Nhìn lại "Học thuyết Obama"

17 Tháng Năm 201511:29 CH(Xem: 25013)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 18 MAY 2015
Mỹ đang muốn chống Trung Quốc, Nga, Iran mà không tốn mồ hôi

Phe đối lập thường hay chê bai rằng tổng thống Obama là một người chỉ đủ năng lực giải quyết các vấn đề quốc nội như kinh tế của Mỹ, và thường tỏ ra nhu nhược và thiếu quyết đoán trong các vấn đề đối ngoại. Họ đã nhầm.
blank
Có thể Barack Obama không phải là một vị tổng thống thiên về cách thức giải quyết các vấn đề quốc tế theo kiểu cứng rắn, nhưng vị tổng thống da màu này đang chứng tỏ ông biết cách làm thế nào để phát huy quan điểm về địa chính trị của cá nhân mình.

Cái thời mà nước Mỹ nắm giữ quyền bảo vệ an ninh trên thế giới bằng việc sử dụng vũ lực ở những điểm xung đột đã qua rồi, nước Mỹ giờ đây đóng vai trò là một siêu cường đặt mục tiêu duy trì thế cân bằng trên toàn cầu hơn là can thiệp quân sự trực tiếp như trong quá khứ. Thế giới, sau hai nhiệm kỳ của Barack Obama, sẽ là một thế giới hoàn toàn khác.

Những người thường chỉ trích chính sách đối ngoại có phần thiếu quyết đoán của tổng thống Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình đã không hoàn toàn sai lầm. Quá chú tâm vào giải quyết các vấn đề trong nước, như sự hồi phục nền kinh tế sau dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính 2007, trọng tâm chính sách đối ngoại của chính quyền Obama là tránh hướng tiếp cận theo cách có thể khiến nước Mỹ lại bị kéo vào một cuộc tranh chấp quốc tế hao người tốn của khác.

Cũng theo quan điểm đó, Nhà Trắng chính thức rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ đang đồn trú ở Iraq như một phần lớn quân đội ra khỏi Afghanistan. Những cuộc rút quân này, cùng với việc tránh can thiệp sâu vào những vấn đề xung đột quốc tế, đã đem lại cho nước Mỹ những điều kiện thuận lợi về kinh tế và chính trị để hồi phục nền kinh tế vốn lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng do hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq cũng như cuộc khủng hoảng tài chính 2007 gây ra.

Nhưng khi mà hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama đã sắp kết thúc, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu hồi phục mạnh cũng như các vấn đề quốc nội khác đã tương đối ổn định. Thì đây là thời điểm mà Barack Obama có thể hướng đến các vấn đề đối ngoại, như một cách để lại dấu ấn lớn nhất của mình sau hai nhiệm kỳ tổng thống, đồng thời tạo thuận lợi cho ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới đang diễn ra.

Thế giới và các nhà phân tích tò mò về việc, một Obama từ trước tới nay chỉ tập trung vào các vấn đề quốc nội, sẽ xử lý các vấn đề quốc tế ra sao khi mà cục diện thế giới đang ngày một phức tạp. Không xác định trước trọng tâm chính sách đối ngoại rõ rệt như một số đời tổng thống trước đó của nước Mỹ, nhưng điều mà một số nhà nghiên cứu đang gọi là “học thuyết Obama” thực sự khiến chúng ta phải quan tâm. Để hiểu rõ hơn thứ “học thuyết Obama” này, cần phải điểm lại những nét chính trong sách lược đối ngoại của Mỹ trong những năm qua.

Trọng tâm của sách lược đối ngoại của Mỹ trong những năm qua, được xem là kế thừa quan điểm đối ngoại của giai đoạn chiến tranh lạnh. Theo đó nước Mỹ đảm bảo an ninh cho các quốc gia đồng minh của mình ở mức cao nhất có thể. Bất cứ một nước đồng minh nào bị đe dọa về an ninh và quốc phòng, thì Mỹ sẽ đảm nhận vai trò ngăn chặn nguy cơ đó xảy ra, kể cả bằng việc điều động lực lượng quân đội Mỹ tham chiến. Chính sách này vẫn được duy trì, và thậm chí còn được đẩy mạnh, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới bước vào một thời kỳ ổn định và hầu hết các quốc gia đều giải trừ dần quy mô quân sự của mình và hướng đến phát triển kinh tế. Sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu cũng khiến cho không còn mối đe dọa chủ yếu nào với nước Mỹ trên toàn cầu. Nước Mỹ đã thực sự trở thành siêu cường duy nhất của thế giới và không một quốc gia nào dám trực tiếp thách thức người Mỹ về mặt quân sự.

