Huyền thoại về một hòn đảo mang tên Song Tử Tây – CHƯƠNG 4

05 Tháng Chín 202310:15 SA(Xem: 2367)

VĂN HÓA ONLINE – BỘ ẢNH TRƯỜNG SA 2014 – THỨ NĂM 07 SEP 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Lý Kiến Trúc và ‘10 ngày đêm Trường Sa rực lửa’ – CHƯƠNG 4


Huyền thoại về một hòn đảo mang tên Song Tử Tây

image003

Song Tử Tây: Bức tường lửa ở phía cực bắc quần đảo Trường Sa.

Nhóm bể trầm tích Trường Sa: Nguồn tài nguyên dưới đáy còn nguyên.


image005Ảnh trên: Tượng đài chủ quyền đảo Song Tử Tây chụp tháng 4 năm 2014; Ảnh giữa: Những nhà báo lính Hà Nội đặt chân lên đảo Song Tử Tây vào tháng Tư năm 1975 đã thấy có tượng đài cũ xây trước 1975 (ảnh Khắc Xuể); Ảnh dưới: Nhà báo Lý Kiến Trúc khám phá bia đá tượng đài chủ quyền trên đảo Song Tử Tây do hải quân VNCH xây dựng ngày 22 tháng 8 năm 1956. Ảnh tài liệu.

image008

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

07/9/2023 – CHƯƠNG 4


Tiếp theo CHƯƠNG 3: Song Tử Tây, hòn đảo xanh mọc lên giữa đại dương


Jazz và những tiếng hát trong đêm văn nghệ Câu lạc Bộ sĩ quan HQ-571 dẫn tôi vào giấc ngủ giữa tiếng sóng êm ả Trường Sa.


Nhưng tôi vẫn không ngủ được. Bước ra lan can con tàu, tôi nghe ngóng không gian chìm vào đêm tối. Biển im lìm chịu đựng dưới những vì sao lấp lánh. Sao và Biển, họ đang ngỏ lời tình tự với nhau đêm nay. Chỉ mới hôm kia thôi, không có tiếng sóng rì rào trên bãi cát hay tiếng gió lao xao ở cảng Cát Lái, (một cảng nhỏ nhưng khá quan trọng dẫn vào sông Sài Gòn chỉ cách Quận một khoảng mươi cây số), vậy mà tôi đã xa Sài Gòn cả ngàn cây số về hướng Đông.


Con tàu dường như đứng tại chỗ. Không đúng. Nó đang di chuyển, rất êm, lầm lũi, lặng thinh đi trong đêm tối. Nó đang tiến dần từng thước đến bức tường lửa Song Tử Tây – tuyến đầu của mạn cực bắc quần đảo Trường Sa.


Tiếng máy con tàu êm ru đến độ tôi và con tàu như đang đứng trên mặt tấm gương nước phẳng lì khổng lồ. Màu sắc không gian thay đổi liên tục. Màu biển Song Tử Tây như muốn thách đố đôi mắt chiêm nghiệm của người khách phương xa vốn quen với khung cảnh phố phường bên Mỹ.


Dừng chân trên bến Sài Gòn. Không phải để thăm phố xá mà để ra khơi cho biết mặt trùng dương, biết nơi hãi hùng. (PD)


Tất nhiên, Sài Gòn cũng không thể nào có được sắc màu lạ lùng như biển Song Tử Tây. Nó gieo vào tâm trạng hoài nghi của tôi về địa lý địa chất môi trường không gian ở nơi này. Có thể nó đang chất chứa những bí mật dưới đáy biển mà con người chưa khám phá ra được. Tài nguyên, mỏ, đất hiếm, dòng chảy ngầm, nguồn cá, v.v… Các nhà khoa học đại dương và con tàu ngầm ‘hố đen’ Kilo 636 đã mò tới đây tìm tòi chưa nhỉ? Nguồn lợi vô giá còn nằm nguyên dưới đáy bể Đông.


Hòn đảo xa tít ở chân trời mịt mù giữa đám mây chiều lững thững lang thang. Tàu lướt nhẹ trên những gợn sóng lăn tăn, thật lạ lùng, càng đến gần hòn đảo biển càng êm. Hòn đảo như thỏi nam châm khổng lồ hút họng súng nghểnh lên ở mũi con tàu như người tình xa vắng vội ào tới ôm chầm lấy nhau.


