Kiều Mỹ Duyên: Một chuyến đi ngậm ngùi

23 Tháng Ba 20246:12 SA(Xem: 342)

VĂN HÓA ONLINE – ĐỊA LÝ NHÂN VĂN – THỨ BẨY 23 MAR 2024


LTS: Tòa soạn báo Văn Hóa Online hân hạnh gởi đến quý bạn đọc lần lượt các bài viết của cây bút ‘cổ thụ’ nhưng rất mới đặc biệt về phóng sự và phỏng vấn của Nhà báo, cựu Phóng viên chiến trường nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975: Kiều Mỹ Duyên.


Không những ở thủ đô tỵ nạn Little Sàigòn mà Cộng đồng VN trên thế giới, không ai mà không biết và đọc các bài viết của Kiều Mỹ Duyên. Ngòi bút của bà rải trên mặt báo, nhiều tờ Việt ngữ ở Quận Cam.


Riêng cá nhân tôi Lý Kiến Trúc thì, … tôi còn ‘nợ’ Kiều Mỹ Duyên. Nợ gì?


Khi gia đình tôi được ông Nguyễn Hậu, Chủ tịch Hội tương trợ Tù nhân Chính trị đón từ phi trường John Wayne về cho ở tạm trú trong căn nhà (văn phòng) cho Hội ở đường số 5 Tp. Santa Ana vào tháng 12 năm 1991; bỗng, một buổi sáng mùa đông, ông Hậu dắt một bóng hồng nở nụ cười rạng rỡ bước vào, ông giới thiệu đây là Ký giả Kiều Mỹ Duyên. Cô ký giả dáng mảnh khảnh lặng lẽ đi quanh 4 căn phòng đang có 4 gia đình HO tạm trú, rồi thản nhiên móc trong bóp ra tặng mỗi gia đình 20 đô.


Trong bữa ‘Dinner’ đầu tiên trên đất cờ hoa, ngọn đèn vàng chập chờn góc tối, gió thoáng đưa mùi hương kỳ lạ, ly rượu vang tim tím sóng sánh bên chiếc ‘robe’ màu hường hường, cô ký giả mở lời – ở Mỹ phải có nghề nghiệp, nếu thích nghề địa ốc thì theo tôi học nghề và tập sự. Thú thật, lúc đó tôi mù tịt. Vả lại, tôi đang làm thư ký văn phòng Hội giúp cho ông Nguyễn Hậu và đang viết bài “Lịch sử hội Tù nhân Chính trị nam California” theo yêu cầu của ông Hậu.


Giữa cây bút và địa ốc, tôi chọn ai? Tôi chọn cây bút 30 năm nay và … đường ai nấy đi.


Kiều Mỹ Duyên là nhà đầu tư địa ốc rất thành công ở Quận Cam nam California, bà là Tổng giám đốc công ty Ana Funding. Một nữ kinh doanh giỏi, viết báo giỏi, chụp hình đẹp, quan hệ cộng đồng có tình có nghĩa, giầu lòng từ ái và gieo ‘nợ’ cho nhiều người. Tôi là một ‘con nợ’ của người viết cuốn “Chinh Chiến Điêu Linh” và Tuyển tập “Hoa Cỏ Bên Đường”.


Hôm nay, tôi nhận được loạt bài của nhà báo-cựu phóng viên chiến trường Kiều Mỹ Duyên gởi đến VHO, lòng tôi thư thái, rưng rưng. Xin chia sẻ cùng quý bạn đọc. (23/3/2024 lkt)


image003Nhà báo Kiều Mỹ Duyên, tác giả sách “Chinh Chiến Điêu Linh”


*

image005

Một chuyến đi ngậm ngùi


Phái đoàn từ thiện Young Life-Hoa Kỳ gồm ông bà Frank Jao, Giáo Sư Dan Aldrich, ông Cliff Davidson và nhà báo Kiều Mỹ Duyên.

image007

Kiều Mỹ Duyên 2023

(viết từ Phnom Penh)

 

image009Phái đoàn từ thiện Young Life đến từ Hoa Kỳ:(từ trái qua phải) ông Frank Jao, Kiều Mỹ Duyên. bà Catherine Jao, Giáo Sư Dan Aldrich và ông Cliff Davidson và 2 em ở Cambodia. Ảnh tác giả cung cấp.


