Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Tổng GM Paul Gallagher hội đàm với Tt CsVN Phạm Minh Chính

11 Tháng Tư 20247:25 SA(Xem: 128)

VĂN HÓA ONLINE – XÃ HỘI NHÂN VĂN - THỨ NĂM 11 APRIL 2024


Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Tổng GM Paul Gallagher hội đàm với Tt CsVN Phạm Minh Chính


* Bình luận của Lê Quốc Quân

* Đại trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn


image013Công trình đại trùng tu nhà thờ Đức Bà đã thực hiện gần 6 năm, dự kiến hoàn thành cuối năm 2027. - Ảnh: HỮU HẠNH


Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với Ngoại trưởng Vatican: Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo


VOA 11/04/2024


image015Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, ngày 10/4/2024. Photo VGP.


Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Vatican, rằng nhà nước Việt Nam theo đuổi chính sách nhất quán “tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”, viện dẫn hệ thống chính sách, pháp luật liên quan được hoàn thiện.

Khi tiếp nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa thánh Vatican hôm 10/4, ông Chính bày tỏ hy vọng người Công giáo Việt Nam phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, “giáo dân tốt là công dân tốt”, “sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia xây dựng và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo”, theo Cổng thông tin chính phủ.


Nhấn mạnh những tiến triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh, Thủ tướng Chính nói rằng hai bên duy trì liên lạc cấp cao cũng như hoạt động của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican.

Ông Chính gọi việc nâng cấp mối quan hệ lên cấp Đại diện Giáo hoàng thường trú là một cột mốc quan trọng và là kết quả của một quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Sự hợp tác này “thể hiện Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo”, ông Chính nói.

Tổng Giám mục nói ông tin rằng với sự hiểu biết lẫn nhau và “đối thoại chân thành”, mối quan hệ sẽ đạt được tiến bộ mới.

Hai ông chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thời gian tới.


Cũng hôm 10/4, khi tiếp ông Gallagher, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói chính quyền Việt Nam “đồng hành” với Hội đồng Giám mục Việt Nam “để phát huy những đóng góp của Công giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bác ái-xã hội”.


Trang la Croix International hôm 10/4 dẫn lời các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm Việt Nam 5 ngày của Tổng Giám mục Gallagher tuần này đánh dấu một bước nữa hướng tới việc chính thức khôi phục mối quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam, vốn đã bị cắt đứt vào năm 1975 khi chính quyền cộng sản thống nhất đất nước và trục xuất Sứ thần Giáo hoàng.


Mãi đến năm 1990, Tòa thánh mới có thể có những động thái ngoại giao đầu tiên với chính quyền Hà Nội, nhưng tiến độ diễn ra rất chậm và trong khoảng thập kỷ tiếp theo, hai bên hầu như không có tiến triển nhiều ngoài việc các phái đoàn Vatican thực hiện các chuyến thăm hàng năm để họp với các cơ quan chính phủ và thăm các giáo phận Công giáo.

Một bước đột phá lớn xảy ra vào năm 2007 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Giáo hoàng Benedict XVI tại Vatican trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Vatican của một người đứng đầu chính phủ Việt Nam sau hơn 30 năm.

Vào tháng 2/2009, cuộc họp đầu tiên của Nhóm làm việc chung Việt Nam-Tòa thánh đã diễn ra tại Hà Nội, và vào tháng 12 năm đó, Giáo hoàng Benedict đã hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, được ca ngợi là “một giai đoạn quan trọng trong tiến trình quan hệ song phương với Việt Nam”.


Vào năm ngoái, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Vatican và chính thức mời Giáo hoàng Phanxicô thăm Việt Nam.


Trang la Croix International viết rằng chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn có quyền hạn chế số lượng và quy mô của các giáo xứ địa phương, cũng tổ chức các cuộc tham vấn trước khi bổ nhiệm các giám mục. Tuy nhiên, Vatican không cần sự chấp thuận của Hà Nội trước khi bổ nhiệm giám mục như ở Trung Quốc.

“Một số vấn đề vẫn còn gây tranh cãi, chẳng hạn như yêu cầu bồi thường tài chính của các giám mục đối với những vùng đất cũ bị chính phủ tịch thu, hoặc quyền tự do mở các trường tiểu học và trung học công giáo trong nước - Giáo hội hiện chỉ có thể điều hành các trường mẫu giáo”, ông Michel Chambon, một nhà thần học và nhân chủng học, một chuyên gia về Công giáo ở Châu Á, nói với trang la Croix. “Rome và các giám mục có thể có những ưu tiên khác nhau trong vấn đề này”.


