Đây, Việt Nam ta đây:

22 Tháng Mười Hai 20158:17 CH(Xem: 14409)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 23 DEC 2015

Đây, Việt Nam ta đây:

Quảng trường nghìn tỷ và tấm ảnh trị giá 10 cân sắn

(GDVN) - Hội chứng quảng trường, tượng đài vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết dù đã có ý kiến của Thủ tướng. Có cái gì đặc biệt ở đó mà người ta phải xúm xít như vậy?

Câu chuyện UBND tỉnh Tiền Giang quyết định đầu năm 2016 sẽ khởi xây dựng quảng trường trung tâm bao gồm bảo tàng, thư viện, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa thể dục thể thao, sân lễ, công viên cây xanh, bãi xe, hạ tầng kỹ thuật... với tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng đã khiến dư luận phải dành nhiều giấy mực.

Chuyện ở Tiền Giang khiến người viết nhớ lại chuyến đi tìm mộ em trai, liệt sĩ trinh sát đặc công Dương Văn Quý hy sinh tại Tiền Giang năm 1972, chuyến đi bắt đầu từ ngày 4/12/2015.  

Đến Tiền Giang chúng tôi gặp được hai người đồng đội của chú em đang sống với gia đình ở thị xã Gò Công: Đại tá Đỗ Phúc Toán, nguyên Phó tham mưu trưởng Sư 339, quân khu 9 và ông Bình Luận, người chiến sĩ trinh sát thông tin năm xưa. 

Cả hai ông cùng nhập ngũ với em tôi ngày 26/12/1970, tiểu đoàn 546, trung đoàn 5 đoàn 2008B, đa số chiến sĩ tiểu đoàn là học sinh, sinh viên và đều quê Quảng Ninh. 

Ông Toán quê Đông Triều, ông Bình Luận quê Móng Cái, còn em tôi ở thành phố Hạ Long (đều thuộc tỉnh Quảng Ninh). Ông Toán kể, sau một năm huấn luyện trinh sát đặc công nước, tháng 12 năm 1971 đơn vị hành quân từ Quảng Bình qua Lào vào Tiền Giang. Đi bộ ròng rã 6 tháng 12 ngày, tháng 6/1972 vào đến Gò Công. 

Trên đường hành quân hy sinh hơn 100 chiến sĩ, có lúc cả đại đội không còn lương thực, ông cùng đồng đội vào bản của người Lào vận động bà con giúp đỡ. Bà con nước bạn gặp bộ đội cụ Hồ không đòi hỏi gì, chỉ xin tấm ảnh Bác Hồ, tiếc là không ai mang theo. 

Ông Toán đành lấy tấm ảnh cụ thân sinh đưa cho bà con, họ thấy ảnh ông cụ có râu thì tin ngay đó là ảnh quý, mọi người gom cho ông bao sắn chừng 10 cân, ông mang vội về chia cho anh em trong đơn vị. 

Sau chiến tranh chống Mỹ ông lại hành quân qua biên giới Tây Nam, ngày ông về Đông Triều thì cụ thân sinh đã mất, gia đình không còn bức ảnh nào của cụ, ông thở dài nói: “Bây giờ trên bàn thờ không có ảnh bố, nếu tìm gặp xin lại được bức ảnh, dẫu có phải trả hàng chục triệu cũng không tiếc”.

Ông Bình Luận kể năm 1976 ông giải ngũ, lấy vợ sinh con, khó khăn khiến vợ chồng ông bồng bế con cái về Móng Cái xin ruộng cấy lúa. Lúa cấy chẳng đủ ăn, cả nhà lại dắt nhau về Tiền Giang sinh sống. 

Gặp ông Ba Lê ở Cai Lậy, người trung đội trưởng trung đội trinh sát đặc công tỉnh đội Tiền Giang khi xưa, sau chiến tranh với Pôn Pốt, ông giải ngũ, căn nhà ông sống cùng vợ con có lẽ chắc chắn nhất là mấy chiếc cột bê tông, lợp lá dừa. 

image066

Tác giả chụp ảnh với gia đình ông Ba Lê (Ảnh chụp tại nhà ông Ba Lê do tác giả cung cấp)


Đường vào nhà ông dài khoảng 2 cây số từ đường lớn, con đường ấy có bề rộng chừng 60 phân, luồn lách qua các rặng dừa, cầu tạm, xe ôm chạy chừng 10 phút, nếu gặp người đi ngược chiều thì một người phải tạt xuống ruộng nhường đường.  

Ngồi sau xe qua các cầu tạm mà tim đập thình thịch, được cái mấy bác xe ôm đã quen đường nên đành cố mà yên tâm.

