Ng. Kỳ Phong: Tổng Công Kích Mậu Thân 1968: Kết Quả và Ảnh Hưởng

29 Tháng Ba 20186:45 CH(Xem: 10414)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ SÁU 30 MAR 2018


 Trận Tổng Công Kích Năm Mậu Thân 1968:

Kết Quả và Ảnh Hưởng


image012

Nguyễn Kỳ Phong


Năm 1968. Năm của thế kỷ 20. Một năm nhiều nổi loạn. Một năm mà tất cả các định chế của xã hội bị nghi ngờ và đặt trong câu hỏi, khi sinh viên học sinh biểu tình chống chính quyền gần như mọi nơi trên thế giới. Năm 1968 là một năm không may cho Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, Bắc Việt, và nhiều quốc gia khác trên thế giới.[i]


            Năm Mậu Thân 1968, ở Việt Nam, một sự kiện xảy ra làm thay đổi hoàn toàn tình hình chiến tranh Việt Nam: Trận tổng công kich - tổng nổi dậy của Bắc Việt ở miền Nam vào tháng 1-1968. Một sự kiện đã thay đổi hoàn toàn ý định và đường hướng của các quốc gia liên hệ trong cuộc chiến. 

          

Sơ lược về tình hình quân sự và chính trị của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, và Bắc Việt vào cuối năm 1967.


            Phía Hoa Kỳ: Từ ngày Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Mỹ đỗ bộ vào Đà Nẳng tháng 3-1965, đến cuối năm 1967, quân lực Mỹ có hơn 485.600 quân ở trên nội địa Nam Việt Nam. Trong đó lính tác chiến của Lục Quân là 319.500K, còn lại là các quân binh chủng khác. Đến cuối năm 1967, tình hình quân sự tổng quát cho thấy quân lực VNCH và Hoa Kỳ gây tổn thất nặng cho quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Mặc dù bên phía đồng minh cũng bị thiệt hại nặng, nhưng với hỏa lực mạnh, họ gây thiệt hại nhiều hơn cho đối phương. Sau những trận càn quét vào mật khu và hậu cứ của Bắc Việt ở chiến trường B-2 (Tây Ninh, Bình Dương, Phước Long, Hậu Nghĩa …) với những cuộc hành quân như Atterboro, Junction City, Cedar Falls, các lực luợng Quân Đội Nhân Dân hay Quân Giải Phóng phải sơ tán về nội địa Lào và Cam Bốt. Trong khi đó, ở B-3 Tây Nguyên (Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột), sau những trận đánh đẩm máu ở Dakto và A Shau, Ben Het, những đơn vị chủ lực Bắc Việt lần lược rút về bên kia vùng ba biên giới. Tuy không còn được thế thượng phong như những năm 1965-1966, Quân Đội Bắc Việt vẫn tiếp tục gây trở ngại cho các lực lượng Hoa Kỳ và VNCH, nhất là ở Vùng I và Vùng II: Bắc Việt chỉ rút quân đi sau khi tiêu diệt tất cả các trại lực lượng đặc biệt (trừ trại lực lượng đặc biệt ở Khâm Đức/ Bến Giằng ở Kontum) ở Vùng I của VNCH. Trong khi đó, ở tuyến đầu Vùng I – sát vùng Phi Quân Sự (vĩ tuyến 17) áp lực của quân đội Bắc Việt vẫn mạnh — nếu không nói là mạnh hơn: TQLC Hoa Kỳ chạm trán với các đơn vị của Quân Đội Nhân Dân thường xuyên trong các cuộc hành quân tảo thanh phía nam sông Rào Quảng và bắc đường Số 9. Qua những trận đụng độ thường xuyên này, giới quan sát chiến lược quân sự suy luận là quân đội Bắc Việt cố ý khiêu khích quân đội Mỹ ở Khe Sanh và phía tây Quảng Trị, gây một sự chú ý và quan tâm, hầu chuẩn bị cuộc tổng công kích Mậu Thân sắp đến. Thực tế cho thấy sự suy luận của giới quan sát không sai lắm: Từ mùa Hè 1967, ba sư đoàn quân chính qui của Bắc Việt đè nặng áp lực vào căn cứ Khe Sanh, gây nhiều quan tâm cho cấp chỉ huy Hoa Kỳ ở mặt trận đó. Hơn một tuần trước Tết Mậu Thân, một đơn vị cấp trung đoàn của Bắc Việt tràn ngập một tiền đồn lực lượng đặc biệt Mỹ ở Lang Vei, nằm phía tay nam Khe Sanh chừng 15km. Giới quân sự Mỹ phải quan tâm vì quân đội Bắc Việt đã sử dụng xe tăng — lần đầu tiên — hỗ trợ quân tác chiến. Ý định kềm chân TQLC Hoa Kỳ ở tuyến đầu rõ hơn vào những tháng sau cùng của năm 1967, khi quân đội Bắc Việt gia tăng sự hiện diện cả bốn sư đoàn ở sát vùng Phi Quân Sự. Quân báo Mỹ thấy được sự gia tăng quân số của Bắc Việt, nhưng không liên kết được sự kiện đó và sự chuẩn bị trận Mậu Thân của Miền Bắc.[ii]    


