Ngư dân tố bị đơn vị đóng tàu dọa giết khi ghi hình hành vi gian dối

05 Tháng Sáu 201712:01 SA(Xem: 11471)

VĂN HÓA ONLINE - HOÀNG SA TRƯỜNG SA - THỨ  HAI  05 JUNE  2017


Ngư dân tố bị đơn vị đóng tàu dọa giết khi ghi hình hành vi gian dối


02/06/2017


Ngư dân Bình Định trình báo cơ quan chức năng về việc người của đơn vị đóng tàu rượt đuổi đánh, dọa giết khi họ phát hiện hành vi làm ăn gian dối.


Tàu vỏ thép hàng chục tỷ nằm bờ lỗi do đơn vị đóng tàu Lãnh đạo tỉnh Bình Định quả quyết nhiều tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ mới bàn giao cho ngư dân mà đã hư hỏng nằm bờ là do lỗi của các đơn vị đóng tàu.


Ngồi bên mạn tàu hoen gỉ, bong tróc màu vàng nghệ nằm bờ, ông Nguyễn Văn Lý (ngụ huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99004-TS nhớ lại, tháng 12/2015, cháu trai là Nguyễn Văn Khỏe (34 tuổi) giám sát đóng tàu vỏ thép cho gia đình ở Nam Định không may gặp nạn. 


Bị đuổi đánh, dọa giết khi dùng điện thoại ghi bằng chứng


Khỏe phát hiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có nhiều dấu hiệu làm ăn gian dối, nghi ngờ dùng nhiều tấm sắt thép cũ Trung Quốc (hợp đồng là thép Hàn Quốc/Nhật Bản) đóng tàu cho gia đình nên dùng điện thoại chụp lại.


"Trong lúc chụp ảnh vật liệu sắt thép thì bị nhân viên đơn vị đóng tàu bắt gặp rồi xóa hết hình ảnh, rượt đuổi đánh, dọa giết. Quá sợ hãi, cháu trai tôi tìm cách trốn thoát rời Nam Định đón xe đò về quê", ông Lý kể. 


image028

Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định mới bàn giao đã gỉ sắt, xuống cấp. Ảnh: Minh Hoàng


Ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), xác nhận bà con ngư dân phản ánh đã bị nhóm nhân viên Công ty TNHH Đại Nguyên Dương mang hung khí dọa giết. Khi họ dùng điện thoại chụp ảnh vật liệu, thiết bị làm "bằng chứng" chuyện làm ăn gian dối thì bị nhóm nhân viên rượt đánh, đuổi khỏi nhà máy.


Hiện huyện Phù Mỹ đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu thập ý kiến ngư dân phản ánh đồng thời lập đoàn chuyên gia giám định độc lập các tàu cá vỏ thép của ngư dân bị hư hỏng sau vài tháng bàn giao.


"Căn cứ trên cơ sở kết quả giám định, nếu phát hiện đơn vị đóng tàu làm ăn gian dối, sai phạm hợp đồng như tự ý thay vật liệu, thiết bị thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con", vị Phó chủ tịch huyện cho hay. 


Trong khi đó, ông Lê Thanh Hà, Trưởng công an huyện Phù Mỹ, cho biết thêm công an địa phương đang phối hợp với cơ quan chuyên môn Công an tỉnh Bình Định thu thập thông tin, nắm tình hình ngư dân có tàu vỏ thép mới bàn giao đã hư hỏng nằm bờ.


"Chúng tôi cũng đã nghe chuyện ngư dân bị rượt đuổi đánh, đe dọa trong lúc giám sát đóng tàu tuy nhiên mức độ mới dừng lại là nắm tình hình. Vụ việc vẫn còn chờ ý kiến chỉ đạo của huyện, tỉnh", ông Hà chia sẻ. 


image029

Chuyên gia của Tập đoàn Doosan(Hàn Quốc) kiểm tra máy tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định. Ảnh: Minh Hoàng.


"Ăn chặn" tiền thiết kế của ngư dân


Không chỉ ấm ức vì đơn vị đóng tàu tự ý thay đổi vật liệu, thiết bị sai nghiêm trọng với hợp đồng đã ký, nhiều chủ tàu vỏ thép Bình Định còn bức xúc vì họ "ăn chặn" tiền thiết kế mẫu tàu.