Đi một ngày đàng học một sàng khôn, ông bà mình thường nói như thế. Từ nhỏ tôi đã thích đi, ở trong nhà ra vườn, đến hàng xóm, trường học, hội quán bóng bàn, cắm trại ở Vũng Tàu, và lớn lên đến nhiều quốc gia trên thế giới vào thập niên 60 như Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ, du học ở Úc Châu và sau khi tị nạn ở Mỹ thì đến nhiều các quốc gia Âu Châu, rồi  Nam và Trung Mỹ, nhưng lần này trở về Á Châu, tôi hồi hộp vô cùng, bởi vì lâu quá không về Á Châu. Năm 2006, tôi tham dự đại hội giới trẻ ở Mã Lai nhưng không hồi hộp bằng lần này, không biết tại sao?


Bay từ Los Angeles đến San Francisco thì chuyển máy bay, giáo sư Dan Aldrich và ông Cliff Davidson đợi chúng tôi ở phi trường.


Giáo Sư Dan Aldrich và ông Cliff Davidson là những nhân vật lãnh đạo của tổ chức từ thiện quốc tế Young Life thành lập từ năm 1974 trụ sở chính ở Florida. Hai ông phụ trách đào tạo những lãnh đạo trẻ ở Á Châu và Thái Bình Dương, gồm 18 quốc gia, ngân sách của Young Life hàng năm là 275 triệu đô la cho thế giới. Máy bay đến Đại Hàn, xứ sở của võ nghệ đầy mình, con gái con trai phải học võ, hết lớp 12 phải có đệ nhị đẳng, rồi thi hành nghĩa vụ quân sự, con gái con trai cũng phải đi quân dịch 2 năm trước khi vào đại học, tức nhiên người trẻ nào cũng phải học võ, đó là lý do tại sao người nào cũng khỏe mạnh, cứ nhìn cái vai của họ thẳng và bước đi vững chắc của họ chúng ta có thể biết họ bao nhiêu năm được rèn luyện trong võ đường, thành phố vẫn rực rỡ đèn màu. Đại Hàn phát triển vượt bực từ kinh tế đến học vấn, nhiều hòn đảo hợp lại thành quốc gia, người Đại Hàn chăm chỉ làm ăn với tinh thần mã thượng của người võ sĩ.


Đã đến nước này nhiều lần thập niên 60 và năm 2006, tôi ngưỡng mộ những người chăm chỉ làm ăn và có tinh thần quốc gia dân tộc.


 Ở Đại Hàn một ngày chúng tôi đến Cambodia, thành phố chịu nhiều đau thương. Cambodia và Việt Nam ở gần nhau, từ Sài Gòn đến Cambodia chỉ 80 cây số, ở Châu Đốc và Tây Ninh thì đi gần hơn, ngồi trên máy bay tôi rất hồi hộp và tự hỏi:


- Không biết bây giờ những người bạn Cambodia của tôi ra sao? Lâu lắm rồi tôi không trở lại nơi này.


Năm 1971, tôi đến Neak Lueng bằng trực thăng của Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Máy bay cất cánh trước sân tỉnh trưởng Châu Đốc sang Neak Lueng, đi buổi sáng thật sớm và về buổi chiều, nơi trực thăng đáp xuống là cánh đồng cỏ mênh mông xanh mướt với dòng sông trong suốt và rừng cây bát ngát, ngút ngàn, đã bao nhiêu lần tôi mơ ước trở lại Neak Lueng, và hôm nay trên đường bay trở lại một đất nước nghèo đói, chiến tranh, người Cambodia bị giết chết, bị "cap duồn", bị búa đập vào đầu, bị cắt cổ, hơn 2.5 triệu người một lúc, bị gần như diệt chủng, với cả một cánh đồng đầu lâu trắng xóa, máu chảy thành sông, sọ người thành núi.