            Về phương diện tâm lý và tinh thần của quân đội Mỹ đến cuối năm 1967: Giới quân sự Mỹ tương đối thõa mãn về những thiệt hại họ gây cho đối phương. Nhưng đồng thời họ cũng thấy được sự thiệt hại về nhân mạng quá cao ở phía họ. Vị tư lệnh phó quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam than vãn trong một buổi họp vào cuối năm 1967, là lính Nhẩy Dù Mỹ chết quá nhiều trong các trận đánh ở Dakto, A Shau, Ben Het … và nhiều đơn vị không còn người để bổ sung. Đến tháng 12 năm 1967, Hoa Kỳ có 16.250 tử trận. Chỉ trong năm 1967, Mỹ có 9.378 tử trận – con số cao gần gấp đôi năm 1966 (5.008). Tuy nhiên, trong bản báo cáo cuối năm về cho Bộ quốc phòng, đại tướng Westmoreland và đô đốc Sharp tư lệnh Hoa Kỳ Thái Bình Dương, cho biết cuộc chiến đang có kết quả — với số lượng quân và hỏa lực đang có trong tay. Nói một cách khác, họ thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm cuộc chiến. Đại tướng Westmoreland, trong lần trở về Mỹ cuối năm 1967 để tường trình trước quốc hội về diễn tiến cuộc chiến ở Việt Nam, tuyên bố quân đội đồng minh và VNCH đang trên đà thắng. Khả quan hơn, là VNCH đang ổn định được tình hình chính trị nội bộ; đang đôn quân để gia tăng sức mạnh quân đội. Nói chung, tất cả đều khả quan. Và giới lãnh đạo Hoa Kỳ tin những gì Westmoreland báo cáo. Một chi tiết quan trọng trong những ngày cuối năm: cho đến cuối năm 1967, chưa ai biết được nhân vật chủ trương cuộc chiến là Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara đang đệ đơn từ chức. McNamara từ chức vì quá mệt mỏi với một cuộc chiến không đi đến đâu. Sự bỏ cuộc của McNamara gây ra nhiều ảnh hưởng cho những những quyêt định của tổng thống Johnson vào tuần lễ kế tiếp sau khi trận Mậu Thân xảy ra.[iii]  


            Tình hình quân sự chính trị của VNCH.


            Khi tướng Westmoreland nói tình hình chính trị nội bộ của VNCH đã được ổn định vào cuối năm 1967, thì ông ta quá khen về nội bộ của VNCH. Nền Đệ Nhị VNCH bắt đầu vào ngày 31 tháng 10-1967, với liên danh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đắc cử. Sau cuộc bầu cử và sau khi xác định nhiệm vụ và vai trò trên hiến pháp, hai ông Thiệu và Kỳ cố gắng làm thân với nhau trước công chúng để cùng nhau lãnh đạo. Trước đó chỉ hai tháng, hai ông Thiệu Kỳ tranh giành ghế tổng thống mãnh liệt đến độ các tướng lãnh trong Hội đồng quân Luật phải đứng ra can thiệp. Tuy nhiên, Sau bầu cử năm 1967,những hiềm khích cá nhân, và lòng nghi ngờ nhau vẫn tiếp tục.[iv] Từ sự bất đồng ý kiến của hai vị lãnh đạo quân sự, chính trong giới quân sự ở cấp dưới cũng có những xung đột của các vị chỉ huy quân binh chủng. Chính trong trận Mậu Thân, một sự kiện xảy ra làm cho liên hệ giữa hai ông Thiệu và Kỳ hoàn toàn chấm dứt.[v]

