Thích Nguyên Siêu: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Hành trạng và Sự nghiệp vượt thời gian

30 Tháng Mười Hai 20233:42 SA(Xem: 1405)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC – THỨ BẨY 30 DEC 2023


Thích Nguyên Siêu: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Hành trạng và Sự nghiệp vượt thời gian 


26/12/202343


https://thuvienphatviet.com/thich-nguyen-sieu-hoa-thuong-thich-tue-sy-hanh-trang-va-su-nghiep-vuot-thoi-gian/


image012Ảnh: Minh Thiện


Hành trạng và sự nghiệp không hẹn tuổi đời là bao nhiêu để thành sự nghiệp, như con người thường nói, hay Khổng Tử đã nói: “Tam thập nhi lập.” Thầy đã lập một vị thế quan trọng, hành trạng và sự nghiệp chủ chốt trong cuộc tồn sinh này. Cuộc tồn sinh trên tiến trình giáo dục người. Giáo dục tuổi trẻ sinh viên qua một mô thức giáo dục toàn diện của đạo Phật. Mô thức giáo dục ấy trên bục giảng của Đại học Vạn Hạnh khi tuổi đời mới đôi mươi. Thầy đã lập nên một nền tư tưởng, triết lý Đông Tây vững chắc làm rạng ngời hơn một nửa thế kỷ qua mà cho đến hôm nay nền tư tưởng triết lý Đông Tây ấy còn tồn đọng trong Tạp Chí Tư Tưởng Vạn Hạnh, Thầy là chủ bút.


Thầy đi bằng đôi chân hành trạng và sự nghiệp của Thầy ngang qua bầu trời Triết Học Tánh Không: “Nhưng, Tánh Không luận là gì? _ khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh, và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn…” (Triết học về Tánh Không. Tr. 10. Tuệ Sỹ. Nhà Xuất Bản Hồng Đức.)


Kính bạch giác linh Thầy, chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày tuần thứ 49 – chung thất của Thầy rồi. Chư Tôn Đức Tăng Ni trên khắp các Tự Viện sẽ đốt hương xông trầm thành kính tưởng niệm, xưng tán công hạnh của Thầy, bao nhiêu lời hay ý đẹp không thiếu trong ngày lễ chung thất ấy.


Quý Phật tử trên khắp năm Châu bốn biển cũng đồng hành hòa quyện theo không khí buổi lễ để mà đi chùa đảnh lễ di ảnh Thầy, để phủ phục trước Giác linh Thầy mà thầm nguyện: “Hòa Thượng cao đăng Phật quốc rồi sớm trở lại cõi Ta bà mà giảng dạy Phật Pháp, dịch Đại Tạng Kinh, và làm thơ cho chúng con đọc.”


Các nhà trí thức học giả thì sử dụng sở trường triết lý, văn học, tư tưởng của mình tiếp tục xưng dương, tán thán cái tâm hồn tuyệt vời của Thầy, mà hôm nay khó ai có được, từ đó họ nói rằng: “nhiều trăm năm sau biết có một người nào trên quê hương giống như Thầy không.” Còn các nhà thơ lớn: “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.” hay “Những Phương Trời Viễn Mộng”,Mộng kiêu hùng trần gian kiêu sa.” thì ước mơ tiếp tục được nghe, được đọc những vần thơ không đề của Thầy, như Giấc Mơ Trường Sơn, Ngục Trung Mị Ngữ. Thiên Lý Độc Hành… hay rải rác ý thơ trên mọi miền Văn học Đông Tây của xã hội con người.


Còn những nhà tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ thì cũng không khác, họ ước mong có người đứng đầu, là kẻ tiên phong để đòi hỏi quyền làm người, quyền tự do ngôn luận cho người dân thấp cổ bé miệng, mà Sự Biến Lương Sơn Thầy đã để lại một chứng tích lịch sử kiêu hùng, hay bản án tử hình bất khuất ngay trên quê hương dân tộc của Thầy…


Kính bạch Thầy, con biết còn nhiều thứ để nói, còn nhiều điều để viết, nhưng không sao nói hết, viết hết về Hành Trạng Và Sự Nghiệp Vượt Thời Gian Của Thầy, bậc Đại Sĩ hóa thân vào đời để độ sinh. Bậc Thượng Thiện Nhơn khi công viên quả mãn thì quảy dép về Tây Phương hầu Phật. Đến đi như thị. Hành trạng như thị. Sự nghiệp như thị. Như thị như hai biểu tượng Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền. Một bậc Đại Trí, Một Bậc Đại Hạnh: 


“Sư tử hống thời phương thảo lục
Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng.”
 


Một khi sư tử chúa của sơn lâm hống lên thì núi rừng lá hoa đều xanh biếc, phô diễn sắc tươi nhuần thắm. 


Một khi Tượng Vương quay đầu trở về lại chốn xưa, thì hoa hồng rụng xuống để cung nghinh từng bước chân an lạc. 


Di chúc của Thầy đã viết gồm có 7 điều. Thầy không muốn đọc Tiểu Sử. Không Điếu Văn. Không phúng viếng tràng hoa, liễn đối. Thiêu xong tro cốt rãi vào Thái Bình Dương, bặt vô tăm tích… không phiền đến ai, không kéo dài thời gian tang lễ, mà tuỳ theo an ninh chính quyền sở tại.


Thầy muốn an nhiên tự tại, có lẽ thời còn sinh tiền Thầy đã có đủ hình danh sắc tướng của thế gian, và bây giờ ra đi Thầy muốn nhẹ nhàng, thong dong, tĩnh lặng, như mây trời bay khắp muôn phương, không dính mắc một hình hài nào, không sở hữu một không gian, một thời gian nào trong cõi thiên hà vô tận.


Nhưng, bạch Thầy, hôm nay con nghĩ về Thầy, con viết về Thầy, những cảm nghĩ gần gũi với Thầy sau hơn mười năm học, làm việc cùng Thầy nơi Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang 1971 -1977. Tu Viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn 1980- 1984. Viện Vạn Hạnh Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng Võ Di Nguy Phú Nhuận Sài Gòn. Nhân ngày tuần chung thất, thứ bốn mươi chín của Thầy; con nghĩ rằng Thầy sẽ không phiền con vì đây là tấm lòng phụng hiến kính dâng cúng dường Giác Linh Thầy nhân ngày lễ chung thất. Dưới Giác Linh đài con nhìn lên thấy Thầy mỉm cười. Cười trong sự hoan hỷ hứa khả. 


