VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ HAI 06 AUG 2018
Biểu tình ở VN: cái nhìn từ lịch sử đến thực tiễn
Nhà báo Đồng Chuông Tử Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Bình Thuận 5/8/18
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Cảnh sát áp giải các bị cáo trong một phiên tòa hôm 23/7/2018 ở tỉnh Bình Thuận.
Dưới chính thể cai trị kiểu được cho là "một mình một cõi" hiện nay, các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống Việt Nam dường như "e ngại" sử dùng cụm từ "biểu tình", khi "thấy và biết mười mươi" chuyện người dân đi biểu tình.
Nguyên nhân được viện dẫn, đổ lỗi là chưa có luật biểu tình nên lúng túng trong việc gọi tên chính thức. Việc gọi tên khác đi như "tụ tập đông người", "tập trung đông người", "tụ tập gây rối", thực ra cũng chỉ là một cách gọi, trạng thái, bản chất của nó vẫn là biểu tình mà thôi.
Đặc biệt, nếu bạn quan tâm nền pháp trị hiện tại, những cụm từ ấy bị vo lại trong phạm vi chật hẹp, đầy màu sắc hình sự - tội phạm, hơn là chắt lọc "cốt lõi" những điều, chương tiệm cận văn minh "nhỏ giọt" trong Hiến pháp hiện hành.
Có hay chăng một sự "cố tình quên" rằng biểu tình, ngoài khía cạnh thể hiện phản ứng, phản đối, nó còn có khía cạnh biểu lộ ủng hộ, đồng tình và mang cả giá trị tích cực bên trong?
Một xã hội không có biểu tình, đó là một sự vận động ngược thế giới văn minh, tiến bộ. Hoặc đó là một xã hội không tưởng, ngoài sức tưởng tượng của nhân loạiNhà báo Đồng Chuông Tử
Từ lịch sử
Ở Việt Nam, khi tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của biểu tình, dễ dàng nhận thấy những phong trào nổi dậy, những cuộc khởi nghĩa trong lịch sử đấu tranh của dân tộc cũng là một biểu hiện của biểu tình. Đó là dạng thức biểu tình bạo động, có tổ chức hoặc tự phát của một nhóm người.
Trong lịch sử biểu tình ở Việt Nam, dạng thức này được phân tích, nhận diện và điểm danh rất đông đảo, cụ thể và cao trào với cuộc chiến "nghìn năm nô lệ giặc Tàu", "trăm năm đô hộ giặc Tây", thậm chí, ngay cả thời kì "quê hương nội chiến từng ngày".
Do khuôn khổ bài báo, xin phép không liệt kê tỉ mỉ từng sự kiện lịch sử, song tin rằng không có người Việt Nam nào mà không học, không biết những phong trào đó, cuộc khởi nghĩa kia. Dẫu được định danh là cuộc chiến chăng nữa, thì bản chất nó vẫn là dạng thức biểu tình bạo động để nhằm thay đổi một phần hoặc toàn bộ sự vụ hay hiện trạng thực tại.
Tuy vậy trong lịch sử, Việt Nam cũng có dạng thức biểu tình ôn hòa chứ không phải không có, dù rằng hiếm hoi và chưa thu hái thành tựu như mong muốn lúc bấy giờ. Bởi xét cho cùng, dạng thức biểu tình ôn hòa vẫn thuộc vào dạng thức 'đỉnh cao văn hóa, tinh túy của xã hội' khi nhân lên, cộng với nền pháp trị cởi mở, tân tiến thì mới ít nhiều gây dựng niềm hi vọng .
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Khiên mộc của Cảnh sát cơ động Việt Nam bị thấy vứt lại sau một cuộc biểu tình ở Bình Thuận hôm 10/6/2018.
Được biết, Phong trào Đông Du của Hội Duy Tân, của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đầu thế kỉ XX, giờ đây được hậu thế nhìn nhận lại, soi xét và đánh giá công tâm hơn, dẫu chỉ là một cánh én, song hiệu ứng của họ, chủ trương và tầm nhìn của họ, đến nay vẫn còn rất mới mẻ, giá trị và đã thức tỉnh nhiều thế hệ kế thừa dần dần theo năm tháng.
