Mối tình Macron

28 Tháng Năm 201711:14 CH(Xem: 5340)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ C THỨ  HAI  29  MAY 2017


Mối tình Macron : Vì sao vợ tổng thống Pháp trở thành ''hiện tượng'' ?


Trọng Thành 28-05-2017


image030Brigitte Trogneux và Emmanuel Macron tại điện Elysée ngày nhậm chức tổng thống 14/05/2017.REUTERS/Philippe Wojazer


Hai tuần trước cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp vòng một (11/06/2017), khả năng hành động của tân chính phủ Macron là chủ đề chính của nhiều tuần báo. Le Point lo lắng : « Tổng thống có trụ được trước áp lực của công đoàn CGT và giới cực tả ? ». L’Express thì hướng cái nhìn về những người xuất thân xã hội dân sự nay đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong tân chính phủ, với vẻ ngờ vực : « Xã hội dân sự nắm quyền, tốt hay dở ? ». Ngược lại, l’Obs tuần này tạm lánh « không khí chính trị sôi sục », như đề nghị của nhà triết học Abdennour Bidar, để đến với « Hiện tượng Brigitte Macron (phu nhân tân tổng thống Pháp) ». Nhân vật đang gây nhiều phản ứng trái nghịch, từ yêu mến - ngưỡng mộ, đến bêu riếu - bài bác.


Bài « Khi nước Pháp…. sáng tạo ra Brigitte » mở đầu với hình ảnh Brigitte Macron « đột ngột trỗi dậy trong tâm thức cộng đồng như một ngôi sao thời hiện đại, vụt sáng trên bầu trời, nhờ ở cuộc hội ngộ bất ngờ giữa sự sụp đổ của một hệ thống chính trị và xu thế thời đại vốn thuận lợi cho sự lên ngôi của các giá trị nữ tính… ».


Ngôi sao Brigitte át đi bao nhiêu vì tinh tú đang hội tụ về Liên hoan phim Cannes nổi tiếng toàn cầu. « Brigitte. Dường như chỉ có bà. Trên báo chí, truyền hình, từ bàn cà fê đến các tiệm ăn Paris, từ hiệp hội từ thiện Rotari đến quầy đánh cá ngựa, toàn nước Pháp bình luận, ngưỡng mộ hoặc chê bai nhất cử nhất động của người phụ nữ 64 tuổi, vợ tân tổng thống ».


Brigitte Trogneux - Brigitte Bardo : Những người phá tung gông cùm


L’Obs so sánh Brigitte Macron (hay Brigitte Trogneux, tên khai sinh của bà) với minh tinh điện ảnh Brigitte Bardot (hay BB) cách đây hơn nửa thế kỷ, cho dù có bao nhiêu điều chia cách họ : BB khi ấy là một nghệ sĩ còn rất trẻ, còn Brigitte Macron, một nhà giáo về hưu, bước vào tuổi làm bà.


Điểm giống nhau giữa họ là, giống như Brigitte tài tử điện ảnh năm nào, Brigitte Macron đã « phá tung những gông cùm của một nước Pháp khuôn phép và bảo thủ ». Vadim, đạo diễn bộ phim « Et Dieu… créa la femme » (tạm dịch là : Khi Chúa… tạo ra người đàn bà), do BB thủ vai (công chiếu năm 1956), từng nhận xét về người diễn viên huyền thoại như sau. Đó là người đàn bà đã « vượt thoát khỏi mọi mặc cảm tội lỗi, mọi cấm kỵ do xã hội áp đặt, để có một đời sống tình dục hoàn toàn tự do ».


Cũng giống như Brigitte Bardot, hàng nghìn trang viết, tại Pháp và trên thế giới, đã được dành cho Brigitte Macron, về mối tình như tiểu thuyết của bà với vị tổng thống tương lai.


Emmanuel Macron gặp Brigitte, khi nàng 39 tuổi, còn chàng mới 15, đang là học sinh tại một trường Công Giáo. 17 tuổi, chàng tuyên bố bất luận thế nào cũng sẽ kết hôn với nàng.


Vì mối tình với người thiếu niên, mà cô giáo dạy văn đã có một gia đình yên ổn, danh giá, một dòng họ « năm đời » làm sô-cô-la, nổi tiếng thành đạt tại địa phương, đã quyết định đoạn tuyệt với người chồng. 11 năm để hoàn tất cuộc ly dị, để chuẩn bị dấn thân vào một cuộc phiêu lưu phi thường.


