Địa vị pháp lý của tàu chiến trên biển theo UNCLOS

17 Tháng Tư 201911:17 CH(Xem: 5659)

VĂN HÓA ONLINE - TÀI LIỆU - THỨ NĂM 18 APRIL 2019


image045


Địa vị pháp lý của tàu chiến trên biển theo UNCLOS


Tiến sỹ Trần Công Trục


14:06 11/04/19


 (GDVN) - Các loại tàu thuyền khi hoạt động trong các vùng biển và đại dương, được điều chỉnh bởi những chế định khác nhau trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành


Bài học cho Việt Nam trong đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông Đừng biến COC thành bác sỹ phẫu thuật có khả năng ghép nối lưỡi bò Quyền chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông tới đâu?


LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về địa vị pháp lý của tàu thuyền trên biển dưới ánh sáng công pháp quốc tế và đề xuất một vài kiến nghị xung quanh việc thiết lập cơ quan quản lý / lực lượng chấp pháp trên biển.


Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi phần đầu và cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Trục! Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.


Biển và đại dương chiếm đến hơn 3/4 diện tích địa cầu, đến mức có người muốn đổi tên gọi “trái đất” thành “trái nước”.


Vì vậy, từ thuở hồng hoang, con người đã hết sức quan tâm đến biển và đại dương, tìm cách vươn ra khơi xa để khám phá, tìm kiếm các nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật để khai thác chúng nhằm phục vụ cho cuộc sống thường nhật của cộng đồng và tìm mọi cách làm chủ phạm vi không gian đầy bí hiểm, nhưng cực kỳ hấp dẫn này.


Để vươn ra khơi xa và hoạt động dài ngày trên biển, cộng đồng dân cư ven biển đã chế tạo ra những phương tiện có khả năng hoạt động ở ngoài biển (bao gồm phương tiện đi nổi và đi chìm), những phương tiện này được gọi là tàu thuyền đi biển.


Cùng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất qua các thời kỳ lịch sử, lực lượng tàu thuyền này đã phát triển một cách mạnh mẽ, cả về số lượng, lẫn chất lượng, được trang bị những thiết bị kỹ thuật công nghệ cao…nhằm đáp ứng cho những nhu cầu khác nhau của con người hoạt động ở ngoài biển và đại dương.


image046


Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp


Và, tùy theo quyền sở hữu, mục đích sử dụng, các phương tiện hoạt động ngoài biển và đại dương được chia làm nhiều chủng loại khác nhau như: tàu thuyền quân sự, tàu thuyền nhà nước dùng cho công vụ hay không dùng vào mục đích thương mại, tàu thuyền đánh cá, khai thác thủy sản, tàu buôn (thương thuyền), tàu nghiên cứu khoa học…


Các loại tàu thuyền này là một trong những đối tượng điều chỉnh chủ yếu của Luật Hàng hải quốc tế, Luật Biển quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của các quốc gia (có biển và không có biển) trong khu vực và quốc tế.


Các loại tàu thuyền này, khi hoạt động trong các vùng biển và đại dương, được điều chỉnh bởi những chế định khác nhau trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.


Chúng tôi xin được tập trung phân tích về địa vị pháp lý của tàu chiến và những lực lượng sử dụng chúng vào mục đích bảo vệ và quản lý các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia có biển hay không có biển theo UNCLOS 1982.


Quy tắc áp dụng cho các tàu chiến và các tàu thuyền khác của nhà nước được dùng vào các mục đích không thương mại theo UNCLOS 1982


Định nghĩa “tàu chiến” - “navire de guerre” - ( Điều 29):


Trong Công ước, “Tàu chiến” là mọi loại tàu thuyền thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia và mang dấu hiệu bên ngoài đặc trưng của các tàu thuyền quân sự thuộc quốc tịch nước đó; do một sĩ quan hải quân phục vụ quốc gia đó chỉ huy, người chỉ huy này có tên trong danh sách các sĩ quan hay trong một tài liệu tương đương và đoàn thủy thủ phải tuân theo các điều lệnh kỷ luật quân sự.


image047

Hình minh họa: Tàu Đô đốc Panteleev. (Ảnh: TASS/qdnd.vn)


Căn cứ vào định nghĩa này thì tất cả các tàu thuyền thuộc biên chế của quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển mới được coi là “Tàu chiến” theo quy chế hoạt động đã được quy định một cách chi tiết, rõ ràng trong UNCLOS 1982. Cụ thể là:


Khi hoạt động trong các vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ven biển: Nếu một tàu chiến không tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải và bất chấp yêu cầu phải tuân thủ các luật và quy định đó đã được thông báo cho họ, thì quốc gia ven biển có thể đòi chiếc tàu đó rời khỏi lãnh hải ngay lập tức (Điều 30).


