Bùi Duy Tâm: Nguyễn Tuân và Tôi

23 Tháng Ba 20246:27 SA(Xem: 329)

VĂN HÓA ONLINE – XÃ HỘI NHÂN VĂN – THỨ BẨY 23 MAR 2024


Nguyễn Tuân và Tôi

image021

Bs. Bùi Duy Tâm


Cuối thu năm 1975. Vừa hết mùa mưa, khí trời trong sáng và mát dịu. Thành phố Saigon nay đã thay mặt đổi tên, nhưng con đường Duy Tân vẫn “cây dài bóng mát”, vẫn còn nhiều xe hơi bóng lộn qua lại, tuy phong cách người ngồi trong xe có phần khác xưa. Trước ngõ trúc dẫn vào nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, phía bên kia đường là ngôi biệt thự Tĩnh Tâm phủ đầy hoa vàng anh, vàng chói chang dưới ánh nắng 10 giờ. Một người đàn ông đẫy người, hơi thấp, đội mũ nồi xám, áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần tây, tay cầm can, hơi cúi đầu nhìn qua lỗ cổng sắt, lên tiếng gọi: “Có phải nhà ông Bùi Duy Tâm không?". Người trong nhà nhìn ra qua lỗ cổng, chỉ thấy một bộ ria mép rậm rịt màu muối tiêu, hơi ngạc nhiên với lối gọi cổng ơi ới của một thời xa xưa, nhưng cũng chạy ra lễ phép hỏi:


- Xin cho biết quý danh?


- Tôi là Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Tuân.


image023Nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh trích từ tài liệu của Bs Bùi Duy Tâm.


Thế là chủ khách tay bắt mặt mừng, hoan hỉ bước vào phòng khách. Cũng như các khách ngoài Bắc mới vào, ông nhà văn trạc độ ngoài lục tuần, đeo đôi kính cận, dáo dác nhìn từ phía chung quanh rồi tập trung nhãn quan vào tủ rượu. Chủ nhà hiểu ý, vui vẻ lấy chai rượu cognac ra mời khách. Sau 3 tuần rượu, tôi mới bắt đầu hỏi chuyện về ông:


- Anh Nguyễn Tuân vào Nam đã lâu chưa?


- Sau ngày giải phóng, tôi lên đường vô Nam ngay. Tôi cầm tinh con ngựa anh ạ. Gia tài là một chiếc va li thôi.


- Tôi đã đọc truyện "Chiếc va li mới" rồi nên cũng hiểu cái tính hiếu động của anh.


- Nhưng không "hiếu sự" đâu nhé!


- Tôi đâu phải công an mà anh phải giao hẹn kỹ thế.


Ông cười rung rung bộ ria mép rồi hỏi vội sang chuyện khác:


- Anh thích đoạn nào trong truyện "Chiếc va li mới"?


- Ông đi chơi bạt mạng thật. Đến nỗi con chết mà cũng không biết để về kịp chôn con. Tôi còn nhớ đoạn này:


" Thế nào tôi cũng về Thanh, không phải để còn nhìn mặt trẻ, không phải để được lo liệu làm ma cho đứa trẻ tội nghiệp mà chỉ là để ra mả nó vẩy lên trên nấm đất mới kia ít giọt nước mắt chậm trễ". Đúng như nhận xét của Vũ Ngọc Phan: "Văn của Nguyễn Tuân buồn, buồn lắm, dùng lối văn ấy để viết về những cái đã qua, những cái chết, thì không còn lối văn nào thích hợp bằng".


Đọc truyện, tôi thường hay chú ý tới sự suy tư của tác giả nhiều hơn câu chuyện hay văn vẻ, nên thích nhất đoạn ông cụ nhà nhận xét về cuộc đời: "... Những cái gì tốt quả là ít được bền. Con không thấy những người đánh bài cẩn thận, ít người dám ù kính tứ cố. Tổ tôm đã vậy mà đến bài tây thì người ta cũng kiêng những ván bài to có 4 con ích-xì về mình cả".