          

            Cuối năm 1967, quân lực VNCH có hơn 340.000 quân chủ lực, và 300.000 lính Nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Hải quân và Không Quân có được khoảng 17.000 người cho mỗi quân chủng. Quân lực VNCH được huấn luyện tốt, nhưng vũ khí trang bị thì quá lỗi thời, quá lạc hậu. Nhiều tài liệu cho thấy chính những sĩ quan cao cấp của bộ tư lệnh quân viện (MACV) Hoa Kỳ đều phàn nàn là vũ khí của VNCH thua xa vũ khí hiện đại của Quân Đội Nhân Dân. Với vũ khí hiên đại như AK-47 và B-40, quân đội Bắc Việt áp đảo tinh thần quân VNCH ở chiến trường — nhận xét này đến từ tướng Westmoreland. Đến năm 1967 thì quân lực VNCH phục hồi lại tinh thần chiến đấu từ sau năm 1965 với những thất bại ở các trận Bình Giả, Đồng Xoài, Bồng Sơn, Ba Gia. Năm 1967, VNCH có 12.716 tử thương, so với năm 1966 là 11.953. Tựu trung, tinh thần chiến đấu của quân lực VNCH rất hăng say và lớn dần trong cuộc chiến — chỉ trừ về phương diện vũ khí chiến thuật của họ, quá lỗi thời so với đối phương. Đại sứ Bunker, trong báo cáo một tuần trước tết, 24-1-68, gởi về cho tổng thống Johnson: "Năm 1968 chúng ta có thể khá hơn năm 1967, cũng như năm tình hình 1967 khả quan hơn năm 1966. ... Có thể nói [tình hình VNCH] từ giai đoạn bò chuyển sang giai đoạn đứng. Năm nay sẽ là giai đoạn tập đi." Trước Tết 1968, khi được loan báo sẽ có hưu chiến để ăn tết, các bộ tư lệnh cho phép 50% quân số được đi phép ăn tết. Lúc Bắc Việt tấn công, không hơn phân nửa số quân nhân có mặt tại đơn vị.

          

            Tình hình Bắc Việt. Theo ước lượng tình báo, năm 1967, Quân đội Nhân Dân và Quân giải phóng có khoảng 420.000 quân  ở miền Nam. Trong số này, Quân giải phóng (QGP) có hơn 200 ngàn, số con lại là các sư đoàn chính qui Bắc Việt. Đến năm 1967 phía Bắc Việt đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu với các lực lượng Mỹ và VNCH. Cũng như đối phương, năm 1967 Bắc Việt bị thiệt hại nặng: Chỉ trong năm 1967, họ có 133.00 tử thương, so vơi 77 ngàn của năm 1966. Bắc Việt bị thiệt hại nặng vì Hoa Kỳ gia tăng các cuộc hành quân bằng không lực vào đất Lào và dọc theo biên giới Cam Bốt-Việt Nam. Với hơn 1.000 phi vụ cho chiến trường miền Nam, pháo đài bay B-52 gây rất nhiều tổn thất về nhân mạng cũng như vật chất cho quân đội Bắc Việt. Đường tiếp tế Hồ Chí Minh được nới rộng để cung ứng và gia tăng phương tiện di chuyển bằng cơ giới. Nhưng sự gia tăng đó cũng kéo teo sự gia tăng dội bom của không lực Hoa Kỳ. Ngoài thiệt hại ở chiến trường, Bắc Việt và QGP còn bị thiệt hại về tâm lý chiến: Đến năm 1967, có hơn 72.000 cán binh Bắc Việt và Quân giải phóng rời bỏ hàng ngũ đi về phía VNCH. Sử liệu của QĐND Việt Nam cho biết, “Nhiều đơn vị xuống tinh thần, không còn sức chiến đấu. … Chúng ta bị tổn thất nặng về nhân mạng cũng như vũ khí ở nhiều trận đánh. … Quân nhu và quân dụng không đủ để sống; đời sống của cán binh rất nguy hiểm ở mặt trận, cũng như trên đường tiếp tế ra mặt trận.”[vi]  Trong năm 1967, hai chương trình Chiêu Hồi và Phượng Hoàng gây nhiều khó khăn cho hạ tầng cơ sở của Bắc Việt.[vii] Theo nhận xét chung, với những khó khăn đang đối diện, QĐND và QGP có thể bại trận trong hai năm nữa nếu không khai triển được một chiến lược, chiến thuật hữu hiệu hơn.