Ông Lê Văn Thãi, chủ tàu BĐ 99016-TS(Lê Gia 01), lắc đầu kể việc Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu ghi rõ dự toán 323 triệu đồng thiết kế mẫu tàu vỏ thép cho gia đình. "Tôi thắc mắc thì họ nói số tiền này chi trả cho mẫu thiết kế riêng. Khi yêu cầu chỉnh sửa một số hạng mục thì họ bảo tàu được thiết kế theo mẫu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không thể tự ý điều chỉnh được", vị chủ tàu thổ lộ. 


Lần dò tìm hiểu một số chủ tàu đóng tàu vỏ thép cùng địa phương ở Công ty Một thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, ông Thãi bất ngờ hơn khi hai đơn vị này thu tiền thiết kế mẫu tàu với nhiều mức giá khác nhau từ 120 đến 323 triệu đồng. 


Về vấn đề này, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng các đơn vị đóng tàu thu tiền thiết kế mẫu tàu vỏ thép của ngư dân hàng trăm triệu đồng là "quá trắng trợn".


Nghị định 67 của Chính phủ ban hành ghi rõ là chủ tàu được hỗ trợ 100% chi phí các thiết kế mẫu tàu vỏ thép đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Do vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn buộc các đơn vị đóng tàu trả lại ngay tiền thiết kế mẫu tàu cho ngư dân. 


image030

Ông Thái Đỏ, thuyền trưởng tàu Khánh Đỏ bức xúc vì đơn vị đóng tàu lắp hộp số sai với hợp đồng khiến tàu mới bàn giao đã hư hỏng nằm bờ. Ảnh: Minh Hoàng.


Ngư dân bỏ tiền túi thuê giám định độc lập


Một số chủ tàu ở huyện Hoài Nhơn và Phù Cát (Bình Định) hiện đã tự bỏ tiền mỗi người từ 7 đến 10 triệu đồng, thuê Công ty TNHH Tư vấn và dịch vụ Tài chính Khải Bảo tại TP HCM giám định độc lập về tình trạng động cơ máy chính, hộp số của tàu.


Ông Thái Đỏ, Thuyền trưởng tàu Khánh Đỏ, cho hay sau khi thuê Công ty tư vấn giám định độc lập, nhiều anh em ngư dân mới tá hỏa hộp số tàu của mình có chỉ số vòng quay 3.0 (chứ không phải 5.0 như hợp đồng đã ký). 


Còn ông Mai Trường, chủ tàu vỏ thép BĐ-99689-TS (huyện Hoài Nhơn), bức xúc vì hợp đồng máy tàu của gia đình là động cơ Mitsubishi mới hoàn toàn của Nhật Bản nhưng sau khi giám định thì mới phát hiện động cơ đã qua sử dụng.


Một số bộ phận của động cơ không đồng bộ theo thiết kế của nhà sản xuất. Năm chủ tàu vỏ thép ở địa phương này trưng cầu giám định thì phát hiện nhiều thiết bị đơn vị đóng tàu tự ý "hoán đổi" không đúng với hợp đồng.


"Tàu mới được bàn giao đưa về đi hai chuyến biển thì liên tục gặp sự cố hai máy thủy của con là máy cũ chứ không phải mới 100%. Điện thoại đơn vị đóng tàu thì họ giải thích vòng vo, chối bỏ trách nhiệm sửa chữa khiến chúng tôi hết sức bức xúc", ông Trường bày tỏ./


Zing News -


Thứ sáu ngày 02/06/2017


Vì sao tàu vỏ thép mới đóng hàng chục tỷ phải nằm bờ?


01/06/2017


Ngư dân Bình Định cho hay các doanh nghiệp làm trái hợp đồng, tự ý dùng sắt thép, lắp hộp số máy Trung Quốc... khiến những con tàu hàng chục tỷ liên tục hỏng hóc.


Tàu vỏ thép hàng chục tỷ nằm bờ lỗi do đơn vị đóng tàu Lãnh đạo tỉnh Bình Định quả quyết nhiều tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ mới bàn giao cho ngư dân mà đã hư hỏng nằm bờ là do lỗi của các đơn vị đóng tàu.


Tháng 5, tiết trời nắng đẹp, biển êm. Trong lúc ngư dân miền Trung hối hả ra khơi đánh bắt thủy sản thì nhiều tàu vỏ thép Bình Định trị giá hàng chục tỷ đồng đành phải nằm bờ chờ sửa chữa.