Tuy nhiên, trước hết và trên hết, cung đường cong nhô lên vẻ đẹp mỹ cảm rong rêu của hòn đảo hấp dẫn đến nỗi đôi mắt tôi không rời.

image009

Tôi review lại hình ảnh còn nằm trong cái camera thân ái. Cũng có vài tấm kha khá. Hòn đảo nhỏ nằm bồng bềnh dưới bức tường thành dài ngoằng mây xám mây hồng mây tím.

image011

Cả rác cũng có đang nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Rác ở đâu trôi đến đây?

image013

Lại có cả dầu loang lổ. Dầu từ máy tàu thải ra hay là vàng đen từ đáy biển trồi lên?

image015

Rảo bước vào phòng chỉ huy con tàu HQ-571, vị thuyền trưởng ngồi trên chiếc ghế cao, ông đang làm việc với các sĩ quan dưới quyền; một người đàn ông mặc thường phục ngồi ở chiếc bàn riêng trao đổi chuyện gì đó với người đứng bên cạnh. Hỏi ra tôi được biết ông là Đại tá Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Vùng 4 hải quân VN. Một vị sĩ quan chỉ huy hải quân đi với đoàn tham quan quần đảo Trường Sa tất phải có chuyện.

image017

Mặt trời tà dần xuống mặt biển, nó sẽ chìm lỉm xuống đáy đại dương hay bắt đầu lóe ánh bình minh cho bên kia thế giới. Bóng tối từ những cụm mây xám phủ xuống đảo một màu sắc ảm đạm. Tứ bề không có một ngọn gió. Có một luồng gió thổi qua tai khiến tôi sởn gai ốc làn da. Có một cái gì đó tạo cảm giác ghê rợn.


Tôi biết tôi đang trở về biển cả phương Đông trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng.”


Ở hải ngoại, nhiều người nghe ngóng Biển Đông nổi sóng. Lính Trung Quốc đang ra sức nạo vét san hô, cát, đất, đá, bồi đắp để dựng lên các đảo nhân tạo. Họ, nước lớn – đang muốn cái gì ở đây? Quần đảo Trường Sa có cả trăm hòn đảo, đá lớn nhỏ quấn quít với nhau. Họ đang rắp tâm lập lại sân khấu máu Gạc Ma ở Song Tử Tây? Để chiếm đoạt Trường Sa? Để bành trướng chủ quyền? Con tàu HQ-571 và chúng tôi là những vật tế thần cho âm mưu bành trướng kiểu mới? Tôi không bi quan đến nỗi như vậy nhưng có thể lắm chứ.


Các tin tức truyền tai cho biết một hòn đảo nhân tạo không xa lắm chỗ con tàu chúng tôi. Độ vài chục hải lý. Nó rất lớn và rất đông lính tàu phù. Bọn tàu phù có thể nổi điên lên khạc đại bác, tên lửa vào chúng tôi mà chúng cho là đang xâm phạm vào cái gọi là chủ quyền biển đảo lịch sử. Ai cấm chúng không dám bắn chúng tôi? Ồ! nếu chẳng may tôi chết lăn ra đây thì sao? Hoặc giả tôi rơi từ lan can xuống biển trong đêm tối mịt mùng – thì sao? Ai biết được.


Thôi thì tệ lắm tôi cũng bầu bạn với 74 người lính ở Hoàng Sa và 64 người lính ở Gạc Ma. Cũng tốt. Rốt cuộc, hai mí mắt tôi sụp xuống, tôi phải đi ngủ cái đã.


image019Bóng tối trùm lấy hòn đảo.


6. Những bước chân đầu tiên trên hòn đảo xanh


Tôi bừng mắt dậy khi nghe tiếng khua om sòm của mấy người bạn mới cùng phòng. Mặt trời len vào khung kính cửa sổ làm chóa mắt. Tôi đi đánh răng rửa mặt và chuẩn bị thưởng thức bữa ăn sáng. Bụng đói cồn cào.

image021

Ngoài lan can đã thấy vài người quay phim chụp ảnh cảnh bình minh. Hòn đảo lù lù trước mặt. Nó đẹp lạ lùng, nó gợi lên trí óc tôi về một huyền thoại xa xôi từ thập niên năm 1956, 1975 và năm 2014 là năm tôi đặt chân tới lần đầu tiên.

image023

Ca nô chở dần từng nhóm tiến vào đảo. Con tàu HQ-571 neo đậu ở ngoài khơi đảo khoảng 1 cây số vì thềm san hô khá rộng và gần sát mặt nước biển.


