Tiềm ẩn Bắc Kinh thách thức trên Biển Đông

30 Tháng Mười Hai 201810:54 CH(Xem: 9843)

VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA - THỨ HAI 31 DEC 2018


image039

Tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông


Tiềm ẩn Bắc Kinh thách thức trên Biển Đông


Ngô Minh Trí


31/12/2018  Thanh Niên


Dù có những diễn biến được xem là êm ả trong năm 2018, nhưng Biển Đông vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn do các hành động của Trung Quốc và điều này có thể tiếp tục gây căng thẳng trong năm 2019.


image041

Hình ảnh vệ tinh chụp hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trên bãi đá Bông Bay ở Hoàng Sa hồi tháng 9/2018 AMTI


Đó là đánh giá của giới chuyên gia quốc tế khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên trong những ngày cuối năm 2018.


Sóng ngầm quân sự hóa


Năm qua, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) tiếp tục công bố các hình ảnh vệ tinh chất lượng cao và bằng chứng cho thấy Trung Quốc không ngừng quân sự hóa Biển Đông. Trả lời Thanh Niên, ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, cho rằng vấn đề lớn nhất trên Biển Đông trong năm 2018 chính là việc Trung Quốc không ngừng mở rộng kiểm soát cả trên biển lẫn trên không ở khu vực này.


“Nếu năm 2017 Bắc Kinh tập trung hoàn thiện hạ tầng ở các đảo, thực thể trên Biển Đông, thì năm 2018 các hoạt động hướng đến việc tăng cường triển khai vũ khí, thiết bị quân sự tại đây”, ông Poling nhận xét và cho rằng: “Dù đã có những hoạt động quốc phòng ở Biển Đông nhằm phản ứng hành vi bá quyền của Bắc Kinh, nhưng nỗ lực của nhiều nước khác dường như chưa đủ để ngăn cản Trung Quốc”.


Phía sau “thiện chí” của Trung Quốc


Trong khi đó, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), đánh giá năm 2018, Trung Quốc đã thúc đẩy các cuộc đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và thực sự hai bên đạt được một số bước tiến về dự thảo COC cũng như cuộc tập trận hải quân ASEAN - Trung Quốc.


“Những điều này được Bắc Kinh giới thiệu như bằng chứng rằng các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông có thể tự giải quyết với nhau mà không cần sự can dự từ bên ngoài”, tiến sĩ Collin nói với Thanh Niên. Ông đồng thời cảnh báo: “Nhưng cũng rõ ràng rằng Bắc Kinh không sẵn sàng xử lý các vấn đề cơ bản, khi tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, đe dọa các hoạt động quân sự với Mỹ, ví dụ như sự cố liên quan tàu chiến USS Decatur của Mỹ tại vùng biển này. Chính vì thế, đừng vội nghĩ rằng Bắc Kinh thực sự “thiện chí” đồng ý từ bỏ những yêu sách mà họ xem là lợi ích để cùng ASEAN đạt được COC”. Sự cố liên quan khu trục hạm USS Decatur chính là việc tàu này trong lúc thực thi tự do hàng hải, hồi cuối tháng 9 trên Biển Đông, đã bị chiến hạm Trung Quốc áp sát gây nguy hiểm.


Tiến sĩ Collin lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp tục tiến hành các chiến lược mà nước này đang theo đuổi vì những vấn đề nội bộ, đồng thời hiện nay Trung Quốc và ASEAN chưa có cơ chế chung cần thiết để ngăn cản Bắc Kinh “leo thang”.


Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy, chuyên gia các vấn đề quốc tế tại Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế (Nhật Bản) - Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở (Canada) cũng nhận xét nhìn bề ngoài thì năm 2018, tranh chấp Biển Đông có phần nào “êm ả” khi Bắc Kinh và ASEAN đạt bước tiến về COC, quan hệ Trung Quốc - Philippines phát triển theo hướng đối thoại nhiều hơn.


“Thế nhưng ở góc độ sâu hơn thì không hề như vậy.


