần và bán chạy hết cả rồi.


"Trong cuốn 'Hoa Xuyên Tuyết', tôi nói lên khát vọng tự do, bởi vì sang đây vào mùa lạnh, tôi mới thấy được tình hình là có bông hoa 'Perce-neige', tức là xuyên ra những làn tuyết dày, trời giá lạnh để mà ngoi lên mặt trời.


'Tướng Giáp đúng là con người có tài'


"Cái sức mạnh rất là mỏng manh nhưng mạnh mẽ và kỳ diệu, thì tôi tưởng tượng đấy là ước muốn khát vọng tự do và dân chủ, nhất định là qua các bản tuyết dày là chế độ đàn áp, nó sẽ mọc lên mặt trời.


"Rất đẹp, những hoa trắng muốt, cho nên tôi lấy tít đó là Hoa Xuyên Tuyết, bán sách rất là chạy."


Về một tác phẩm khác cũng được nhiều người biết đến của ông, cuốn 'Mặt Thật', nhà báo Bùi Tín nói tiếp với BBC:


"Cuốn sách thứ hai bằng tiếng Việt là cuốn 'Mặt Thật', tôi vạch rõ thêm tất cả những cái giả dối của Đảng một cách chân thành với tinh thần phê bình của một người Đảng viên cũ đã từng sống dưới chế độ 24 năm.


Ngưòi ta có thể đồng thuận hay không đồng ý với ông trên ít hay nhiều phương diện, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp hữu hiệu, đáng kể của ông. Tiếng nói của ông hữu hiệu bởi vì được nghe. Được nghe bởi vì cất lên từ trong lòng chế độNhà báo, blogger Từ Thức


"Cuốn sách đó cũng hết nhẵn rồi, còn về sách tiếng nước ngoài, tôi có viết cuốn này đáng kể nhất là cuốn 'From Enermy to Friend' (Từ Thù Đến Bạn), nói về cuộc đời tôi và nói về cuộc đấu tranh dân chủ, một cuốn nữa cũng bằng tiếng Anh là cuốn kỷ niệm thời kỳ còn trẻ và ở trong quân đội 'Following Ho Chi Minh' (Đi theo Hồ Chí Minh), London xuất bản.


"Còn tiếng Pháp, thì tiếng sách chính là 'Vietnam - Face Cachée du Régime' (Việt Nam - Bộ mặt Che dấu của Chế độ), trong này có rất nhiều ảnh tư liệu...", nhà báo Bùi Tín nói với BBC Tiếng Việt hôm 02/2/2018 từ Paris.


Ai có thể phủ nhận?


Từ Paris, một số nguồn tin cho BBC Tiếng Việt biết bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp cũng như ở nhiều nơi khác tại hải ngoại, đang chờ đợi ngày giờ chính thức, địa điểm tổ chức tang lễ của cố nhà báo và nhà bất đồng chính kiến.


Trong lúc đó, mạng xã hội và các nguồn tiếp tục xuất hiện các chia sẻ, cảm tưởng, chia buồn sau cái chết của nhà báo Bùi Tín. Từ thủ đô nước Pháp, nhà báo, blogger Từ Thức viết cho BBC Tiếng Việt:


"Dù đồng thuận hay bất đồng ý kiến về ít hay nhiều điểm với nhà báo Bùi Tín, không ai có thể phủ nhận điều này: Ông đã đóng góp rất nhiều cho việc lật mặt nạ chế độ, tố cáo tội ác của cộng sản đối với dân tộc. Trong suốt thới gian sống ở hải ngoại, ông đã không ngừng hoạt động, viết sách báo lên án tập đoàn cầm quyền, tố cáo độc tài, đòi tự do, dân chủ.


Ông Bùi Tín lý giải các góc độ trận Tết Mậu Thân


"Ngưòi ta có thể đồng thuận hay không đồng ý với ông trên ít hay nhiều phương diện, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp hữu hiệu, đáng kể của ông. Tiếng nói của ông hữu hiệu bởi vì được nghe. Được nghe bởi vì cất lên từ trong lòng chế độ.


"Andreï Sakharov là một thí dụ điển hình cho thấy không gì làm lung lay chế độ bằng chính tiếng nói phản kháng của những người đã từng là sản phẩm, hay hơn nữa, là thành phần ưu tú của chế độ. Không ai hiểu chế độ hơn họ. Không ai biết rõ khuyết điểm, chỗ yếu của chế độ hơn họ. Tiếng nói của họ vang xa hơn, được tin hơn, nhất là tại quốc nội.