Trong những năm đầu của thế kỉ XX, chúng ta hẳn còn nhớ tên tuổi của hai "linh hồn lớn" của phong trào đấu tranh ôn hòa: Mahatma Gandhi của Ấn Độ và Mục sư Baptist, Martin Luther King của Mỹ. Hai con người vĩ đại này đã rất kiên trì, nhẫn nại thúc đẩy và góp phần phát triển rực rỡ dạng thức biểu tình ôn hòa trên thế giới. Họ là nguồn cảm hứng vô tận về tính nhân văn, nhân đạo mà những dân tộc còn khó khăn, bất hạnh trong việc truy tầm con đường hạnh phúc thực sự, tự do đích thực và dân chủ sáng rỡ, học tập và hướng đến.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu sơ khởi rằng biểu tình là một phong trào, con đường biểu đạt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của một người, nhóm người trước một vấn đề công việc cụ thể. Phong trào đó, con đường đó tồn tại và biểu hiện dưới hai dạng thức chính, bao gồm bạo động và bất bạo động, cũng có lúc chúng chuyển hóa, biến động qua lại. Tuy thế, biểu hiện cao cấp nhất, tinh hoa nhất nhận được nhiều sự ngưỡng mộ lớn vẫn là biểu tình ở dạng thức ôn hòa.
Ở miền Nam trước 30/4/1975, biểu tình diễn ra liên miên, từ đệ nhất cho chí đệ nhị Cộng hòa, thu hút tầng lớp học sinh sinh viên có, trí thức báo giới có, tôn giáo tín ngưỡng có, v.v… Sau này, nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu chính trị cho rằng: "nhìn chung, không khí chính trị tại Miền Nam Việt Nam là cởi mởNhà báo Đồng Chuông Tử
Chiều kích rộng sâu hơn, nhìn nhận ở tiến trình phát triển xã hội trong lịch sử loài người, biểu tình là một quyền cơ bản, nhu cầu tất yếu, xu hướng vận động đi lên trong thời đại có nhà nước và giai cấp. Một xã hội không có biểu tình, đó là một sự vận động ngược thế giới văn minh, tiến bộ. Hoặc đó là một xã hội không tưởng, ngoài sức tưởng tượng của nhân loại.
Đến thực tiễn
Tìm hiểu, nghiên cứu về biểu tình ở Việt Nam xét từ thời kỳ chiến tranh Bắc - Nam (1954 -1975) nổ ra đến nay, thấy rằng, miền Bắc trong giai đoạn nội chiến không thấy ghi nhận về biểu tình. Mặc dù, Sự kiện cải cách ruộng đất (1953 - 1957) là vô cùng tang thương và khốc liệt. Thậm chí, cả phong trào Nhân văn Giai phẩm (1955 - 6/1958) chỉ mới biểu đạt tự do sáng tác trong văn học nghệ thuật cũng bị nâng cao quan điểm chính trị, suy diễn tác phẩm sáng tạo gắt gao, triệt hạ tác giả văn nghệ khác biệt tư tưởng một cách khốc hại.
Ngược lại, ở miền Nam trước 30/4/1975, biểu tình diễn ra liên miên, từ đệ nhất cho chí đệ nhị Cộng hòa, thu hút tầng lớp học sinh sinh viên có, trí thức báo giới có, tôn giáo tín ngưỡng có, v.v… Sau này, nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu chính trị cho rằng: "nhìn chung, không khí chính trị tại Miền Nam Việt Nam là cởi mở, các cuộc tập hợp lực lượng chống chính quyền Sài Gòn diễn ra khá sôi nổi và phổ biến, nhất là phong trào đô thị. Nhiều cuộc biểu tình là do những người cộng sản Miền Nam Việt Nam cài người tổ chức".