            Sự thành hình của chiến dịch tổng công kích-tổng khởi nghĩa năm Mậu Thân 1968 (TCK-TKN).


            Một số sử liệu cận đại và hồi ký quân sự cho thấy chiến dịch Mậu Thân 1968 được đại tướng Nguyễn Chí Thanh điều nghiên và thúc đẩy từ đầu năm 1967 ở B-2/ Trung Ương Cục Miền Nam.[viii] Kế hoạch TCK-TKN được Lê Duẩn chấp nhận – và thúc đẩy thực hiện — qua sự phản đối của tướng Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh. Giáp và Trường Chinh vẫn duy trì, cho là chiến tranh ở miền Nam vẫn còn trong giai đoạn 2 của chiến tranh du kích; chưa đủ sức mạnh để đi đến giai đoạn 3 giai đoạn của chiến tranh quy ước. Tấn công toàn diện như vay truoc sức mạnh của quân lực Hoa Kỳ-VNCH chỉ đưa đến thất bại.  Nhưng sự chính xác và hư thực như thế nào về kế hoạch do tướng Thanh điều nghiên thì chúng ta không bao giờ biết được: Tướng Thanh chết đột ngột vào ngày 6 tháng 7-1967. Theo suy  luận và qua những bài viết của tướng Thanh (qua bút hiệu Trường Sơn), kế hoạch TCK-TKN là đánh mạnh và đánh thẳng vào lực lượng của đối phương, bất chấp thiệt hại để: (a) lấy lại thế chủ động ờ mặt trận; và, (b) gây một chấn động tâm lý cho đối phương khi đối diện với cuộc tấn công ở ngay địa bàn an ninh của họ. Tướng Thanh, người được mệnh danh đã nghĩ ra chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh,” đề sướng TCK-TKN để thay đổi giai đoạn của cuộc chiến càng sơm càng tốt, chứ trên đường dài, Bắc Việt không đủ vật chất và phương tiện đễ đối đầu với quân lực Hoa Kỳ. Tổng phản công và hy vọng có được sự nổi dậy của dân miền Nam, đó là ý định của chiến dịch TCK-TKN. Những bí ẩn ở phía sau của hai phía Nguyễn Viết Thanh-Lê Duẩn, và Võ Nguyên Giáp-Trường Chinh thì chúng ta không được rõ, nhưng cuối năm 1967, tướng Võ Nguyên Giáp đi qua Đông Âu dưỡng bệnh – ông Giáp không có mặt ở Việt Nam trong suốt cuộc tấn công năm 1968. Kế hoạch TCK-TKN được loan ra cho các bộ tư lệnh của QGP ở miền Nam và cho bộ tư lệnh B-3, B-4, và B-5 của QĐND ở phiá nam sông Bến Hải.


            Trước đó, vì chính  phủ Bắc Việt thay đổi ngày tháng trên lịch chính thức, nên  ngày tết Mâu thân 1968 khác nhau một ngày giữa Hà Nội và Sài Gòn.  Kết quả là cuộc tấn công không đồng nhịp. Ngay đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, Bắc Việt tấn công vào một số thị xã ở Vùng II. Sau đó, từ tối mồng 1 trở đi, Bắc Việt tấn công hay pháo kích vào 44 tỉnh lỵ ca VNCH.[ix] Riêng tại thủ đô Sài Gòn, nhiều nơi đã trở thành biển lửa khi quân đội VNCH phải dùng mọi biện pháp để thanh toán các ổ kháng cự của Bắc Việt.


     Mặc dù lợi dụng ba ngày hưu chiến để bất ngờ tấn công VNCH, cuộc tổng công kích của Bắc Việt hoàn toàn thất bại: Bắc Việt không đạt được một kết quả nào, dù nhỏ đến đâu. Theo lời khai của các sĩ quan cao cấp Bắc Việt sau này, hơn 90 phần trăm lực lượng nòng cốt của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị thiệt mạng; toàn bộ các cơ sở hậu cần địa phương bị phá hủy trong hai đợt tấn công 1 và 2 (Đợt 2 TCK-TKN bắt đầu vào cuối tháng 5-1968).[x] Tất cả hạ tầng cơ sở của MTGPMN (mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) gần như tan vỡ. 