"Phủ nhận điều đó, từ chối sự đóng góp cần thiết, quý báu đó, với lý do trước kia họ đã đứng trong hàng ngũ cộng sản, là tự trói tay mình, không muốn phong trào dân chủ lên cao hơn, trải rộng hơn.


"Công cuộc xây dựng lại đất nước cần bàn tay của mọi người, đến từ những phương tròi khác biệt. Chỉ cần một mẫu số chung: chối bỏ độc tài để dành quyền sống cho dân tộc. Trong tinh thần đó, không ai có thể phủ nhận những viên gạch lót đường cho nền móng dân chủ còn phôi thai ở Việt Nam của nhà báo Bùi Tín.


"Sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho những người muốn khai tử chế độ độc tài trên quê hương, trong một giai đoạn đen tối nhất của đất nước."


Ông lớn tiếng tỏ ra bất phục chế độ tại Hà nội, tôi thấy ông là một nhân vật trí thức, hiểu biết nhiều và có lẽ cũng miệt mài khắc khoải quá nhiều về vận mệnh của dân tộcNhà báo Đỗ Văn


Từ London, Anh quốc, nhà báo Đỗ Văn, cựu Biên tập viên BBC Việt ngữ viết:


"Nói cho cùng, cuộc đời của cựu Đại Tá Bùi Tín nếu như một số người mà hơn hai chục năm qua khi phán xét về ông vẫn thường gọi là "hiện tượng Bùi Tín" kể cũng không quá đáng. Thực hư, thiết tưởng hành vi của ông tối thiểu, theo thiển ý, cũng là với chủ ý của ông, đó là làm thức tỉnh tới lương tri của những người cộng sản tại Việt Nam.


"Bên ngoài Việt Nam, ông có danh xưng là Nhà báo Bùi Tín. Theo tôi, danh vị này không đúng vì những bài viết của ông vẫn dưới ngòi bút với quan niệm nhằm sách động lương tri về mặt chính tri.


"Tôi được biết ông hơn ba chục năm qua, kể từ lần đầu tiếp xúc để phỏng vấn khi ông còn là một người cộng sản trung kiên cho tới sau này sống ở hải ngoại, ông lớn tiếng tỏ ra bất phục chế độ tại Hà nội, tôi thấy ông là một nhân vật trí thức, hiểu biết nhiều và có lẽ cũng miệt mài khắc khoải quá nhiều về vận mệnh của dân tộc."


'Chỉ tiếc một điều'


Còn từ Thụy Sỹ, cựu Lãnh sự Việt Nam tại Geneve, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đặng Xương Hùng, người cũng là một nhà bất đồng và tị nạn chính trị, chia sẻ với BBC Việt ngữ từ Thụy Sỹ:


image012

Bản quyền hình ảnh BBC News Tiếng Việt Image caption Nhà báo Bùi Tín (trái) chia sẻ với BBC, nhìn lại cuộc đời và những đóng góp của ông trong cuộc phỏng vấn vào tháng 2/2018.


"Với tôi bác Bùi Tín là một tấm gương. Tấm gương dũng cảm kiên định với niềm tin của mình. Tôi đã chọn cách mà bác đã làm để thể hiện chính kiến của tôi. Niềm tin của bác nhất định sẽ thành hiện thực. Chúc bác yên nghỉ ngàn thu.


"Hành động phản kháng của bác Bùi Tín năm 1990, nằm trong bối cảnh: hệ thống xã hội chủ nghĩa đang bế tắc, chủ thuyết Mác Lê Nin bộc lộ là chủ nghĩa hoang tưởng, Việt Nam đổi mới nhưng nửa chừng.


"Đã xuất hiện những nhân vật kêu gọi cho sự đổi mới chính trị như Trần Xuân Bách, Trần Quang Cơ. Tuy nhiên, thái độ của những nhà lãnh đạo VN lúc bấy giờ là đàn áp và thẳng tay trừng trị những nhà đòi nới lõng dân chủ, kiên quyết giữ chủ thuyết Mác Lê Nin. Chính vì thế để chọn cách thể hiện chính kiến của mình, nhà báo Bùi Tín đã chọn cho mình cách xin tị nạn chính trị tại Pháp.


"Báo chính chính thống của đảng lúc đó đã đối phó khá mạnh. Quy cho nhà báo Bùi Tín là tên phản bội. Một mặt, định hướng dư luận về sự kiện, mặt khác, cũng lo ngại một sự lây lan tư tưởng trong nội bộ.'