Ngồi thẫn thờ trước mũi tàu vỏ thép ở cảng Đề Gi (huyện Phù Cát), ông Lê Văn Thãi, Chủ tàu BĐ 99016-TS (Lê Gia 01) không ngờ đời mình bỗng chốc lâm cảnh khốn khổ thế này.


Bốn ngày trước, ngân hàng gửi thông báo thúc giục trả nợ quý quá hạn hơn 240 triệu đồng mà lòng ông như "lửa đốt" không biết xoay sở tiền đâu khi con tàu vỏ thép mới bàn giao đã hư hỏng liên tục.


Khốn đốn vì tàu liên tục gặp sự cố


Chủ tàu vỏ thép này nhớ lại, hưởng ứng chủ trương Nghị định 67 của Chính phủ, hai vợ chồng anh quyết định bán con tàu gỗ 1,4 tỷ đồng, rồi vay thêm ngân hàng 17,7 tỷ đồng gom góp tiền đóng tàu vỏ thép gần 19 tỷ đồng.


image031

Dù mới được bàn giao nhưng tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định liên tục gặp sự cố phải nằm bờ thời gian dài chờ sửa chữa. Ảnh: Minh Hoàng.


Tháng 9/2016, chưa kịp mừng vui vì sở hữu khối tài sản lớn, ông Thãi cùng các ngư dân ra khơi đánh bắt thủy sản thì tàu liên tục gặp sự cố ở hầm đá, hệ thống bơm nước, trục pô hư, máy chính...


"Ba chuyến biển ra khơi, gia đình tôi lỗ nặng hơn 400 triệu đồng nên phải đưa tàu về cảng sửa chữa. Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu tự ý thay hộp số máy 3.0 (hợp đồng ký ban đầu là 5.0)", chủ tàu Lê Gia 01 bức xúc nói. 


Theo ông Thãi, do hộp số có chỉ số vòng quay quá nhỏ không đồng bộ máy chính không chịu được tải trọng của con tàu làm hỏng máy chính buộc phải ngừng hoạt động sau ba chuyến biển.


Đơn vị đóng tàu tự ý thay vật liệu, thiết bị Trung Quốc


Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lý (ngụ huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99004-TS, cũng khốn khổ vì con tàu trị giá gần 16 tỷ đồng mới nhận bàn giao từ cuối 2016 nhưng đến nay đã gỉ sắt, xuống cấp. Tàu ra khơi đánh bắt được năm chuyến thì đã bị lỗ hơn 500 triệu đồng đành phải đưa về nằm bờ.


image032

Máy phát điện, trong hợp đồng ghi của Doosan Hàn Quốc nhưng nhãn mác trên vỏ máy ghi rõ là Made in China (Trung Quốc). Ảnh: Minh Hoàng.


Vị chủ tàu ấm ức nói tàu mới ra khơi vài chuyến biển đã gặp sự cố liên tục, lưới cứ thả xuống nước là bị cuốn vào chân vịt tơi tả hết. Hầm nước ngọt dưới khoan tàu sắt thép hoen gỉ nên anh em ngư dân ra khơi không thể sử dụng nước để sinh hoạt. Hầm chứa thủy sản thì nước thoát không kịp, nước ngập làm hỏng cá gây tổn thất lớn cho chuyến biển. 


Ông cho hay doanh nghiệp đóng tàu tự ý thay vật liệu Hàn Quốc/Nhật Bản bằng sắt thép Trung Quốc; sử dụng sơn không đảm bảo nên bị gỉ sắt nhanh, tự ý lắp hộp số máy Trung Quốc (hợp đồng ghi rõ hộp số máy Nhật Bản), lắp máy phát điện Trung Quốc (hợp đồng ghi là máy phát điện Doosan Hàn Quốc)...


Lý giải về tình trạng này, đại diện các đơn vị đóng tàu giải thích lòng vòng. Ông Trương Văn Đài, Phó giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, cho rằng tàu xuống cấp do nước sơn bị bong tróc, một số thiết bị trên boong bị hư hỏng cũng do nước mặn và thời tiết.


image033

Tàu vỏ thép trị giá 16 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Lý (ngụ huyện Phù Mỹ) mới nhận bàn giao từ cuối 2016 đã xuống cấp. Ảnh: Minh Hoàng.


