Về phóng sự của VTV và nỗi lòng người cứu trợ vùng lũ

24 Tháng Mười 20207:14 SA(Xem: 5951)

VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG - THỨ BẨY 24 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


VN: Tranh cãi về phóng sự VTV và nỗi lòng người cứu trợ vùng lũ


Bùi Thư


BBC 23/10/2020


image002Nguồn hình ảnh, Nguyễn Phương Bình. Hình ảnh lũ lụt từ trên cao ở Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình


Mưa lũ năm nay khiến nhiều tỉnh thành miền Trung thiệt hại nặng nề. Cùng với địa phương cá nhân, tổ chức đã đi vào rốn lũ để cứu trợ người dân.


Trong phóng sự cứu trợ của VTV được phát ngày 20/10 về Cứu trợ người dân vùng lũ tỉnh Quảng Bình, phóng viên Liên Liên đã tường thuật rằng, công tác cứu trợ của những đoàn thiện nguyện không những không đạt hiệu quả mà còn ảnh hưởng tới công tác cứu trợ của chính quyền địa phương.


Bình luận này của VTV đã vấp phải phản ứng của dư luận, đặc biệt là người dân vùng lũ. Một lần nữa, công tác thiện nguyện của các nhóm độc lập lại được đem ra mổ xẻ.


Trên Facebook của mình, nhà báo Trương Quang Nam tường thuật từ Lệ Thủy, Quảng Bình cho rằng VTV đã có "những sai sót trầm trọng mà không thể có ngôn từ nào diễn đạt được sự bức xúc của người dân vùng lũ, của những người đã chung tay làm công tác cứu dân vùng lũ khi hoạn nạn nhất".


Chia sẻ với BBC, ông Đỗ Hữu Thiện (người sáng lập nhóm Thiện Nhân Văn) ở Vĩnh Linh, Quảng Trị nói:


"Làm thiện nguyện có những nỗi đau của nó. Cho đi nhưng có khi nhận lại những tổn thương từ cộng đồng hay từ chính những người nhận. Nếu không chiến thắng những cảm xúc đó sẽ bị thui chột. Thực sự công việc này không dễ".


Dư luận bức xúc


Cụ thể, phóng viên Liên Liên của VTV nói:


"Việc tự di chuyển bằng tàu thuyền của các đoàn thiện nguyện tự đi nó còn ảnh hưởng thêm cho người dân nữa, ví dụ đi bằng những tàu thuyền to như thế này mà không biết cách điều chỉnh tốc độ, sẽ có thể là sóng đánh vào những nhà dân, trong khi các nhà dân hiện nay họ đã bị ngập sâu nhiều ngày, có thể dẫn tới sụp đổ nhà dân".


Về vấn đề này, nhà báo Trương Quang Nam, phóng viên thường trú của báo Thanh Niên tại Lệ Thủy, Quảng Bình phản bác: "Quái gở hơn, mấy ngày lũ cao điểm không thấy cô này đâu, bỗng nhiên nhảy xổ ra đứng trước dãy tàu thuyền đánh cá của người dân Ngư Thủy đang nằm nghỉ trong đêm tối để dẫn và phê phán những con tàu thuyền vĩ đại này".


"Tôi xin lạy cô mấy lạy, cô là gì mà dạy các ngư dân sống chết trên biển rằng: "không biết cách điều chỉnh tốc độ"? Xin thưa, trên biển đó là thuyền loại nhỏ nhất; ngư dân chạy trong lũ với tốc độ gần như không tạo sóng. Vì họ chạy chậm để dỏng tai lên nghe xem trong các nhà dân có phát ra tiếng gì không. Họ chạy chậm để thả hàng, cứu người".


image003Nguồn hình ảnh, Nguyễn Phương Bình. Lũ lụt gây ngập ở xã Cao Quảng huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình


Nhà báo Phong Dương, người tường thuật liên tiếp về tình hình Quảng Bình cũng ý kiến trên Facebook:


"Không biết cô gái này vào tâm lũ Quảng Bình từ ngày nào mà dám phủ nhận công lao của ngư dân miền biển Hải Ninh, Ngư Thủy... Hơn 4 ngày liên tiếp, ngư dân đã kéo vào hạ thủy gần 100 tàu để vừa cứu người vừa tiếp tế giúp dân, chia sẻ áp lực với lực lượng cứu hộ, ứng cứu hàng ngàn người thoát khỏi thảm họa lũ lụt ở mốc xô đổ mọi kỷ lục lịch sử".


Cả hai nhà báo Trương Quang Nam và Phong Dương cũng đều thông tin rằng, không chỉ những ngư dân ra sức cứu trợ mà vợ con họ cũng tranh thủ nấu cơm, mua thực phẩm để chuyển tới tay người dân trong rốn lũ.


Ông Phong Dương đề xuất: "VTV phát bản tin này là gây chia rẽ nghĩa đồng bào, tình anh em người biển với người đồng bằng. Sở TTTT cần có ý kiến. Đưa tin vậy cần xin lỗi những chiến binh ngư dân".