Hoàn cảnh khó khăn khiến ông ngại không muốn gặp lại đồng đội, 40 năm sau hòa bình, ông Bình Luận, ông Toán mới tìm được người bạn vào sinh ra tử khi xưa.

Nhờ ông Ba Lê, gia đình biết được thông tin khi chú em tôi hy sinh, đó là trận đánh vào mùa khô 1972, sau khi gặt lúa, trận đánh diễn ra trên địa bàn ấp Bình Thọ 1, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo. 

Ông Ba Lê kể, trời tối, xác quân nhân hai phía chết đầy đồng như những bó lúa dân gặt để lại. Bộ đội hy sinh chừng 15 người, sau khi chôn cất liệt sĩ là hành quân di chuyển, từ đó ông chưa trở lại nơi diễn ra trận đánh nhưng vẫn nhớ một số cán bộ địa phương nơi đó.

image067

Bà Sáu Dân (áo hoa) – nguyên Chủ tịch xã Bình Phục Nhứt chụp ảnh cùng tác giả và mọi người


Theo chỉ dẫn của ông Ba Lê, chúng tôi tìm về xã Bình Phục Nhứt – huyện Chợ Gạo gặp bà Sáu Dân. Năm 1972 bà bị địch bắt, chồng chết, bà sinh người con thứ hai trong tù. Ra tù bà hoạt động công khai, đến 1974 lại bị bắt, bị giam 13 tháng. 

Sau hòa bình bà làm chủ tịch xã. Khi chia tay, giữa trời nắng gắt, đứng trước cổng nhà bà níu giữ mọi người đứng lại nghe đọc bài thơ tự viết về cuộc đời mình, bài thơ có những câu: 

Năm bảy ba vừa làm nuôi mẹ

Vừa nuôi con vừa nuôi chiến sĩ…

Năm bảy lăm tiếp tục hoạt động
…”

image068

Ảnh chụp một trang trong tập thơ của bà Sáu Dân, nguyên Chủ tịch xã Bình Phục Nhứt thời kỳ 1975. (Ảnh: Xuân Dương)


Tìm đến nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Phục Nhứt, có 48 ngôi mộ chiến sĩ chưa biết tên, hầu hết là bộ đội miền Bắc, các chiến sĩ quê miền Nam đa phần đã được thân nhân nhận biết. Em trai tôi cũng nằm trong số liệt sĩ chưa biết tên đó.

Sau khi thắp hương tại nghĩa trang, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông chủ tịch xã đã chỉ đạo công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, bà vợ ông nằm trên chiếc võng mắc dưới cành cây, thấy có khách lạ đến thăm liền ngồi dậy hỏi: “Đến thăm có chuyện chi vậy, cho tiền phải không?”.

Kể lại câu chuyện này để muốn nêu một câu hỏi, bao nhiêu người có công với cách mạng đang sống ở Tiền Giang hiện sống ở mức nghèo khổ?

Bao nhiêu ấp, xã vẫn chưa có một con đường đúng nghĩa là đường cho người dân đi lại? Bao nhiêu trường học, bệnh viện còn thiếu cần phải đầu tư xây dựng?

Một bài viết trên Dân Trí trích dẫn ý kiến đại biểu Lê Dũng trong phiên họp HĐND tỉnh Tiền Giang:

Toàn tỉnh còn hơn 3.000 người có công chưa được hưởng chính sách nhà ở. Hàng trăm căn nhà xuống cấp nặng, sắp sập trong khi tuổi của họ đã cao, không còn sống bao lâu nữa. Tôi thấy xót xa lắm!”.

Xin nói thêm rằng ông Ba Lê, bà Sáu Dân, ông Bảy Mạnh và nhiều người khác mà người viết đã gặp trong chuyến đi gần hết các huyện tỉnh Tiền Giang tuổi đều đã khoảng 70-80, họ đều đã vào tù ra tội, vào sinh ra tử trong cuộc chiến giành độc lập tự do cho mảnh đất Tiền Giang nói riêng và tổ quốc nói chung. 

Vì sao hôm nay có người lại vội quên công lao, xương máu họ đã cống hiến cho quê hương, đất nước?

Những lập luận “hoành tráng” không kém quy mô hoành tráng của các dự án mà lãnh đạo các địa phương đưa ra như “xây dựng quảng trường là để nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa, tinh thần của người dân…” liệu có thật sự như vậy? 

Người dân Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông… muốn đến được quảng trường ở Mỹ Tho trước hết phải vượt qua mấy cây số đường bờ ruộng và cầu tạm, với đôi chân trần hay đôi dép dính đầy bùn ruộng, họ đến quảng trường ấy để làm gì?

Phải chăng, hội chứng quảng trường, tượng đài vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết dù đã có ý kiến của Thủ tướng. Có cái gì đặc biệt ở quảng trường và tượng đài mà người ta phải xúm xít vào như vậy? 