            Đại tá Nguyễn Ngọc Lân, Phó trưởng Phòng 2 Bộ chỉ huy Miền (B-2/ Trung Ương Cục) phát biểu: “Sau đợt 1 Mậu Thân 1968,  ở Sài Gòn-Gia Định và các đô thị trên chiến trường B-2, ta giành thắng lợi lớn về quân sự lẫn chính trị. Nhưng tổn thất cũng rất nặng nề. Không kịp bổ sung, chấn chỉnh.” Đại tá Lân còn cho biết thêm, nhiều đơn vị cấp trung đoàn, tiểu đoàn không còn sức chiến đấu. Có đại đội được bổ sung buổi sáng, đến buổi chiều chỉ còn được hai phần ba. … Lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định gần như bị tê liệt.[xi] Cán bộ dao động, ra đầu hàng địch.[xii] Tương tự, vào cuộc tấn công đợt 2, tổn thất của quân tấn công lớn hơn, khó khăn hơn. Trong hồi ký, tướng Mai Chí Thọ có viết trong trận Mậu Thân, tất cả bốn người trợ lý thân cận của Đại tướng Mai Chí  Thọ đều hy sinh.


Thiệt hại của Bắc Việt trong năm 1968: 181.000 tử thương và 271.000 bị thương. 


Của Hoa Kỳ, 16.511 chết; 87.388 bị thương;


VNCH: 28.800 chết; 172.512 bị thương.


            Nhưng những tổn thất của Mỹ trong hai tuần lễ đầu tiên (400 và 416 tử thương), gây chấn động cho bộ Quốc Phòng Mỹ. Tuần lễ thứ ba, 17-2-68, Hoa Kỳ có 543 tử thương và 2.547 bị thương. Từ 6 tháng 1 đến 30 tháng 3, Hoa Kỳ có 4.778 tử thương. Đây là con số thương vong làm giới thẩm quyền ở bộ quốc phòng Mỹ không thể chịu đựng được: Đường lối theo đuỗi cuộc chiến của người Mỹ phải thay đổi.


            Sau trận TCK-TKN hạ tầng cơ sở về quân sự và chính trị của Bắc Việt ở miền Nam gần như tan rã. Nhưng đường lối ngoại giao và kiên nhẫn của người Mỹ tan rã sớm hơn:  Johnson không ra tái tranh cử nhiệm kỳ 2; đơn phương ngưng dội bom Bắc Việt; thay đổi bộ trưởng quốc phòng mới; thay đổi tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. … Tất cả thay đổi chỉ vì trận Mậu Thân 1968.


            Đổi lại những thiệt hại nặng nề, Bắc Việt đã thắng được những chiến thắng chính trị và tâm lý mà chính họ không ngờ hay dự định trước. Cuộc tổng công kích năm 1968 của Bắc Việt đưa đến hai kết quả: Một mặt, cuộc tổng công kích của Bắc Việt năm 1968 đã làm cho mọi người thấy được quyết tâm của họ dùng vũ lực đánh chiếm miền Nam.[xiii] Mặt kia, cuộc tấn công toàn diện của Bắc Việt gây thiệt hại như thế nào về con số thương vong, đã làm cho dư luận nội địa Mỹ thêm hoài nghi và bi quan về tiến trình của những kế hoạch quân sự của người Mỹ ở Việt Nam. Cuộc tấn công 1968 của Bắc Việt đã chuyễn những thắng lợi quân sự của Hoa Kỳ và VNCH thành những thất bại về chính trị và tâm lý./


[1] Những cuộc biểu tình phản đối sự phi lý về ý thức hệ chính trị khi một dân tộc bị bắt phải theo một hệ thống chính trị họ không muốn xảy ra, lúc quân đội Nga và bốn chư hầu ở Đông Âu (Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi, Ba Lan và Đông Đức) tấn công chiếm đóng Tiệp Khắc vào tháng 8, 1968, khi đệ nhất bí thư đảng cộng sản Tiệp, Alexander Dubcek muốn từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Tito của Nam Tư là vị nguyên thủ lên tiếng phản đối Nga mãnh liệt nhất trong giai đoạn đó. Những cuộc biểu tình gây xáo trộn của giới sinh viên ở đại học Mỹ, Pháp và hơn 30 quốc gia trên thế giới về chiến tranh ở Việt Nam và hệ thống chính  trị ở mỗi quốc gia. Những triết gia nổi tiếng hiện đại như Jean-Paul Sartre, Bertrand Russsel khuyến khích biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.