I. Thầy Sở Hữu Một Tư Tưởng Thời Đại Quá Lớn:


Con nghe người ta nói, Thầy có dáng người gầy ốm, mảnh dẻ, một ngoại hình mong manh như cọng lau trên bờ suối. Như thân cây Bồ Đề da dẻ sần sùi bám trên vách đá bởi những cái rễ gân guốc, cứng ngắc. Người ta thấy qua thân hình Thầy- các nhà tư tưởng, các nhà thơ văn, các học giả, các nhà biên khảo, các triết gia, hay bạn bè thân hữu… chỉ có cái đầu và cặp mắt. Cái đầu có vầng trán cao và nhô lên. Cái đầu ấy chứa một trời tư tưởng, hàm tàng bao tư tưởng ngoài đời và tư tưởng trong đạo. Tư tưởng ngoài đời: “iv. Thế giới hải. Một yếu tố khác trong kho thần thoại cổ, là vai trò đại dương vũ trụ (Cosmic Ocean) trong sự giải thích hay miêu tả khởi nguyên của thế giới và loài người. 


Thần thoại của người Sumeria, được lưu truyền khoảng trên 4,000 năm trước Tây Lịch, trước cả thời Thánh Kinh Do Thái được ghi chép, kể rằng Nammu là nữ thần của biển Nguyên Thuỷ, là bà mẹ sinh ra trời (thần An/Anu) và đất (thần ki): khi mà bên trên chưa được gọi là trời, và bên dưới chưa được gọi là đất, bấy giờ đã có Abzu, thần đại dương nước ngọt, tối sơ, là cha sinh; và Tiamat, thần nước mặn, hỗn độn, bà mẹ đẻ sinh ra cả hai…” Tuệ Sỹ, văn Tuyển Tập I, Tư Tưởng Phật Học, Tổng Thuyết Vũ Trụ Luận. Sưu Tập, Hạnh Viên. Tr. 28. Hương Tích Phật Việt. 


Rồi sao nữa, tư tưởng của con người qua thế giới Phương Đông, một thế giới gần với quê hương mình, dân tộc mình: “Kinh Thi và Kinh Dịch như đôi cánh của con chim nhạn mang chở định mệnh lịch sử của Trung Hoa bay lượn suốt mấy mươi thế kỷ trên vòm trời Viễn Đông. Dịch trải rộng con đường cho những bước đi lịch nghiệm trong cuộc tồn sinh; Thi là tâm nguyện khẩn thiết và trung thực từ giữa chỗ sâu thẳm của tình người và lòng người, được mang ra để lịch nghiệm cuộc lữ mà Dịch đã phơi bày ra đó. Âm hưởng của Thi là tiếng vang của nhịp bước trong cuộc lữ… Thi là chứng tích sa đọa của một thời. Buổi thịnh Triều rầm rộ nhà Đường. Thi như một con thuyền biểu diễn tất cả tài hoa của nó trên ba đào lịch sử, giữa một đại dương rập rình hiểm họa. Nó vẫn đủ khả năng đưa người vào lục địa, hay lướt sóng đi về vô tận khơi vơi, hoằng viễn… Thơ vẫn là một cuộc lịch nghiệm Riêng và Chung của Thời đại và lịch sử. Từ cuộc Riêng, Thơ nương theo đôi cánh Thi và Dịch để đi về nơi Hoằng Viễn, dẫn lịch sử Uyên nguyên tụ hội với Thời đại…” Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. An Tiêm. Tựa. (Xuất Bản lần đầu, Tr. 9. Tuệ Sỹ.)


Tư tưởng trong Đạo – Phật Pháp thì không thể nói hết những gì tồn trữ trong Thầy; tồn trữ cả Tam Tạng Kinh Điển. Để nhớ lại sự tồn trữ trong đầu ấy, ngày mà người viết làm việc với quý Thầy ở Thư Viện Vạn Hạnh, đường võ Di Nguy, Phú Nhuận Sài Gòn, Sưu khảo từ “A Di Đà” Bách Khoa Đại Từ Điển của Ôn Già Lam, có Thầy hỏi: “A Di Đà được định nghĩa trong vọng Nguyệt Nhật Tạng đối với Tục Tạng Đại Chánh như thế nào, có đồng nghĩa với nhau không?” Ngay khi đó, Thầy liền giở Tục Tạng Đại Chánh Tân Tu chỉ ngay trang, hàng, số, để cho Thầy ấy thấy, mà trích lục, chú thích… cái đầu tồn trữ ấy vậy đó. Kinh thiên cho một trí nhớ thần đồng, vì Đại Tạng là hàng mấy trăm quyển, hàng mấy chục ngàn trang và Phật Pháp đã dàng trải trong đó là vô số tận, làm sao ai mà nhớ hết; nhớ đúng trang, dòng, số, … phi phàm cho cái đầu của bậc Thánh giả. Do vậy, cái gì mà bậc Thánh giả làm thì kẻ vô văn phàm phu khó ai mà có thể hiểu và biết được để nói, và nếu có nói thì cũng chỉ là mộng mị mà thôi. Chúng ta hãy đọc bài viết và lắng tai nghe văn phong và quan điểm của Tác giả Tuấn Khanh, một nhạc sĩ: “… đột nhiên Thầy Tuệ Sỹ phải bước ra, cất tiếng trong vận mệnh của Phật Giáo Việt Nam trong bi thương. Hôm nay, ngài chấp nhận im lặng trước những câu hỏi không thể trả lời một lần, mà đang dồn sức lực cuối cùng hành động cho tương lai của Việt Nam, tương lai của vận mệnh Phật Giáo Việt Nam ngàn đời.” 


Cái đầu của Thầy giống như cái đầu của Bồ Tát, cái đầu chứa đựng chất liệu Từ Bi- ban vui cứu khổ. Cái đầu chứa đựng chất liệu Trí Tuệ thấy đúng như thật, để cứu độ chúng sinh: “Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối tăm, tôi nguyện sẽ là ngọn đuốc sáng. Đây có thể là ước nguyện xa vời, thậm chí sáo rổng đối với một số người. Nhưng đó chính là mặt đất kim cương để trên đó tuổi trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình.” “Sự kiên quyết và hành động không lùi bước của Thầy có thể được xem như một thái độ chính trị cho đạo Phật trước buổi hỗn mang, nhưng cương quyết vẫn là ý chí và tâm nguyện của một người kiên tâm thừa tự Chánh Pháp, nguyện soi đường cho thế hệ Việt mai sau.” Thầy Tuệ Sỹ trong vận mệnh Phật Giáo Việt Nam. BBC News Tiếng Việt. Tuấn Khanh. 


Đôi lời về cái đầu, còn biểu tượng về cặp mắt thì sao? Sâu như hai cái giếng long lanh ánh nguyệt trong đêm trăng rằm; cặp mắt sâu khó hiểu, cái sâu khác thường người, nơi đó tồn trữ một cái gì; cái như là trong Kinh Pháp Hoa- Phẩm Phổ Môn: “Từ Nhãn Thị Chúng Sanh.” Mắt thương nhìn cuộc đời. Vì thương đời, thương người nên Thầy nói, Thầy viết, Thầy gửi gắm tâm sự đến người: “Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại, một đức tính dũng mãnh vô uý, nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng Văn, Tư, Tu, để nhìn rõ sự tướng chân nguỵ, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu, không nhắm mắt phóng càng theo cổ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không đính hướng… cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình.” (Thư gửi các Tăng Sinh Thừa Thiên- Huế. Thích Tuệ Sỹ. Quảng Hương Già Lam. Ngày 20 tháng 10 năm 2003.)


