Trần Anh Tuấn: Giáo sư Phạm Cao Dương, một đời nghiên cứu

12 Tháng Bảy 20237:42 SA(Xem: 1392)

VĂN HÓA ONLINE –XÃ HỘI NHÂN VĂN – THỨ TƯ 12 JULY 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


image003Giáo sư Phạm Cao Dương trong một lần đến thăm tòa soạn báo Văn Hóa Magazine trên đường Moran, Tp Westminster năm 2004. Ảnh tài liệu của LKT.


Giáo sư Phạm Cao Dương - Một Đời Nghiên Cứu

image005

Trần Anh Tuấn


Đầu thập niên 1960 là thời của một thế hệ giáo sư mới tại Ban Sử Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.


Khác với thế hệ giáo sư trước đó chưa xong trung học nhưng tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương thời Pháp thuộc như quý cụ Tăng Xuân An, Nguyễn Ngọc Cư, Trần Văn Hai..., thế hệ mới tốt nghiệp trung học và đại học tại Việt Nam, rồi hậu đại học tại Pháp. 


Đó là quý vị giáo sư, theo thứ tự tên họ, Nguyễn Thế Anh (sn 1936), Phạm Cao Dương (sn 1936), Trương Bửu Lâm (sn 1933), Lâm Thanh Liêm (sn 1934), và Phạm Đình Tiếu (sn 193?).


Trong biến cố 30.4.1975, ba giáo sư Nguyễn Thế Anh, Phạm Cao Dương và Phạm Đình Tiếu di tản khỏi Sài Gòn.


Giáo sư Trương Bửu Lâm đã ở sẵn bên Hoa Kỳ từ năm 1964. Riêng giáo sư Lâm Thanh Liêm ở lại Sài Gòn và bị bắt vào trại tập trung Trảng Lớn (Tây Ninh) tháng 6.1975. Tôi cũng không thoát khỏi tù tập trung ở đó.


Kỷ niệm tôi không quên tại Trảng Lớn là buổi chiều một hôm đi lao động về, qua một bụi cây bên đường, tôi nghe tiếng kêu nho nhỏ: “Tuấn, Tuấn, Tuấn...” Tôi ngạc nhiên nhìn vào thấy giáo sư Lâm Thanh Liêm đang ngồi thu lu trong bụi cây, tay cầm nải chuối không biết nhờ ai mua. Ông bẻ cho tôi vài trái làm tôi xúc động vì tình sư đệ. Năm 1977, giáo sư Liêm được “tạm tha” (nguyên văn trong Giấy Ra Trại do Cục Quản Lý Trại Giam, Bộ Nội Vụ Hà Nội cấp), và khi về thì Ông được Võ Văn Kiệt lúc đó là bí thư thành ủy tp HCM lân tài, cử làm cố vấn về nông nghiệp trong Ủy Ban Nhân Dân. Năm 1979, Ông sang Pháp định cư và giảng dạy tại đại học Sorbonne. 


Thời gian trôi qua...


Năm 1992, giáo sư Phạm Đình Tiếu mất tại Paris, Pháp.


Ngày 11.4.2020 giáo sư Lâm Thanh Liêm mất tại Antony, Pháp.  


Ngày 19.3.2023 giáo sư Nguyễn Thế Anh mất tại Toulouse, Pháp.


Ngày nay chỉ còn hai vị, là Trương Bửu Lâm tại Hawaii và Phạm Cao Dương tại California.


Tôi đã viết về giáo sư Trương Bửu Lâm năm 2017-2020. Bài phổ biến trên các liên mạng điện tử của Viện Việt Học và www.nhatbaovanhoa.com. Bài về giáo sư Nguyễn Thế Anh mới phổ biến tháng 6.2023 cũng trên liên mạng điện tử của nhà báo Lý Kiến Trúc. 


Bây giờ, tôi muốn viết vài hàng giới thiệu giáo sư Phạm Cao Dương, hiện hưu dưỡng tại một cơ sở y tế thuộc thành phố Fountain Valley, miền nam California.


Hành trang vào đời


Giáo sư họ Phạm quê Hải Dương, miền bắc Việt Nam. Thân phụ là nhà giáo, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị cán bộ đảng Cộng Sản Việt Nam bí mật sát hại nên gia đình không hề biết ngày mất. Anh cả trong gia đình là cố luật sư Phạm Nam Sách, chánh án và thượng nghị sĩ thời VNCH.


Giáo sư Dương tốt nghiệp khóa 1 (1958-1961) Ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, cùng khóa với giáo sư Phạm Đình Tiếu và Lâm Thanh Liêm. Tốt nghiệp, hai giáo sư Dương và Tiếu được giữ lại làm giảng viên của Trường. Riêng giáo sư Liêm được học bổng du học Pháp.


Trong học trình xuất sắc của mình, giáo sư Dương có hai cái nhất.


Thứ nhất, năm 1964 Ông trình tiểu luận Cao Học Sử và là sinh viên đầu tiên được chấm đậu Ưu hạng. Trong suốt những năm 1954-1975, Ban Sử Đại Học Văn Khoa Sài Gòn chỉ cấp phát văn bằng Cao Học Sử hạng Ưu hai lần. Lần thứ nhì là năm 1972. 