 Máy bay đáp xuống ở phi trường Phnom Penh vào nửa đêm, nhân viên của Young Life đón chúng tôi ở phi trường, những người trẻ với bảng hiệu trên tay: "Welcome Young Life."


Đi giữa những ánh đèn rực rỡ, gió lồng lộng, mát rười rượi, cây cỏ hai bên đường xanh mướt, đường đang được sửa chữa nên có những đoạn đường bụi mịt mờ, những người trẻ đại diện của Young Life nói cười luôn miệng, họ mừng rỡ trong tiếng nói tiếng cười. Đến khách sạn, tôi rất ngạc nhiên vì ngày xưa đến Cambodia ở rừng núi, suối reo, tôi chưa từng được đến những khách sạn đẹp tuyệt vời như thế này. Có thể nói khách sạn ở Cambodia đẹp nhất so với những nơi mà tôi đã đi qua như: Âu, Á, Úc và Mỹ Châu cũng là khách sạn 5 sao, nhưng khách sạn International Continental cất theo kiểu Pháp, chủ nhân là người Pháp. Khách sạn đẹp tuyệt vời, xung quanh là rừng cây, có hồ tắm có nước phun suốt ngày đêm, có âm nhạc cổ truyền, những người làm việc trong khách sạn mặc sắc phục cổ truyền, màu sắc đẹp rực rỡ, trai lẫn gái, lúc nào cũng có nụ cười trên môi của những người trẻ này.


Về tới khách sạn, những người trẻ đại diện Young Life ở Cambodia cho biết ông Frank Jao và phu nhân đã đến lúc trưa. Chúng tôi 5 người gặp nhau ngày hôm sau ở phòng khách của khách sạn để ăn sáng trước khi gặp các thành viên của Young Life ở Cambodia.


Ở Phnom Penh, chúng tôi đi thăm trung tâm dạy tiếng Anh và vi tính miễn phí của Young Life. Một tòa nhà đẹp lịch sự 2 tầng không thang máy, đi bộ lên, lớp học dưới nhà và trên nhà, có một nơi để cho một em ở lại trông giữ nhà. Đây là một trong 7 trung tâm huấn luyện của Young Life, Sor Pyneath, đại diện ở thủ đô là một chàng trai trẻ gần 40 tuổi, làm việc cho Young Life hơn 16 năm, mơ ước của em là mở các trung tâm dạy học khắp nước Cambodia. Thân phụ đi khắp nơi bỏ lại vợ và con trong lúc chinh chiến, mẹ em lúc còn rất trẻ nuôi 3 đứa con mấy năm sau người cha trở về. Cha em nói đi buôn bán, nhưng 2-3 năm mới trở về một lần, thật ra ông có 3 bà vợ khác, vì thế em có cha cũng như không. Tuổi thơ mấy anh em Sor rất vất vả phải vật lộn với sự sống, phải vừa đi làm vừa đi học, bữa đói bữa no nên em thông cảm với các trẻ em mồ côi. Em quyết làm việc xã hội, khi ông Bob đại diện cho Young Life từ Hoa Kỳ sang tìm đến em, ngay từ ngày đầu em đã tình nguyện làm việc với hội từ thiện này. Em cũng như các em khác, thành phần lãnh đạo được đưa đến trung tâm huấn luyện Young Life ở Phi Luật Tân học 2 tuần lễ, ngoài ra những chuyên viên người Mỹ đến Phi Luật Tân tiếp tục dạy các em về cách điều hành, tuyển người trẻ làm việc thiện nguyện. Hội chủ trương dạy các em tại các quốc gia có trung tâm Young Life để đỡ tốn kém, thay vì đưa các em đến Hoa Kỳ để học.


image011Phái đoàn từ thiện đến từ Hoa Kỳ và trẻ em mồ côi ở Cambodia. Ảnh tác giả cung cấp.


