VĂN HÓA ONLINE – BIỂN ĐÔNG-HOA ĐÔNG - THỨ HAI 12 JULY 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Ngoại trưởng Joseph Wu: Đài Loan đang ở chiến tuyến (*)
Ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp: Trung Quốc tìm cách làm Đài Loan hỗn loạn
06/07/2021
(Ảnh minh họa) - Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Đài Bắc, ngày 06/11/2019. REUTERS/Fabian Hamacher
Thùy Dương
Đài Loan và 23 triệu dân hơn bao giờ hết đang là tâm điểm trong quan hệ đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hai cường quốc đang có nhiều bất đồng về thỏa thuận thương mại, các cuộc tập trận, các lộ trình về chiến lược, sản xuất thiết bị bán dẫn, mô hình lãnh đạo … và đặc biệt là về Đài Loan.
Trong bài phỏng vấn báo Pháp Libération đăng ngày 03/07/2021, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) trình bày chi tiết về các mối đe dọa, hành động gây bất ổn của Trung Quốc đối với Đài Loan cũng như "sự khác biệt mang tính hệ thống" giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, đồng thời tái khẳng định sự gắn bó của Đài Loan với các nguyên tắc dân chủ. RFI tiếng Việt giới thiệu bài phỏng vấn.
Washington và Đài Bắc hôm 01/07/2021 đã thông báo mở lại các cuộc thảo luận về khả năng có một thỏa thuận thương mại, một trong những mục tiêu của tổng thống Thái Anh Văn. Ông trông chờ gì từ những cuộc thảo luận nà ? Đâu là tác động đối với quan hệ Đài Loan - Trung Quốc ?
Các cuộc thảo luận kéo dài 8 tiếng đồng hồ và gồm nhiều chủ đề, nhất là thương mại và đầu tư, mở đường cho các quan hệ chặt chẽ hơn về ngoại giao và thương mại, cho một hiệp định thương mại song phương trong tương lai. Đây là một sự phát triển rất tích cực đối với chúng tôi. Còn về phía Trung Quốc, phản ứng của Bắc Kinh lúc nào cũng vậy: Trung Quốc không muốn Đài Loan có thêm các mối quan hệ, các cuộc tiếp xúc chính thức với các nước khác. Nhưng việc gia tăng mối quan hệ với Hoa Kỳ hoặc với các quốc gia cùng chí hướng và các lợi ích chung với Đài Loan là có lợi cho Đài Bắc. Dĩ nhiên là chúng tôi đang chờ đợi thời cơ thích hợp để thảo luận về một thỏa thuận đầu tư song phương với Liên Hiệp Châu Âu. Chúng tôi không muốn bị Trung Quốc hạn chế: Bắc Kinh muốn cản trở Đài Bắc trong việc có thêm quan hệ với Liên Âu.
Đài Loan có cần tăng cường quan hệ với Mỹ không?lici
Quan hệ của chúng tôi với Mỹ luôn rất tốt đẹp, vững chắc. Khi tổng thống Trump còn đương nhiệm, quan hệ đôi bên thậm chí còn được cải thiện rõ ràng đến mức nhiều người trong chính quyền Mỹ nói rằng quan hệ của chúng tôi chưa bao giờ tốt đến như vậy. Từ khi tổng thống Biden vào Nhà Trắng, quan hệ đôi bên tiếp tục tiến triển. Tình hình như vậy khiến chúng tôi rất vui mừng. Hoa Kỳ đã thông báo sẽ cung cấp vac-xin cho Đài Loan, đây là một cử chỉ rất quan trọng.
Trong lễ kỷ niệm 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm thứ Năm 01/07, chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc muốn giải quyết "vấn đề Đài Loan" để "thống nhất" hoàn toàn đất nước và sẽ "đè bẹp" mọi nỗ lực giành độc lập của hòn đảo. Đài Loan có phải là chiến tuyến, là lằn ranh của một cuộc chiến tranh lạnh mới hay không?
Đây là một câu hỏi rất phức tạp. Nhìn vào quan hệ Đài - Trung, quý vị sẽ thấy mọi những khác biệt đã đến mức mang tính hệ thống. Đài Loan là một nền dân chủ, Trung Quốc là một nước chuyên quyền. Chính phủ của chúng tôi đơn giản là phải tôn trọng đa số công luận, nhưng Trung Quốc thì không. Bắc Kinh muốn áp đặt mong muốn của họ, không chỉ đối với người dân Trung Quốc, mà còn đối với cả Đài Loan, Hồng Kông và người dân ở những nơi khác nữa. Chúng tôi là một đất nước tự do và cởi mở. Chúng tôi có sự đồng thuận theo đó tương lai chỉ nên do người dân Đài Loan quyết định. Vì vậy, đúng là không nghi ngờ gì nữa, Đài Loan đang ở chiến tuyến.