- Thế là anh khôn quá đấy!


- Khôn quá nên mới ở lại để được hân hạnh gặp anh - Tôi cười lớn (lúc bấy giờ tôi mới trong tù cải tạo ra) rồi tiếp:


- Tôi đã đọc "Thiếu quê hương" và "Một chuyến đi" của anh nên cũng biết rằng sự Xê Dịch không những là cái thú mà còn là một căn bệnh của anh nữa.


- Đúng thế. Tôi thích câu nói của Paul Morand: "Hạnh phúc, có lẽ chỉ thấy ở nhà ga và “Ta muốn sau khi ta chết đi, có người thuộc da ta làm chiếc va li". À, trong những sách truyện của tôi, anh thích quyển nào nhất?


- "Vang bóng một thời” và "Chùa Đàn" anh ạ.


- Trong "Vang bóng một thời", anh thích truyện nào nhất?


- "Đánh thơ"


- Độc đáo đấy! Vì đa số độc giả, kể cả ông Vũ Ngọc Phan nữa, cho rằng: Thú vị nhất là "Những cái ấm đất", thứ đến "Hương cuội", "Chén trà trong sương sớm" và "Một cảnh thu muộn".


Trong truyện "Đánh thơ", tôi thích đoạn: "Lá thơ đầu tiên đã ra khỏi túi gấm. Cuối lá thơ có sẵn 5 chữ thả viết rất xương kính: TÁI: (ngọn ải), SƠN (núi), ĐÌNH (sân), MỘ (ngôi mả), VĂN (sông Văn). Cả làng ngẫm nghĩ: Cái gì mà: 0 thượng, mai khai, xuân hựu lão. Rồi trong 5 chữ thả, chỉ có chữ MỘ là không ai đánh cả... để khi tiếng bạc nổ... cả làng đều ngã ngửa người ra khi đọc rõ lá thơ thả là: "Mộ thượng, mai khai, xuân hựu lão". Cả làng nhao nhao: "Ồ, cổ nhân dùng chữ ác thật! (Hoa mai nở trên nấm Mồ, xuân lại càng già).


Tôi nhận ra là mọi người đều sợ chết nên không đánh chữ MỘ. Lẽ sinh tử là một sự thật tuyệt đối, không thể tránh được. Việc gì phải sợ cho nó hèn con người đi. "Hoa Mai nở trên nấm mồ", trong cái chết đã đâm chồi một mầm sống mới. Trên nắp thạp đồng Đông Sơn đựng người chết, có khắc hình những cặp nam nữ giao hoan.  Cái chết cho thế hệ mai sau còn là rất đẹp nữa:


"Xương tôi... tôi bắc nên cầu


Cho đàn con bước sang lầu Tự Do”


(Đêm Liên Hoan, Hoàng Cầm)


Nguyễn Tuân ngồi lặng thinh, rồi thong thả đưa tẩu thuốc lên, hít một hơi dài... Trong làn khói thuốc trắng xám, ông cụ "Nhân Văn Giai Phẩm” đang suy nghĩ gì đây…


Để phá tan bầu không khí ngột ngạt, tôi vừa cười vừa nói:


- Ông Nguyễn Tuân ơi!  Tôi khoái nhất cái đoạn ông viết:


“Ông Phó Sứ và nàng Mộng Liên đem nhau đến tận chân đèo Ngang, ngang dưới chân ngọn ải có chữ "đệ nhất hùng quan” của đức Thánh Tổ ngự phê. Thấy cảnh đẹp, lòng sinh tình, hai ông mụ đã yêu nhau giữa một vùng trời nước bao la…, Thượng mã rồi thăng thiên luôn... Ái tình đến tuyệt mạng như thế mới thật là tuyệt diệu!