Chúng tôi đi ăn nhiều lần với các em sau những ngày sinh hoạt chung, để các em tự nói về mình mơ ước của mình, đời sống của mình, và những khó khăn mà các em gặp phải hàng ngày.


Các em học English, vi tính, âm nhạc, thể thao. Em Sor dịch sách trên computer bằng tiếng Cambodia để cho các em khác dễ học. Hiện nay, 7 trung tâm đều dùng những quyển sách này. Đặc biệt chính phủ Cambodia giúp đỡ các hội từ thiện rất nhiều. Mỗi lần tổ chức đại nhạc hội, các em có ban nhạc, tập luyện thường xuyên, các em múa hát những bài hát cổ truyền, ăn mặc theo lối cổ truyền, tựu tập 168 em từ các trung tâm, từ các trường đại học, là thành viên của hội. Đại nhạc hội kéo dài từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Các em múa, hát, đờn, thuyết trình, ông Cliff Davidson nói về hội, nói về sinh hoạt và chủ trương của hội. Giáo Sư Dan Aldrich nói về triết lý sống. Ông Frank kể cho các em nghe về cuộc đời của ông. Ông thành công ở Mỹ từ hai bàn tay trắng, vì ông quyết tâm phải làm việc gì đó là làm việc tích cực cho đến thành công. Sau khi nghe mọi người nói chuyện, các em vỗ tay vang dội. Ngày đại hội hôm sau, 168 em và thêm các em lãnh đạo, và các em trong ban thiện nguyện hơn 200 người, mọi người ra về tay cầm một hộp bánh vì các em chưa ăn tối. Ở Cambodia ban ngày cũng như đêm nóng như lửa, may mà có gió vì cỏ cây xanh mướt cũng như có những dòng sông nhỏ trong thành phố. Các em mặc đồng phục theo trường học của mình, chắc các em không đủ thì giờ về nhà thay áo. Ở Cambodia học các ngày thứ bảy như ở các quốc gia Á Châu khác.


Hằng năm, hàng triệu du khách thăm viếng Cánh Đồng Sọ Người. Sọ trắng xóa chồng chất mỗi tầng của ngôi tháp thật cao. Người Cambodia khi nhắc đến sự tàn sát dã man của Khmer Đỏ không khỏi rợn người, tay nổi da gà, những người trẻ lớn lên được nghe ông bà cha mẹ kể lại sự tàn sát diệt chủng này không khỏi rơi lệ. Sor đưa chúng tôi đi mà mắt cậu đỏ hoe, có lẽ cậu khóc thầm trong lòng.


image013Kiều Mỹ Duyên thăm viếng Tháp Sọ Người ở Cambodia.


  Sor, người đại diện cho Young Life tâm sự như sau:


- Chúng tôi muốn cho đồng bào chúng tôi khá hơn, chỉ một điều là phải học. Tôi dạy English và vi tính, tôi khuyến khích các em, nghèo cũng được, đói cũng được nhưng phải học.


Những người trẻ chúng tôi gặp ở Cambodia người nào cũng ốm nhom, ăn uống không đầy đủ ở tuổi thơ nên em nào cũng thấp và gầy, các em đen nên không nhận ra vẻ xanh xao của các em. Cambodia nắng quá, nắng cháy da người, nhờ có cây, có gió nếu không có gió, cây xanh, sông chảy quanh thành phố chắc nhiều người sẽ chết về mùa hè.


Một em gái, Vannak, đang phụ trách một trung tâm, em nói ngày xưa em có bạn trai bây giờ làm việc nhiều quá không còn bạn trai nữa, vì em là trung tâm trưởng, em có trách nhiệm với các em, cho nên em lo cho các em. Em làm xướng ngôn viên trong ban nhạc, và trong các cuộc đá bóng ngoài trời. Nước da của em đen thật là đen nhưng rất có duyên, miệng em cười thật tươi Em mơ ước có một gia đình ấm cúng, vợ chồng thương nhau, sinh con học giỏi gởi sang Mỹ du học, trở về giúp cho đất nước.