Nếu nhìn vào bối cảnh chiến lược quốc tế hiện tại, quý vị có thể thấy chủ nghĩa độc tài đã được mở rộng nhưng tập trung ở Trung Quốc. Có những nước và khu vực xung quanh Trung Quốc mà Bắc Kinh cố gắng đi những nước cờ vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Ví dụ ở biển Hoa Đông, căng thẳng với Nhật Bản là điều hiển nhiên. Tại Biển Đông, Trung Quốc đang tìm cách bành trướng, gây nhiều căng thẳng trong khu vực. từ lâu nay họ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tìm cách áp đặt nguyên tắc một nước Trung Hoa hay mô hình "một quốc gia, hai chế độ". Bắc Kinh còn đang cố thực hiện một chiến dịch bóp méo, xuyên tạc thông tin nhắm vào Đài Loan, tạo cảnh hỗn loạn trong nội bộ Đài Loan, chia rẽ chúng tôi và xâm nhập vào Đài Loan. Cũng đừng quên các cuộc đụng độ biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hồi năm ngoái. Cuộc xung đột này vẫn chưa được giải quyết. Cũng không có quốc gia nào khác có tầm ảnh hưởng nhiều như Trung Quốc tại châu Phi. Bắc Kinh cũng đang cố mở rộng ảnh hưởng ở Tây bán cầu và hiển nhiên là Trung Quốc có thể thực hiện điều đó.
Nhìn rộng ra, chúng tôi thấy rõ là Trung Quốc muốn áp đặt trật tự ở các khu vực khác trên thế giới. Chúng tôi cũng thấy rằng các nền dân chủ như Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Canada, Úc và Nhật ngày càng hiểu rõ sự đối đầu này. Vì thế, các nước dân chủ cũng đang cố gắng tập hợp lại với nhau, hợp tác nhiều hơn, triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của riêng mình và thể hiện suy nghĩ là hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan là rất quan trọng. Chúng tôi nhận biết được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ đường lối dân chủ của chính mình.
Ông có dùng cụm từ Chiến Tranh Lạnh Mới để mô tả những gì đang diễn ra không?
Với tư cách là ngoại trưởng, tôi có thói quen không sử dụng những từ ngữ đơn giản để mô tả một tình hình rất phức tạp. Chúng ta cần hiểu rõ khuôn khổ của chiến lược toàn cầu này, cũng như các sắc thái của mỗi sự phát triển.
Đâu là thực tế về mối đe dọa trên không và trên biển của Trung Quốc đối với chủ quyền của Đài Loan?
Tôi có thể mô tả đây là một chiến lược rất toàn diện của Trung Quốc nhằm gây bất ổn cho Đài Loan. Vào năm 2020, Trung Quốc đã có 2.900 chuyến đi quanh hòn đảo, như vậy là rất nhiều. Trong năm nay, từ tháng Giêng đến tháng Năm, Trung Quốc đã tiếp tục tăng cường các cuộc tập trận. Ý đồ của họ nhằm cưỡng chế Đài Loan như vậy là rất rõ ràng. Trung Quốc đang thử nghiệm nhiều tên lửa trên biển ở phía đông nam Đài Loan, thực hiện các cuộc tập trận trên biển và trên không định kỳ để mô phỏng các vụ tấn công Đài Loan cũng như các cuộc tấn công vào tàu sân bay Mỹ. Đó không chỉ để răn đe mà còn để chuẩn bị cho tình huống Hoa Kỳ can thiệp vào một cuộc xung đột. Như vậy, đó là một mối đe dọa quân sự.
Trung Quốc cũng cố cản trở Đài Loan tham gia các hoạt động quốc tế hoặc vào tổ chức quốc tế. Trung Quốc muốn áp đặt nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ đối với Đài Loan, hoặc một nước Trung Hoa, không loại trừ việc sử dụng vũ lực như Tập Cận Bình từng phát biểu hồi tháng 01/2019. Trung Quốc sử dụng năng lực điều khiển học để tấn công Đài Loan, thông qua các chiến dịch tấn công mạng và xuyên tạc thông tin.