++++++++++++++++++++++++++++++


Ngoại trưởng Vatican đến VN, một chuyến Tông du và những trở ngại về tự do tôn giáo


10/04/2024


Lê Quốc Quân


image017Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, Bùi Thanh Sơn, đón Tổng Giám Mục, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, Paul Gallagher (phải), tại Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội, 9 tháng Tư, 2024.


Chính quyền Việt Nam có thể thúc đẩy rất nhanh quá trình nâng cấp quan hệ ngoại giao đầy đủ với Toà thánh Vatican, và chuẩn bị cho một chuyến đi của Đức Giáo hoàng Francis, nhưng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn luôn là một vấn đề lâu dài và sẽ không có nhiều tiến bộ trong thời gian tới.


Theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao Toà thánh (Secretary for the Relation with States and Organization of the Holy See) đã đến thăm Việt Nam.


Chuyến công du của Ngài kéo dài 6 ngày, từ 9 đến 14 tháng 4 năm 2024.


Trang tin của Hội đồng Giám mục Việt nam cho biết Đức Tổng giám mục Gallagher sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chào thăm lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban tôn giáo Chính phủ.


Ngài cũng sẽ cử hành 3 thánh lễ tại Hà Nội, Huế, Sài gòn và đi thăm Bệnh viện Nhi trung ương. Trước khi kết thúc chuyến thăm, Ngài sẽ có một cuộc gặp chung với toàn thể Hội đồng Giám Mục Việt Nam (bao gồm ít nhất 27 Giám mục thuộc 27 Giáo phận tại Việt Nam)


Đây là chuyến thăm đầu tiên ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao Toà thánh Vatican đến Việt Nam.


“Chương mới” cho cả Vatican và Việt Nam


Việt Nam và Vatican chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ và cũng chưa có một Đức Giáo Hoàng nào đến thăm Việt Nam trong suốt chiều dài hơn 400 năm truyền giáo mặc dù rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã đến Vatican.


Kể từ khi những người cộng sản lên cầm quyền, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Toà thánh Vatican cơ bản phụ thuộc vào phía Việt Nam. Ngay trong những thời kỳ Việt Nam bị cô lập nặng nề, chính quyền vẫn kiên quyết hạn chế tự do tôn giáo và tỏ ra lạnh nhạt với mọi mối quan hệ với Vatican.


Chính quyền coi “Vatican” như một thế lực tôn giáo “hắc ám”, gắn liền các hoạt động truyền giáo với sự xâm lăng của ngoại bang hơn là một quốc gia hữu thần nhân ái. Các hoạt động tuyên truyền chống lại các tôn giáo nói chung, công giáo nói riêng, rất đậm nét trong những sinh hoạt ở Miền Bắc Việt nam kể từ 1954 và cả nước kể từ 1975.


Cá nhân tôi khi còn nhỏ đi học thường bị bạn bè “đọc vè nhạo báng Chúa” và thầy cô thì thuyết phục “bỏ đạo để vào đoàn”. Rất nhiều người Công giáo tự nguyện hoặc buộc phải ghi “không” trong mục tôn giáo ở chứng minh nhân dân. Chính vì vậy, con số thống kê về số lượng người Công giáo ở Việt Nam giữa chính quyền và giáo hội có khác nhau.


Sau những nỗ lực kiểm soát hoàn toàn giáo hội Công giáo theo mô hình Trung Quốc không thành công, chính quyền đã mềm mỏng và mở ra những kênh đối thoại mới với Vatican. Một Tổ công tác hỗn hợp của 2 bên được thành lập với khoá họp đầu tiên vào ngày 16/2/2009.


Trong suốt 14 năm với IX vòng họp nhưng vẫn không có những đột phá về ngoại giao cho đến cuộc gặp lần thứ X vào ngày 31/3/2023 tại Vatican do 2 thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng (Việt Nam) và Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì, đã có những tiến bộ vượt bậc. Đó là lúc hai bên đã nhất trí được về “Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Toà thánh Vatican và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà thánh tại Việt Nam”.


Sau đó, vào ngày 31/2/2024, Đức Tổng giám mục Mareck đã đến Hà Nội để bắt đầu nhận nhiệm vụ của mình. Chỉ sau 2 tháng hiện diện tại Việt Nam, Ngài đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan của Việt Nam để tổ chức chuyến đi cho Ngoại trưởng Vatican lần này.


