VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN Ý KIẾN / THẢO LUẬN - THỨ SÁU 15 MAR 2019
Tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma, nhìn lại cách truyền thông về lịch sử
Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS)
Tiến sĩ Trần Công Trục
13/03/19
(GDVN) - "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" thiếu hẳn những thông tin bối cảnh sự kiện, nhất là quyết tâm và hành động gấp rút của ta trong việc ngăn Trung Quốc bành trướng.
Năm nay, truyền thông đã đưa tin khá đậm nét và trung thực về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên hướng biên giới Tây Nam 1978 và trên hướng biên giới phía Bắc 1979-1989;
Sự kiện Hoàng Sa và Gạc Ma bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974, 1988 tiếp tục được ôn lại… là những việc làm hết sức cần thiết, đáp ứng mong mỏi của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế gần xa.
Tuy nhiên, trong dư luận cho đến nay vẫn còn lưu truyền, tồn tại nhiều thông tin thiếu chuẩn xác, thậm chí cố tình xuyên tạc sự thật, bẻ cong lịch sử;
Không loại trừ những thông tin này được tung ra nhằm phục vụ cho những động cơ chính trị đen tối, như kêu gọi biểu tình, bạo động, lật đổ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, gây chia rẽ, thù hận giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đặc biệt là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc…
Lòng yêu nước dù có nồng nàn, sâu sắc đến đâu mà thiếu thông tin chính xác và sự hiểu biết còn mơ hồ thì rất dễ bị lôi kéo, trở thành những kẻ phá hoại, vô tình châm ngòi cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, làm cho xã hội bất ổn, thậm chí dẫn tới những tình trạng xung đột, chiến tranh và bị chính kẻ thù lợi dụng.
Dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ đã phải hứng chịu quá nhiều đau thương và mất mát từ chiến tranh rồi.
Cái gì chúng ta có thể tránh được thì hãy cố gắng tránh, nhưng điều đó không buộc chúng phải “khép lại quá khứ” như lầm tưởng của nhiều người.
Chúng ta chỉ có thể “gác lại quá khứ” để hướng tới tương lai.
Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không được phép lãng quên sự thật lịch sử mà ngược lại, phải biết tôn trọng lịch sử và những bài học được đúc kết bằng máu, nước mắt của đồng bào, đồng loại.
Hôm nay 13/3 là ngày giỗ lần thứ 31 của 64 cán bộ, chiến sỹ công binh Hải quân nhân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống trả hành động cưỡng chiếm do quân đội Trung Quốc gây ra năm 1988 ở một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhân dịp này, chúng tôi xin được cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi về một sự thật lịch sử lần đầu tiên được thể hiện trong một ấn phẩm mang tên “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”, xuất bản năm 2018.
Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng cần phải có những nhận xét, đánh giá cuốn sách một cách thật sự khách quan và với động cơ xây dựng, biết trân trọng đúng mức công sức của những tác giả đã góp sức tạo nên tác phẩm này.
Để làm được điều đó, chúng tôi thiết nghĩ trước hết cần thống nhất về thể loại của cuốn sách. Có phải đây là một cuốn “tiểu thuyết”, thuộc thể loại văn học hay đây là một “biên niên sử”, ghi chép những diễn biến của sự kiện Gạc Ma năm 1988?
Chúng tôi chia sẻ với ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đây là một “biên niên sử”:
“Nó là một sự kiện lịch sử được ghi lại như một bằng chứng đanh thép và đẫm máu về lòng yêu nước vô bờ bến của những người chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã kiên cường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc giữa biển cả mênh mông, bất chấp lực lượng của đối phương vượt trội cả về sức mạnh binh khí và sự tàn bạo, diễn ra trong bối cảnh lịch sử đầy phức tạp.”
(“Gạc Ma- Vòng tròn bất tử-Pho sử liệu về lòng yêu nước” trang 306-307, “Thay lời kết”, cuốn “Gạc Ma- Vòng tròn bất tử”).
Có lẽ, đó chính là động cơ đích thực của nhóm tác giả khi biên soạn cuốn sách này.
Thiết nghĩ đó là động cơ đáng được hoan nghênh, đáng được tạo điều kiện, khuyến khích và giúp đỡ từ các cơ quan quản lý nhà nước, từ tầng lớp nhân dân, từ những chuyên gia, nhà nghiên cứu liên quan.
Tuy nhiên, khi tiếp cận nội dung cuốn sách, chúng tôi cho rằng động cơ nói trên của nhóm tác giả đã không thực hiện được.
Bởi vì, nếu đó là một “pho sử liệu”, một “bằng chứng đanh thép và đẫm máu về lòng yêu nước” thì thật đáng tiếc, cuốn sách đã chưa ghi chép, phản ánh đầy đủ và chính xác sự kiện Gạc Ma 1988, diễn ra “trong bối cảnh lịch sử đầy phức tạp”.
Tại sao ?
Thứ nhất: Theo chúng tôi, cần ghi chép, phản ánh một cách khách quan sự kiện này để nhận diện đó là một “hải chiến” hay một “cuộc thảm sát”;
Cần nhận diện đó là hành vi “cưỡng chiếm bằng vũ lực” hay là cuộc “chiến đấu tự vệ”… thiết nghĩ các tác giả nên bổ sung thêm những thông tin liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế, quân sự…trong nước và khu vực;
Cần bổ sung thông tin về tương quan lực lượng; về những khó khăn thuận lợi ; những hoạt động đã được phía Trung Quốc tính toán thực hiện trong khoảng thời gian trước khi diễn ra sự kiện Gạc Ma tháng Ba năm 1988;
Đặc biệt là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trước thực trạng đó, cũng như những nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, hiểm nguy của dân và quân Việt Nam (mà phía Trung Quốc cho là khó có thể vượt qua vào thời điểm đó để thừa cơ ra tay) cần được nghiên cứu thấu đáo, đề cập đầy đủ.