- Nếu vậy, toa cũng thuộc cái loại passionné (đam mê) đấy!


- Không những là đam mê thường mà đôi khi còn là passion fatale nữa, nên tôi thích "Chùa Đàn" nhất.


Thế là hai chúng tôi cười ha hả như cố bứt tung những vòng dây xích vô hình đang gò trói chúng tôi vào những giáo điều của một thời đại.


Khi đứng dậy ra về, ông nói nhỏ với tôi: "Cách đây ba chục năm, tôi cũng muốn sống với cái ĐAM MÊ của mình như anh, nhưng...". Ông khựng lại rồi tiếp: “Toa còn phải thích ứng nhiều với cuộc sống mới đấy, Tâm ạ".


Sau này, tôi mới hiểu sự "Lặng thinh" của Nguyễn Tuân khi nghe tôi đề cập đến " BỆNH SỢ" và "BỆNH HÈN" của kẻ Sĩ thời nay. Trong bài: "Lời ai điếu cho một thời văn học minh họa", Nguyễn Minh Châu đã mô tả một hoạt cảnh về nhà văn Nguyễn Tuân:


“Một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: Tao còn sống đến bây giờ là nhờ biết SỢ! Nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lả chả, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng".


Mỗi khi Nguyễn Quang Sáng kể chuyện Nguyễn Tuân với tôi, thường hay nhắc lại những kỷ niệm hồi mới tập kết ra Hà Nội: Nguyễn Quang Sáng và Xuân Vũ cắp sách đến học Nguyễn Tuân làm văn. Một lần Nguyễn Tuân hỏi: “Các cậu có biết bọn mình cùng chung một Họ gì không?". Sáng trả lời ngay: “Họ Nguyễn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Quang Sáng...” Nguyễn Tuân trợn mắt lên rồi nghiêm giọng nói: “Chúng mình cùng chung một họ SỢ".


Nỗi sợ hãi một cách bi phẫn như vậy là tâm trạng chung của cả một lớp văn nghệ sĩ, trí thức dưới chế độ Cộng sản từ cuối thập niên 50 cho mãi đến bây giờ.


Vài hôm sau, Nguyễn Tuân trở lại thăm tôi. Sau vài tuần rượu, ông thong thả hỏi:


Anh thích "Chùa Đàn" lắm à?


-  Trong các bộ môn văn nghệ Việt Nam, tôi cho rằng "Hát ca trù" hay "Hát ả đào " là rất độc đáo Việt Nam. Từ thể thơ hát nói, đàn Đáy, lá Phách và nhất là giọng hát nguyên chất của tâm hồn Việt Nam. Viết tiểu thuyết "Chùa Đàn" anh đã đem bộ môn ca trù VN đến đỉnh vinh quang nhất của nó. Tôi còn nhớ một vài đoạn:


“... Chưa bao giờ cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn Đáy như vậy. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian... Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng... Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm... Cô Tơ như mất hồn, cái tâm chỉ còn lên xuống theo bậc đàn. Gỗ bực dưới thân tan loãng đi đâu để cả người cô phiêu diêu lững lờ trôi mãi giữa không. Thoáng một tiếng dây đàn đứt. Cô choàng tỉnh dậy... Cô Tơ hát bây giờ mới vượt qua những đỉnh nhọn của thế giới âm thanh. Tiếng hát mọc cánh, thăm thẳm trong trắng tinh khiết qua pha lê gọt. Cô đang gọi nước suối đá ngọt trào dâng lên... Tiếng đôi lá con cổ phách. Cô Tơ dồn như tiếng chim kêu thương trên đậm cát nổi bão lốc... Và gõ đến như thế thì thật là đem cái vinh quang đến cho tre trúc và tạo cho thảo mộc một tấm linh hồn….


Đôi tai cậu Lãnh Út chỉ là hai cái phễu để cô Tơ rót vào đấy cả một rừng chim và cả một suối thủy tinh... Lãnh Út mềm tay roi càng mê tơi đi vì tơ trúc ríu ran...