Sau ngày 30/4/1975 cho đến năm 1997, trước sự kiện Thái Bình, dưới chế độ quản lí chặt chẽ của công an, vẫn chưa ghi nhận có cuộc biểu tình lớn, nổi bật nào xảy ra. Dù rằng trước đó nhiều năm, dư luận nhân dân ở Thái Bình đã có những đợt phản ứng nhỏ lẻ, dai dẳng và gay gắt. Vụ biểu tình của người dân Thái Bình năm 1997 là một bước ngoặt về nhận thức, của chính quyền và người dân.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Người dân Việt Nam xuống đường biểu tình phản đối dự luật về Ba Đặc Khu hôm 0/6/2018 ở TP. Hồ Chí Minh
Ban đầu, các nhà lãnh đạo Trung ương chỉ thấy được vỏ bọc bên ngoài, đó là tính chất "gây rối", "chống đối"và "bạo loạn", nhưng sau đó, khi Bộ chính trị đưa ông Phạm Thế Duyệt về làm Tổ trưởng tổ công tác xử lí vụ việc, thì mặt tích cực dường như được khơi mở, đưa ra ánh sáng hàng loạt quan tham tha hóa, biến chất, tuy cũng có ý kiến nói đã có những vụ 'bắt bớ', 'đàn áp', 'bỏ tù' kín đáo nhằm xử lý những người đứng đầu phong trào của người dân Thái Bình như là thể hiện của chính sách 'tay nhung, tay sắt'.
Từ sau Sự kiện Thái Bình đến hôm nay, chỉ trong thời gian 20 năm có lẻ, tình hình biểu tình của người dân khắp nơi trên đất nước ngày càng nhiều lên, bình quân 5 năm xảy ra một cuộc biểu tình bạo động. Tuy vậy, trên thực tế hiện nay, thời gian biểu tình ngày càng được rút ngắn lại, số lượng và phạm vi ngày càng lan tỏa biên độ.
Có thể khẳng định nguyên nhân và nguồn gốc căn cơ của tình trạng này, đó là dấu hiệu nền kinh tế mở cửa đang trên đà tăng trưởng, vấn đề thu hồi và đền bù đất đai của dân bất ổn về thời giá và cả sự đe dọa, xâm lấn lãnh thổ ngày càng rõ ràng từ nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Mặc dù cách thức xử lí hậu biểu tình của chính quyền là nặng nề, bóp méo thậm chí bóp chết lòng yêu nước của người dân, nhưng có vẻ như nỗi sợ hãi tù tội trong lòng dân chúng không còn như trước nữaNhà báo Đồng Chuông Tử
Trong khi, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn chậm chạp, chưa chịu nhìn nhận và sửa sai kịp thời luật đất đai, thì thực trạng nền kinh tế không vì thế, thôi lớn dậy, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tỏa ra khắp nơi diễn trình đầy rẫy dự án. Ngỡ rằng nhiều dự án kèm theo nhiều quyết định thu hồi đất số lượng lớn, khiến kinh tế phát triển vượt bậc, song thiết nghĩ, đó chỉ là sự phát triển một bên, số ít trong bối cảnh chung của người dân là còn đói nghèo pha lẫn phẫn uất mất đất, buộc giao đất giá rẻ.
Cộng thêm thái độ "nhượng bộ" vô điều kiện chính quyền Trung Quốc, ngay cả khi những hành động sai trái đe dọa biên cương lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc lộ ra, lãnh đạo Việt Nam vẫn cố gắng kiểm soát tốt bất đồng từ phía dân chúng. Bên cạnh đó, thái độ thận trọng thái quá, trong việc khởi trình dự thảo luật biểu tình ra Quốc hội, cũng là một cách làm phức tạp thêm tình hình.
Thực tế trong vòng 10 năm trở lại đây đã thể hiện rõ nhận định trên. Có thể liệt kê hàng loạt vụ biểu tình bạo động của người dân mất đất dày đặc từ bắc vào nam. Hàng loạt vụ biểu tình đối với hành vi sai trái của Trung Quốc như lập thành phố Tam Sa trong lãnh thổ đất nước, đem giàn khoan thăm dò tài nguyên nước nhà, Formosa Hà Tĩnh gây môi trường ô nhiễm nặng nề, Nhiệt điện Vĩnh Tân - Bình Thuận xin đổ xỉ than khối lượng lớn xuống biển, rồi dự án luật đặc khu cho thuê 99 năm,…
Nhận diện rằng, với tình hình và xu hướng giải quyết vụ việc đơn thuần trừng phạt, chưa chú trọng xây dựng "nhân tâm" sau mỗi bản án, trong tương lai, chắc chắn nhiều vụ việc biểu tình bạo động và ôn hòa có thể còn diễn ra, chứ không phải chấm hết. Mặc dù cách thức xử lí hậu biểu tình của chính quyền là nặng nề, bóp méo thậm chí bóp chết lòng yêu nước của người dân, nhưng có vẻ như nỗi sợ hãi tù tội trong lòng dân chúng không còn như trước nữa.