Triển vọng về một chuyến tông du


Mục đích chuyến thăm của Ngoại trưởng Vatican lần này là để “tăng cường quan hệ” và chuẩn bị cho một chuyến đi ở cấp cao hơn. Có thể bước tiếp theo là chuyến viếng thăm của Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh Pietro Parolin (Cardinal Secretary of State of Vatican City) và/hoặc sau đó là một chuyến tông du của Đức giáo Hoàng Francis.


Đây không chỉ là bước tiến về ngoại giao của Việt Nam mà cũng là một bước đi đặc biệt của Vatican khi thiết lập quan hệ ngoại giao với một quốc gia cộng sản vô thần ở Châu Á đang “chia sẻ tương lai chung” với Trung Quốc, một đất nước từ lâu đã cắt đứt quan hệ với Vatican và đặt Giáo hội Công giáo chính thống vào diện “hầm trú”.


Vatican vẫn luôn luôn có chủ trương mong muốn tìm kiếm lợi ích cho các tín hữu của mình trên khắp thế giới và mong muốn về một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Việt Nam là có thật khi Ngài nói:“Đó là vùng đất đáng để tới, nơi tôi rất cảm mến”. Lời mời về một chuyến viếng thăm đã được đưa ra và Đức Giáo Hoàng đã nhận lời. Ngài còn nói mong muốn đến thăm Việt Nam “sớm nhất có thể”.


Mặc dù cho đến nay, Toà thánh và Việt Nam đều chưa chính thức loan báo về chuyến viếng thăm vào tháng 9 năm nay, nhưng Vatican đã thông báo về một chương trình đi thăm Đông Nam Á vào tháng 9 với ít nhất 3 điểm đến là Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea… và theo Đức Tổng giám mục Paul Gallagher thì Việt Nam có thể là nằm trong chuyến tông du của Ngài đến các quốc gia Châu Á này. Chuyến đi này của Ngoại trưởng là để “dọn đường” cho một chuyến Tông du trở thành hiện thực.


Những trở ngại còn đó


Còn đầy dẫy những trở ngại và hạn chế về tự do tôn giáo tại Việt Nam.


Về tổng quan, Việt Nam vẫn là đất nước do một đảng cộng sản lãnh đạo với học thuyết Mác-Lê Nin làm chủ đạo. Những người cầm quyền đã một thời thường xuyên trích lời Karl Marx, coi tôn giáo là “thuốc phiện của nhân dân”.


Người Công giáo vẫn được coi là “công dân hạng hai” khi họ không được tham gia vào một số ngành đặc biệt như: bảo mật, hàng không và công an. Riêng đối với ngành quân đội thì không bị cấm nhưng chỉ được phát triển đến một mức độ (ví dụ: không bao giờ được lên cấp tướng).


Các tổ chức tôn giáo, các giáo xứ hiện nay vẫn chưa được coi là một pháp nhân, không thể mở tài khoản, nhận và chuyển tiền. Giáo hội Công giáo vẫn bị giới hạn thực hành công việc bác ái, xã hội bao gồm cả giáo dục và y tế mặc dù luật pháp đã quy định. Hàng loạt hồ sơ tranh chấp đất đai trên khắp ba miền vẫn chưa được giải quyết.


Điều 55 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chỉ quy định một câu các tổ chức Tôn giáo“Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật” nhưng không có hướng dẫn về điều này. Nghị định 162/2017/NĐ-CP dài dằng dặc hướng dẫn rất nhiều điều khoản của Luật, đặc biệt là thủ tục “xử lý vi phạm” và “giải tán” các tổ chức tôn giáo nhưng không có điều khoản hướng dẫn các tổ chức Tôn giáo thực hiện Điều 55.


Sau một thời gian thực thi đầy vướng mắc, Chính phủ lại ban hành Nghị định 95/2017/NĐ-CP vừa mới có hiệu lực vào ngày 31/3/2024 để thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP nhưng cũng không đả động đến các hoạt động từ thiện, bác ái, giáo dục, y tế mà các tôn giáo mong muốn.


Nhiều người cho rằng việc chính quyền đưa Điều 55 vào Luật chỉ là để làm cảnh mà không hề mong muốn nó được thực hiện, tương tự như xây một chiếc cầu qua sông nhưng không xây đường lên cầu. Mục đích của việc xây cầu là để nói “chúng tôi có cầu” nhưng rõ ràng là không muốn để người dân đi qua đó.