Đa số những em trẻ ở Cambodia mà chúng tôi đã gặp em nào cũng mơ ước du học ở Mỹ hoặc tu nghiệp ở Mỹ. Các em mơ ước đến Mỹ như mơ đến Thiên Đường ở hạ giới. Chúng tôi gặp thành phần lãnh đạo nhiều nhất, từ Phnom Penh đến Seam Reap. Vợ Sor đang làm ở nhà băng Singapore nhưng bỏ làm ở đó, về làm cho Young Life để giúp chồng. Ngày thường thì gởi con cho cha mẹ trông nuôi, cuối tuần đi đâu thì đem con theo, đi giữa nắng gió. Hình như trẻ con Cambodia rất mạnh khỏe, đi cả ngày ngoài nắng mà chúng vẫn khỏe như trẻ em bình thường. Mong cho các em toại nguyện được một lần đến Mỹ. Tôi đề nghị với Giáo Sư Dan Aldrich và ông Cliff Davidson rằng cộng đồng Cambodia ở Long Beach rất đông mấy trăm ngàn người và ở nước Mỹ cũng nhiều nên làm một việc như trao đổi sinh viên, đem những người lãnh đạo sang Mỹ cho ở trong những nhà bảo trợ, đi học, hoặc tu nghiệp thì sự tốn kém đỡ hơn nhiều. Nhà tôi không giàu nhưng cũng có thể cho một vài em ở vài ba tháng, ăn ở cũng đâu bao nhiêu. Các ông nói sẽ suy nghĩ lại.


CHÍNH PHỦ CAMBODIA: GIÚP CÁC HỘI TỪ THIỆN NGOẠI QUỐC


Ngoài sinh hoạt với Young Life hàng ngày chúng tôi đi thăm một hội từ thiện khác ở thành phố cổ. Nói đến thành phố ai cũng biết vì thành phố này bán đồ thủ công nghệ rất nhiều: đan, thêu, đồ gốm, nghĩa là nói chung thủ công nghệ do những bàn tay khéo léo của người Cambodia thực hiện. Buổi sáng mặt trời lên, tôi thích hồ và rừng núi nên dậy thật sớm đi thăm rừng núi, hồ, sông và thành phố cổ. Thành cổ có một dãy nhà thật dài, ở sau phố là nơi trú ngụ của các em mồ côi, tật nguyền. Các em đang dệt lụa, thêu, có em đang vẽ, có em bị tật hai chân nhưng vẫn ngồi trước giá vẽ, vẽ lên những mơ ước của mình. Những bức tranh màu sắc tươi vui, những khăn lụa thật đẹp đem ra shopping trước nhà bán. Vì đây là cơ sở từ thiện, chính phủ Cambodia thuê, tiền lời nuôi các em, và cho các em một chút ít để tiêu vặt.


Các em ở những ngôi nhà lợp tôn, lụp xụp, ngủ trên giường gỗ, trải chiếu không có nệm. Thấy khách đến, các em reo vui. Các em gái trên tóc gắn hoa lài, ở Cambodia đi dâu cũng nghe mùi hoa thơm ngát. Ở khách sạn hay ra phố gần dòng sông, chỗ nào cũng thấy hoa tươi. Cambodia hay Thái Lan chỗ nào cũng thấy những cụm hoa màu rực rỡ, thơm ngát.


image015Kiều Mỹ Duyên nói về đời sống người tị nạn Việt, Cambodia, Lào ở Mỹ. Hình tác giả cung cấp.