Bởi trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma năm 1988, chúng ta đã đổ nhiều mồ hôi và xương máu tăng cường phòng thủ, ngăn cản bước tiến bằng vũ lực của Trung Quốc về phía Nam Biển Đông, từng bước xâm chiếm quần đảo Trường Sa, theo cách mà họ đã từng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào những thời điểm năm 1956, 1974.
Thiết nghĩ, nếu cuốn sách được bổ sung thêm những thông tin đó thì sẽ rất có ý nghĩa và giá trị.
Chỉ khi được cung cấp đầy đủ thông tin về bối cảnh, tương quan lực lượng và hoạt động của các bên như vậy, bạn đọc mới có thể hiểu và chia sẻ những quyết định, những mệnh lệnh hết sức khó khăn:
“Không được nổ súng trước!”
Tuyệt nhiên không có mệnh lệnh nào là “không được nổ súng” được đưa ra.
Mệnh lệnh “không được nổ súng trước” đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo tối cao của đất nước lúc bấy giờ đã phải trăn trở, cân nhắc rất kỹ.
Bởi hoàn cảnh chủ quyền quốc gia lúc bấy giờ rất ngặt nghèo, ở cả trên biên giới đất liền và trên biển.
Trung Quốc lúc đó đang tìm cách lợi dụng thời cơ tiến hành xâm phạm hoặc gây sức ép để kiếm cớ đánh chiếm thêm các vị trí trọng yếu trong quần đảo Trường Sa và các bãi cạn nằm trên thềm lục địa phía Nam, phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ.
Vào thời điểm đó Việt Nam đang cực kỳ khó khăn về mọi mặt, vì vừa kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì lại phải căng mình chống Khmer Đỏ đánh phá biên giới Tây Nam và Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Kinh tế kiệt quệ vì chiến tranh đã đành, nguồn viện trợ giúp đỡ cũng không còn vì Liên Xô đang bên bờ vực khủng hoảng, tất cả phải tự lực cánh sinh.
Trong hoàn cảnh ấy các nhà lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ vẫn dành tối đa mọi khả năng có thể để củng cố phòng thủ, tăng cường các điểm đóng quân chốt giữ Trường Sa và các bãi cạn nằm trong thềm lục địa phía Nam.
Nhưng sức ta thì có hạn, mà Trung Quốc luôn luôn rắp tâm lăm le nhòm ngó, xâm chiếm…
Cụ thể là:
Đầu năm 1988, Trung Quốc điều quân chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi cạn ở Trường Sa mà ta chưa có điều kiện đưa quân ra chốt giữ.
Ngày 31/1/1988 Trung Quốc chiếm Chữ Thập, Châu Viên; ngày 18/2/1988, chiếm Ga Ven 26/2/1988; ngày 28/2/1988 chiếm Tư Nghĩa và ngày 23/3/1988 chiếm Xu Bi.
Trong lúc này, Việt Nam đang gấp rút triển khai lực lượng tăng cường đóng giữ đá Tiên Nữ ngày 26/1/1988, đá Lát ngày 5/2/1988, đá Lớn ngày 6/2/1988, đá Đông ngày 18/2/1988, đá Tốc Tan ngày 27/2/1988, đá Núi Le ngày 2/3/1988;
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, chẳng quản ngại hy sinh này của Hải quân Nhân dân Việt Nam, bước đầu chúng ta đã ngăn chặn và hạn chế rất nhiều hậu quả từ hành vi bành trướng, chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã dự kiến tình huống Trung Quốc sẽ tìm cách chiếm Gạc Ma, chặn đường tiếp tế của Việt Nam cho các đơn vị đóng quân ở Trường Sa.
Vì vậy, Quân chủng Hải quân hạ quyết tâm và lên kế hoạch đóng giữ, củng cố Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Khi chúng ta đưa 3 tàu vận tải chở lực lượng công binh ra phòng thủ Gạc Ma thì 3 khu trục hạm Trung Quốc trang bị đầy đủ vũ khí hạng nặng cũng tìm cách tiếp cận, ngăn cản hoạt động của ta.
Cuối cùng chiến sự nổ ra ngày 14/3/1988, bởi sự khiêu khích, nổ súng của lính Trung Quốc. Trong cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, Gạc Ma thất thủ.
Như vậy có thể thấy, nếu không có tầm nhìn, quyết tâm và hành động khẩn trương phòng thủ Trường Sa và các bãi cạn thềm lục địa phía Nam dù khó khăn đến mấy, thì chúng ta có thể đã mất nhiều hơn.
Nếu cuốn sách có thêm những thông tin này, chúng tôi tin rằng người Việt Nam và dư luận quốc tế không những cảm thông, chia sẻ mà hơn thế nữa, còn đánh giá cao bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Việt Nam lúc đó;
Chỉ khi nào thông tin được cung cấp đầy đủ như vậy thì mới có thể lột tả hết được khí phách anh hùng, tinh thần chiến đấu kiên cường, “xả thân vì nước”; ý thức chấp hành mệnh lệnh quân sự “quân lệnh như sơn”của cán bộ chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Tất cả những nhân tố đó mới tạo lập và duy trì sự hiện diện của người Việt Nam, với tư thế là những chủ nhân, ở quần đảo Trường Sa, như nhiều người đã được tận mắt chứng kiến và, cả ở trên vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, một khu vực biển, thềm lục địa luôn luôn nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc.
Mời quý vị đón đọc phần sau của bài viết vào ngày mai, 14/3/2019.
Tiến sĩ Trần Công Trục