Trung Quốc đã có nhiều bước đi để củng cố sức mạnh trên Biển Đông và dùng thỏa thuận với Philippines về thăm dò tài nguyên trên Biển Đông để phá vỡ sự thống nhất trong ASEAN. Một số thành viên khác của ASEAN cũng khiến cho mối thống nhất của khối bị ảnh hưởng trong quan hệ với Bắc Kinh.


 Trong khi đó, Trung Quốc vẫn không ngừng quân sự hóa Biển Đông, đồng thời thỏa thuận với Manila còn giúp Bắc Kinh tiến hành thăm dò lòng biển phục vụ mục đích phát triển cơ sở tàu ngầm vốn rất cần thiết cho chiến lược bá quyền tại vùng biển này”, PGS Nagy đặt vấn đề.


Khó lường sắp tới


Từ những thực tế trên, tiến sĩ Collin dự báo: “Việc đàm phán COC tiếp tục diễn ra trong năm 2019 nhưng nhanh nhất cũng phải kéo dài trong 3 năm như phía Bắc Kinh đã tiết lộ”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Nếu vội vàng, đạt được thỏa thuận sớm hơn thì ASEAN có thể sẽ phải gánh chịu nhiều vấn đề trong tương lai. Năm 2019 cũng ẩn chứa nhiều diễn biến khó lường có thể cản trở đàm phán COC. Trong đó, đáng lo ngại là những tính toán sai lầm của các bên do các hành động vô ý dễ dẫn đến sự leo thang không đáng có”.


Trong khi đó, PGS Nagy đánh giá: “Năm 2018 cũng chứng kiến tần suất hoạt động nhiều hơn từ các nước bên ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản tại Biển Đông. Đây được xem là thông điệp gửi đến cho Trung Quốc nhiều nước không đồng ý với chiêu trò của Bắc Kinh trong việc giành bá quyền tại Biển Đông. Diễn biến này có thể sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2019”.


Còn ông Gregory Poling thì cho rằng tình hình năm 2019 có thể xấu đi nếu Mỹ và nhiều bên khác không có các hành động can dự hiệu quả.


Mỹ sẽ vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc


Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Satoru Nagao (chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đặt vấn đề về xung đột Mỹ - Trung ở nhiều mặt, cụ thể là an ninh và kinh tế, có liên quan trực tiếp đến tình hình an ninh khu vực. Và khi đánh giá về tình hình Biển Đông thì chẳng thể không dựa vào quan hệ Mỹ - Trung.


Theo tiến sĩ Nagao, đầu năm 2018, mọi sự chú ý của quốc tế đổ dồn về bán đảo Triều Tiên, khi mà cuộc đối đầu Mỹ - Trung chưa leo thang. Nhưng thực chất từ cuối tháng 12.2017, Washington đã chuẩn bị áp lực mạnh lên Bắc Kinh khi công bố chiến lược an ninh mới xem Trung Quốc và Nga thách thức quyền lực của Mỹ. Đến tháng 1.2018, Mỹ bắt đầu tăng cường áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.


Ông Nagao cho rằng: Trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng leo thang quân sự hóa Biển Đông, tàu sân bay Mỹ vào tháng 3.2018 đã lần đầu ghé thăm VN kể từ sau năm 1975. Đồng thời, nhiều đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Canada, Úc, Nhật… cũng điều tàu sang thăm VN.


Thế nhưng, Bắc Kinh không có dấu hiệu “xuống thang” và vào tháng 4 đã thừa nhận đang triển khai tên lửa đối hạm và đối không trên Biển Đông. Từ những thực tế đáng lo ngại này, tháng 10.2018, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence có bài phát biểu tại Viện Hudson tuyên bố Washington sẽ có chính sách an ninh mới cứng rắn hơn đối với các hành vi của Bắc Kinh. Sau đó, bên cạnh các động thái quốc phòng, Washington đồng thời cũng tăng cường các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào Bắc Kinh, cứng rắn hơn với các tập đoàn viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE, và cao trào là vụ Canada bắt giữ Phó chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạch Vãn Chu


.


“Năm 2019, dù nội các Mỹ có nhiều thay đổi nhân sự nhưng nhiều khả năng là Washington sẽ vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc”, tiến sĩ Nagao dự báo