Trách nhiệm của quốc gia mà tàu mang cờ đối với hành động của một tàu chiến hay một tàu của Nhà nước thực hiện công vụ (Điều 31):


Quốc gia mà tàu mang cờ chịu trách nhiệm quốc tế về mọi tổn thất hoặc về mọi thiệt hại gây ra cho quốc gia ven biển do một tàu chiến hay bất kỳ tàu thuyền nào khác của Nhà nước dùng vào những mục đích không thương mại vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua lãnh hải hay vi phạm các quy định của Công ước hoặc các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.


Điều 32. Các quyền miễn trừ của các tàu chiến và các tàu của Nhà nước dùng vào những mục đích không thương mại (Điều 32):


Ngoài những ngoại lệ đã nêu ở Tiểu mục A và ở các Điều 30 và 31, không một quy định nào của Công ước đụng chạm đến các quyền miễn trừ mà các tàu chiến và các tàu khác của Nhà nước dùng vào những mục đích không thương mại được hưởng.


Quyền miễn trừ của các tàu chiến trên biển cả (Điều 95): Các tàu chiến trên biển cả được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn về tài phán của bất kỳ quốc gia nào khác, ngoài quốc gia mà tàu mang cờ.


Quyền miễn trừ của các tàu thuyền chỉ dùng cho một cơ quan Nhà nước không có tính chất thương mại (Điều 96):


Các tàu thuyền của Nhà nước hay do Nhà nước khai thác và chỉ dùng cho một cơ quan Nhà nước không có tính chất thương mại trên biển cả được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn về tài phán của bất kỳ quốc gia nào khác, ngoài quốc gia mà tàu mang cờ.


Quyền khám xét (Điều 110): Trừ những trường hợp mà việc can thiệp là căn cứ vào những quyền do hiệp ước mang lại, một tàu chiến khi gặp một tàu nước ngoài ở trên biển cả không phải là một tàu được hưởng quyền miễn trừ như đã nêu ở các Điều 95 và 96, chỉ có thể khám xét chiếc tàu đó nếu có những lý do đúng đắn để nghi ngờ chiếc tàu đó:


a) Tiến hành cướp biển; b) Chuyên chở nô lệ; c) Dùng vào các cuộc phát sóng không được phép, quốc gia mà chiếc tàu mang cờ có quyền tài phán theo Điều 109; d) Không có quốc tịch; e) Hay thật ra là cùng quốc tịch với chiếc tàu chiến, mặc dù chiếc tàu này treo cờ nước ngoài hay từ chối treo cờ của mình.


Ngoài những trường hợp nêu ở Điểm 3.1, tàu chiến có thể kiểm tra các giấy tờ cho phép mang cờ.


Vì mục đích này, tàu chiến có thể phái một chiếc xuồng, dưới sự chỉ huy của một sĩ quan, đến gần chiếc tàu bị tình nghi.


Sau khi kiểm tra các tài liệu, nếu vẫn còn nghi vấn thì có thể tiếp tục điều tra trên tàu với một thái độ hết sức đúng mực.


Nếu việc nghi ngờ xét ra không có cơ sở thì chiếc tàu bị khám xét được bồi thường về mọi tổn thất hay thiệt hại xảy ra, với điều kiện là chiếc tàu này không phạm một hành động nào làm cho nó bị tình nghi.


Các điều quy định này được áp dụng mutatis mutandis (với những sửa đổi cần thiết về chi tiết) đối với các phương tiện bay quân sự.


Các điều quy định này cũng được áp dụng đối với tất cả các tàu thuyền hay phương tiện bay khác đã được phép một cách hợp lệ và mang những dấu hiệu bên ngoài chỉ rõ rằng chúng được sử dụng cho một cơ quan Nhà nước.


Quyền truy đuổi: Việc truy đuổi một tàu nước ngoài có thể được tiến hành nếu những nhà đương cục có thẩm quyền của quốc gia ven biển có những lý do đúng đắn để cho rằng chiếc tàu này đã vi phạm các luật và quy định của quốc gia đó.


Việc truy đuổi phải bắt đầu khi chiếc tàu nước ngoài hay một trong những chiếc xuồng của nó đang ở trong nội thủy, trong vùng nước quần đảo, trong lãnh hải hay trong vùng tiếp giáp của quốc gia truy đuổi và chỉ có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp với điều kiện là việc truy đuổi này không bị gián đoạn.