"Cái này, công ty chúng tôi cũng nhìn nhận là do sơn ban đầu mà không làm sạch bề mặt. Công ty có chuyển đổi từ thép Hàn Quốc, Nhật Bản sang thép Trung Quốc với giá trị tương đương", ông Đài nói. 


Cùng quan điểm, ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu, cũng cho rằng tàu gỉ sắt là do nước biển mặn...


Khó chấp nhận tàu gỉ sắt do nước biển mặn


"Quá vô lý, không thuyết phục" - ông Trần Châu (Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) thốt lên sau khi nghe hai lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu giải thích về việc tàu vỏ thép gỉ sắt nhanh do nước biển mặn và thời tiết.


"Tàu giao cho ngư dân mới vài tháng mà đã hư hỏng, gỉ sắt nặng trong khi doanh nghiệp đóng tàu tự ý thay thế sắt thép, thiết bị Hàn Quốc/Nhật Bản sang Trung Quốc thi rõ ràng sai hợp đồng, khiến ngư dân lâm cảnh khốn khó", ông Châu phản ứng.


Dự kiến tuần tới, tổ công tác liên ngành tổng kiểm tra giám định độc lập, rà soát toàn bộ tàu vỏ thép tìm nguyên nhân gây ra sự cố, gỉ sắt. Căn cứ trên cơ sở pháp lý này, cơ quan chức năng Bình Định sẽ truy cứu trách nhiệm các đơn vị đóng tàu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con ngư dân. 


Báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định thống kê 15 tàu vỏ thép đóng tại hai Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đều bị hỏng máy, vỏ tàu và một số thiết bị trên tàu.


Lỗi sự cố kỹ thuật chủ yếu là máy thủy chính, máy phát điện hiệu Mitsubishi, Doosan Hàn Quốc (thậm chí tự ý thay bằng máy phát điện Trung Quốc); hầm bảo quản không đảm bảo yêu cầu giữ nhiệt...Tàu gỉ sét nặng phần vỏ, hệ thống đường van, ống... Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự ý thay đổi vật liệu đóng vỏ tàu từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang vật liệu Trung Quốc.


Tàu vỏ thép hàng chục tỷ mới bàn giao đã gỉ sắt nằm bờ Nhiều tàu vỏ thép đóng mới trị giá hàng chục tỷ bàn giao cho ngư dân Bình Định mới đưa vào hoạt động vài tháng đã gỉ sắt nằm bờ khiến họ điêu đứng./


Đóng bằng thép Trung Quốc, tàu hàng chục tỷ nằm bờ


 31/05/2017


Nhiều tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng mới hạ thủy vài tháng đã liên tục hư hỏng phải nằm bờ khiến ngư dân Bình Định điêu đứng.


Tàu vỏ thép hàng chục tỷ mới bàn giao đã gỉ sắt nằm bờ Nhiều tàu vỏ thép đóng mới trị giá hàng chục tỷ bàn giao cho ngư dân Bình Định mới đưa vào hoạt động vài tháng đã gỉ sắt nằm bờ khiến họ điêu đứng.


image034

Chưa kịp mừng vui vì sở hữu tàu vỏ thép đóng mới công suất lớn trị giá hàng chục tỷ đồng theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân Bình Định mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã liên tục gặp sự cố phải đưa về nằm bờ ở cảng Đề Gi (huyện Phù Cát).


image035

Ông Lê Văn Thãi (ngụ huyện Phù Cát), chủ tàu BĐ 99016-TS (Lê Gia 01) than vãn gia đình bán tàu vỏ gỗ, vay mượn thêm ngân hàng hơn 17,7 tỷ đồng hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Hải Phòng) đóng mới tàu vỏ thép trị giá gần 19 tỷ đồng


image036

Tháng 9/2016, Công ty này bàn giao tàu vỏ thép cho gia đình ông Thãi đưa về sử dụng đánh bắt thủy sản. "Từ ngày nhận tàu về, tôi cùng anh em ngư dân ra biển đánh bắt thủy sản liên tục gặp sự cố, lỗ hơn 400 triệu đồng. Tàu liên tục sự cố nào là hầm đá bị hở, hư máy đèn đến hệ thống bơm nước trục trặc rồi máy chính cũng hỏng phải đưa về nằm bờ. Tàu nằm bờ, vốn vay ngân hàng phát sinh lãi lớn, nợ nần chồng chất khiến vợ chồng tôi điêu đứng, mất ăn mất ngủ", chủ tàu Lê Gia 01 bức xúc nói.