Bộ Ngoại giao bên ngoài vẫn phải tuân thủ theo tiếng nói chính thống, nhưng bản thân tôi nghe trong nội bộ, hầu như không có ai nói «hỗn» về bác Bùi Tín. Trong lòng, họ còn nghĩ đây lại thêm một tiếng chuông, mong cho lãnh đạo cao cấp cảnh tỉnhCựu lãnh sự Đặng Xương Hùng


Trả lời BBC thêm về phản ứng bên trong nội bộ của Việt Nam, trong đó có ngành Ngoại giao Việt Nam, từ lúc biết tin nhà báo Bùi Tín 'tị nạn chính trị' ở Pháp hồi tháng 9/1990, ông Đặng Xương Hùng nói tiếp:


"Những khó khăn về kính tế, quân sự lúc bấy giờ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của phần đông quan chức nhà nước. Bộ Ngoại giao bên ngoài vẫn phải tuân thủ theo tiếng nói chính thống, nhưng bản thân tôi nghe trong nội bộ, hầu như không có ai nói «hỗn» về bác Bùi Tín. Trong lòng, họ còn nghĩ đây lại thêm một tiếng chuông, mong cho lãnh đạo cao cấp cảnh tỉnh.


"Theo tôi, đóng góp lớn nhất của nhà báo Bùi Tín là một quan chức cấp cao trong hệ thống đã thể hiện chính kiến, chống lại đường lối lãnh đạo sai lầm của đảng cộng sản Việt Nam, là người đi đầu trong việc chỉ ra rằng đảng cộng sản VN đã phản bội là dân tộc VN. Chỉ tiếc là thời điểm nhà báo mạng xã hội chưa mạnh, sự lan truyền của nó còn bị hạn chế, hơn nữa phía chính quyền ra sức bưng bít và lấp liếm giảm nhẹ tầm lây lan của nó."


"Chỉ tiếc một điều là bác Bùi Tín đã không được hưởng những thành quả đóng góp của mình!"


'Trải vinh quang, cay đắng'


Từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online, chia sẻ trên trang FB cá nhân một status mà bà đồng ý để BBC Tiếng Việt sử dụng và giới thiệu, bà viết:


"Bác Bùi Tín đã ra đi đêm qua tại Paris sau 3 tuần nằm viện. Bác là nhà báo viết nhiều, viết nhanh và viết khỏe nhất mà mình biết. Bài báo cuối cùng của bác được gửi ra từ bệnh viện hôm 27/7/2018. Bác viết tay rồi được một thân hữu chép lại và gửi tới cho một số cơ quan truyền thông hải ngoại.


image014

Bản quyền hình ảnh Tư liệu Việt Nam/Bùi Tín Image caption Nhà báo Bùi Tín (hàng đầu, đội mũ nồi, thứ hai từ phải sang) trong một sự kiện báo chí truyền thông khi còn ở Việt Nam.


"Ở tuổi 80 rồi 90, nhưng bác nắm bắt tình hình rất nhanh, nhận định sắc bén mọi vấn đề, rất minh mẫn. Từng vài lần dự những cuộc họp hay hội nghị có bác, thấy bác ngồi, gật gù, lim dim, tưởng như rất lơ đãng, nhưng vẫn theo dõi mọi diễn biến, mọi câu nói và bật lại ngay lập tức khi cần.


"Cuộc đời của bác trải dài gần một thế kỉ với vinh quang, cay đắng, với lý tưởng cộng sản cao đẹp rồi chán ghét và từ bỏ lý tưởng đó, với khát vọng dân chủ chưa bao giờ đạt được; giống như số phận của dân tộc Việt Nam, giống như khát vọng của rất nhiều người khác, dù thầm kín hay công khai thể hiện nó.


"Bác đã sống một cuộc đời trọn vẹn, hết mình. Viết hết mình, sống hết mình. Những gì dang dở rồi cũng có những người khác thực hiện nó. Ước mơ của bác là ước mơ của nhiều người. Lịch sử phát triển của loài người cho thấy, không gì là không thể. Bác hãy yên giấc ngàn thu. Vĩnh biệt bác."