Chính vì vậy, hiện nay chỉ có duy nhất một “Trường cao đẳng dạy nghề Hoà Bình thuộc giáo phận Xuân Lộc” là cơ sở giáo dục Công giáo và chỉ dừng ở mức dạy nghề cùng với sự hợp tác với đối tác Nhật Bản. Còn lại các tổ chức tôn giáo chỉ được dạy các lớp học tình thương cho trẻ em đường phố và vẫn luôn bị để ý, theo dõi. Chính quyền chưa bao giờ từ bỏ sự “nghi ngờ” đối với Công giáo.


Tóm lại, chính quyền Việt Nam có thể thúc đẩy rất nhanh quá trình nâng cấp quan hệ ngoại giao đầy đủ với Toà thánh Vatican, và chuẩn bị cho một chuyến đi của Đức Giáo hoàng Francis, nhưng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn luôn là một vấn đề lâu dài và sẽ không có nhiều tiến bộ trong thời gian tới.


Những tiến bộ thực sự về tự do tôn giáo, nếu có, phải bắt đầu từ việc các lãnh đạo Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Duy vật biện chứng và Học thuyết Mác-Lê Nin. Đó là một điều không thể có được trong giai đoạn hiện nay, dù có hay không một chuyến đi của Đức Giáo Hoàng trong năm nay.

image019

Lê Quốc Quân


Lê Quốc Quân là một luật sư Nhân quyền.


Được đào tạo chính quy về Luật pháp và từng tu nghiệp ở nước ngoài, ông có tham gia tư vấn cho nhiều dự án phát triển tại Việt Nam được tài trợ bởi World Bank, ADB và UNDP.


Ông viết Blog và tự nhận mình là một con “Ruồi trâu đốt vào mông đít xã hội để nó nhảy lên phía trước” nhưng hậu quả là ông bị tước giấy phép hành nghề luật và ngồi tù 3 lần.


Ra tù ông vẫn tha thiết với việc nước và lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền con người. Ông tham gia viết về nhiều đề tài nhưng tập trung vào Chính trị và Luật pháp của Việt Nam.


Các bài viết của Luật sư Quân là Blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.


+++++++++++++++++++++++++++++


Công trình đại trùng tu nhà thờ Đức Bà khi nào hoàn thành?

image020

HOÀI PHƯƠNG
và 1 tác giả khác


HOÀI PHƯƠNG


ẢNH: HỮU HẠNH


https://tuoitre.vn/cong-trinh-dai-trung-tu-nha-tho-duc-ba-khi-nao-hoan-thanh-2023031715293445.htm


Trả lời thắc mắc thời gian qua nhà thờ không thi công gì, linh mục Hồ Văn Xuân - trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà - cho biết hơn 40 công nhân vẫn đang làm trong hai tháp chuông và hai tháp kẽm nên người dân không thấy từ bên ngoài.


image021Công trình đại trùng tu nhà thờ Đức Bà đã thực hiện gần 6 năm, dự kiến hoàn thành cuối năm 2027. - Ảnh: HỮU HẠNH


Linh mục Hồ Văn Xuân - trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà - cho biết sau khi trùng tu xong hai tháp chuông và hai tháp kẽm (dự tính cuối năm 2024), công trình nhà thờ hoàn thành 50% và dự kiến hoàn thành cuối năm 2027.


Công trình đại trùng tu nhà thờ Đức Bà bắt đầu từ ngày 1-7-2017, do Tập đoàn Monument (Bỉ) đảm nhận.


Linh mục Hồ Văn Xuân cho biết nhà thờ Đức Bà là một di tích, là công trình mang dấu ấn của TP.HCM nên việc trùng tu làm sao tốt nhất có thể. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là nhà thờ cổ đầu tiên tại châu Á được các chuyên gia châu Âu trùng tu.


image022Linh mục Hồ Văn Xuân chia sẻ tiến độ công trình


Trùng tu nhà thờ Đức Bà: Sử dụng vật liệu, kỹ thuật châu Âu

image024

Phần lớn vật tư sử dụng trong việc trùng tu được nhập chủ yếu từ châu Âu, nhiều nhất là ở Đức, Bỉ, Pháp. Thậm chí nhập cả cát và vữa.