Thứ hai, năm 1975 Ông trình luận án Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp tại đại học Sorbonne Pháp. Đây là sinh viên đầu tiên và duy nhất từ Việt Nam được chấm đậu Tiến Sĩ Sử tại Pháp. 


Ra trường, giáo sư Phạm Cao Dương nhận nhiệm sở đầu tiên là trung học Võ Trường Toản Sài Gòn. Nhưng có lẽ ngay niên khóa sau, 1962-63, Ông được trở về ĐHSP làm giảng viên cho đến tháng 4.1975.


Ngoài Viện Đại Học Sài Gòn, giáo sư Dương còn dạy tại các viện đại học đương thời, gồm Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh, và Cao Đài.


Di tản sang Hoa Kỳ tháng 4.1975, giáo sư Phạm Cao Dương đầu tiên cộng tác tại cơ quan văn hóa song ngữ Babel thuộc thành phố Berkeley miền bắc California.  Khoảng niên khóa 1978-79, giáo sư Phạm Cao Dương chuyển xuống dạy tại một trường trung học miền nam California và định cư tại thành phố Huntington Beach từ đó.


Ngoài trung học, giáo sư Phạm Cao Dương còn dạy các môn sử, văn hóa, và Việt ngữ tại nhiều đại học miền nam California, như UC Irvine, UC Los Angeles, CSU Long Beach, CSU Fullerton, Santa Ana College...


Tác phẩm


Giáo sư Phạm Cao Dương soạn và xuất bản hai loại tác phẩm.


Một, là sách giáo khoa dành cho sinh viên ngành Sử tại các đại học VNCH, tổng cộng khoảng 10 ấn phẩm. Điển hình là quyển Thượng Cổ Sử Tây Phương (1967), quyển Phi Châu Da Đen (1968), và bộ Nhập Môn Lịch Sử Các Nền Văn Minh Thế Giới gồm 3 tập (1971-74). 


Hai, là những phẩm nghiên cứu qua ba ngôn ngữ, là Việt, Pháp, và Anh.


Tác phẩm thứ nhất tiếng Việt là Thực Trạng Của Giới Nông Dân Dưới Thời Pháp Thuộc (1967).


Tác phẩm thứ hai tiếng Pháp là Évolution de la situation sociale et économique de la paysannerie vietnamienne de 1861 à 1945 (1975).


Tác phẩm thứ ba tiếng Anh là Vietnamese Peasants Under French Domination (1985).


image007Tác phẩm đầu tay của giáo sư Phạm Cao Dương do nxb Khai Trí in năm 1967.  Thư viện TAT


Như vậy, nếu đề tài có giá trị trên tầm quốc tế của giáo sư Nguyễn Thế Anh là Triều Nguyễn do luận án Tiến Sĩ Quốc Gia Pháp tựa đề La Monarchie des Nguyên de la Mort de Tu-Duc à 1925 (1987) thì đề tài giá trị liên quốc gia của giáo sư Phạm Cao Dương là Nông dân Việt Nam qua ba công trình Cao Học Sử tại Sài Gòn (1964), luận án tiến sĩ tại Paris Pháp (1975), và ấn phẩm trong giới đại học Hoa Kỳ do UC Berkeley tại tiểu bang California xuất bản (1985).


Khi tuổi đời đã trên 80, giáo sư Phạm Cao Dương vẫn nhiệt tình soạn tác phẩm dài hơi Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới. Bảo Đại-Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam 9/3/1945-30/8/1945, nxb Truyền Thống Việt, 2017, 784 trang (tái bản 2018, 828 trang).  


Ngay sau đó là tuyển tập Siêu Quốc Gia Việt Nam tại Hải Ngoại và Hiểm Họa Bắc Phương, nxb Truyền Thống Việt, 2019, 448 trang.


image009Tác phẩm Anh ngữ của giáo sư Phạm Cao Dương do UC Berkeley xuất bản năm 1985. Thư viện TAT


Khi tạm ngưng việc soạn sách thì giáo sư Phạm Cao Dương viết bài đăng trên các nhật báo, tuần báo, nguyệt san, niên san, đặc san... Số bài viết nhiều không kể xiết. Tác dụng tích cực của những sản phẩm đó là cập nhật thời sự cho công chúng kèm theo những nhận định của một bực thức giả trong cộng đồng gốc Việt tại hải ngoại.


Chưa hết, giáo sư Phạm Cao Dương còn tổ chức hội luận hàng tuần cùng phóng viên truyền hình Tường Thắng nhằm phân tích thời cuộc tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam trong nhiều năm tại miền nam tiều bang California.


Tính cách


Ngoài việc giảng dạy, giáo sư Phạm Cao Dương rất tâm huyết với sinh hoạt văn hóa trên tầm quốc gia và quốc tế từ thời VNCH ra đến hải ngoại.