Bác đã sống một cuộc đời trọn vẹn, hết mình. Viết hết mình, sống hết mình. Những gì dang dở rồi cũng có những người khác thực hiện nó. Ước mơ của bác là ước mơ của nhiều người. Lịch sử phát triển của loài người cho thấy, không gì là không thể. Bác hãy yên giấc ngàn thuNhà báo Mạc Việt Hồng


Từ Gò Công, Tiền Giang, nhà báo tự do, blogger Ngô Nhật Đăng, người có tuổi thơ ở đường Lý Nam Đế, được mệnh danh là 'phố sỹ quan' tại Hà Nội trước kia, chia sẻ với BBC về nhà báo Bùi Tín:


"Năm 1990, tin nhà báo Bùi Tín xin tị nạn chính trị tại Paris làm Hà Nội xôn xao. Tôi hỏi bố tôi [nhà thơ Xuân Sách]: "Sao bác Tín với vị trí như thế mà lại bỏ đi hả bố?" Bố tôi chỉ nói: "Bác ấy là con cụ Bùi Bằng Đoàn."


"À ra vậy, tôi có thân với một kỹ sư là cháu ngoại cụ Bùi, gọi bác Tín là cậu ruột, biết cụ là một quan Thượng thư theo Việt Minh kháng chiến và cũng biết cụ được ông Hồ Chí Minh rất tôn trọng, luôn gọi là "Bùi công", nhưng cũng chính ông Hồ là người mở màn phát súng đấu tố cụ Bùi trong Hội nghị chỉnh huấn ở Việt Bắc.


"Hồi những năm 68, 69 khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc bọn nhóc chúng tôi được về Hà Nội từ nơi sơ tán. Những ngày nghỉ hè bọn tôi quậy phá lắm, nào bắn sấu, trộm nhãn, nhảy vào bể nước tắm vv…"địa bàn" là mấy cơ quan ở đầu phố Lý Nam Đế và Phan Đình Phùng nơi có tòa sọan báo Quân đội nhân dân mà bác Tín làm việc.


Bản quyền hình ảnh Tư liệu Việt Nam/Bùi Tín Image caption Nhà báo Bùi Tín (hàng đầu, đầu tiên từ trái sang) khi còn ở Việt Nam.


"Mấy chú mấy bác thì kệ, "bọn trẻ nghịch ngợm ấy mà", chúng tôi chỉ sợ hai người là bác Chính Hữu và bác Bùi Tín. Bác Chính Hữu mà bắt gặp là ăn bạt tai ngay, còn với bác Bùi Tín thì phải chạy thật nhanh không thì ăn roi tre của anh bộ đội đi cùng mỗi lần bác sang Lý Nam Đế hỏi cung tù binh Mỹ."


'Làm nhiệm vụ hỏi cung'


image015


Và nhà báo tự dô Ngô Nhật Đăng kể tiếp:


"Ngày ấy, có một số phi công Mỹ quan trọng không nhốt ở Hỏa Lò mà nhốt trong dãy xà-lim từ thời Pháp (để giam binh lính vô kỷ luật) phía sau phố Lý Nam Đế, trong đó có ông John McCain.


"Bác Tín làm nhiệm vụ hỏi cung, bọn tôi thường rủ nhau rình sau cửa sổ. Có lần bị bác chỉ mặt "Con bố Sách phải không? Liệu hồn cấm đi kể lung tung nghe chưa?" Ấn tượng của tôi về bác chỉ là một ông trung tá, luôn đeo cái xà-cột dài quá gối và bộ mặt lạnh lùng.


"Sau này được đọc "Hoa xuyên tuyết", "Mặt thật" của ông tôi mới ngộ ra, như một lần tôi được nghe lỏm mấy chú bác nói với nhau : "Phải cố bảo toàn mạng sống, tìm cơ hội nói ra những sự thật cho nhân dân được biết.


Sau này được đọc "Hoa xuyên tuyết", "Mặt thật" của ông tôi mới ngộ ra, như một lần tôi được nghe lỏm mấy chú bác nói với nhau : "Phải cố bảo toàn mạng sống, tìm cơ hội nói ra những sự thật cho nhân dân được biết. Nhà báo Ngô Nhật Đăng


"Nghe tin ông mất thấy ngậm ngùi, nhớ lá thư mấy năm trước ông gửi : "Cố lên cháu nhé!," nhà báo Ngô Nhật Đăng viết qua bút đàm với BBC.


Còn từ Leeds, Anh quốc, cựu đạo diễn truyền hình, nhà báo tự do, blogger Song Chi cũng chia sẻ trong dịp này:


"Tôi, một người miền Nam sinh sau đẻ muộn, may mắn biết nhà báo Bùi Tín không chỉ qua những bài báo thời sự chính trị sắc sảo, mà đã có dịp gặp ông dăm lần, khi thì tại nhà ông ở Paris, lúc tại một cuộc họp mặt dân chủ ở Đức… Cứ định sẽ lại qua Paris thăm ông và nhiều người quen khác, nhưng không kịp nữa rồi...