Và hình phạt
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Một số bị cáo được đưa ra Tòa hôm 23/7/2018, trong phiên xử vụ phản đối có yếu tố bạo lực diễn ra ở tỉnh Bình Thuận hồi tháng Sáu cùng năm
Hình phạt dành cho đông đảo người dân đi biểu tình yêu nước hoặc đơn thân độc mã gây ra biểu tình, phản kháng liên quan đất đai, phần thua thiệt và hậu quả pháp lý áp vào người dân vô cùng thê thảm. Không chỉ tù đày, chính quyền còn tăng tốc tuyên truyền, gán ghép và xem nhẹ trình độ dân trí của họ.
Đối với những phản kháng, nổ súng liên quan đất đai, từ tình huống của cựu tù nhân Đoàn Văn Vươn, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đến tử tù Đặng Văn Hiến, huyện Tuy Đức, Đắk Nông đang nóng bỏng hiện nay, đã có không biết bao nhiêu lá đơn phản ánh, bao nhiêu của cải hoa màu giá trị, bao nhiêu năm tháng khóc lóc than van đã được thể hiện hay được thấy.
Phản kháng đơn lẻ đó, là thể hiện của hiện tượng tâm lý do cả một quá trình tích tụ lâu dài, nào riêng lỗi người nông dân chất phác hiền lành. Xét cho cùng hành vi nổ súng khi bị cướp đất ấy, cũng là một dạng thức của biểu tình có yếu tố bạo động, phản kháng, tự vệ.
Đối với những người dân xuống đường biểu tình yêu nước, ranh giới giữa bạo động và ôn hòa quả thật hết sức mong manh.
Chính quyền nên nhớ cho để dẫn đến hành vi xuống đường đông đảo vừa qua, góp phần to lớn chính là cách thức lãnh đạo điều hành còn gây nhiều phiền hà, nhũng nhiễu, không minh bạch của chính quyền trước dânNhà báo Đồng Chuông Tử
Chỉ cần một hình ảnh bạo lực vô tình hay cố ý, khả năng bùng lên ngọn lửa "phá hủy" sẽ trở lại, kích hoạt ngay lập tức, nếu sự kiềm chế của đám đông đã không còn cơ hội và mở ra 'tan hoang'.
Đơn cử, vụ biểu tình ở Bình Thuận ngày 10 và 11/6 vừa qua. Ban đầu là ôn hòa, nhưng khi xảy ra tình huống bắt bớ khoảng 8 người vào trong trụ sở Hội đồng nhân dân tỉnh, thì cảnh đòi người trở nên cao trào bạo động đập phá. Từ Phan Thiết lan sang Phan Rí. Trong bối cảnh biểu tình ôn hòa nổi lên ở nhiều địa phương trên cả nước.
Nhưng hậu biểu tình bạo động, không thấy báo chí chính thống nào dám nhắc đến sự vụ bắt bớ đó từ góc độ đâu là nguyên nhân khởi thủy. Mà họ, báo chí nhà nước bỗng nhiên "mắc lỗi hành vi" khi cố gắng đứng về lăng kính, góc nhìn kẻ mạnh để lên án biểu tình.
Dĩ nhiên, người viết không bao giờ cổ vũ hành vi bạo động, đập phá tài sản và gây thương tích cho cả hai phía.
Có thể rồi đây những bản án "hăng say" nghiệp vụ và tô hồng thành tích sẽ được tuyên ra. Những cá nhân quá khích sẽ hứng lấy hình phạt thích đáng.
Nhưng cái cách "sỉ vả" vào lòng yêu nước của đa số người dân như kiểu tuyên truyền cũ rích: nhận tiền tổ chức phản động, bị giật dây, bị lợi dụng lòng yêu nước, là cần phải tháo bỏ đi.