Cô Tơ giờ mới để ý đến những tiếng trống điểm.... Trong tiếng trống, có tiếng đổ nhào của ngói gạch vụn rơi. Hình như tất cả những lâu đài cung điện của cuộc đời nhãn tiền đều tan rã theo một cái roi quất xuống mặt da loài thú....


Chầu điểm như thế thì khỏi nào mà tránh được chuyện oan trái cùng người gõ trúc..."


- Anh có nhận xét gì khác về tập truyện "Chùa Đàn" không?


- Lần đầu đọc, tôi bị vướng víu với phần “DỰNG” mở đầu và đoạn "MƯỠU CUỐI" kết thúc. Thấy lằng nhằng vớ vẩn, nên những lần sau tôi chỉ đọc phần giữa: "Tâm sự của Nước độc" bắt đầu bằng câu “Ai hay hát mà ai hay nghe hát..." và gấp sách lại khi đọc xong vài dòng Tái bút của anh:


"Một năm sau, ấp Mê Thảo của Lãnh Út mọc lên một ngọn chùa: chùa Đàn, vì sau bát hương đặt một tảng gỗ đẽo có ngọn vút lên, trông xa như một gốc trầm, lại gần thì là cả một cây đàn đáy. Cứ vào hai buổi chuông triêu mộ, tảng gỗ thờ đó lại đổ ít mồ hôi dầu và xê động ra khỏi chỗ. Cô Tơ đòi giữ việc kinh kệ cho chùa Đàn và ngày nào, cô Tơ cũng phải kể đặt lại tượng đàn thờ.”


- Nếu độc giả nào cũng đọc truyện như anh thì bọn nhà văn chúng tôi có phước quá. Thôi nhé. Cứ coi như không có phần DỰNG và MƯỠU CUỐI trong quyển CHÙA ĐÀN.


- Thế không phải anh viết hai phần đó à?


- Tay tôi viết mà tim tôi không viết. - Thấy tôi ngạc nhiên, ông nói tiếp:


- Chùa Đàn xuất bản sau năm 1945, anh Tâm ạ.


Qua đôi mắt kính trên gương mặt ửng màu hổ phách của ông, tôi thoảng thấy những đổ nát đương tan rữa rơi rụng mà người ta thường gọi là những giọt ĐỚN ĐAU.


Khi ông về rồi, tôi vội lật quyển Chùa Đàn ra xem lại thì thấy:


Trong phần DỰNG: tác giả cải tạo Lãnh Út thành Lịnh, người tù Cách Mạng mang số 2910, hay nghiền ngẫm Kinh Dịch để xoay nó vào " BIỆN CHỨNG PHÁP DUY VẬT và


 - Trong MƯỠU CUỐI: tác giả mạt sát cô Tơ, bây giờ đã thành Sư thầy Tuệ Không, là: "Thái độ của Sư thầy là một chuyện đánh bạc gian và cái thời khắc biểu của nhà Chùa chỉ là những ngày tháng của một bệnh nhân trầm trệ. Sự hô hấp của tăng già chỉ toàn có thần khí thôi, lúc hít vào cũng như lúc thở ra. Ông Phật bảo rằng muốn là khổ. Nhưng còn có dục vọng nào chính đáng sâu sắc rộng đẹp bằng ý thức Cách Mệnh! Cái Muốn trong chỉ định đi tới chỗ thành Con Người hoàn toàn ấy sẽ đặt ngay NÁT BÀN ở giữa cuộc đời thật tại này để ta có thể rờ mó được…” Rồi tác giả hô hào cô Tơ: "Hãy vứt lại cái Mõ, cầm ngay lấy đoạn trúc xưa mà hát lên… Tiếng hát cô ngang hàng với những tiếng nhát búa, nhát bay, tiếng gặt hái của tất cả một thời…”