image037

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lý (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99004-TS cũng đang "ngồi trên đống lửa" vì con tàu trị giá gần 16 tỷ đồng mới nhận bàn giao từ Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cuối 2016 nhưng đến nay đã gỉ sắt, xuống cấp


image038

Nhiều tàu vỏ thép mới đưa vào sử dụng đã gỉ sắt, xuống cấp nghiêm trọng. "Tàu đưa về đánh bắt thủy sản được năm chuyến biển, trong đó ba chuyến hòa vốn còn hai chuyến lỗ nặng vì tàu gặp sự cố chân vịt cứ hút quấn lưới vào nên không thể hành nghề được", ông Lý buồn bã phân trần


image039

Sàn tàu và các nắp hầm tàu cá bị gỉ sắt, xuống cấp. Hai tuần trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định tổ chức đối thoại giữa các chủ tàu với các Công ty đóng tàu và đơn vị đăng kiểm. "Tại cuộc họp này, họ đã thừa nhận, vỏ tàu của tôi đóng bằng sắt, thép Trung Quốc chứ không phải Hàn Quốc hay Nhật Bản theo hợp đồng thiết kế. Còn đơn vị đóng tàu thì giải thích, tàu của tôi bị gỉ sắt là do nước biển làm oxy hóa khó thể chấp nhận được", ông Lý nói.


image040

Hầu hết các khung cửa kính của tàu vỏ thép ông Lý bị gỉ sắt, hỏng nặng.


Báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Bình Định khẳng định, đối với những con tàu vỏ thép đóng mới ở Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thì cả 5 tàu đều bị gỉ sắt nặng ở phần vỏ, hệ thống đường van, ống trên tàu, hầm bảo quản thoát nước gây hỏng sản phẩm. Công ty này đã tự ý thay đổi vật liệu đóng vỏ tàu từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang thép Trung Quốc.


image041

Hầu hết chủ tàu vỏ thép đóng mới ở Bình Định đều vay vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) theo Nghị định 67 của Chính phủ. Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, đối với những tàu vỏ thép đóng mới ở Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu thì có 10 tàu trục trặc, hư hỏng chủ yếu máy thủy chính, máy phát điện và hầm bảo quản không đảm bảo yêu cầu giữ nhiệt, ván gỗ vách hầm bị mục.


image042

Hầu hết chủ tàu vỏ thép đóng mới ở Bình Định đều vay vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) theo Nghị định 67 của Chính phủ. Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, đối với những tàu vỏ thép đóng mới ở Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu thì có 10 tàu trục trặc, hư hỏng chủ yếu máy thủy chính, máy phát điện và hầm bảo quản không đảm bảo yêu cầu giữ nhiệt, ván gỗ vách hầm bị mục.


image043

Theo các chủ tàu, đơn vị đóng tàu đã lắp hộp số không đúng thiết kế khiến phương tiện ra biển liên tục bị hỏng máy.


image044

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm việc với hai đơn vị đóng tàu vỏ thép là Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cùng cơ quan chức năng truy tìm nguyên nhân ban đầu về tình trạng hỏng hóc, trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục sớm nhất.


image045

Trong khi chờ cơ quan chức năng can thiệp, nhiều ngư dân Bình Định có tàu vỏ thép nằm bờ lâm cảnh điêu đứng đối mặt với áp lực trả nợ vay ngân hàng mỗi quý lên đến hàng trăm triệu đồng.


Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, địa phương này phê duyệt 18 đợt các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới cho 252 tàu (146 tàu vỏ thép, 83 tàu vỏ gỗ và 23 tàu vỏ composite).


Trong đó có 57 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các với các Ngân hàng và thi công đóng mới 56 tàu và nâng cấp một tàu vỏ gỗ với tổng cam kết vốn vay hơn là 874 tỷ đồng. Hiện Ngân hàng đã giải ngân cho 55 hợp đồng với số tiền hơn 803 tỷ đồng.


Đến nay Bình Định đã có 44 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ bàn giao, đưa vào hoạt động, trong đó có 15 tàu do Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương liên tục hư hỏng, trục trặc. Mỗi chiếc tàu vỏ thép có trị giá từ 12 đến 19 tỷ đồng mỗi chiếc. (Minh Hoàng)