Chính quyền nên nhớ cho để dẫn đến hành vi xuống đường đông đảo vừa qua, góp phần to lớn chính là cách thức lãnh đạo điều hành còn gây nhiều phiền hà, nhũng nhiễu, không minh bạch của chính quyền trước dân.
Để người dân phản ứng đồng loạt nhiều địa phương trên cả nước như vậy, trước tiên cần xem xét lại chính mình.
Thay lời kết
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Sinh viên công dân Mỹ, gốc Việt William Nguyễn ra Tòa hôm 20/7/2018 ở TP. Hồ Chí Minh
Cũng cần nói thêm, chính sách 'khoan hồng, nhân đạo' hậu biểu tình nên được đem ra áp dụng công bằng, cho chính công dân nước mình nữa, chứ không chỉ dành riêng cho mỗi một trường hợp công dân người nước ngoài.
Bởi cách làm như thế là tạo ra tiền lệ bất bình đẳng, tùy tiện và hệ lụy phức tạp trong những trường hợp đông đảo người nước ngoài xuống đường.
Được biết, trường hợp của công dân người Mỹ gốc Việt Will Nguyễn, mà trong thời gian xảy ra biểu tình, báo chí chính thống viết về người này như người của 'tổ chức phản động' bên ngoài 'trà trộn' vào, đem 'số lượng tiền lớn' đi 'phát cho người biểu tình', 'cầm đầu xách động' xuống đường,…
Nhưng khi mang ra xét xử, tòa án TP. Hồ Chí Minh lại áp dụng hình thức trục xuất ngay lập tức, đồng thời, tòa cũng biện minh rằng bản án như thế, là có áp dụng chính sách khoan hồng bởi vi phạm lần đầu.
Điều người dân quan tâm, mong mỏi bậc nhất vào lúc này, chính là được nhìn thấy dự thảo luật biểu tình được đệ trình và Quốc hội thông qua trong cuộc họp cuối năm nay, hơn là cố gắng bằng mọi thủ tục pháp lý để Luật đặc khu được thông qua, bất chấp dư luận dậy sóng từ phía người dânNhà báo Đồng Chuông Tử
Trong khi, đặt giả sử, nếu là người dân trong nước thể hiện hành vi như báo chí đã đưa tin, tuyên truyền đối với Will Nguyễn thì tội trạng chắc chắn khó ít hơn 07 năm tù giam.
Trên báo chí nhà nước, thời gian qua liên tiếp đưa tin về những vụ bắt tạm giam, khởi tố bị can trong các vụ biểu tình trong tháng Sáu vừa qua, mà chính quyền gọi là gây rối hay tập trung đông người trái phép, từ Phan Thiết - Phan Rí đến Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh,… giống như cách thức "đưa tay đụng mặt" Hiến pháp vậy.
Điều người dân quan tâm, mong mỏi bậc nhất vào lúc này, chính là được nhìn thấy dự thảo luật biểu tình được đệ trình và Quốc hội thông qua trong cuộc họp cuối năm nay, hơn là cố gắng bằng mọi thủ tục pháp lý để Luật đặc khu được thông qua, bất chấp dư luận dậy sóng từ phía người dân.
Một xã hội, quốc gia mà nền kinh tế đang hướng đến phát triển mạnh mẽ, không thể thiếu "khuôn vàng thước ngọc" pháp luật trong từng ngành nghề, cũng như khả năng dự phòng, bất trắc hậu quả do chính những khuyết thiếu trầm trọng của chế độ.
Cần dũng cảm gọi tên sự việc hiện tượng một cách thực chất, để xây dựng pháp luật, hành lang pháp lý chính xác, nhằm ứng xử, điều tiết và đưa ra giải pháp hợp tình hợp lý.
Bởi vì, thiết nghĩ chúng ta đang sống vào thời kì "thế giới phẳng", nhân loại đang vùn vụt hướng vào những giá trị phổ quát của văn minh và tiến bộ.
Nếu cứ "cố chấp", vô minh, tự sướng với 'bản ngã lớn', thì đất nước sẽ buồn bã ở lại vô cùng "lê thê" trong trang sử cũ kĩ, như ai đó từng nói hình như đây là đất nước không muốn lớn lên hay là từ chối sự phát triển và tiến hóa tiến bộ.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo tự do, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đang sinh sống ở Bình Thuận, Việt Nam.