Tôi nhìn thấy những mái nhà ngói đỏ san sát dưới lùm cây, ngọn tháp hải đăng cao vút lên trời như khoe dáng đứng. Chà, có vẻ kiêu hãnh lắm, trên trời dưới biển là tôi. Còn màu xanh, Song Tử Tây đúng nghĩa là “Hòn đảo xanh mọc lên giữa đại dương.” Không chỉ mọc lên, nó là điểm hội tụ giữa không gian và biển cả.


image025Điểm hội tụ giữa không gian và biển cả.


Ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây rất cao. Gối ai đã chùn chân thì khó mà leo tới. Đây là ngọn hải đăng đầu tiên do Việt Nam xây dựng năm 1993 được xếp hạng cấp 1 ánh sáng quét tương đối xa.


image027Ngọn hải đăng và các cột điện gió trên đảo chụp từ ống kính LKT thu gần lại.


Chúng tôi lần lượt dẫm những bước chân lên hòn đảo “huyền thoại.” Song Tử là hai anh em song sinh. Người anh sinh trước nên được Mẹ Biển đặt tên là Song Tử Đông, vài phút sau đứa em sinh ra Mẹ gọi là Song Tử Tây. Chỉ có vài phút trong cơn “thập tử nhất sinh” của Mẹ mà hai anh em cách nhau ba cây số và chia tay nhau hơn nửa thế kỷ. Cha Trời làm gì đến nỗi Đông-Tây ghét nhau đến thế. Cứ như là quốc ngoại với quốc nội hận thù đằng đằng.


Ngày xưa, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rên rỉ: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của Mẹ một bọn lai căng, gia tài của Mẹ một lũ bội tình …” Ở bên Úc, Nhạc sĩ Phan Văn Hưng xót xa: “Hai mươi năm, đàn trẻ thơ nay đã lớn và chàng trai nay đã già, những người xưa đã nằm xuống và rừng núi đã héo nhòa …”


image029Nhìn trong ảnh, bên trái đảo Song Tử Tây là đảo Song Tử Đông, nhưng trên thực tế bản đồ, Song Tử Đông nằm phía bắc bên trên đảo Song Tử Tây cách khoảng 3km. (Xem thêm bài viết về đảo Song Tử Đông).


Ban tổ chức dẫn chúng tôi đi thăm tòa nhà khá lớn hai tầng hiện là trụ sở thuộc Ủy ban Nhân dân xã Song Tử Tây. Một cuộc “giao ban” giữa ban tổ chức và khách tham dự chuyến đi Trường Sa diễn ra trong phòng họp khá rộng. Các cán bộ diễn giả trình bày khái quát về lịch sử hòn đảo, tầm quan trọng của chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa và đưa ra các yêu cầu nội quy tham quan đối với khách tham dự cần phải tuân thủ. Vấn đề an ninh được chú trọng hàng đầu. Có vài người khách được mời phát biểu cảm tưởng.


Tôi lặn ra ngoài đứng dưới tàn cây khá lớn hút thuốc. Thèm thuốc lá quá xá rồi vì hơi muối đã thấm vào miệng. Khói tan loãng vào bầu trời Song Tử Tây.


image031Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Song Tử Tây.


Các cán bộ hướng dẫn đi thăm quanh hòn đảo. Đảo khá lớn, diện tích đến 0,19km2 vào thời điểm lúc ấy; có lẽ bây giờ đảo được bồi đắp, xây dựng thêm còn lớn hơn nhiều. Dưới ánh nắng chói chang, tôi nhìn thấy các bó thép rất lớn và hàng đống bao cát có lẽ là xi măng, lại có cả xe công binh và cần cẩu đang hoạt động ầm ĩ. Những người lính da đen sạm, mồ hôi nhễ nhại. Sức nóng và mùi muối ở đây kinh hoàng, trên 40 độ C, nó thẩm thấu vào da thịt tôi, lưng tôi ướt đẫm. Thế mà tôi cảm thấy khỏe hẳn ra.