Ngoài 50 tuổi không hề « quá đát »


Nhà tâm thần và tình dục học Philippe Brenot thốt lên : « Cặp Macron... tình yêu trên đỉnh cao quyền lực… đưa ra một cách xử thế mới cho những ai không dám phá rào ».


Brigitte Macron đã trở thành một hiện tượng xã hội, biểu tượng mới của một kiểu phụ nữ dám vượt lên, dám là chính mình. Bà mang trong mình « tình yêu » và « tự do ». Đối với những ai đau khổ bao lâu nay, bởi quan niệm thống trị trong xã hội, coi phụ nữ nhiều hơn 50 tuổi là « quá đát », Brigitte đã mở ra « một cánh cửa » giải thoát.


Sự nổi lên của Brigitte khiến cách nhìn hạ cố lâu nay đối với những phụ nữ được gọi là những « cougar » ( tạm dịch là « già chơi trống bỏi ») - do có quan hệ với những người đàn ông trẻ hơn - trở nên lạc điệu.


Brigitte không chỉ mang lại cho Emmanuel tình yêu, mà cả một gia đình lớn, với ba con và bảy người cháu. Lập gia đình với Brigitte, nhà chính trị trẻ tuổi xuất hiện trước công chúng như một người đàn ông già dặn.


Brigitte yêu mãnh liệt, bà gắn đời mình với sự nghiệp của chồng. Vận động trong giới truyền thông, xuất bản.


Cống hiến hết mình, luôn túc trực, nhưng lặng lẽ, và khi cần, bà sẵn sàng xuất hiện trên báo People để quảng bá cho chồng, bất chấp kẻ thích, người chê.


« Tôi yêu nước Pháp như yêu Brigitte »


Buổi tối ngày chiến thắng vòng một cuộc bầu cử tổng thống, Emmanuel Macron đã có một tuyên bố mà L’Obs cho là kỳ lạ : « Không có bà ấy, tôi sẽ không phải là tôi bây giờ ».


Cặp Brigitte và Emmanuel Macron đã trở thành huyền thoại khi truyền đi « một thông điệp xưa như Trái đất. Đó là đối với tình yêu, không có gì là không thể ».


Trong thời gian tranh cử, Emmanuel Macron từng nói : « Tôi sẽ chinh phục được nước Pháp, như tôi đã chinh phục được Brigitte. Tôi yêu nước Pháp, như tôi yêu Brigitte ». « Brigitte và nước Pháp hòa trộn, là suối nguồn tình yêu và hạnh phúc tràn ngập đối với tân tổng thống… và với đối với cả chúng ta, dường như thế ».


L’Obs khép lại bài phân tích « hiện tượng xã hội » Brigitte, với nhận xét của Roland Barthes, như một lời chia tay : « huyền thoại là một thông điệp phi chính trị ». Sớm hay muộn, các vấn đề chính trị sẽ phải có tiếng nói riêng.


Đệ nhất phu nhân Pháp « gây khó » cho Mỹ


Việc người vợ hơn người chồng tổng thống đến hai con giáp tại Pháp gây nhiều phản ứng trái ngược ở Mỹ, theo nhận định của L’Obs. Trong khi tờ Boston Herald (được l’Obs dẫn lại) ca ngợi đệ nhất phu nhân « mở ra con đường giải phóng giới tính thực sự », thì Washington Post « nhạo báng », với bình luận là « giữa tổng thống Pháp và tổng thống Mỹ có một điểm giống là có vợ chênh nhau 24 tuổi, chỉ có điều khác biệt là vợ ông Macron già hơn ».


Tuy nhiên, điều nổi bật hơn cả là hiện tượng Brigitte đã « gây khó xử cho một nước Mỹ thanh giáo ». Tờ New York Post của tỉ phú Muchdoc lên án nước Pháp « quá phóng túng ». Trên các mạng xã hội thân tổng thống Trump, người ta phê phán và so sánh mối tình Macron với vụ Mary Kay Letourneau, một nữ giáo viên bị kết án tù, vì yêu học trò 12 tuổi, hai người đã lập gia đình sau khi cô giáo mãn hạn.


« Đâu rồi những nhà nữ quyền nổi tiếng, những nhà văn đáng kính hay các siêu sao màn bạc » của nước Mỹ ? ». L’Obs nhận xét : « Hoa Kỳ giờ đây dường như còn bảo thủ hơn cả châu Âu » vốn bị coi là già nua. Tuy nhiên, l’Obs cũng dự đoán một chuyến công du « thành công » của cặp Macron tại Hoa Kỳ rất có thể sẽ làm dân Mỹ thay đổi quan điểm.