Khi còn ở Sài Gòn, giáo sư họ Phạm tham gia ba cơ cấu quốc gia, là Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục, Hội Đồng Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học, và Ủy Ban Điển Chế Văn Tự là những tổ chức văn hóa và khoa học trên toàn lãnh thổ VNCH.


Khi di tản sang Hoa Kỳ, Ông tham gia hai cơ quan đại học, là Center for South and Southeast Asia Studies (CSSAS) trực thuộc UC Berkeley tại California và cơ quan Centre National de la Recherche Scientifique (CNRS) tại Paris bên Pháp.


Trên bục giảng và qua những tiếp xúc riêng, giáo sư Phạm Cao Dương chẳng những khuyến khích, Ông còn thúc đẩy sinh viên tham dự những sinh hoạt chuyên nghiệp. Ông cung cấp bài viết cho nội san Tin Sử Địa ĐHSPSG, rồi sau đó trong Ban Chủ Biên của Tập San Sử Địa tại Sài Gòn. Ông từ chối trách nhiệm Chủ Bút tập san này nên Tập San Sử Địa không hề có Chủ Bút suốt cho đến khi đình bản vì biến cố 40.4.1975.


Ông cũng là người  khuyến khích thành lập Nhóm Giáo Sư và Sinh Viên Sử Địa Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trong thập niên 1960 và góp công thành lập cơ quan Southeast Asian Archive (Văn Khố Đông Nam Á) tại UC Irvine miền nam California tại hải ngoại.


Tấm lòng tha thiết đến giới trẻ và tương lai của chất xám VNCH được giáo sư Phạm Cao Dương thể hiện khi ông nhận lời của Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn làm Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng, nơi tổ chức ăn ở cho các nam sinh viên từ các tỉnh về tòng học các phân khoa đại học Sài Gòn.


Chính vì thế, những sinh viên ngày trước như Trần Thế Đức, Vũ Công Hiển, Phạm Bích Lan... đều lưu giữ những kỷ niệm sâu đậm cùng sự quý mến kính phục giáo sư Phạm Cao Dương.


Nói như cựu sinh viên ĐHSP Sài Gòn Trần Thế Đức tại nước Úc ngày 12.3.2020 trong liên mạng https://daihocsuphamsaigon.org : “Suốt cuộc đời, giáo sư Phạm Cao Dương cống hiến cho nền sử học nước nhà, cho thế hệ trẻ, cho tương lai của đất nước.”


Nói như cựu sinh viên ĐHSP Sài Gòn Vũ Công Hiển trong vuconghien@gmail.com ngày 14.2.2020: “Đã bước vào tuổi 80 nhưng văn phong của tác giả vẫn còn đầy chất lửa như tôi đã từng cảm thấy vào tháng 10.1964 khi bước vào lớp Cổ Sử Tây Phương trong buổi học đầu tiên tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.”


Hay nói như cựu sinh viên ĐHSP Sài Gòn Phạm Bích Lan trên Việt Báo online ngày 15.2.2022: “... giọng nói “đầy lửa” của Thày đã cho chúng tôi thắm thiết thêm tình yêu Lịch Sử Việt Nam, tình yêu quê hương đất nước Việt Nam...”


Tạm kết


Tính thời gian từ khi tốt nghiệp đại học năm 1961 đến năm 2023 khi giáo sư Phạm Cao Dương hưu dưỡng, Ông là một trong số rất, rất ít trí thức xuất thân từ xã hội VNCH đóng góp tích cực nhất và đa phương nhất cho cộng đồng gốc Việt, cho nhiều thế hệ người Việt và nhất là cho giới trẻ Việt tại Hoa Kỳ.


Thực tế, giáo sư họ Phạm có cuộc sống chuyên nghiệp toàn thời gian là nhờ người nội tướng. Đó là giáo sư Trần Thị Khánh Vân, cựu giảng sư Đại Học Sư Phạm Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Cao Học Địa Lý tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn đầu thập niên 1970.  


Được biết giáo sư Khánh-Vân suốt thời gian ở Sài Gòn là một phụ nữ của gia đình và ít nói nên tôi ngạc nhiên khi thấy Bà xông xáo ngoài xã hội nơi hải ngoại.


Một mặt, giáo sư Khánh-Vân tích cực quán xuyến gia đình kể cả phương diện vật chất. Mặt khác, Bà tận tâm tận lực bảo vệ sự nghiệp của phu quân khiến những công trình giáo dục, văn hóa, xã hội... của giáo sư Phạm Cao Dương được liên tục, rất sung mãn và thành công xuyên suốt từ thập niên 1980 trong thế kỷ XX đến thập niên 2010 trong thế kỷ XXI.


Trần Anh Tuấn

11.7.2023


image011Giáo sư Phạm Cao Dương và phu nhân là Giáo sư Trần Thị Khánh Vân. Ảnh tài liệu của LKT.


XEM THÊM:


Trần Anh Tuấn: Sử gia Nguyễn Thế Anh đã ra đi


Trần Anh Tuấn: Children of Hope: The Story of Le Minh Dao


Vài hàng về Gs Trần Anh Tuấn