Bước ngoặt quan hệ Mỹ – Việt sẽ dẫn tới điều gì?

02 Tháng Chín 20238:58 SA(Xem: 1721)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG – THỨ BẨY 02 SEP 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


image012Bản đồ vùng “xôi đậu” ở Trường Sa. Tài liệu VHO


Bước ngoặt quan hệ Mỹ – Việt sẽ dẫn tới điều gì?


BBC 02/9/2023

image013

Chuyến thăm dự kiến tới Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể không chỉ nâng cấp quan hệ hai bên lên "Đối tác chiến lược toàn diện" mà còn đánh dấu sự chuyển biến, mở ra một không gian đa chiều về địa chính trị tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.


Bình luận về ý nghĩa của bước ngoặt này, TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện là nhà nghiên cứu về chính trị quốc tế và đối ngoại, nói với BBC, điều quan trọng là "Đối tác chiến lược toàn diện" (Comprehensive Strategic Partnership - CSP) Hoa Kỳ - Việt Nam có cơ hội dẫn tới các cặp CSP khác giữa Hà Nội với Tokyo, Canberra và Singapore v.v"


Trả lời câu hỏi của nhà báo Nguyễn Giang, ông Đinh Hoàng Thắng nói hiển nhiên, không chỉ trên danh tính, mà trong nội hàm, những cặp đối tác chiến lược toàn diện mới này của Việt Nam sẽ có những chiều kích khác với quan hệ đã có ở cấp độ đó với Trung Quốc và Liên bang Nga.


TS Đinh Hoàng Thắng: Trước hết là với Nga, tôi cho rằng đây là câu chuyện của quá khứ, nó nói lên "tình nghĩa thủy chung" của người Việt Nam đối với những bên mình phải chịu ơn. Đó là chữ tín với bạn cũ, từ thời Chiến tranh Lạnh.


Nhưng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc lại đến từ nhu cầu thực tiễn, thậm chí còn vì "lời nguyền địa lý và lịch sử": VN ở cạnh Trung Quốc nên không thể làm khác, và quan hệ đó có thể thêm cả những níu kéo của hiện tại. Riêng về các quan hệ CSP sau này thì gồm cả hiện tại lẫn tương lai.

image014

BBC: Về một đánh giá tổng quan cho quan hệ đối tác chiến lược [nếu xảy ra] giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sắp tới, ông cho biết ý kiến?


TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi tin rằng mối bang giao ngốn nhiều giấy mực này sẽ chứng kiến bước tiến ngoạn mục. Quan hệ song phương này sau khi được vượt cấp, có thể không chỉ đánh dấu quá trình chuyển hóa chưa từng có tiền lệ, mà còn mở ra một không gian đa chiều trong các chuyển động nội tại của đại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).


Còn về an ninh, về kinh tế, Mỹ sẽ có các khuyến khích mới đối với Việt Nam, như giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn về thay đổi dàn vũ khí tự vệ. Cái này vừa mất thời gian, vừa tốn kém tiền bạc. Cụ thể hơn, tới đây, Quốc hội Mỹ có thể mở rộng thêm, bán cho Việt Nam cả các loại vũ khí sát thương. Vấn đề bảo vệ bờ biển và bảo đảm an ninh, an toàn về hàng hải trên Biển Đông không thể không có sự hợp tác với các nước khu vực.


Trên địa hạt kinh tế, có thể dự báo sẽ có những làn sóng đầu tư mới, với chất lượng cao hơn về cả kỹ thuật lẫn công nghệ. Việt Nam sẽ không còn "lay lắt" chỉ với khoản tiền gia công từ các công ty FDI. Mỹ đang có những hỗ trợ trong khai thác Cá Voi Xanh; ứng phó với biến đổi khí hậu tại hai đầu đất nước, đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Cửu Long; không loại trừ Việt Nam sẽ là cầu nối cho những tập đoàn và các công ty lớn của Mỹ tại Đông Nam Á.


BBC: Nhưng nói thế có vẻ Việt Nam "muốn gì được nấy" và vẫn "dĩ bất biến ứng vạn biến" trong kỷ nguyên số?


TS Đinh Hoàng Thắng: Phải nói cho rõ rằng đối nội và đối ngoại trong kỷ nguyên số là hai mặt của một đồng tiền, chúng không còn có thể cắt nghĩa theo các sách giáo khóa cũ, đối ngoại là kéo dài của đối nội. Đó không còn là hai đoạn thẳng nối tiếp nhau mà chúng là "hai đường ray" cho con tàu quốc gia tiến lên phía trước. Các bạn đọc thông cáo từ tòa Bạch Ốc: "Lãnh đạo hai nước sẽ tìm kiếm các cơ hội để phát huy tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào công nghệ và đổi mới…"


Tôi nghĩ tinh thần lần này không chỉ là "Đổi mới" như năm 1986 nữa (Renevation) mà động năng của "Đổi mới" lần này là tập trung vào công nghệ và sáng kiến (Technology-focused and Innovation-driven). Mà Technology và Innovation thì đương nhiên không thể đạt được bằng những con người cũ, tư duy cũ, mô hình thể chế cũ.


Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi để đáp ứng các đòi hỏi của mô hình tập trung vào sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ, chứ không chỉ đơn giản là sản xuất hàng hóa và dịch vụ truyền thống. Kết quả của quá trình phức hợp ấy là tăng trưởng được tăng cường, đa dạng hóa các ngành công nghiệp, phải cải thiện về chất lượng cuộc sống và khả năng thích nghi tốt hơn với những biến đổi và thách thức kinh tế trên toàn cầu.