Không nhất thiết là chiếc tàu ra lệnh cho tàu nước ngoài đang đi trong lãnh hải hay trong vùng tiếp giáp dừng lại cũng phải có mặt tại các vùng biển ấy khi mà chiếc tàu nước ngoài này nhận được lệnh.


Nếu chiếc tàu nước ngoài ở trong vùng tiếp giáp, được quy định ở Điều 33, việc truy đuổi chỉ có thể bắt đầu nếu tàu đó đã vi phạm các quyền, mà việc thiết lập vùng tiếp giáp có nhiệm vụ bảo vệ.


image048

Mẫu hạm USS Carl Vinson Hoa Kỳ tại Đà Nẵng 5/2018. Ảnh: qdnd.vn


Quyền truy đuổi được áp dụng matatis mutandis (với những sửa đổi cần thiết về chi tiết) đối với những hành động vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển có thể áp dụng, theo đúng Công ước, cho vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, kể cả các vùng an toàn bao quanh các thiết bị ở thềm lục địa, nếu các vi phạm này đã xảy ra trong các vùng nói trên.


Quyền truy đuổi chấm dứt khi chiếc tàu bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia mà nó thuộc quyền hay của một quốc gia khác.


Việc truy đuổi chỉ được coi như bắt đầu, nếu chiếc tàu truy đuổi bằng các phương tiện có thể sử dụng được mà mình có, biết một cách chắc chắn là chiếc tàu bị đuổi, hay một những trong chiếc xuồng của nó hoặc các phương tiện đi biển khác hoạt động thành tốp và dùng chiếc tàu bị truy đuổi làm chiếc tàu mẹ, đang ở bên trong ranh giới của lãnh hải, hay tùy theo trường hợp đang ở trong vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế hay ở trên thềm lục địa.


Việc truy đuổi chỉ có thể bắt đầu sau khi đã phát tín hiệu nhìn hoặc nghe bắt nó dừng lại, ở một cự ly cần thiết để chiếc tàu nói trên nhận biết được.


Quyền truy đuổi chỉ có thể được thực hiện bởi các tàu chiến hay các phương tiện quân sự hoặc các tàu hay phương tiện bay khác có mang các dấu hiện ở bên ngoài chỉ rõ ràng rằng, các tàu hay phương tiện bay đó được sử dụng cho một cơ quan Nhà nước và được phép làm nhiệm vụ này.


Trong trường hợp mà chiếc tàu bị một phương tiện bay truy đuổi:


a) Các khoản 1 đến 4 được áp dụng mutatis mutandis (với những thay đổi cần thiết và chi tiết);


b) Phương tiện bay nào phát lệnh dừng lại phải tự mình truy đuổi chiếc tàu cho đến lúc một chiếc tàu hay phương tiện bay khác của quốc gia ven biển, sau khi được phương tiện bay nói trên thông báo, đã đến những vị trí để tiếp tục cuộc truy đuổi nếu như phương tiện đầu tiên không thể tự mình giữ được chiếc tàu.


Để chứng minh cho việc bắt một chiếc tàu dừng lại ở ngoài lãnh hải là đúng, thì riêng việc phát hiện chiếc tàu này đã vi phạm hay bị nghi ngờ là vi phạm là chưa đủ, mà còn phải xác định đồng thời xem nó có bị phương tiện bay hay tàu khác yêu cầu dừng lại và việc truy đuổi này phải không hề bị gián đoạn.


Không thể đòi hủy lệnh giữ một chiếc tàu bị bắt ở địa điểm thuộc quyền tài phán của một quốc gia và bị dẫn độ về một cảng của quốc gia này để cho các nhà đương cục có thẩm quyền tiến hành điều tra với lý do duy nhất là vì hoàn cảnh bắt buộc chiếc tàu đó đã đi có hộ tống qua một phần của vùng đặc quyền về kinh tế hay của biển cả.


Một chiếc tàu đã bị bắt dừng lại hay bị bắt ở ngoài lãnh hải trong những hoàn cảnh không chứng minh được cho việc sử dụng quyền truy đuổi thì được bồi thường về mọi tổn thất hay tổn hại nếu có.


Tiến sỹ Trần Công Trục
24 Tháng Giêng 2024(Xem: 1186)
10 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1339)
CỘNG ĐỒNG BẮC KINH - HÀ NỘI - VIÊN CHĂN - NAM VANG
23 Tháng Chín 2023(Xem: 6140)
Reuters: “Việt Nam sắp sửa mua vũ khí sát thương của Mỹ”
13 Tháng Chín 2023(Xem: 1681)