VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ HAI 11 MAR 2019
Căng thẳng Biển Đông gia tăng sau vụ TQ đâm chìm tàu Việt Nam
08-03-2019
(Ảnh minh họa) - Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm được kéo về đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày 29/05/2014.REUTERS/Stringer
Tình hình Biển Đông lại càng thêm căng thẳng sau khi chính quyền Hà Nội tố cáo một tàu của Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam.
Theo thông báo của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam, vào sáng ngày 06/03/2019, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa, một tàu cá của Quảng Ngãi đã bị một tàu Trung Quốc đâm chìm. Sau khi bị đâm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này cho đến khi một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn vào trưa hôm đó.
Không chỉ Việt Nam, mà cả chuyên gia quốc tế cũng cáo buộc Trung Quốc. Theo hãng tin AAP của Úc, ông Greg Poling, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ( CSIS ), đã viết trên mạng Twitter ngày 07/03 : “Có tin là một tàu Trung Quốc lại đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa. Các nước láng giềng Trung Quốc đã trở nên giống như bị tê liệt trước những hành động bạo lực và hù dọa liên tục với cường độ thấp đến mức rất ít khi được nói đến trên báo chí của khu vực.”
Trung Quốc cũng không bao giờ nhìn nhận là tàu của họ đâm chìm tàu Việt Nam. Theo Hoàn cầu Thời báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 07/03 đã bác bỏ cáo buộc của Việt Nam, khẳng định là chính một tàu của nước này đã cứu năm người trên một tàu đánh cá Việt Nam gặp nạn ở Biển Đông “sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu” từ tàu cá này vào sáng ngày 06/03.
Hoàn Cầu Thời Báo còn trích dẫn một nhà nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Quốc gia về biển Hoa Nam (Biển Đông) khẳng định quần đảo Hoàng Sa là thuộc lãnh thổ Trung Quốc và thuộc sự quản lý của Trung Quốc, nhưng Việt Nam thường xuyên đưa các tàu đánh cá đến vùng biển quanh quần đảo này và “nhiều tàu trong số đó trên thực tế là làm gián điệp”.
Cho đến hôm nay, bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Hà Nội và báo chí chính thức của Việt Nam cũng đã từng tố cáo nhiều vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công. Chẳng hạn, theo báo Tuổi Trẻ, trong tháng 4-5/2019, hơn 10 tàu cá Việt Nam đã bị các tàu Trung Quốc tấn công và cướp tài sản khi đang đánh bắt cá ở vùng Biển Đông.
Vấn đề là vụ đâm chìm tàu Quảng Ngãi ngày 06/03 sẽ còn tái diễn liên tục, bởi vì đối với Bắc Kinh, tàu cá của Việt Nam đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa (quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974), cho dù là trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng đều bị coi là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Nhất là trong lúc này, Bắc Kinh có vẻ như đang mở một mặt trận mới trên Biển Đông, đó là mặt trận đánh bắt cá, mà ở đó các tàu cá của Việt Nam khó mà chống đỡ được trước những chiếc tàu cá và tàu tuần duyên lớn hơn, trang bị tốt hơn nhiều.
Nguồn hải sản trên Biển Đông càng khan hiếm thì nguy cơ xảy ra đụng độ ngày càng lớn. Một công trình nghiên cứu của CSIS, dựa trên trên các ảnh vệ tinh và các công nghệ định vị các tàu cá cho thấy là hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông đang gia tăng hàng năm và một bộ phận đội tàu cá của Trung Quốc nay hoạt động như là một lực lượng dân quân bán quân sự hơn là tàu cá đơn thuần.
Căng thẳng về đánh bắt cá ở Biển Đông không chỉ xảy ra giữa Trung Quốc với Việt Nam, mà tàu tuần duyên Trung Quốc cũng thường xuyên sách nhiễu, thậm chí bắn vòi nước, nổ súng cảnh cáo các tàu cá của Philippines. (theo RFI)