Vật liệu được vận chuyển bằng đường biển và hàng không (để đảm bảo tiến độ thi công công trình).


Linh mục Hồ Văn Xuân nói: “Công trình được trùng tu theo nguyên tắc tốt giữ, hư sửa, hư hỏng hoàn toàn thì thay nên đòi hỏi tốn nhiều thời gian và công sức. 


Tôi cố gắng làm hết sức hoàn thiện công trình này, để thế hệ tương lai sử dụng ít nhất phải 100 năm nữa”.

image026

Vật liệu thay thế được nhập từ các nước châu Âu

image028

Công nhân làm việc tất bật bên trong công trường


"Hơn 40 công nhân vẫn đang làm"


Hai tháp chuông và hai tháp kẽm là hạng mục công trình quan trọng bị hư hỏng nặng nề, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.


Sau khi trùng tu xong những phần này, nhà thờ sẽ cho kéo chuông trở lại. Công việc tiếp theo là hoàn thiện mái ngói, máng xối, hệ thống thu lôi…


Đặc biệt, vật liệu trang trí trên đỉnh mái nhà thờ không sử dụng xi măng (vì nắng nóng sẽ nứt). 


Linh mục Hồ Văn Xuân cho biết thêm: “Chúng tôi sử dụng vữa đặc biệt pha theo tỉ lệ riêng, dưỡng ẩm 28 ngày, sau đó biến thành đá không nứt”.

image030

Giàn giáo được nhập về từ Đức


“Tôi là linh mục nhưng tôi cũng là công dân của TP.HCM. Tôi cố gắng làm hết sức mình hoàn thiện công trình này để thế hệ tương lai sử dụng lâu dài, ít nhất phải 100 năm nữa.”


image032Linh mục Hồ Văn Xuân


Hạng mục khó khăn nhất là trùng tu hai tháp chuông và hai tháp kẽm. Còn hạng mục tốn kém thời gian và công sức nhất là thay gạch, trang trí cho vách nhà thờ.


Để đảm bảo an toàn cho công nhân, nhà thờ Đức Bà đã mua giàn giáo của Đức. Tính từ mặt đất lên đến đỉnh, giàn giáo cao tương đương 29 tầng. 


Đề xuất lập hàng rào xung quanh nhà thờ để tránh vẽ bậy

Nói về việc vẽ lên vách nhà thờ, linh mục Hồ Văn Xuân cho biết: “Thực tế khó có thể canh không cho người dân vẽ, nhà thờ đề xuất cơ quan chức năng cho làm hàng rào mở và mỹ thuật trên hành lang của nhà thờ. Người dân chỉ ngắm nhìn nhà thờ mà không vẽ lên được”.

image034

Vách tường nhà thờ bị vẽ bậy

image036

Dùng công nghệ để rửa gạch sáng mới mà không làm gạch bị "tổn thương"


Ngoài ra, linh mục mong muốn sẽ lắp hệ thống ánh sáng cho nhà thờ sau khi hoàn thành, đào tạo hướng dẫn viên của nhà thờ để giới thiệu khi du khách ghé thăm.


Linh mục cho biết sẽ viết lại nhật ký trùng tu và trưng bày những hiện vật hư hỏng từ việc trùng tu bỏ ra. Linh mục cũng mong muốn lắp đặt đàn đại phong cầm (đàn ống) trên cung thánh nhà thờ. 

image038

Linh mục Hồ Văn Xuân kiểm tra công trình

image040

Thay hệ thống thông gió làm sao cho lọt khí, đảm bảo vệ sinh và ánh sáng

image042

Dàn đèn chùm trang trí cũng được thay thế mới

image044

Những ô kính màu hư hỏng cũng được thay thế

image046

Những hiện vật từ công trình sẽ được lưu giữ và trưng bày

image048

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có sức chứa 1.200 người

image050

Nhà thờ trồng nhiều cây kiểng xung quanh công trình để tạo khoảng không xanh mát.


(HOÀI PHƯƠNG - ẢNH: HỮU HẠNH)

image052

Tòa Tổng giám mục TP.HCM làm phép dàn giao hưởng 25 chuông carillon, lần đầu vang tiếng


Sáng 23-12, Tòa Tổng giám mục TP.HCM thực hiện nghi thức làm phép và khánh thành dàn giao hưởng chuông tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (nhà thờ Đức Bà) để dùng trong dịp Giáng sinh 2022.