 

Tôi mua một ít khăn quàng cổ không trả giá, nhưng nếu mua ở phố thì tôi sẽ trả giá, vì đây là hội từ thiện, có lời họ nuôi trẻ em mồ côi, tôi không biết mắc rẻ cứ mua. Các em bán hàng là sinh viên các trường đại học ngoài giờ làm việc đến đây làm việc thiện nguyện. Ở đâu chúng tôi cũng thấy hình của vua, hoàng hậu và hoàng thái tử. Bây giờ, Hoàng Thái Hậu đang ở Bắc Kinh chữa bệnh, ông vua thì sang thăm mẫu hậu. Ngày hôm trước chúng tôi thăm lâu đài của vua, nếu cây cờ hiện lên là có vua ở lâu đài, nếu không thấy cờ trên nóc lâu đài là vua đi vắng. Vua đi học ở Pháp về, nói tiếng Pháp như người Pháp. Môn học của vua là khiêu vũ, vua có khiếu về khiêu vũ. Như đã nói người Cambodia từ vua đến dân ai cũng ca hát và khiêu vũ hàng ngày không đợi tới ngày lễ hội. Hai lâu đài trong hoàng cung, lâu đài màu vàng là theo đạo Phật, màu trắng là đạo Hindu, đạo Phật cũng đến từ Ấn Độ.


Trong hoàng cung cây cỏ xanh mướt, hoa nở rực trời, chỗ nào cũng được chăm sóc tỉ mỉ, rất đẹp, lâu đài của vua Cambodia cũng như lâu đài của các vua Pháp ở Pháp. Trong hoàng cung trưng bày những đồ cổ có giá trị như ngai vàng của vua, có những ngôi nhà, đánh đàn ca hát cho du khách thưởng thức, rồi du khách tự động bỏ tiền vào.


Có một vẻ huyền bí ở cung vua, vào hoàng cung không ai nói một tiếng lớn, đi chân đất, đa số ăn mặc rất lịch sự. Nghe nói ở Cambodia bùa ngải nhiều lắm cho nên không ai dám xúc phạm, không ai dám hái hoa, bẻ cây, dù không có một người lính nào gác cửa. 


ĐẾ THIÊN ĐẾ THÍCH ĐƯỢC CHO LÀ KỲ QUAN CỦA THẾ GIỚI


Đế Thiên Đế Thích được cho là kỳ quan của thế giới, có 3 ngôi chùa cổ, lên đồi cao, dưới là hồ, chùa lớn nhất chia ra thành nhiều lâu đài khác nhau. Khi mua vé vào thăm viếng, đi hết ngôi chùa thứ nhất là đã muốn ngã ra trên nền cỏ, hay ở giữa cánh rừng, nhưng rồi mỗi người đều tiếp tục đi hết 2 ngôi chùa còn lại, phải đi bộ thật xa từ cổng vào chùa, lâu đài đồ sộ tráng lệ nguy nga. Liên Hiệp Quốc đã từng giúp tiền để trùng tu nhưng màu đen vẫn đen, cỏ cháy vẫn cỏ cháy vì nắng quá sức, nóng nhưng có gió nếu không khó quyến rũ được khách thập phương đến thường lắm. Từng bậc thang thẳng từng bậc thang, cao vút, du khách từng đoàn từng đoàn, lâu đài cổ kính được mở cửa từ 5 giờ sáng. Vì ở Cambodia mặt trời lên rất sớm, trong lâu đài âm u không có bóng đèn, không có điện, nhưng kiến trúc sư tài ba đem từng tảng đá đặt lên nhau không có xi măng, không biết tại sao những tảng đá có thể không đổ mà đứng sừng sững hàng bao nhiêu năm rồi.


Một người trong đoàn là Catherine Jao nói:


- Mình đã từng đi khắp nơi trên thế giới không ngờ hôm nay mình được đến Cambodia. Có những cây cổ thụ hàng ngàn năm trông sừng sững phơi gan cùng tuế nguyệt.


Đi càng lâu thì những bước chân càng chậm chạp, nhưng mấy ánh nắng cũng phải chớp chớp từng lâu đài của kỳ quan trên thế giới này. Tượng Phật có hàng ngàn năm, ngai vàng của vua, chiếc áo long bào vàng rực bằng vàng quyến rũ khách thập phương. Không ai dám đưa bàn tay chạm vào những vật này.


image017Kiều Mỹ Duyên và ông bà Frank Jao, cùng trẻ mồ côi ở Cambodia. Ảnh tác giả cung cấp.