Mang Duy vật Biện chứng, Thiên đường Cộng sản và Búa Liềm vào để rào trước đón sau cho CHÙA ĐÀN, một thiên tiểu thuyết lãng mạn đến bi thảm, tôn vinh bộ môn Hát Ca Trù của dân tộc thì thật tội nghiệp thay cho tác giả Nguyễn Tuân. Còn tệ hơn nữa, trong trang đầu tiên, Nguyễn Tiên sinh viết:


“…Mày hãy diệt hết những con người cũ ở trong mày đi… Mày phải tự hoại nội tâm mày đi đã. Mày hãy lấy mày ra làm lửa mà đốt cháy hết những phong cảnh cũ của tâm tưởng mày.”


Làm người mà phải chối bỏ cả chính mình thì chẳng thà làm con nai, con hoẵng được tự do tung tăng chạy nhảy. Đời Tần Thủy Hoàng có hà khắc đến thế không nhỉ?


Sau Nguyễn Tuân một dạo, Hoàng Cầm đã phải "thắt cổ mấy bản kịch thơ của ông viết, buộc thòng lọng vào một sợi giây rồi bắc ghế treo lên ngay trong một buổi họp Đại hội Văn nghệ tại Việt Bắc thời kháng chiến để hưởng ứng việc kết án kịch thơ và bộ môn Cải lương của Xếp lớn Tổ Hữu.


Gần nửa thế kỷ sau, kẻ hậu sinh Nguyễn Huy Thiệp muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự ưu ái và ngưỡng mộ của bậc tiền bối Phạm Duy, phải vò đầu bứt tai mãi mới vắt ra được hai chữ "ĐAU ĐỚN " để đề tặng.


Cứ dăm bữa nửa tháng, Nguyễn Tuân lại ghé qua nhà tôi, lấy cớ sắp đi công tác xa, xin một chai rượu tây mang theo. Sự hoan hỉ hiếu khách giảm dần cho đến lúc phải dằn lòng từ chối. Lòng yêu quý bạn thì vô hạn, chỉ tiếc thay tủ rượu của tôi lại có đáy.


Bẵng đi một dạo, ông không lại. Chắc ông buồn và ngượng, còn tôi cũng thấy hơi ân hận.


Bỗng một hôm, có tiếng đập cổng thình thình, lại bộ ria mép muối tiêu rung rung qua lỗ cổng, lại tiếng gọi ơi ới của một thời xa xưa: "Tâm ơi, tớ sắp về Hà Nội rồi!"


Thế là một tiệc rượu tạm biệt trân trọng dọn ra. Vợ tôi mang một chai rượu Remy Martin chưa khui ra đãi ông. Ông lấy tay chận lại, để sang một bên rồi nói: "Chị cho tôi uống chai nào đã mở rồi”. Chúng tôi hơi  ngạc nhiên vì cử chỉ tằn tiện bất thường của ông, nhưng không tìm hiểu thêm vì còn tíu tít bao chuyện văn nghệ, thời sự cùng nhân tình thế thái. Trong lúc cao hứng, ông khen đồ ăn nhà tôi nấu khéo nên tôi mạnh dạn mang quyển "Trăm hoa đua nở trên đất Bắc" do Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa xuất bản tại Saigon năm 1959 với lời tựa chống Cộng mạnh mẽ của Cụ Hoàng Văn Chí, để xin ông đề tặng cho mấy chữ trên bài PHỞ của ông.


Ông lật qua lật lại, ngần ngừ một lúc rồi rút trong túi ra một chùm bút Bi đủ màu: xanh đỏ tím vàng đặt lên bàn. Nốc thêm một hớp rượu rồi trịnh trọng nắn nót viết đè lên trang đầu của bài PHỞ:


“Tôi không thích quyển sách này nhưng tôi viết để tặng anh chị Bùi Duy Tâm vì anh chị là người yêu văn nghệ.”