BBC: Còn về những khác biệt khá lớn trong các nhận thức hai bên Mỹ - Việt về dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự thì sao, thưa ông?


TS Đinh Hoàng Thắng: Cái này có hai mặt. Phải đẩy năng động tính của toàn thể xã hội lên cao hơn nữa. Vai trò bên trong của toàn xã hội Việt Nam là chính. Trí thức Việt Nam, lớp trẻ Việt Nam, các nhóm dân sự phải cùng nhau tiến bước. Người Mỹ, các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc đều đã mở rộng vòng tay về ngoại giao, về đầu tư, nên không chỉ bộ máy mà người dân, doanh nghiệp VN cần phát huy tối đa nội lực của dân tộc.


Tôi xin nói điều đã rõ là nhân tố bên ngoài chỉ giữ vai trò xúc tác nhất định. Cơ hội tới thì xã hội phải chớp lấy mà chuyển động, không thì cơ hội sẽ qua đi.


BBC: Về phía Trung Quốc, ngoài lời nhắc của Bộ trưởng Vương Nghị về con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vì sao họ chưa có phản ứng gì gay gắt về chuyến thăm của ông Biden tới Hà Nội?


TS Đinh Hoàng Thắng: Về tương lai sau này thì chưa rõ, nhưng trước mắt mọi việc có vẻ trót lọt. Vì xét cho cùng Trung Quốc cũng phải giữ thể diện. Nói như nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Khiết Trì, từng nói cho Ngoại trưởng Singapore năm 2010 biết rằng, Trung Quốc là cường quốc… Mà đã là nước lớn thì phải có cách cư xử xứng tầm đại cường, trước con mắt của dư luận quốc tế. Theo tôi, Trung Quốc và Mỹ có thể nhìn xa hơn, biết đâu cả hai có thể tính đến Việt Nam như "một lá bài dự bị", khi hai đại cường như đang vào hồi "đoạn giao".


BBC: Đề nghị ông giải thích thêm ý "lá bài dự bị" là gì?


TS Đinh Hoàng Thắng: Khi mâu thuẫn giữa các nước lớn bị đẩy lên cao, dù bất cứ cao đến đâu, người ta vẫn phải tính đến lối ra. Ở đây, Việt Nam có thể là một "dư địa" trong phép tính ấy. Ví dụ, trên một cương vị nhất định, Hà Nội có thể giữ cho khối ASEAN đừng quá "tan đàn xẻ nghé" chẳng hạn, thì cũng tốt cho các bên.


BBC: Ông đánh giá sao về chuyện trước Hội nghị G20 ở Ấn Độ, Trung Quốc mới đây vẫn công bố bản đồ cho vào lãnh thổ của họ không chỉ toàn bộ quần đảo Trường Sa mà cả các vùng tranh chấp với Ấn Độ, với Nga?


TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án hành động nói trên của Trung Quốc, coi việc công bố bản đồ 2023 là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh hành động phi lý của Bắc Kinh khi bồi đắp bảy đảo đá ở Trường Sa mà Việt Nam coi là của mình, biến chúng thành các đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên Biển Đông. Không chỉ Việt Nam mà cả Philippines, Đài Loan, Malaysia cũng bác bỏ bản đồ mới của Trung Quốc về Biển Đông.


BBC: Có ý kiến nói vụ bản đồ này chỉ là cách Trung Quốc "làm giá" để Hoa Kỳ nhượng bộ trong quan hệ mà Trung Quốc đang có với Ấn Độ, vậy có cái giá như thế trong tam giác Mỹ - Trung - Việt hay là không?


TS Đinh Hoàng Thắng: Cái giá trong tam giác Mỹ - Trung - Việt là CSP, Mỹ - Việt chỉ dừng lại ở biểu tượng ngọai giao và chỉ ở mức độ hợp lý là để đối trọng lại với Trung Quốc. Nhưng như thế nào là "hợp lý" thì vấn đề có thể sẽ chuyển hóa. Một sự chuyển hóa về chất.


Sự vật, ở đây là mối bang giao Việt - Mỹ, sẽ là một sự vật khác sau khi vượt qua "điểm tới hạn" (tipping point). Bản thân bước chuyển này là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam. Bước chuyển này sẽ mở ra các chiều kích mới trong "đa dạng hóa, đa phương hóa" của "ngoại giao cây tre" thời hậu Ukraine.


BBC: Chiều kích mới ở đây là gì?


Việt Nam sẽ gắn bó sâu hơn, thực chất hơn tại những vùng chồng lấn (overlapping) giữa Việt Nam với các các bộ tam, bộ tứ. Những chỗ nào khớp với lợi ích chiến lược, phục vụ đắc lực cho quyền lợi của người dân và đất nước thì Việt Nam sẽ không ngần ngại "dấn thân". Thế giới ngày càng được thu hẹp lại. Và nhiều vấn đề cả quốc phòng lẫn kinh tế trong không gian FOIP sẽ đụng chạm đến mọi quốc gia. Đây có thể là thời cơ lớn cho an ninh và phát triển của đất nước.


Tôi nhớ cố Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu từng nói, Việt Nam có thể "đứng mũi chịu sào" trong ASEAN nhờ vị trị địa chính trị và nhờ tư chất của người dân Việt Nam. Nếu ta từng bị coi thường là vì Hà Nội lừng khừng thì sau lần "xoay trục" này, tôi hy vọng cái nhìn về Việt Nam sẽ thay đổi, ngay trong ASEAN.
12 Tháng Tư 2024(Xem: 342)
INDO-PACIFIC KHỞI ĐỘNG MẠNH TỪ SOUTH CHINA SEA ĐẾN EAST SEA