Nếu ai đó ở Tiền Giang cho rằng quảng trường to đẹp là bộ mặt văn hóa, tinh thần của tỉnh thì xin hãy đọc trang thơ của bà Sáu Dân.

Bà cụ ấy hai lần bị địch bắt đi tù, đã làm chủ tịch xã khi không ít cán bộ đương chức Tiền Giang ngày nay còn chưa cất tiếng khóc chào đời;

Hãy nghe câu chuyện của ông Tám Toán, người chiến sĩ đã phải đổi tấm ảnh cha mình lấy mấy cân sắn cho bộ đội đỡ đói hành quân chiến đấu.

Nghe những cán bộ, chiến sĩ năm xưa kể chuyện, nhìn ngấn nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo của họ, chợt thấy buồn cho ai đang vội sống, đang vội quên quá khứ nhưng lại rất nhớ … quảng trường.

Xuân Dương 21/12/15 10:17

28 Tháng Năm 2013(Xem: 17547)
Vào thời điểm kỷ niệm 24 năm từ khi Việt Nam chính thức mở cửa kinh tế, 12 năm từ lúc Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được xem như một “bước ngoặt”, 6 năm “cơ hội” cho việc lần đầu tiên quốc gia này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, một lần nữa mối tương quan Mỹ - Việt lại chuyển sang một khúc quanh thách thức mới: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
28 Tháng Năm 2013(Xem: 17533)
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói Việt Nam sẽ cử phái đoàn tìm hiểu về không quân và các hệ thống vũ khí của Indonesia trong năm 2014. Cổng thông tin lớn nhất của Indonesia, Kompas, đưa tin như vậy sau khi phóng viên M Hernowo tháp tùng Thứ trưởng Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin tới Hà Nội trong chuyến đi tiếp thị máy bay vận tải quân sự CN-295 hôm 27/5.
16 Tháng Năm 2013(Xem: 24812)
Tối thứ Hai 6/5 rạng sáng thứ Ba 07/05/2013, hỏa tiễn Vega của châu Âu đã phóng thành công lên quỹ đạo hai vệ tinh quan sát trái đất loại nhỏ là vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam và Proba-V của châu Âu, cùng với một vệ tinh siêu nhỏ của đại học Estonia. Vệ tinh viễn thám đầu tiên này sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí mua ảnh vệ tinh và chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai.
16 Tháng Năm 2013(Xem: 16590)
Hầu như mọi người Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, đều vô cùng bức xúc khi được tin trên các trang liên mạng của Trung Quốc đang dấy lên một chiến dịch truyền thông nhằm vào Việt Nam với những lời lẽ sách động, gây hấn. Song song với chiến dịch này là những hành động khiêu khích trên biển Đông của các “ngư phủ” trá hình Trung Quốc mang vũ khí. Nếu trong thời gian qua, mọi người từng cảm thấy thất vọng, căm phẫn và nhục nhã trước những phản ứng nhu nhược, hèn đớn của các nhà lãnh đạo trong nước khi Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) vào huyện lỵ Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam
21 Tháng Tư 2013(Xem: 20625)
Theo tin tức và hình ảnh chúng tôi nhận được, từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 3 năm 2013 đã diễn ra hai sự kiện tác động đến tâm lý chính trị người Việt hải ngoại, mỗi khi nhớ về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Đó là vào những ngày đầu năm Quí Tị 2013, ông Nguyễn Thanh Sơn, đương kim Thứ trưởng Bộ ngoại giao CSVN, Chủ tịch Uỷ ban “Việt kiều” và một phái đoàn Mỹ do ông Lê Thành Ân Tổng lãnh sự dẫn đầu, đến thắp nhang tưởng niệm tại Nghĩa Dũng Đài, một đài tưởng niệm lớn tọa lạc trong Nghĩa Trang Biên Hòa.
16 Tháng Tư 2013(Xem: 18679)
Hôm qua ông Lê Thành Ân Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Tại Sài Gòn dẫn đầu một phái đoàn đã viếng thăm Nghĩa Trang Quân đội VNCH cũ ở Biên Hòa. Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa từng là nơi yên nghỉ hơn 16.000 tử sĩ các cấp. Sau năm 1975, chế đội mới đã phong tỏa khu vực nghĩa trang quân đội này, không cho phép thân nhân những người đã khuất vào thăm viếng và chăm sóc phần mộ. Gần đây Chính quyền Việt Nam đã chuyển quyền quản lý khu nghĩa trang Quân đội VNCH cho Tỉnh Bình Dương và qui hoạch như một nghĩa trang dân sự. Việc thăm chăm sóc mộ phần tử sĩ VNCH đã được dễ dàng hơn trước.