Biden tiếp tục chính sách cứng rắn về Biển Đông?

18 Tháng Mười Một 20208:37 SA(Xem: 4793)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ TƯ 18 NOV 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Biden tiếp tục chính sách cứng rắn về Biển Đông?


Drake Long
2020-11-17


image017Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu ở Delaware, vào ngày 10/11/2020. AFP


Chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông dưới chính quyền ông Biden sẽ mang tính kế tục nhiều hơn là thay đổi. Những tuyên bố của vị cựu Phó tổng thống và của các cố vấn thân cận cho thấy như thế, khi mà lập trường ‘diều hâu’ đối với Trung Quốc vẫn mạnh mẽ trong cả hai đảng chính trị lớn của Hoa Kỳ.


Tuy vậy, các chuyên gia cũng tin rằng dưới thời ông Joe Biden, Washington sẽ theo đuổi sự can dự ngoại giao nhiều hơn nữa với các nước ở Đông Nam Á đang có tranh chấp về chủ quyền biển, sau 4 năm chú ý đối với khối 10 quốc gia trong khu vực (ASEAN) tương đối ít.


Trong chiến dịch bầu cử tổng thống gay gắt, không có nhiều chú ý đến chính sách đối ngoại, khiến khó có thể đoán được ông Biden hoặc Tổng thống Donald Trump, người vẫn chưa thừa nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, sẽ tiếp cận thế nào đối với lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc về những tuyên bố sâu rộng của họ đối với Biển Đông trong bốn năm tới. Mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn khi một Chiến lược An ninh Quốc gia mới, một bản đánh giá liên cơ quan về chính sách, được công bố. Chiến lược này sẽ ra đời trong thời hạn 150 ngày sau khi tân tổng thống nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021.


Ông Carl Thayer, một giáo sư tại Đại học New South Wales ở Canberra, Úc, cho biết ông không mong đợi một sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của Hoa Kỳ mà đặc trưng dưới thời Tổng thống Trump là tăng cường diễn tập quân sự ở Biển Đông, hoạt động tự do hàng hải gọi tắt là FONOPs, và lập trường ngoại giao mạnh mẽ hơn trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp.


Theo lời ông Carl Thayer nói trong một diễn đàn trực tuyến trong tuần qua, “Chiến lược sẽ vẫn ở đó và lợi ích quốc gia rõ ràng sẽ không thay đổi vì ông Trump không còn là tổng thống”. Ông Carl Thayer cũng đưa ra ví dụ về hoạt động tự do hàng hải để nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải không được luật pháp quốc tế ủng hộ. Ông Thayer cho biết FONOP sẽ tiếp tục, nhưng tốc độ và phạm vi sẽ được xác định sau khi có đánh giá giữa các cơ quan.


Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington D.C., mặc dù Mỹ không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng khoảng 208 tỷ USD hàng hóa của Mỹ sẽ đi qua vùng biển đó. Vì vậy, việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Biển Đông đã làm dấy lên lo ngại về gián đoạn thương mại, trong khi các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh thường xuyên xâm phạm vùng biển của các bên tranh chấp khác, bao gồm cả Philippines, một đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ. Washington có nghĩa vụ phải ra tay bảo vệ Manila nếu bất kỳ quân nhân nào của nước này bị tấn công ở Biển Đông.


Nói về FONOP và các chương trình hỗ trợ quân sự mà Mỹ hiện đang cung cấp cho các nước Đông Nam Á, ông Amitav Acharya, giáo sư tại trường Đại học American ở Washington, D.C. cho rằng “chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục chính sách cũ theo khía cạnh quân sự”. Trên thực tế, cả hai chính sách đều được đưa ra dưới thời chính quyền ông Obama mà ông Biden từng là Phó tổng thống, mặc dù tốc độ của các FONOPs và các cuộc tập trận quân sự đã tăng tốc dưới thời Tổng thống Donald Trump.


Ông Acharya nói thêm: “Những gì người Đông Nam Á muốn là Hoa Kỳ duy trì sự cân bằng quân sự, can dự ngoại giao và tất cả các loại viện trợ kinh tế và những thứ tương tự mà không có chiến tranh ý thức hệ hoặc ‘đao to, búa lớn’ chống lại Trung Quốc”.


Gắn kết nhiều hơn với ASEAN

Những mong muốn vừa nêu chỉ ra những đường hướng mà cách tiếp cận của ông Biden có thể khác với ông Trump.


Ông Carl Thayer dự đoán cách tiếp cận chính sách của ông Biden sẽ “có trật tự” hơn và sẽ để chính quyền của ông tăng cường tiếp cận cấp cao với Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á, hay còn gọi là ASEAN. Các nhà phê bình đã cáo buộc Tổng thống hiện tại của Hoa Kỳ về một cách tiếp cận “mang tính mua bán đổi chác” và gây áp lực lên các chính phủ chọn phe giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.


Theo lời GS. Thayer, “ông ấy (Joe Biden) sẽ lắng nghe các nhà lãnh đạo ASEAN và tôi nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi toàn bộ bầu không khí của những gì đang xảy ra”. Năm thành viên của ASEAN là Brunei, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia, đều có yêu sách lãnh thổ hoặc vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với yêu sách sâu rộng của Trung Quốc ở Biển Đông.


image018Hình chụp từ vệ tinh cho thấy tàu Nam Hải Cứu 115 đang neo tại đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng với đường băng và các bến cảng tại Đá Chữ Thập Planet Labs Inc.


Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Barack Obama lúc bấy giờ là người thường xuyên tham dự các hội nghị cấp cao hàng năm của ASEAN. Để so sánh, ông Trump đã không tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN trong bốn năm qua, đồng thời cũng chưa bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN.


Tuy vậy, trong khi cam kết cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump với ASEAN bị chỉ trích là nửa vời, Hoa Kỳ đã thực hiện một cách tiếp cận sức mạnh hơn để khẳng định sự ủng hộ của mình đối với các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với sức ép của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Vào tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thông báo về một sự thay đổi mới trong cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Biển Đông, gọi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một số thực thể nửa nổi nửa chìm là “bất hợp pháp” và bác bỏ các yêu sách hàng hải bành trướng của Trung Quốc, nói rằng hành vi hung hăng của Bắc Kinh vi phạm về quyền của các quốc gia Đông Nam Á đối với tài nguyên trong vùng biển của những nước này. Trước đây, Hoa Kỳ không chính thức đưa ra quan điểm về bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào ở Biển Đông.


Ngoài ra, vào tháng 8/2020, chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp ở Biển Đông. Một số đơn vị như Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc rõ ràng đã tham gia vào việc nạo vét các bãi đá ngầm và đá thành các đảo nhân tạo.


Những việc vừa nêu dẫn đến áp lực của Hoa Kỳ mà khiến các chính phủ Đông Nam Á thấy không được thoải mái. Phát biểu với ASEAN vào tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu lên việc loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các nền kinh tế khu vực, nhưng đến nay chưa có quốc gia ASEAN nào thực sự làm như vậy.


Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, dường như có sự ủng hộ mạnh mẽ về cả chính trị và công chúng đối với đường lối cứng rắn dành cho Trung Quốc. Theo Pew Research, khoảng 73% người Mỹ không ủng hộ Trung Quốc.


Tại Quốc hội, cả các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông năm 2019, nêu rõ Trung Quốc đã đàn áp các định chế chế dân chủ ở Hồng Kông. Tương tự, một dự luật đưa ra các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Trung Quốc về hành vi của họ ở Biển Đông cũng có sự đồng bảo trợ và ủng hộ của cả hai đảng.


Lời của ông Biden

Ý kiến ​​riêng của ông Biden về Trung Quốc và nhà lãnh đạo tối cao của nước này là ông Tập Cận Bình dường như trở nên chua cay kể từ lần cuối ông Biden còn trong chức vụ Phó tổng thống dưới thời Obama. Ông Biden đã tương tác rất nhiều với ông Tập, thế nhưng trong một cuộc tranh luận vào tháng 2 năm nay, ông đã gọi ông Tập là một “kẻ côn đồ”. Ông cũng viết một bài báo trên tờ Foreign Affairs vào tháng Ba gọi Trung Quốc là “một thách thức đặc biệt”.


Cụ thể, ông viết “Tôi đã dành nhiều giờ với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, và tôi hiểu những gì chúng tôi đang chống lại. Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ để đối đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc”. Ông để ngỏ khả năng làm việc với Trung Quốc trên các lĩnh vực “nơi các lợi ích của chúng ta hội tụ”, nhưng tuyên bố rõ ràng, “Hoa Kỳ cần phải cứng rắn với Trung Quốc”.


Các cố vấn của ông Biden và những người có khả năng được chọn vào nội các dường như cũng nghiêm khắc đối với hành vi của Trung Quốc trong khu vực.


Trả lời phỏng vấn của CBS News trong chương trình Intelligence Matters vào tháng 9 vừa qua, ông Antony Blinken, cố vấn chính sách đối ngoại chính cho ông Biden trong chiến dịch tranh cử và có khả năng được chọn cho vai trò hàng đầu trong bộ máy chính quyền, đã gọi Trung Quốc là “thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt từ một quốc gia khác về kinh tế, công nghệ, quân sự, thậm chí cả ngoại giao”. Đồng thời ông Antony Blinken cũng nói rằng Mỹ cần một liên minh gồm các nước đứng sau để tiếp cận Trung Quốc từ ‘một vị trí của sức mạnh’.


Bà Michele Flournoy, người được nhiều người cho là ứng cử viên hàng đầu cho chức Bộ trưởng Quốc phòng của ông Biden, cũng có ý kiến với những từ ngữ rõ ràng về cách chống lại sự tăng cường quân sự của Trung Quốc.


Trong bài viết của bà Flournoy trên tờ Foreign Affairs vào tháng Sáu vừa rồi, “Nếu quân đội Mỹ có khả năng đe dọa để đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu buôn của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ, thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới có thể suy nghĩ kỹ trước khi phát động phong tỏa hoặc xâm lược Đài Loan”.


Một chỉ dấu khác cho thấy chính quyền ông Biden có thể tiếp tục thực hiện chính sách của Tổng thống Trump đối với khu vực là vào lúc ông Joe Biden có cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison sau khi đắc cử, nhóm chuyển tiếp của ông đưa ra một tuyên bố nói rằng ông Biden mong được hợp tác để “duy trì một nền an ninh và thịnh vượng Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.


Thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã được chính quyền Tổng thống Donald Trump chấp nhận và trở thành nền tảng cho khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”, tạo nên cơ sở cho cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Biển Đông và chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở đó.


Việc sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của ông Biden có thể là một dấu hiệu cho thấy mặc dù nhiều phần trong chính sách đối ngoại của ông sẽ khác với chính sách của người tiền nhiệm, nhưng một số điều sẽ vẫn được giữ nguyên./