Liệu theo ông có phải sức ép chưa bao giờ mạnh đến như vậy?
Vâng, đúng vậy. Sức ép đang gia tăng và ngày càng trở nên mạnh hơn. Trung Quốc đang tiếp tục nhiều chiến dịch chống Đài Loan, như một cuộc chiến tranh tổng hợp vậy.
Một năm sau ngày Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc có hiệu lực, ông nhìn nhận tình hình Hồng Kông hiện nay như thế nào ?
Năm 1997, Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc với lời hứa của Bắc Kinh về mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Trung Quốc đã công khai tuyên bố muốn sử dụng Hồng Kông như một tủ kính trưng bày mô hình này cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Đài Loan. Nhưng với Luật An ninh Quốc gia, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Trước kia, Hồng Kông là xã hội tự do nhất ở Đông Á. Nhưng tự do báo chí, tự do học thuật, tự do ngôn luận đã dần bị loại trừ trong năm qua. Và biểu tượng cuối cùng của tự do ngôn luận, tờ báo Apple Daily, đã bị đóng cửa. Đó là một bi kịch. Những người bảo vệ tự do và dân chủ, trong đó có cả các dân biểu, lần lượt bị bỏ tù. Và cuối cùng, nếu quan sát tình hình ở Hồng Kông, quý vị sẽ nhận thấy Hồng Kông không khác gì Trung Quốc dưới chế độ độc tài. Lời hứa của Trung Quốc về việc duy trì mô hình “một quốc gia, hai chế độ” trên thực tế là một lời nói dối.
Ở Đài Bắc người ta hay nghe nói : Những gì xảy ra ở Hồng Kông hôm nay sẽ xảy ra ở Đài Loan sau này. Ông nghĩ sao về điều này ?
Nhiều người nói như vậy với đầy cảm xúc. Nhưng đây là một câu chuyện khác. Hồng Kông đã được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, vì thế chính phủ Trung Quốc có thẩm quyền tài phán đối với Hồng Kông. Thực tế ở Đài Loan thì hoàn toàn khác. Chúng tôi có một chính phủ trung ương, được bầu một cách dân chủ, có quân đội của riêng chúng tôi và quân đội có khả năng phòng vệ. Chúng tôi có bộ Ngoại Giao cấp thị thực và hộ chiếu. Chúng tôi cũng có đồng tiền riêng của mình. Trung Quốc chưa bao giờ có tư cách độc quyền tài phán đối với Đài Loan.Bắc Kinh không có bất cứ thẩm quyền gì đối với Đài Loan. Chúng tôi muốn duy trì nguyên trạng : Đài Loan là một nền dân chủ, eo biển Đài Loan hòa bình và ổn định. Người Đài Loan rất mong muốn giữ nguyên trạng. Và nguyên trạng này cũng đặc biệt được các nền dân chủ, vốn thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan, đánh giá cao.
Các cuộc đàm phán giữa Đài Loan và Trung Quốc có khả năng sẽ được bắt đầu lại không?
Điều này đối với tôi có vẻ khó xảy ra. Đối thoại với nhau bao giờ cũng tốt hơn là đối đầu với nhau. Chúng tôi muốn đối thoại với phía Trung Quốc, trên cơ sở bình đẳng và duy trì nguyên trạng giữa hai bên. Nhưng Trung Quốc lúc nào cũng muốn áp đặt ý muốn của họ cho Đài Loan - nguyên tắc một nước Trung Hoa - và họ muốn chúng tôi thừa nhận Đài Loan chỉ là một phần của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi đâu có ngốc, chúng tôi cũng chẳng điên thế, bởi làm như vậy là đặt Đài Loan ngang hàng với Hồng Kông, và rõ ràng là phần lớn dân Đài Loan phản đối điều này. Để một cuộc đối thoại giữa Đài Loan và Trung Quốc diễn ra, Bắc Kinh phải đến không kèm theo các điều kiện tiên quyết và phải có ý định đàm phán hòa bình với chúng tôi. Nhưng hiện giờ thì chúng tôi không nhìn thấy khả năng đó ở Tập Cận Bình. (RFI)
(*) tựa của VHO
- Mỹ: xây cơ sở hàng hải ở đảo Batam-Indonesia; bán F-16 cho Philippines
- Đài Loan