Cặp mắt thương đời, thương người, thương hàng hậu học nên lời Thư vô cùng thắm thiết, chí tình trao gửi, mà lại còn nguyện đồng hành suốt con đường của buổi xế chiều, tuổi đời già nua, ốm yếu. Quả thật nếu người mà không có tấm lòng Từ Bi, bao dung thương tưởng thì sẽ không có những lời gửi gắm chân tình như thế. Và nếu người không có Trí Tuệ thẩm thấu trong mọi tình huống, biến cố thì sẽ khó mà thấy được sự kiện đích thực hiểm nguy, khủng hoảng để có lời dặn dò, sách tấn cho một thế hệ người; cho nhiều thế hệ người hôm nay và mai sau thức tỉnh để đi bằng đôi chân của chính mình, bằng không thì cứ mãi vay mượn đôi chân của người khác để đi, cho đến một ngày nào tỉnh giác thì ra mình đã không có chân để đi, thành người tàn phế. 


Ấy là tư tưởng của cái đầu vượt bờ, của đôi mắt tình thương của đời. Một thứ tư tưởng triết lý sống của bậc Thượng Nhân phương tiện đem Pháp Phật để ban vui và hành trạng dưới mọi hình tướng để cứu khổ. Ấy là một tư tưởng chủ đạo của Thầy đang thi thiết hôm nay hay ngàn vạn kiếp sau. 


II. Thầy Là Một Nhà Đạo Học Dung Dị, Đơn Sơ:


Cũng là bao nhiêu người nói, trong đời sống hằng ngày Thầy rất đơn giản. Giản dị chỉ có ba bộ vạt hò màu lam cũ mèm phủ tới đầu gối, vải katê không ủi, không bao giờ ủi. Thân hình Thầy đã ốm, mặc bộ đồ ấy vào rộng thùng thình trông lại càng ốm hơn. Ốm như cây sậy, bị gió thổi xỉu. Nhưng cây sậy này có tư tưởng và biết đi; đi khắp miền đất nước, núi đồi, biển xanh cát trắng. Đi bất kể trời đất, vì Thầy cho rằng trên mặt đất hoang vu này, đâu chẳng phải là nhà, đâu chẳng phải là nơi dừng chân, hay quán trọ- miếu cô hồn, bệ Ông Địa Thần Tài hay dưới lòng Sư Tử đá. Đọc vào Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, chúng ta thấy Thích Phước An viết một bài lấy đề tài: “Tuệ Sỹ, Vị Thầy Lúc Nào Cũng Muốn Từ Bỏ Để Lên Đường.” Rồi trong một nơi khác, chúng ta đọc: “Hướng về rặng núi xa, đồi cây xanh, Thầy quảy trên vai hai túi đồ, có lẽ một túi đựng là vật dụng cá nhân và túi kia là y hậu, đôi cuốn sách đọc… đếm từng bước trên con đường mòn miền thôn dã. Đầu đội chiếc nón lá. Thân mặc áo khoác. Chân mang đôi dép mòn trông như một bộ hành trên con đường thiên lý không quán trọ để nghỉ chân. Thầy đi. Quảy gánh ra đi. Đi như một định mệnh. Một sử mệnh. Một sự vận hành quê hương, dân tộc.” (Tuệ Sỹ Đạo Sư Thơ và Phương Trời Mộng, Tập III. Quảy Gánh Ra Đi. Tr. 11, Nguyên Siêu và nhiều Tác giả.) Hành trang ra đi đơn giản và chỉ đơn giản như thế. 


Người viết nhớ lại, có lần tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, Thầy mang đôi dép Nhật đã cũ mòn, nên Phật tử- chúng Pháp Hoa mua một đôi dép mới và đem cúng dường cho Thầy. Thầy nói: “Tui có một đôi chân nên đã mang một đôi dép, giờ Phật tử cúng cho một đôi nữa, vậy mang ở đâu, chắc cột dây mang trên cổ.” Thời gian sau này, sau ngày ra tù, người viết thấy qua hình ảnh, Thấy ốm quá, chỉ còn thấy cái cổ chống đở cái đầu không thôi, điện thoại về thưa Thầy con gửi thuốc bổ và sửa về Thầy uống cho khoẻ, bạch Thầy! Thầy cười trên điện thoại và nói: “Tui đã dứt sữa mẹ lâu rồi.” Còn thuốc bổ thì Thầy cũng không. Thầy nói: “con cò, con hạc nó đâu có uống thuốc bổ, vậy mà nó vẫn sải cánh bay khắp muôn nơi. Thuốc bổ gì.” 


Không áo mão cân đai. Không y hồng hiệp chưởng. Một bộ y hậu thường nhật mà thôi. Nơi khám thờ hậu Tổ, một di ảnh đơn sơ, bình dị, vậy mà bao nhiêu bài viết đã xưng tán là Thiền Sư. Thượng Nhơn, Đại Sĩ. Đạo Sư…Còn từ ngữ gì để tôn vinh Thầy nữa không? Còn! Nhà tranh đấu bất bạo động, cang cường cho tự do dân chủ. Một kẻ sĩ bất khuất không khiếp nhược trước cường quyền bạo chúa. Một nhà thơ tuyệt cùng, trác việt. Một bậc Thầy làu thông kinh điển. Một Tam Tạng Pháp Sư phiên dịch Đại Tạng Kinh Phật Giáo Việt Nam. Một nhà giáo dục thông minh lịch lãm… Một tu sĩ mà cũng là một thi sĩ nên thơ trên đỉnh Trường Sơn Giáp tận chân mây, hay nơi mù khơi, Thái Bình Dương sương mù muối mặn…Có ai sống gần Thầy mới thấy Thầy là Thầy tu dung dị bình dân, không cầu kỳ, ngăn cách. 