Tôi rất phục những người có lòng, giúp người nghèo khó, giúp những đứa trẻ mồ côi, nuôi nấng cho nên người. Ông Frank Jao trong phái đoàn Young Life nói:


- Cambodia có nhiều gỗ, tôi sẽ giúp cho những người trẻ này làm một cơ sở thương mại. Tôi sẽ cho giáo sư từ Mỹ sang để dạy các em làm thủ công mỹ nghệ, và tôi có thể giúp các em mở nhà hàng, để các em có lợi tức hàng tháng để mướn thêm nhân viên, để giúp đỡ thêm một số nhân công.


Ông Frank Jao từ xưa đến nay người ít nói, trầm ngâm suy tư nhưng mỗi khi ông nói điều gì là ông thực hiện được điều đó.


Ông hỏi tôi:


- Chị có thể tin được những người trẻ này không?


 Tôi trả lời không do dự:


- Tôi tin, tôi tin họ có khả năng làm việc, tôi tin sự chân thật của họ.


 Một người làm việc thiện nguyện nhiều năm trước khi giữ chức tổng giám đốc điều hành một cơ sở từ thiện, dưới quyền có 6 trung tâm khác, phải được anh chị em phục mới có thể có một số em trong ban điều hành đông đảo và các thiện nguyện viên rất đông như thế.


Người trẻ điều hành có đời sống vất vả từ lúc tuổi thơ, mẹ đi làm lao động vất vả 50 xu một giờ, nuôi con tốt nghiệp đại học, em này rất có hiếu với mẹ vì suốt tuổi thơ của em, em ở với mẹ và được mẹ nuôi cho tới lớn khôn.


Vợ chồng cùng làm việc cho Young Life, gặp phái đoàn đem vợ con theo, họ sống rất chan hòa, hạnh phúc và đùm bọc lẫn nhau.


Phu nhân ông Frank Jao rất có lòng, gởi tiền mua quà cho con của người đại diện, và cho các em trong đoàn thiện nguyện. Các em rất cảm kích trước tình cảm của bà Catherine Jao. Bà quan tâm từng cái áo cho trẻ con, bà rất tế nhị sợ rằng gởi tiền các em không nhận, nên mua quà gởi cho mẹ và các con của người đại diện Young Life ở Cambodia.


Có duyên thì sẽ gặp, người gặp nhau hôm nay chưa chắc ngày mai còn gặp nữa, nên mỗi người vui vẻ với nhau, đối xử với nhau như ruột thịt, giúp ai được việc gì thì giúp ngay.


 Ông Frank Jao nói tiếp:


- Nếu có hãng làm thủ công mỹ nghệ, thì công ty ở Mỹ sẽ mua đem về Mỹ phân phối.


Ông Frank Jao rất thông minh, là thương gia nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường, trong cuộc đời của ông thành công nhiều hơn thất bại, cho nên ông được Giáo Sư Dan Aldrich và ông Cliff Davidson rất quý mến. Giáo Sư Dan Aldrich nói:


- Tôi mời ông bà Frank Jao đi trong đoàn để ông bà nhìn tận mắt việc làm của chúng tôi để ông bà giúp cho các trẻ em nghèo và hiếu học.


Ông Frank Jao nói:


- Tôi làm việc từ thiện rất nhiều nhưng chưa bao giờ đi theo đoàn từ thiện từ ngày này qua ngày khác. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi với đoàn từ thiện Young Life.


Ông Frank Jao là công dân Mỹ nhưng đầu tư ở khắp nơi, ông bay đi khắp nơi và ông đầu tư nhiều nơi trên thế giới. Một điều quan trọng nhất của con người là chữ tín, ông hứa điều gì, ông làm điều đó, cho nên nhiều người tin tưởng ở ông, ông hứa là ông làm.


image019Ông bà Frank Jao làm từ thiện ở Cambodia. Ảnh tác giả cung cấp.