Trên trang Facebook Quảng Bình hôm nay (một trang được cho là của cộng đồng người dân Quảng Bình) với gần 80.000 người theo dõi cũng nêu ý kiến VTV cần có lời xin lỗi bà con ngư dân Ngư Thủy và Hải Ninh.


image004Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình. Trang Facebook được cho là của cộng đồng người Quảng Bình, thường xuyên cập nhật tình hình lũ những ngày qua.


Một người tên Nguyễn Ngọc Trâm bình luận dưới bài viết:


"Lũ cuốn nửa đêm, sóng đánh to như sóng biển. Dượng và 3 đứa em mình 12 giờ đêm vác thuyền đi cứu nạn. Không kể công họ cũng được, sao có thể rẻ rúng công sức họ? Đài truyền hình nhà nước nhưng phát ngôn những cái không thể tin được".


Facebook Nguyễn Thành Trung, một người dân ở Lệ Thủy bức xúc:


"Bọn tôi đi cứu trợ 4 ngày, chống đò liệt tay, rồi ngâm mưa và bơi vào đưa đồ tận nơi cho các ông bà già. Thấy họ kêu vang ngõ mà xót. Còn VTV thì lượn lui lượn tới ngoài rào".


Bày tỏ quan điểm về cách làm thiện nguyện, ông Lê Thế Nhân - Chủ tịch Codes Việt Nam - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Huế đang cứu trợ cho người dân ở Lệ Thủy, Quảng Bình nói với BBC:


"Đừng yêu cầu các tấm lòng nhân ái phải "chuyên nghiệp". Những tấm lòng nhân ái nên biết cách hợp tác hiệu quả với nhau để giúp đồng bào khi nguy nan. Tôi không quan tâm ai nói gì, tôi quan tâm người dân cần gì. Làm công việc cộng đồng là phải biết dựa vào dân, học hỏi ở dân, lắng nghe và cùng dân phát triển".


Tính tới hiện tại, VTV vẫn chưa chính thức lên tiếng về những phản ứng của dư luận nói trên về phóng sự ngày 20/10.


Vẫn còn nơi bị cô lập, nhiều người đói ăn


Theo cập nhật trên Facebook mình, ông Lê Thế Nhân cho biết ông có mặt ở Lệ Thủy, Quảng Bình để cứu trợ cho người dân nơi đây. Ông nói những ngày qua, có hôm ông chỉ kịp chợp mắt được 30 phút vì phải liên tục điện thoại liên lạc với các địa phương để điều phối, vận chuyển hàng hóa.


Muốn vào được những vùng xa như xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, ông phải liên lạc trong hai ngày với 5 máy điện thoại và hằng trăm cuộc gọi: "Rứa mà vẫn phải sử dụng phương án vừa đi vừa kêu gọi", ông nói.


Ngâm chân trong nước lũ nhiều ngày, ông Nhân cũng như người dân vùng lũ đều bị nước bùn ăn chân làm ngứa ngáy, nứt nẻ. Vì thế hàng cứu trợ ngoài thức ăn, nước uống còn có thuốc men.


Gửi cho BBC hình ảnh dưới đây, ông Nhân tâm sự:


"Ảnh này tôi cho là ý nghĩa nhất hôm nay vì nó đáp ứng nhu cầu cả vùng. Đa số người dân sử dụng nước giếng, bão lụt suốt cả tuần nên rất thiếu nước sạch để uống. Ở những nơi khác rất cần nước nhưng họ không vận chuyển được vì đi trên ghe rất nguy hiểm. Nên họ chọn trước nhất là lương khô, hàng có trọng lượng nhẹ để vận chuyển được nhiều".


image005Nguồn hình ảnh, Lê Thế Nhân. Đường vào xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình


Ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, ông Đỗ Hữu Thiện cũng thiếu ngủ những ngày nay. Ông chỉ vừa tranh thủ chợp mắt đã có điện thoại gọi đến thông báo về cứu trợ. Vội ăn bữa cơm, ông đã phải tiếp tục điều phối những chuyến hàng, kiểm tra chất lượng các suất cơm để trao đến các hộ gia đình.


Trao xong khoảng 520 suất ăn ở xã Triệu Phong, Quảng Trị, ông viết trên Facebook:


"Bất ngờ, chạnh lòng và xúc động khi được nghe chia sẻ từ bà con: Làng tụi em xa, ngập sâu, bị cô lập nên chưa có cá nhân hay đoàn cứu trợ thiện nguyện nào đến cả... Thương quá bà con ơi...!"


Ông Thiện nói với BBC:


"Người dân ở đây làm ngày nào biết ngày đó. Lũ quét thì họ đói ăn thực sự, không có cơm có gạo. Nên việc cứu trợ của chúng tôi cứu đói. Giờ những gì người dân sản xuất để nuôi sống bản thân như vựa cá, đầm tôm đều trôi hết. Chẳng còn gì cả".