Sau cuộc ra đi “Thiên Lý Độc Hành,” giữa chốn núi rừng, Am Thị Ngạn được cất lên dưới những tàng cây quanh năm che bóng mát. Khoảng giữa của am là nơi thờ Phật. Tầng trên của chiếc bàn nhỏ là tôn tượng đức Bổn Sư. Phía dưới là chiếc bàn hình chữ nhật, cặp đèn bạch lạp, chính giữa là lư hương, phía dưới sàn nhà là cặp chuông mõ nho nhỏ… phía bên tay trái từ ngoài nhìn vào là chiếc bàn thờ Tổ tiên cũng nho nhỏ, đơn sơ chỉ có cặp đèn cầy tí xíu, một lư hương cũng tí xíu, chẳng có bông hoa trà quả… “Ở vùng quê nghèo dân dã, giữa núi rừng, tối hai mươi tám Tết nấu bánh tét biếu tặng dân trong làng… Tết Canh Thìn, Sư Phụ nấu bánh tét đến hai giờ sáng- hiên nhà tối ba mươi Tết.”(lời kể của Thầy Hạnh Viên. Tuệ Sỹ Đạo Sư Thơ và Phương Trời Mộng, Tập III, Tr. 33 Nguyên Siêu và nhiều Tác giả.) Dung dị thế là cùng. Sống bình thản cho mình và rải tình thương yêu đến lớp người dân dã nghèo khổ, tay lấm chân bùn quanh năm suốt tháng, lam lũ với nương khoai, luống sắn. Trông hình Thầy ngồi đun củi nấu bánh tét lúc hai giờ khuya Tết Canh Thìn nơi Am Thị Ngạn giống như thầy tu tàn, tu bụi nơi cõi diêm phù đề nên thơ, nhưng không thiếu những chất liệu gập ghềnh sỏi đá.


III. Thầy Là Một Nhà Thơ Nhiều Cảm Tính Siêu Thực Và Hiện Thực Tài Hoa 


Kính bạch Thầy! Những tiết mục trong bài viết này, có thể là con đã viết ở trong “Tuệ Sỹ Đạo Sư Thơ và Phương Trời Mộng, tập I, II, III.” Khoảng mười năm về trước, nhưng bây giờ con vẫn tiếp tục viết, viết hoài, viết mãi, mà không cảm thấy dư, không cảm thấy chán. Nó có một hấp lực, một sức hút, một sức lôi cuốn đưa con vào thế giới này, thế giới thơ mang nhiều kịch tính. Tính người nếu nói chung chung. Tính thầy tu đa tình; tình nước, tình non, tình quê hương dân tộc, tình đạo Pháp chuyển mình qua quá nhiều khúc quanh lịch sử thời đại. Thế giới này, thế giới thơ dựng như mây, nổi như sóng, thế giới của đỉnh cao đa tình lãng mạn trong ý thức vị tha. Thơ của Thầy đã đi vào lòng người, đã len lỏi đến tận cùng ngõ ngách của mỗi con tim, buồng phổi, mỗi tế bào của giới thi nhân mặc khách, của giới yêu chuộng thơ của Thầy. Tiêu biểu thế giới ấy như Triết gia Phạm Công Thiện. Nhà thơ Bùi Giáng. Nhà thơ Tâm Nhiên. Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác… 


Chúng ta nghe nhà văn Nguyễn Mộng Giác nhận định, phê bình bài thơ: “Tôi Vẫn Đợi” của Thầy: 


“Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khoé miệng rưng rưng


Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha…”
 


Nhà văn Nguyễn Mộng Giác thú thật sau khi đọc bài thơ của Thầy, những tưởng đây là bài thơ từ trong tù gửi ra thì phải là thể loại thơ tù: “ước lệ về khung cảnh thơ, song sắt, vách ngục, máu tra tấn, thân còm cõi… ước lệ về không khí thơ, u uất, phẫn nộ, khinh mạn, oán hờn… Định kiến về nhân cách người thơ cao ngạo, bất khuất, quắc mắt mà nhìn kẻ đưa mình ra pháp trường, uy vũ kèm kẹp không làm cho run sợ. Và định kiến về dự phóng cho tương lai: ngục tù không ngăn được diễn tiến tất yếu của lịch sử, thân tù đơn độc nhỏ nhoi dù bị huỷ diệt…” 


Đây là cái nhìn của nhà văn Nguyễn Mộng Giác theo thói thường người tù là phải căm hận, là phải oán than, là phải trả thù kẻ bỏ tù mình, là phải bẻ gãy song sắt tù để vượt ngục. Nhưng không. Không hề tìm thấy một tiếng uất nghẹn nào trong bài thơ “Tôi Vẫn Đợi.” Để rồi nhà văn viết tiếp: “Tuệ Sỹ từ ô cửa ngục gởi ra cho nhân gian những tiếng thở dài hay sao? Tôi đã kiểm chứng cách hiểu ban đầu của mình bằng cách đọc lại lần nữa, toàn bài thơ, và bớt chú tâm đến những mốc thời gian mở đầu các tiểu đoàn. Tôi không tìm thấy những tiếng thở dài. Không có cả những lời than van. Thoang thoảng đâu đó, khi rõ rệt, khi mơ hồ, tôi có cảm tưởng đang nghe một tiếng võng đưa, hoặc những lời mẹ ru con dìu dặt, mơn trớn, vỗ về. Có cái gì rộng rinh không thể gói trọn bằng ngôn ngữ hoặc ý niệm cụ thể….” “Hai câu sau bay bổng lên một vũ trụ khác, cất cánh khỏi những hệ luỵ thế gian, những ti tiện của tranh chấp và thù hận, để đạt đến một cõi sáng láng hơn, cao cả hơn, mà biểu trưng là một ánh sao, một nụ cười. Bốn câu thơ di chuyển theo chiều cao, từ bậc thấp của những tranh chấp ti tiện đớn đau đến bậc cao của thức tỉnh giác ngộ.” (Đọc lại thơ Tuệ Sỹ. Văn Học Số 65, tháng Bảy năm 1991. Nguyễn Mộng Giác.)


Nhà thơ Tâm Nhiên: Không phê bình, ý kiến. Nhà thơ đi thẳng vào thơ. Đi thẳng vào thơ để thấy hồn thơ của thi sĩ khủng khiếp. Tuyệt cùng. Mênh mang: 


Tuệ Sỹ Im Lặng Sấm Sét:


“Những phương trời viễn mộng đi
Thi ca tư tưởng bước kỳ ảo qua
Đọa đày một thuở ta bà
Nỗi đau rực cháy thấy ta tột cùng.
 


Ôi! Giấc mơ Trường Sơn rung
Rúng hồn tim máu chợt bùng vở mơ
Kinh thiên động địa sững sờ
Đâu chân diện mục của Thơ với Thiền?…”
 


Đôi Mắt Tuệ Sỹ:


Như long Tượng mắt mở trừng sáng rực
Một hôm gầm sấm dậy khắp nhân gian
Làm chấn động cả sơn hà đại địa
Rền ngân vang tận rú thẳm non ngàn.
 


Đôi mắt ấy cháy ngời xanh ánh lửa
Thiêu rụi tàn ngàn bóng tối vô minh
Vô lượng quang sáng bừng lên trí tuệ
Đại Bi tâm hàm dung chứa bao tình.


Đôi mắt đó trầm sâu màu đáy biển
Hòa chan nhau máu lệ nỗi đau đời
Từ nhãn thị chúng sanh đầy thương cảm
Mà đọa đày trong cuộc lữ chao ơi!
 