 Ông viết những dòng chữ nghiêng nghiêng. Mỗi lần xuống hàng lại đổi bút màu khác. Như để che lấp mặc cảm tội lỗi, ông nói: "Tôi có nhắc nhở đến Hồ chủ tịch và các lãnh tụ đảng trong bài Phở đấy”. Tôi phản pháo ngay: “Và anh cũng nhắc tới nhiều bà Hà Nội tứ chiếng cầm vào bát phở gà, mười ngón tay lóng lánh nhẫn vàng tấm, vàng trắng, cà rá kim cương, miếng phao câu lúc ấy còn mọng lên biết mấy nữa kia". Vợ tôi xen vào đánh trống lảng hỏi ông những chuyện gia tình...


Lúc đứng dậy ra về, ông ôm chai rượu Remy Martin chưa khui vào ngực và nói rất tự nhiên: "Tôi mang chai rượu này về nhé!". Vợ chồng tôi nháy mắt với nhau như chợt vỡ nhẽ ra cái cử chỉ tần tiện đòi uống chai rượu đã mở lúc nãy, rồi đon đả cười nói: "Khi nào vào Nam nữa, nhớ lại chơi với chúng tôi nhé! Rượu ngon sắp hàng chờ anh đấy!".


Khoảng giữa thập niên 80, khi cuộc sống lưu vong tại Hoa Kỳ của gia đình tôi đã tạm ổn định, tôi được tin nhà đại văn hào Nguyễn Tuân đã ra người thiên cổ. Tưởng như thế là không bao giờ còn gặp lại người nghệ sĩ tài hoa, kiểu cách, hóm hỉnh ấy nữa... Ai ngờ đâu trong chuyến về thăm Hà Nội đầu mùa xuân năm 1991, khi bị bắt tại phi trường Nội Bài, tôi có mang theo trong hành lý một bức hình Xuân Vũ vẽ lại “Tiệc rượu cuối cùng” của Xuân Vũ, Nguyễn Quang Sáng với Nguyễn Tuân trong quán Bodega, phố Tràng Tiền Hà Nội để gửi cho Nguyễn Quang Sáng. Tuy đã bôi tên (White out) Xuân Vũ trong bức vẽ, tôi vẫn bị ông Đại tá thẩm cung, cật vấn mãi về "ý đồ" của bức tranh. Tôi bực quá nên sẵng giọng: "Bức hình 3 người bạn uống rượu, tôi mang về cho anh Nguyễn Quang Sáng, Tổng thư ký Hội nhà văn cả nước - chứ ý đồ với mưu mô gì?". Ông Đại tá công an đập bàn, hét lên: "Anh tưởng tôi không bắt nổi cả 3 thằng trong bức ảnh này à?". Nghĩ đến Xuân Vũ đương nằm khểnh viết sách chửi Cộng tại San Antonio xứ Cao bồi Texas, còn Nguyễn Tuân đã mồ yên mả đẹp tại Nghĩa trang Văn Điển, không chừng đã cải táng lên ngọn đồi Bất Bạt trên Ba Vì rồi, tôi bấm bụng nhịn cười...


Đêm hôm đó, trong phòng giam nhà tù B-14 xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì, ngoại ô Hà Nội, tôi nằm mơ thấy cụ "Nhân Văn Giai Phẩm” Nguyễn Tuân hiện về, rung rung bộ ria mép muối tiêu, trách tôi: "Cậu không BIẾT SỢ như thế, mới ra nông nỗi này, Tâm ơi!”


image025Bà Bùi Duy Tâm với Nguyễn Tuân. Ảnh tác giả cung cấp.


image027Xuân Vũ, Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Tuân. Nguồn tranh: tác giả cung cấp.


Viết xong chiều thứ bảy 14 tháng 12 năm 1991

BÙI DUY TÂM