Xây dựng một cơ sở từ thiện phải tốn nhiều tiền và làm việc liên tục nhiều năm, người làm việc từ thiện lãnh lương rất ít, làm việc rất nhiều kể cả ngày thứ bảy, Chúa nhật và ngày lễ.


Ở Cambodia người nghèo rất nhiều, ở rải rác khắp nơi, người nghèo trong thành phố, và ở xa xa thành phố, nhưng tôi chưa từng thấy người ăn mày ở trước tiệm ăn, hay ngoài phố. Chúng tôi thăm một ngôi chùa cổ, rất đẹp, uy nghi trên ngọn đồi, trước cổng có đề: người ngoại quốc trả $1, người dân bản xứ không phải trả tiền, nhưng người Á Châu cũng màu da vàng, có nhiều người không mua vé vẫn vào không ai xét hỏi, họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, chỉ có người Âu Châu, Úc, và Mỹ Châu thì mua vé vì dễ phân biệt họ là người da trắng. 


Ông Frank Jao mua hoa đèn cắm trước bàn Phật và ông cầu nguyện rất trang nghiêm.


 Người đến chủ đều bỏ giầy dép ngoài cửa, đây là một ngôi chùa tư nhân, do một phụ nữ giàu mua đất cất chùa để thiện nam tín nữ đến cầu nguyện, tượng Phật to sừng sững ở chánh điện, người ra vào tấp nập. Xung quanh là rừng cây, cây cổ thụ thật to hàng trăm năm dưới đồi là phố phường tấp nập người qua lại, buôn bán làm ăn, trước cổng chùa có những xe nước dừa bán cho du khách qua lại.


Cambodia nóng như lửa nên ai cũng uống nước dừa và ăn trái cây hàng ngày.


Người ăn mày không đứng, hoặc ngồi trước cửa nhà hàng hay ở đường phố nhưng người tàn tật như cụt tay, cụt chân, tê liệt ngồi trên xe lăn hay chống gậy có trước cửa sân chùa, ông bà Frank Jao hay cho tiền những người này, cho mỗi lần 5 đô la, người nhận tiền cám ơn lia lịa bằng tiếng Cambodia, số tiền này rất lớn vì 1 đô la là 4,000 đồng Cambodia, và làm lao động mỗi giờ chỉ có 50 xu.


 Ở Phnom Penh nhiều ngày chưa bao giờ ai dặn chúng tôi:


 - Ra đường coi chừng cái bóp, coi chừng máy ảnh, đừng mang bóp hay máy ảnh trên vai.


 Xứ sở thanh bình mặc dầu cách đây không lâu đã có nhiều vụ giết người tập thể, tàn sát lẫn nhau, người Cambodia giết người Cambodia, Khmer Đỏ giết người dân Cambodia.


 Nếu du khách chưa từng đến Cambodia bây giờ đến thì sẽ cảm thấy bình yên trong tâm hồn, bình yên với rừng núi bao la, với sông xanh mướt, với trái cây ngọt lịm. 


Rời Cambodia với cảm tình nồng nhiệt, hình ảnh mấy trăm em vẻ mặt ngây thơ trong sáng, với lòng làm việc thiện một cách nhiệt tình của cả em lãnh đạo Young Life. Ngồi trên máy bay, tôi còn quay đầu nhìn qua khung cửa một đất nước nhiều đau thương nhưng sinh ra những con người chân thật dễ thương và một tấm lòng quyết chí vươn lên.


 Cầu xin Ơn Trên ban phúc lành cho họ, cho người Cambodia sớm kiến tạo lại xứ sở của họ. Hiện nay có nhiều đoàn thể từ thiện quốc tế đang có mặt ở Cambodia để giúp đỡ những người nghèo, trẻ em mồ côi, và người tàn tật.


Kiều Mỹ Duyên