[1] QĐND có bốn sư đoàn ở mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị.  Victory in Vietnam: The Official History of the People’s Armyof Vietnam, 19541975. Merle Pribbenow, translator. (Bản dịch từ Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, tập 2. Hà Nội: QĐND, 1994.).


[1] Cuối tháng 8 năm 1967, trước ngày ủy ban quốc phòng thượng viện mời tướng lãnh ra điều trần, tinh thần của McNamara xuống thấp đến độ gây nhiều lo lắng cho bạn bè và ngay cả tổng thống Johnson. viên thân cận là Jack Valenti,"Bob McNamara đã phục vụ hết lòng, đã đóng góp tất cả ... và chúng ta không muốn thấy một Forrestal nữa xảy ra." Ý Johnson muốn nói đến James V. Forestal, bộ trưởng quốc phòng đầu tiên khi bộ được thành lập vào năm 1947, và tự tử chết vì tâm thần dao động ở BQP. Có lần trả lời những câu hỏi của nghị sĩ ở Quốc Hội, McNamara đã thú nhận là "từ năm 1966 tôi nghĩ Hoa Kỳ khó thắng về quân sự ở chiến trường Việt Nam ..." Clark Clifford, Counsel to the President: A Memoir, tr. 456-457; Deborah Shapley, Promise and Power: The Life and Times of Robert McNamara, tr. 426-432.


[1] Sự tranh giành chức tổng thống giữa hai ông Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu là một vấn đề nan giải cho các tướng lãnh trong Hội Đồng Quân Lực, và là một vấn đề làm Hoa Kỳ rất quan tâm. Đối với Hoa Kỳ, nếu VNCH chưa được sự ổn định về chính trị thì quân đội khó chú tâm vào cuộc chiến chống cộng. Sự tranh chấp được dàn xếp vào ngày cuối của tháng 6, khi Hội Đồng Quân Lực, dưới sự lãnh đạo của tướng Cao Văn Viên, thông báo cho tướng Thiệu quyết định tối hậu của hội đồng: Tướng Thiệu sẽ là tổng thống; tướng Kỳ phó tổng thống trong liên danh Thiệu-Kỳ. Tướng Thiệu chỉ giữ vai trò tổng thống như một hư vị, tất cả quyền hành sẽ nằm trong tay phó tổng thống Kỳ. Phó tổng thống Kỳ sẽ bổ nhiệm thủ tướng và tất cả những tổng bộ trưởng quan trọng của chính phủ. Bản văn cam kết (do tướng Nguyễn Đức Thắng soạn) sẽ được hai người ký và Hội Đồng Quân Lực lưu giữ như một bằng chứng. Tướng Thiệu chấp nhận sự xếp đặt đó, và ngày 30 tháng 6-1967, liên danh Thiệu-Kỳ công bố ứng cử.


[1] Các sĩ quan chết trong vụ bắn lầm tai trường Trung Học Phước Đức ở Chợ Lớn là: các trung tá Nguyễn Văn Luận, giám đốc Cảnh Sát Đô Thành; Lê Ngọc Trụ, trưởng Ty Cảnh Sát Quận 5; Phó Quốc Chụ, giám đốc Nha Thương Cảng Saigon (em vợ phó tổng thống Kỳ); Đào Bá Phước, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 5 BĐQ; các thiếu tá Nguyễn Bảo Thùy, chánh sở An Ninh Đô Thành (em trung tướng Nguyễn Bảo Trị); Nguyễn Ngọc Sinh, phụ tá giám đốc Cảnh Sát Đô Thành. Bị thương là hai đại tá Văn Văn Của, Đô Trưởng Saigon; Nguyễn Văn Giám, tư lệnh phó Biệt Khu Thủ Đô. Tất cả các sĩ quan trên đều theo phía ông Kỳ. Đoàn Thêm, Việc Từng Ngày: 1968, tr. 195-201; trung tá Phạm Văn Sơn, Tổng Công Kích Mậu Thân 1968, trang 180-186.