Điều này dẫn tới việc hầu hết các đồng minh của Mỹ trên thế giới đều giải trừ quân bị của mình một cách triệt để. Từ các nước châu Âu trong NATO, cho tới các quốc gia Ả Rập Hồi giáo và Nhật Bản. Khi đã có sự bảo đảm an ninh của Mỹ, và trên thế giới cũng không có thế lực nào dám thách thức Mỹ, thì việc duy trì quân bị quy mô như thời chiến tranh lạnh là điều không cần thiết với các quốc gia liên minh với Mỹ.

Chính sách này đã giữ vai trò chủ đạo trong sách lược toàn cầu của Mỹ trong suốt những năm qua kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng nó đang đứng trước khả năng xáo trộn và thay đổi rất lớn, trước cục diện mới của thế giới đang dần hình thành. Sự trỗi dậy của các cường quốc khác trên thế giới, như Trung Quốc và Nga đang khiến cho cục diện không chỉ ở các khu vực, mà cả cục diện toàn cầu cũng đang thay đổi một cách chóng mặt.

Quả thực, nếu như trong chiến tranh lạnh người Mỹ phải đối đầu với một con voi khổng lồ, là khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa. Thì ở thời điểm hiện tại, nước Mỹ đang phải đối mặt với một đàn sư tử. Sự trỗi dậy của Nga đang khiến tình hình ở Đông Âu thay đổi đáng kể, còn sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến cả châu Á dậy sóng. Sự thách thức với nước Mỹ giờ đây đã không còn chỉ đến từ lĩnh vực an ninh quốc phòng như thời chiến tranh lạnh, mà còn đến từ kinh tế và địa chính trị.

Nga đang không giấu diếm ý định mở rộng ảnh hưởng mình ở Đông Âu như trước, còn Trung Quốc thì ráo riết tiến hành sách lược để quay trở lại địa vị thiên triều ở châu Á như trong quá khứ. Cùng lúc đó là các vấn đề xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi và sự trỗi dậy của Hồi giáo cũng đang khiến Mỹ phải cùng lúc đối mặt với vấn đề trên khắp toàn cầu.

Vì thế, việc Mỹ tiếp tục duy trì sách lược duy trì ổn định trên khắp toàn cầu theo kiểu đơn thương độc mã trước đây đã không còn phù hợp nữa. Có vẻ như Barack Obama cũng nhận ra điều này, khi mà ông đang đặt trọng tâm cho sách lược của mình bằng việc nâng cao sức mạnh của hệ thống các đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới. Mỹ sẽ không giữ vai trò đảm bảo an ninh quốc phòng của các đồng minh từ A đến Z theo kiểu vú em như trước nữa, thay vào đó các quốc gia này sẽ phải tự mình tăng cường khả năng đảm bảo an ninh cho chính mình, và Mỹ sẽ chỉ trợ giúp khi cần thiết.

Để thực hiện điều này, Mỹ đang bật đèn xanh cho Nhật tái vũ trang và thậm chí là tham gia vào thị trường công nghệ quân sự toàn cầu. Ở Trung Đông, các quốc gia Ả Rập Hồi giáo cũng đang được bật đèn xanh để xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh, đủ sức đối phó với những bất ổn trong khu vực như sự trỗi dậy của IS hay vấn đề Iran.

Bằng việc thay đổi trọng tâm sách lược đối ngoại của Mỹ, Barack Obama đang tạo nên cả một bước ngoặt trong cục diện địa chính trị toàn cầu. Sẽ không còn chuyện Mỹ đem quân hùng hổ đến các khu vực có xung đột, thay vào đó Mỹ đang tạo nên một sự cân bằng lực lượng ở khắp các khu vực trên thế giới.

Ở Đông Âu, EU sẽ là đối trọng với Nga, ở Trung Đông là khối các nước Ả Rập đối trọng với Iran, còn ở châu Á Thái Bình Dương Nhật và các nước đồng minh khác của Mỹ sẽ là đối trọng với Trung Quốc. Mỹ sẽ chỉ giữ vai trò đảm bảo thế cân bằng này không bị xáo trộn, và sẽ chỉ đích thân tham gia nếu như thế cân bằng này bị đe dọa mà thôi./

ĐXD (theo Bloomberg)