Ôi đôi mắt lặng thinh xuyên tam thế
Cõi tồn lưu huyển mộng khói sương lồng
Lòng trăng hiện giữa đêm dày sinh tử
Thõng tay vào phố chợ bước dung thông.” 


Triết Học về Tánh Không:


Lặng im nghe Tuệ Sỹ
Nói một mạch chiều nay
Thấy kinh thiên động địa
Chết đi sống lại này


Thời gian tan biến mất
Giữa vạn pháp bềnh bồng
Lìa đến đi sinh diệt
Bừng nụ cười Tánh không…” 


(Trên Đỉnh Tịch Nhiên. Chùm thơ của Tâm Nhiên kính tặng Thầy Tuệ Sỹ. Thư Viện Hoa Sen.)


Nhà thơ Bùi Giáng: Ông rất thân quen với quý Thầy ở Vạn Hạnh và Già Lam. Sau năm 75 nhà thơ Bùi Giáng dắt một đàn chó đi rong chơi ngoài đường. Có người nói: “giờ Bùi Giáng không chơi được với người nên chơi với chó.” Trên người của ông, nào áo rách, quần dơ, nào dây nhợ, lon Coca nước ngọt đeo mang đủ chỗ. Buổi sáng ngủ nơi vỉa hè Vạn Hạnh, buổi chiều ngủ trên chiếc ghế dưới gốc cây vú sữa nơi sân Già Lam. Trong túi của nhà thơ lúc nào cũng có một xấp giấy lộn, một cây bút chì, gia tài sự nghiệp chừng ấy. Có ai dám nghĩ đây là một nhà thơ lớn của thế kỷ không? Nhưng thật sự là một nhà thơ lớn của cuối thế kỷ hai mươi. Trong bài viết “Bùi Giáng nổi giận trong sân chùa:” “Những” “ngày tháng ngao du” đây đó, Bùi Giáng thường dừng chân ở các ngôi chùa và quen biết đàm đạo với rất nhiều vị Thiền Sư, Tăng Ni, Cư Sĩ cũng như các nhà nghiên cứu Phật học ở Sài Gòn…” 


Chừng ấy đủ biết Bùi Giáng là một nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm, một nhà trí thức tầm cỡ, dưới mái viện Đại Học Vạn Hạnh, một thời với Phạm Công Thiện, Lê Mạnh Thát, Tuệ Sỹ, Trí Hải…Nhà thơ Bùi Giáng nói: “Một bửa ông – (Tuệ Sỹ) đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông: 


“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi.” 


Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ Ni Cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rởn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:


“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty.”
 


Nhà thơ Bùi Giáng đọc bài thơ “Khung Trời Hội Cũ” mà ông cho là một bài thơ “không đề” đủ khiến ông khiếp vía mất ăn mất ngủ.


“Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.”


“Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.” Nhà thơ viết tiếp: “Tôi hoảng vía đề nghị: Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho. Nếu không thì nền thi ca việt mất đi một thiên tài quá lớn.” Cuối cùng nhà thơ Bùi Giáng kết một câu mà câu nói này đã đi vào lòng người, đi vào lĩnh vực ngôn ngữ thi ca, đi vào sự bình luận, lý giải của không biết bao nhiêu bút mực những tâm hồn yêu thơ, mến mộ Thầy. Nhà thơ Bùi Giáng nói: “Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới siêu thực Tây Phương.” (Bùi Giáng viết về thơ Tuệ Sỹ. 1969.)


Triết Gia Phạm Công Thiện: người đồng sư với Thầy. Triết gia Pháp danh Nguyên Tánh, còn Thầy là Nguyên Chứng, cả hai đều là đệ tử của Ôn Già Lam. 


Qua bài thơ: 


“Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá…”
 


để đến những câu sau: 


“Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa.” 


và câu cuối của bài thơ: 


“Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa.” 


Triết gia ngừng lai: “Tất nhiên tôi phải ngạc nhiên… tôi không bao giờ thấy Tuệ Sỹ có tóc (chỉ sau ngày Cộng Sản nhốt tù thì tóc mới mọc lên.) Thầy tu không có tóc lại làm thơ với hình ảnh trữ tình lặp đi lặp lại hai lần… Thôi thì cứ gọi tóc của thơ… có thể tạm chẻ sợi tóc ra làm tư và gọi là “tóc của tục đế, thế đế” theo tinh thần của long Thọ. “Chân đế hay đệ nhất nghĩa đế thì phải cần đến tục đế hay thế đế, vì Niết Bàn không khác mảy may nào cả với luân hồi.” Cách hạ vần cuối rất rộng rãi (…ưa, ồ, ơ, iển, ịnh) chữ “này” bắt đầu câu thơ để gọi. Thơ là gọi; gọi tên, hay đúng hơn gọi sự có mặt, gọi sự hiện diện. Thơ thường khi cũng gọi sự vắng mặt, làm cho sự vắng mặt được có mặt. Đêm là sự vắng mặt của ban ngày… chỉ có thể nói rằng thơ của Tuệ Sỹ đáng được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần… một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa “sống chết với điêu tàn vờ vĩnh.” để cho chúng ta còn có được “một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng” … thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của tính mệnh quê hương.” (Nguyên Tánh Phạm Công Thiện: Một buổi sáng đọc thơ Tuệ Sỹ. California, ngày 18 tháng 11, 1988.)


IV. Thầy Là Nhà Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Hàn Lâm: 


Nói đến sự phiên dịch Đại Tạng Kinh của Phật Giáo Việt Nam là điều cực kỳ quan trọng; quan trọng như hơi thở của con người. Nhờ có không khí mà con người cũng như tất cả sinh động vật trên trái đất mới có sự sống còn, bằng không là bị huỷ diệt. 


Tam Tạng Kinh, Luật, Luận là hơi thở của Đạo Phật Việt Nam, cũng như Đạo Phật các dân tộc trên thế giới.


Các dân tộc đó như: Trung Hoa. Nhật Bản. Triều Tiên. Tây Tạng. Mông Cổ. Thái Lan… tất cả đều có Đại Tạng Kinh bằng tiếng mẹ đẻ của chính họ, có nghĩa Đại Tạng Kinh đã được chuyển dịch thành ngôn ngữ của quê hương, dân tộc đó. Họ hít thở không khí Phật Pháp, lời vàng từ kim khẩu của Phật bằng chính lỗ mũi của họ, bằng chính không khí của họ mà không cần vay mượn lỗ mũi của ai hay không khí của ai. Họ tự hào rằng Kinh Phật, lời Phật, giáo lý Phật đã biến thành chất liệu sống, là lương thực, thực phẩm, cơm ăn, nước uống của chính họ, mà không cần nhập khẩu từ nơi đâu. Họ đọc kinh, luật, luận, bằng ngôn ngữ của họ. Họ tụng kinh bằng ngôn ngữ của họ, họ nghiên cứu lời Phật dạy để thăng hoa đời sống thánh thiện cho chính họ, hay tu tập hành trì một pháp môn tu chứng, thành bậc Thánh giã bằng ngôn ngữ của họ. Nhờ vậy mà con em của Phật tử mỗi khi giở kinh ra tụng là chúng hiểu ngay, hiểu liền, hiểu lập tức ý bài kinh ấy nói gì để chúng thực hành theo mà không cần phải khó khăn, ngăn ngại gì cả. Đây chính là công đức ngàn đời của chư vị học giả, chư vị Tôn túc, các bậc đại Tri Thức và Phật tử hộ pháp để từ đó các quốc gia Phật giáo ấy đã sở hữu một Đại Tạng Kinh bằng ngôn ngữ, tiếng nói của chính dân tộc mình.