[1] Victory in Vietnam: The Official History of the People’s Armyof Vietnam, 19541975. Merle Pribbenow, translator. (Bản dịch từ Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, tập 2. Hà Nội: QĐND, 1994.).


[1] Theo Stephen B. Young trong, The Theory and Pratice of Associative Power: CORDS in the Village of Vietnam, 1967-1972, tr. 147, sau khi chương trình Phượng Hoàng được hoàn thành, từ năm 1967 đến 1972, Phượng Hoàng đã loại  khỏi cơ sở hạ tầng của QGP 81.740 22.013 hồi chánh; 33.358 bị bắt giữ, và 26.369 bị giết chết.    


[1] Một số tài liệu mới đến từ Nguyễn Thị Liên-Hằng (Hanoi’s War. University of North Carolina Press, 2012) và đại tướng HoàngVăn Thái (Những Năm Tháng Quyết Định. Hà Nội QĐND, 1985) cho thấy Lê Duẫn áp dụng ý kiến của tướng Nguyễn Chí  Thanh, và loại bỏ ý kiến chống lại cuộc tổng công kích của tướng Võ Nguyên Giáp.  


[1] Năm thị xã ở Vùng 1 bị tấn công trong đêm Giao Thừa là Qui Nhơn, Kontum, Darlac, Pleiku và Nha Trang. Tất cả các tỉnh còn lại bị tấn công vào đêm mồng 1 hay mồng 2. Trong 44 tỉnh, Bắc Việt đánh vào 28 tỉnh và pháo kích hay bắn phá rối 16 tỉnh còn lại. Về các chi tiết của cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của Bắc Việt năm 1968, đọc trung tá Phạm Văn Sơn, chủ biên, Cuộc Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa của Vit Cộng Mậu Thân 1968 (Saigon: Phòng 5, Bộ Tổng Tham Mưu, 1968).


[1] Trong nhiều tài liệu đến từ các sĩ quan cao cấp Bắc Việt có trách nhiệm trong cuộc tổng công kích 1968, tất cả đều kết luận cuộc tấn công hoàn toàn thất bại. Một trong những lý do thất bại là sự chủ quan của kế hoạch: kế hoạch giả định dân chúng sẽ nổi dậy trợ giúp Bắc Việt và QGP khi họ xâm nhập vào mục tiêu; và, kế hoạch không thực tế. Lịch Sử Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước: 1945-1975 (Bộ Quốc Phòng: Hà Nội, 2001) tr. 322-324; Lịch Sử Saigon-Gia Định-Chợ Lớn Kháng Chiến: 1945-1975 (Thành Phố Hồ Chí Minh: NXB Thành Phố HCM, 1994), tr. 502, 524-525. Theo hồi ký của đại tướng Mai Chí Thọ (một trong những tư lệnh của mặt trận Saigon-Gia Định) và thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (tư lệnh quân khu 5), tất cả các đơn vị bị hoàn toàn tiêu diệt vì kế hoạch không nói đến quân tiếp viện và cũng không nói đến đường rút lui khi quân đội VNCH phản công. Có nhiều đơn vị Bắc Việt đầu hàng tập thể vì họ bị cô lập hoàn toàn (152 cán binh của trung đoàn Quyết Thắng, mặt trận Gia Định). Đọc trung tá Phạm Văn Sơn, sđd, tr. 173.


[1] Trích theo Đại Tướng Lê  Đức Anh trong, Đại Tướng Lê Đức Anh, trang 92-93 (Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2005).


[1] Hơn 150 cán binh của Trung Đoàn Đồng Nai ra đầu hàng tập thể ở mặt trận Gia Định ngày vào TCK-TKN đợt 2. Đoàn Thêm, Việc Từng Ngày, 1968.


[1] Trong báo cáo cho tổng thống Johnson vào cuối năm 1968, đại sứ Bunker viết: "Tôi tin năm 1968 sẽ đi vào lịch sử như một năm mà sức mạnh và lòng yêu chuộng tự do của nhân dân miền Nam được thử thách. Đến nay, sức mạnh và lòng yêu chuộng tự do đó vẫn không thay đổi." Đọc Douglas Pike, chủ biên, The Bunker Papers, vol. 3, báo cáo số 74, tr. 635.
11 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7590)
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 8232)