"Nhà báo Bùi Tín không chỉ là một nhân chứng mà còn là một "người trong cuộc", trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu chống Mỹ với tư cách người của "bên thắng trận". Ông đã chiến đấu trên hai mặt trận: cầm súng như một người lính và viết lách như một nhà báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hơn thế, là một phóng viên chiến trường, và sau này lại sử dụng ngòi bút để tố cáo chế độ cộng sản.


"Là một trong những người nhận ra bản chất của chế độ này khá sớm, ông xin tỵ nạn chính trị tại Pháp từ năm 1990 và kể từ đó trở thành một tiếng nói bất đồng chính kiến mạnh mẽ, tố cáo chế độ bao nhiêu năm nay."


'Tôi tin ông sẽ vui'


image016

Bản quyền hình ảnh Võ Thị Tường Vi Image caption Ông Bùi Tín lúc tham gia một cuộc Họp mặt Dân chủ ở Stuggart Đức hồi cuối tháng 6/2018


Và cựu đạo diễn truyền hình viết thêm:


"Những bài báo và những cuộc nói chuyện của ông nơi này nơi kia giúp cho nhiều người, nhất là giới trẻ, hiểu được sự thật khác với "cái gọi là sự thật" do nhà cầm quyền tuyên truyền về chế độ, về cuộc chiến tranh VN, về những nội tình bên trong hay một số nhân vật của đảng cộng sản cũng như con đường tương lai đúng đắn mà dân tộc này cần phải đi: con đường tự do, dân chủ.


"Ông viết lách không mệt mỏi, 80 rồi 90 tuổi nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, tháng nào cũng có vài bài trên blog VOA…


"Hơn những bài viết, cuộc đời của ông là một minh chứng thuyết phục được bao nhiêu người về một con người đã vì tin tưởng vào lý tưởng của đảng cộng sản mà đi theo và đã nhận ra sai lầm như thế nào.


Số phận của ông phản ánh bi kịch của khá nhiều người Việt Nam khi nhận ra lý tưởng, mục tiêu chiến đấu, con đường… mà mình đã đi là sai lầm, mình đã góp phần tạo nên chế độ này, nhưng đồng thời cuộc đời đó cũng tạo nên niềm cảm hứng cho nhiều người đứng trong hàng ngũ của ĐCSVN khi nghĩ đến chuyện dũng cảm từ bỏ mọi thứ để quay về với nhân dân…Cựu đạo diễn, nhà báo Song Chi


"Nhưng trong đời thường suốt bao nhiêu năm ông vẫn phải "lãnh đạn" của cả hai phía: sự tấn công, mạ lỵ từ phía nhà cầm quyền Việt Nam vì đối với họ, ông là "một kẻ phản bội", và từ phía những người chống cộng cực đoan không chịu bỏ qua việc ông từng là Đại tá Việt Cộng, từng góp phần vào cái "chiến thắng" của đảng cộng sản.


"Số phận của ông phản ánh bi kịch của khá nhiều người Việt Nam khi nhận ra cái lý tưởng, mục tiêu chiến đấu, con đường… mà mình đã đi là sai lầm, mình đã góp phần tạo nên chế độ... này, nhưng đồng thời cuộc đời đó cũng tạo nên niềm cảm hứng cho nhiều người đứng trong hàng ngũ của đảng cộng sản Việt Nam khi nghĩ đến chuyện dũng cảm từ bỏ mọi thứ để quay về với nhân dân…


"Cả một đời mình nhà báo Bùi Tín đã làm việc không mệt mỏi và trăn trở, đau đáu cùng vận mệnh đất nước, dân tộc.


"Bây giờ thì ông đã nằm xuống và cũng không kịp nhìn thấy ngày chế độ cộng sản được cho là đầy 'tham nhũng, thối nát', phản bội lý tưởng 'phục vụ nhân dân' của chính họ, sụp đổ.


"Nhưng niềm an ủi là ngày càng có nhiều người, thuộc mọi lứa tuổi, sinh ra ở Miền Nam hay Miền Bắc, trong hay ngoài nước, thành phần xuất thân khác nhau, nhưng đã nhận ra bản chất của đảng và nhà nước cộng sản, tiếp nối ông, dùng ngòi bút để tố cáo chế độ và thức tỉnh nhân dân.


"Tôi tin rằng nhà báo Bùi Tín rất vui về điều đó. Xin thành kính phân ưu cùng gia đình ông và xin cầu nguyện cho linh hồn ông được siêu thoát," cựu đạo diễn Song Chi chia sẻ với BBC.