Dịch Đại Tạng Kinh là một việc làm kỳ vĩ, tối quan trọng trên dòng chảy của Phật Giáo Việt Nam 2000 năm qua. Dòng chảy ấy có thể có những sự kiện và biến cố của đất nước, chủ quan hay khách quan; tiêu cực hay tích cực làm ngăn ngại cho việc phiên dịch Đại Tạng Kinh này. Nói như thế, không có nghĩa rằng các quốc gia, dân tộc trên không có những chướng ngại, biến cố trong lòng quốc gia dân tộc họ. Lắm khi họ còn phải đối đầu nhiều thế lực ngoại xâm, nhiều sự huỷ diệt, tàn khốc đến với họ, nhưng nhờ sự khắc phục trên ý thức tự tồn và phát huy Phật Pháp, mà họ đã hoàn thành Đại Tạng Kinh cho chính họ, đây là niềm tự hào và vinh dự cho chính những đất nước này.


Tiêu biểu như Mông Cổ: “Thế kỷ 20 Mông Cổ chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh, xung đột chính trị từ các cường quốc bên ngoài, sau Trung Quốc (1912), Nhật Bản đánh chiếm vào Manchuria vào năm 1931, và sau thế chiến thứ hai vào năm 1945, Hồng quân của Liên Xô bắt đầu cuộc giải phóng cho Mông Cổ. Và từ đó trở đi, với chính sách không khoan nhượng tôn giáo của chính quyền Xô Viết, có 20 ngàn Tăng Ni và Cư Sĩ Phật tử trí thức bị giết, 40 nghìn người khác bị tống giam, thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không được xuất gia, hơn 800 tự viện bị phá huỷ hoàn toàn trên khắp Mông Cổ.” (Phật giáo tại Mông Cổ. Thời kỳ suy đồi của Phật Giáo Mông Cổ. Phật Giáo Khắp Thế Giới. Thích Nguyên Tạng. Trang Nhà Quảng Đức.)


Sự thịnh vượng hay suy đồi trên dòng lịch sử của quê hương, dân tộc nào cũng có. Sau sự suy đồi thì đến giai đoạn phục hưng, rồi phát triển… nhưng điều quan trọng là chúng ta có chịu khó suy tư, nghiền ngẫm; chịu khó đặt vấn đề là phải làm gì, hay không làm gì, để ngày tháng chống trôi qua, rồi mấy ngàn năm đi nữa thì tay hoàn trắng tay, viên ngọc trong chéo áo nhưng nghèo vẫn nghèo, đói khổ vẫn đói khổ, làm thân cùng tử xin ăn. 


Mỗi quốc gia dân tộc trên thế giới đều có mỗi lịch sử khác nhau, không lịch sử nào giống lịch sử nào. Mỗi địa dư, dân tộc tính; mỗi thế đứng, địa bàn trên thế giới có sự liên hệ khác nhau, do vậy mà những sự kiện lịch sử cũng khác nhau. Tại sao cũng đồng là Phật giáo- Từ, Bi, Hỷ, Xã có đủ. Có Giới, Định, Tuệ. Có Văn, Tư, Tu. Có Tứ Thánh Đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo… Ấy vậy mà Phật giáo Ấn Độ bị tiêu diệt bởi quân Hồi giáo vào thế kỷ thứ 11, 12? Phật Giáo Miến Điện lại nghèo đói. Phật giáo Mông Cổ bị chiến tranh. Phật giáo Tây Tạng bị cướp quyền dân tộc… mà nhân danh một thầy tu phải sống lưu vong? Nhưng rồi những quốc gia dân tộc ấy họ đã hoàn thành Phật sự bởi chính ý thức của họ. Ý thức giữ vững tiềm năng sống của Phật Pháp. Ý thức phát triển niềm tin yêu đời sống tâm linh. Ý thức hy sinh thân mạng mình để bảo tồn Đạo Pháp, mà các Thầy tu Tây Tạng đã đốt mình làm ngọn đuốc đi ngoài đường để nói cho thế giới biết rằng hãy tôn trọng tính chủ quyền quốc gia, dân tộc; tính Đạo Pháp tín ngưỡng. 


Phật Giáo Việt Nam là một trong những dân tộc đó. Bồ Tát Thích Quảng Đức và Chư Thánh Tử Đạo đã hy hiến thân mạng bằng những ngọn đuốc thiêng Từ Bi, Hùng lực, vô uý… và chắc chắn rằng thế hệ tử tôn hôm nay phải noi gương các bậc Tiền bối Tổ tiên để tiếp tục làm sáng dòng chảy của lịch Đại Tổ Sư; dòng chảy của Phật Giáo Việt Nam trường tồn. 


Chúng ta lần lượt giở từng trang lịch sử của các quốc gia Phật Giáo, nơi đó họ đã làm gì cho công trình văn hóa ngàn đời- công trình văn hóa giác ngộ.


Công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh, mà hiện giờ chúng ta đang thi thiết. Tiêu biểu nhà phiên dịch vĩ đại Cưu Ma La Thập: “Kinh điển mà suốt cả một đời Tổ Sư La Thập phiên dịch có hơn 70 bộ, 348 quyển, sự cống hiến của ngài trước cả Pháp Sư Huyền Trang, được xưng tụng là hàng “Thái Sơn Bắc Đẩu” của ngành phiên dịch. Toàn bộ kinh, luật, luận mà Ngài đã dịch chẳng những không làm mất ý chính, mà còn giữ được ý thú ngữ điệu của nguyên bản.” 


Chúng ta đọc sử liệu nghe Ngài Cưu Ma La Thập nói trong khi dịch Đại Tạng Kinh: “Những lời dịch Đại Tạng Kinh này chắc chắn đúng như thật lời Phật nói, không hề sai sót một chữ, một nghĩa nào, nếu đúng như tâm nguyện này, thì khi chết đem nhục thân hỏa thiêu, La Thập này sẽ để lại xá lợi lưỡi làm bằng chứng.” Quả đúng như vậy, Xá lợi lưỡi của ngài: “Sau khi trà tỳ thỉnh xá lợi về chùa La Thập ở Vũ Uy Xây tháp cúng dường, hiện nay tháp Xá Lợi lưỡi của Tổ Sư Cưu Ma La Thập vẫn còn.” (Theo Đường Trào Bi Ký. Chùa Cưu Ma La Thập: Nơi phát huy giáo điển, hoằng Pháp, dịch kinh đầu tiên của Phật Giáo Trung Quốc.)