Kìa, một tượng đài sừng sững đập vào mắt tôi. Đảo Song Tử Tây vĩ độ 110 25’55’’B, kinh độ 1140   18’00”Đ được nâng bởi bức phù điêu bằng xi măng khắc họa trống đồng màu vàng đen nổi bật.

image033

Hòn đảo được công binh hải quân Việt Nam bồi đắp mở rộng thêm về diện tích. Hàng đống xi măng, từng cuộn thép có lẽ dùng để xây các công trình phòng ngự quân sự, chiến hào đào sâu dưới mặt đất vòng quanh bờ biển đảo, đây đó có nhiều công sự chiến đấu, kể cả các công trình dân sự, nhà nghỉ cho lính đồn trú và cho ngư dân. Lại có cả ngôi chùa to lớn vững chãi tượng Phật nhìn ra biển. Triết lý dựng chùa ở những nơi hiểm yếu có lẽ bắt nguồn từ bài học của lịch sử giữ nước. Rất tiếc tôi không tìm thấy sân bay (dã chiến dùng cho trực thăng) và các dàn tên lửa hay đại bác.


image035image037Hàng đống thép và xi măng chất trên đảo chuẩn bị xây các công trình quân sự và dân sự.


image039image041image043image045Các chiến hào phòng ngự chung quanh bờ biển hòn đảo. Ngôi chùa to lớn nhìn ra biển. Chùa mang tên chùa Song Tử Tây.


image047Chiến hào ngầm xây xi măng bê tông vững chắc.


image049Một lô cốt cũ xây trước năm 1975 được che dấu có thể là chứa đạn dược bên trong.


image051Một lô cốt cũ xây trước năm 1975 được che dấu dưới lùm cây phong ba.


Âu tàu của đảo mới được xây dựng không lâu, vùng nước kín đáo có sức chứa 80-100 tàu cá vào tránh gió bão. Trên đảo còn có trạm bảo dưỡng kỹ thuật có khả năng sửa chữa tàu thuyền quân sự và cho ghe thuyền ngư dân.


image053Âu tàu hình chữ nhật bên trái hòn đảo nhìn từ trên không và các bãi bồi đắp. Hòn đảo trông như cánh diều trên biển Ảnh chụp lại từ nguồn tài liệu.


Nhưng không chỉ có các khu vực quân sự, tôi nhìn thấy các vườn rau xanh, hầu hết là rau muống, cấy trái xum xuê và có cả giếng nước. Nước ngọt hay nước lợ chính là nguồn sống sinh tử.


Một chú lính trẻ nói với tôi, nước lợ ngọt dùng để tắm giặt và nấu nướng, nhưng không dám xài hoang phí. Người ta có thể sống vì cá nhưng dễ chết tầm thường vì không có nước.


image055Giếng và bể nước ngọt lợ ở Song Tử Tây.


image057Vườn rau quí báu của những người lính trên đảo.


image059Vườn rau quí báu của những người lính trên đảo.


image061Vườn cây xanh um với những quả đu đủ của những người lính trên đảo, nghe nói nó đắt gấp 10 lần quả đu đủ ở trên đất liền nhưng không ai bán.


image063Song Tử Tây nổi tiếng với rừng cây phong ba chống lại bão tố. Tới mùa bão, biển động, sóng gào, gió giật hàng trăm km/giờ, cây phong ba vẫn đứng vững.


image065Chỉ có trên đảo Song Tử Tây mới có cây bàng vuông. Gọi là vuông vì trái của nó hình vuông chứ không tròn. Nhiều người cố mang giống cây này về đất liền trồng, tôi cũng muốn có một cây nhưng mang về Mỹ không phải dễ.


Các bạn nghĩ sao khi nhìn thấy những con người cháy nám nắng mưa bão tố ngày đêm bám trụ hải đảo. Họ là những người lính trẻ, rất trẻ, chỉ độ 20, 30. Họ sẵn sàng hy sinh thân xác và quyền lợi cá nhân gia đình để giữ gìn tài sản của Tổ Tiên, bảo vệ quyền chủ quyền mà những người Lính đi trước đã nằm xuống đáy vì hai chữ Tổ Quốc.


– Kẻ hậu bối có nghe gì không? Tiếng sóng sử thi đang vọng lên bài ca bất tử về những hải đảo xa xôi ngàn dặm lừng lững và cô đơn giữa trùng dương biêng biếc.


Cha Trời Mẹ Biển đã cho Việt Nam một hòn đảo đẹp dị thường và những gì nữa chúng ta chưa biết hết để dệt lên – “Huyền thoại về một hòn đảo mang tên Song Tử Tây” vào tháng Tư trong một đêm hồn Trường Sa rực lửa.


image067Tác giả tắm nắng biển Trường Sa tháng Tư năm 2014.


Lý Kiến Trúc

Viết ở California ngày 07/9/2023
28 Tháng Chín 2020(Xem: 6475)