"Những huyện khác như Triệu Phong, Hải Lăng, Đăk Rông (nơi xảy ra lở đất chôn vùi 22 chiến sỹ) hiện vẫn có những làng bị cô lập. Có hộ 2, 3 bữa nay chưa có cơm ăn, thậm chí không còn quần áo để mặc", ông mô tả.


image006Nguồn hình ảnh, Đỗ Hữu Thiện. Ông Đỗ Hữu Thiện đem đến cho người dân những suất ăn cứu đói.


Từ xã Cao Quảng huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Phương Bình, một người cứu trợ nói với BBC: "Hiện ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình có những xã ngập rất nặng, chỉ còn chóp mái. Điều kiện đi lại những chỗ này khó khăn nên bà con vất vả hơn nhiều ".


Ông cũng cho biết lực lượng dân quân đang đào và dẹp đường để các đoàn cứu trợ có thể tiếp cận những nơi đang bị cô lập.


"Tôi có bạn bè muốn chuyển áo phao, thuốc men và những thứ thiết yếu cho người dân nhưng xe không tiếp cận được đành phải quay đầu. Hiện họ chuyển tiền để tôi mua các nhu yếu phẩm trong xã. Giờ chỉ cứu trợ cục bộ chứ không thể đi ngoài xã vì khắp nơi đều bị chia cắt bởi lũ, phải nhờ đò của ủy ban để đi phát cho từng nhà", ông Bình cập nhật.


Ông Bình thông tin thêm đoàn của ông cùng ủy ban hiện đã giao quà được cho 130 hộ: "Mỗi phần chỉ có thể giúp các hộ dân cầm cự khoảng hai ngày. Nếu tình hình căng thẳng hơn, chúng tôi sẽ phải tính phương án khác di tản người dân tới những nơi cao hơn dù nhiều người vẫn muốn bám trụ lại vì của cải".


'Sau lũ là cực hình'


Trong cơn lũ, tâm lý người dân thường gắng sức để sống sót. Nhưng khi lũ qua đi cũng là lúc họ cũng phải đối mặt với việc vốn liếng của mình đã trôi theo nước lũ, ngôi nhà chỉ còn trơ trọi lại bùn lầy.


Ông Đỗ Hữu Thiện nói với BBC:


"Tôi khẳng định rằng lũ năm nay là kinh khủng vì mưa hết đợt này chưa kịp xuống là đợt khác ập tới, đến nỗi nước không thoát được, cứ mưa là ngập liền. Bây giờ đất như một biển nước nên khả năng rút nước thấp. Lũ năm nay có tính chất lũ chồng lũ, mưa chồng mưa và diễn ra trong thời gian dài, liên tục. Điều này gây khó khăn thực sự, đến mức mà bùn dơ đầy nhà mà người dân không dọn nữa vì hôm sau lại mưa, nhà lại ngập".


image007Nguồn hình ảnh, Lê Thế Nhân. Nước đã rút đi nhiều nhưng nhà cửa ở Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn ngập quá nửa nhà.


"Thật sự lũ đã xóa tan khoảng cách giàu nghèo trong các làng xã bị thiệt hại nặng về mặt gia sản còn lại trong nhà. Hết lũ, lúa gạo hư hỏng, quần áo, của cải cũng mất hết. Sau lũ, đại đa số người dân nghèo đi trông thấy. Cơ hội làm ăn cũng khó khăn hơn".


"Đặc biệt sau lũ, tâm trạng cuộc sống của con người là cực hình. Trong lũ, mọi người gắng gượng để sống, để an toàn nhưng sau lũ, nhìn gia cảnh, cám cảnh ngôi nhà mình sẽ thấy sự mất mát và sức nặng khủng khiếp về mặt tinh thần. Đó là tâm lý của người vùng lũ", ông chia sẻ.


Ông Thiện cho biết thêm, ở Vĩnh Linh, nhiều nhà chủ yếu dựa vào nuôi trồng thủy hải sản. Chỉ cần thu hoạch trước vài ngày, cả gia đình đã có đủ tiền để ăn. "Nhưng giờ, họ mất trắng 300-400 triệu. Nói chung là đói".


image008Nguồn hình ảnh, Lê Huyền. Hình ảnh ngập hết đồ đạc giá trị tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình


Có kinh nghiệm trong công tác thiện nguyện hơn 20 năm, ông Thiện nói trong dài hạn, sẽ cần những hỗ trợ hậu lũ: "Ý định của tôi là có những suất học bổng cho các em học sinh bị mất hết sách vở, cặp táp, đồng phục có thể đi học lại".


Về vấn đề này, ông Lê Thế Nhân cũng nêu: "Ưu tiên của Codes là hậu cứ trợ, giúp người dân phương tiện sống, sinh kế và trẻ em được học hành". Chính vì vậy, ông cho biết sau những đợt cứu trợ khẩn cấp, Codes sẽ có kế hoạch dài hơi và bền vững hơn để giúp người dân xây dựng lại cuộc sống sau lũ