Dịch kinh Phật đúng như lời Phật, chuyết văn chứng nghĩa đúng như lời Phật là một công đức lớn, công đức này để lại hàng ngàn ngàn năm sau cho hậu thế lấy đó làm cương lĩnh, giềng mối mà tu tập, nếu có ai chứng quả Thánh thì chính đó là nhờ ở người dịch kinh, để hết tâm nguyện, chí thành, chí thiết vào lời kinh đã trở thành kim cương bất hoại, như xá lợi lưỡi của Ngài Cưu Ma La Thập vậy. 


Chúng ta hãy xem dịch trường của Ngài Cưu Ma La Thập như thế nào: “…đón được Ngài La Thập về Tần, tôn làm Quốc Sư, dành riêng vườn Tiêu Dao làm đạo tràng dịch kinh cho Ngài La Thập. Người tham dự đạo tràng dịch kinh có khi lên đến cả ba ngàn người. Những vị hữu danh là Tăng Triệu, Tăng Duệ, Đạo Sanh, Đạo Dung, thường được xưng tụng là “Thập môn tứ kiệt – Bốn tay kiệt hiệt dưới trướng Ngài La Thập.” (Dao Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La thập. Trích từ Kinh A Di Đà Hợp Giải.)


Huyền Trang Tam Tạng Pháp Sư: Ngài được người đời xưng tán dưới mọi hình thức. Từ cuộc hành trình thỉnh kinh gian khổ, bi hùng… một người một ngựa băng qua sa mạc Gobi phía tây Trung Hoa để vào các dãy núi trùng điệp, cao vút đầy yêu tinh như sự mô tả của Tây Du Ký- Ngô Thừa Ân mà lạnh xương sống, mà chóng cả mặt mày. Cuộc hành trình này nhà văn Nguyễn Hiến Lê nói: “Vô tiền khoáng hậu của nhân loại.” 


Rồi suốt thời gian tham cứu học hỏi Phật Pháp tại Ấn Độ cũng gian khổ. Nhưng sự gian khổ này đã biến thành chí nguyện sắc đá, vững như tường đồng, chắc như kim cương để hiến dâng cho Phật Pháp. Sự hiến dâng này là phiên dịch Đại Tạng Kinh, làm quốc bảo của Phật Giáo Trung Hoa. “Ngài Huyền Trang là nhà phiên dịch thành công nhất. Hội dịch kinh Huyền Trang phát triển thành có hệ thống và tổ chức… với sự hỗ trợ và chi viện của triều đình. Ngài Huyền Trang làm chủ tịch, bên dưới có lập các khoa như hội đồng chứng nghĩa, trau chuốt lời văn, đối chiếu phạn văn, viết bản thảo đều do các nhân tài ưu tú của Phật giáo đương thời đảm trách.” Dưới trướng của Tam Tạng Pháp Sư có Ngài Khuy Cơ trác tuyệt, mà người đời gọi Ngài là “Pháp Sư ba xe”.“Bách Bổn Luận Sư.” Ngài Khuy Cơ đã đóng một vai trò tối quan trọng nơi dịch trường của Huyền Trang Tam Tạng Pháp Sư. Cho đến ngày Sư Phụ thị tịch- Huyền Trang, Ngài ôm mền chiếu cất một am tranh nơi tháp của Sư Phụ mà cư tang suốt ba năm. 


Một vài nét về sự sinh hoạt nơi dịch trường của chư vị Tam Tạng Pháp Sư của Trung Hoa thời đó, họ có đủ một thời gian bình lặng, thái hòa, họ có đủ sự giúp đỡ cống hiến của vua quan triều đình, họ có đủ nhân tài, hộ pháp của Phật tử. Nói chung là có tổ chức trong ngoài đầy đủ, nhân lực, tài lực, vật lực và còn nguyện lực nữa, nhờ vậy mà công việc phiên dịch Đại Tạng Kinh được thành tựu tốt đẹp, mà cho đến hôm nay Phật Giáo Việt Nam vẫn còn liên hệ một cách mật thiết và lập cước trên Hán Tạng để dịch sang Việt Ngữ – Đại Tạng Kinh Phật Giáo Việt Nam.


Công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh lâm thời, do Thầy làm chủ tịch. Thầy hình thành cơ cấu tổ chức, thỉnh mời nhân sự, Chư Tăng Ni, Phật tử, các bậc Thức giả, cùng cộng tác trong Hội Đồng Hoằng Pháp, Hội Đồng Phiên Dịch Lâm Thời.


Thầy là chim Hồng, chim Hạc xòe đôi cánh dẫn đầu đàn con. Giống La Thập, Huyền Trang, có vậy mới hoàn thành được công trình phiên dịch. Giờ không còn Thầy biết làm sao đây? Dĩ nhiên chúng con đã được Thầy sắp xếp, ai làm gì, quý Thầy Cô, Phật tử mỗi người một việc, nhưng con thấy khó quá Thầy ơi! Ai có khả năng và điều kiện trí tuệ như Thầy, để dịch Đại Tạng Kinh mang tính Hàn Lâm như Thầy?


Đọc vào Thanh Văn Tạng vừa ấn hành, ai cũng thấy được khả năng ngôn ngữ chú thích của Thầy là vô tận, mà hiện thời chẳng có ai thay thế được. Trung Hoa thời cựu dịch chỉ có một Tổ Sư Cưu Ma La Thập. Thời tân dịch chỉ có một Huyền Trang Tam Tạng Pháp Sư. Và hôm nay đầu thế kỷ 21 chỉ có một Tuệ Sỹ. Dưới trướng của Tổ Sư Cưu Ma La Thập thì có Tăng Triệu, Tăng Duệ… Dưới trướng của Huyền Trang Tam Tạng Pháp Sư thì có Ngài Khuy Cơ… còn dưới trướng của Thầy thì có ai? Có Chư Tăng Ni, Cư Sĩ Phật tử, có các giới thức giả, đại thí chủ để giúp việc mà hoàn thành Phật sự trọng đại này. Mong lắm thay! 


Trong những ngày qua, sau khi Thầy an tường xã bỏ báo thân, đã không biết bao nhiêu bài viết xưng tán công hạnh, sự nghiệp của Thầy một đời phụng sự cho Đạo. Thầy đã để lại cho đời một gia tài như là một ngân khố văn học, văn hóa sáng ngời trên dòng chảy của Phật Giáo Việt Nam. Nào là viện ngọc quý, nào là Tam Tạng Pháp Sư, nào là Đạo Sĩ hùng tráng như Sư Tử Chúa- Đại Trí và thong dong tự tại như Tượng Vương- Đại Hạnh.


Nhưng bạch Thầy! Con biết Thầy đâu thích nghe những lời xưng tụng như vậy, mà Thầy chỉ thích nghe tiếng dương cầm u huyền, thanh thót đưa hồn vào cõi vô tung. Thầy chỉ thích làm thơ để tặng đời như những bóng nắng in trên vách hiên chùa mà nghe lời kinh siêu độ chiều nay. Thầy chỉ thích ngồi đọc Đại Tạng để dịch, để chú thích…


Người viết đến đây chợt nhìn qua Tựa của Huyền Thoại Duy ma Cật mà Thầy đã viết. Thầy viết ra sao? Ra như thế này: “…cảm giác của tôi từ ấn tượng mong manh của ngôi chùa vẫn như vậy. Chợt cảm hứng tôi viết tặng chùa hai câu đối, dù biết rằng nhà chùa sẽ ngần ngại không sẵn sàng khắc lên cổng để cho khách thập phương thưởng thức: 


– Vượt Trường Sơn Nghìn Dặm Bắc Nam, Nhìn Nắng Đọng Sân Chùa, Khách Có Biết Mấy Lần Dâu Biển?
– Ngắm Sông Bạc Một Màu Chung Thuỷ, Lắng Chuông Ngân Đầu Cỏ, Người Không Hay Một Thoáng Vô Vi. 


Hai câu đối bằng tiếng Việt hay như thế mà “nhà chùa sẽ ngần ngại, không sẵn sàng khắc lên cổng”. Họ sợ Thầy đến như thế sao? Hay sợ ai?


Con có nhớ mà thuộc lòng hai câu đối của Thầy nơi chánh điện Chùa Long Sơn Tỉnh Hội Nha Trang từ thuở đó: 


– Thập Phương Điều Ngự Phi Khứ Phi Lai, Hùng Hùng Sư Tử Tần Thân, Đạp Xuất Sơn Hà Tịnh Tuý.
– Tam Thế Truyền Đăng Bất Sanh Bất Diệt, Cũ Cũ Tượng Vương Hồi Cố, Phát Khai Nhật Nguyệt Tranh Quang. 


Sở học Hán văn của Thầy siêu đẳng, vì vậy nên chấp bút dịch Đại Tạng Kinh là sở trường của Thầy. Còn thi ca gạo cội của các thi hào, thi bá Trung Hoa: Đổ Phủ, Đào Tiềm, Dã Đảo, Khuất Nguyên, Vương Bột, Lý Bạch, Tô Đông Pha… thời đó như là những người bạn thâm giao trên diễn đàn văn học Hán nho, nên Thầy đã làm thơ trong tập Ngục Trung Mỹ Ngữ. Thiên Lý Độc Hành, toàn là Hán Nho thâm áo. Còn Giấc Mơ Trường Sơn. Điệp Khúc Cho Dương Cầm, cũng chẳng khác. Từ những âm hưởng giao thoa Hán Việt mà ý thơ bay bổng tuyệt cùng. Một tác phẩm “Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng.” Là một thực chứng nghiệm sở tác Hán Thi của Thầy. Thâm nho hơn cả các cụ đồ. Thâm nho của một tư tưởng hoằng viễn, tít mù, xa xăm chìm đắm trong triết lý Phật Pháp. Thầy đã cho Chùa Phật Đà một câu đối. Đó là: 


– Phật Như Tánh Hải Nhất Vị Đồng Nguyên Sơ Loan Bào Ảnh Phù Trầm Sinh Diệt Hà Tằng Xuất Một
Đà La Ni Môn Thiên Trùng Tế Ngữ Lục Kính Sương Đài Tĩnh Mặc Viên Âm Na Xứ Đoạn Thường. 


Kính lạy Giác Linh Thầy! Đâu là Hải Triều Âm, dựng sóng kết thành mây năm sắc là tàng, là lọng hầu Thầy về chốn Lạc Bang. 


Hành Trạng Và Sự Nghiệp Vượt Thời Gian Của Thầy, những mong tất cả hàng hậu học chúng ta hôm nay hãy tập chú, gia tâm mà nghiên tầm học hỏi. Ai có khả năng nào thì làm bằng khả năng ấy. Viết lại những băng tape đã được ghi âm thầy giảng dạy để tập thành những tác phẩm cho đời, cho đạo. Những dịch phẩm, tác phẩm của Thầy còn trong bản thảo thì hãy đánh máy hoàn chỉnh để in ấn, nếu không làm thì sẽ bị mai một. Đây là cách trả ơn Thầy trong muôn một. Hãy thi thiết những lời Thầy nói và hãy nghe những điều Thầy nhắn nhủ. Nghe rồi áp dụng vào đời sống của tự thân làm lợi ích cho Đạo, cho đời, ấy là giá trị đền ơn thiết thực. Như lời Thầy nói: “Tổ giáo nghiêm, vô khả nại hà.” 


Hành Trạng Và Sự Nghiệp Vượt Thời Gian Của Thầy, không ai có thể nói hết, viết hết, đem ngôn ngữ của trần gian là hữu hạn để nói cái vô tung không cùng thì quả thật là trò đùa, là mộng, là huyển, là bắt bóng trăng dưới đáy nước- Tích môn. Còn vầng trăng lồng lộng giữa trời thì nào có ai nắm tới- Bản Môn. Phương tiện tích môn mà Thầy có mặt nơi này, chốn kia, có đến, có đi, có làm, có nghỉ… có còn, có mất… Có đủ mọi thứ hình hài. Nhưng bây giờ Thầy là vầng trăng sáng lồng lộng giữa trời- Bản Môn. Dù cho mây che, gió lộng, đất lở trời nghiêng, thì vầng trăng sáng giữa bầu thái hư vẫn như nhiên bất động, ấy là tự tính của hữu vi, vô vi. Tục đế, chơn đế, Giác Linh Thầy cao đăng thượng phẩm, hồi nhập ta bà, phân thân hóa độ, lợi lạc chúng sinh. 


Một giọt nước cam lồ. Hai giọt nước cam lồ. Ba giọt nước cam lồ rơi xuống đọng lại trên trang kinh của Thầy mới dịch, rồi bốc thành khói hương Giới. Khói hương Định. Khói hương Tuệ. Khói hương Giải Thoát. Khói hương Giải Thoát Tri Kiến cúng dường ngày tuần chung thất của Thầy trên đỉnh Lăng Già đầy tinh thể trăng sao. 


Thành kính cúng dường ngày tuần chung thất Đạo Sư Tuệ Sỹ.  


San Diego, California- USA
ngày 12 tháng 12 năm 2023 


Kính lễ
Con,
Thích Nguyên Siêu 


15/12/2023
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1344)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1292)
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1420)
03 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2107)